Hội nhập văn hóa và tầng nền tâm hệ Việt Nam – Phần I: A. Tầng nền ngầm của quá khứ

HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ TẦNG NỀN TÂM HỆ VIỆT NAM

 Hoàng Sỹ Quý, sj

Lời tựa: Đứng trên quan điểm thần học, người ta đã viết rất nhiều về nhu cầu của hội nhập văn hóa, và viết rất hay là khác. Và để kêu gọi Hội nhập, cả Tòa thánh lẫn Hội đồng giám mục Á Mỹ Phi cũng lên tiếng bao phen. Thế nhưng đã chẳng có gì đang kể được thi hành. Cũng chưa có mấy nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa vùng để đặt cơ sở cho những cải biến về thần học, phụng vụ và tu đức. 

Bởi thế, trong bài này, tôi nhìn vấn đề Hội nhập dưới góc độ tâm lý học chiều sâu. Tôi cố tìm ra cái cấu trúc của tâm hệ (psyché, psychisme) Việt, xem đâu là những yếu tố chính cấu thành tâm hệ ấy. Tiếp theo, tôi thử bắt liên lạc với tầng nền này cũng như thử vạch ra một hai hướng đi cho việc hội nhập. Như thế, tôi sẽ vào cuộc với bốn vấn đề đặt ra:

A. Tầng nền ngầm quan trọng của quá khứ.

B. Những thành phần của tầng nền tâm hệ Việt.

C. Một số yếu tố từ các thành phần nền tảng văn hóa Việt.

D. Thử bắt liên lạc với tầng nền huyền thoại Việt.

Đây chỉ là những bước đi còn chập chững của một hướng suy tư lúc khởi đầu, mà khởi đầu thì vạn nan. Mong được các bạn thiết tha với Hội nhập sửa sai và bổ túc.

A. TẦNG NỀN NGẦM CỦA QUÁ KHỨ

 Những ảo tưởng của thời đại ánh sáng

Bạn có thấy trẻ thơ sinh hoạt ra sao không? Trẻ thơ biết gì nói nấy, nghĩ sao làm vậy. Tâm tư chúng chưa có những ngóc ngách bí ẩn, đời sống tâm linh chưa xáo trộn, nên chưa có tật thương. Các nội dung tâm linh từ tiềm thức (préconscient) ngoi ra vùng sáng ý thức, để rồi lại rút lui êm ái, nhường chỗ cho một nội dung khác xuất hiện. Rất tự nhiên, nên cũng rất dễ dàng. Chưa có hàng kẽm gai nào giữa ý thức và sau lưng ý thức.

Chỉ khi thằng bé đã thành cậu lớn, cường độ ý thức mạnh và cường độ ý muốn cao, chỉ khi ấy mới có chọn lựa và tập trung, do đó có phân biệt đối xử: nội dung tâm linh này được kéo ra ve vuốt, nội dung tâm linh kia bị dồn nén vô trong.

Trong một vương quốc, việc chọn người kế vị dễ gây tranh chấp. Trong một tâm hệ (psychisme), sự rẻ rúng và ngược đãi nhất định thúc đẩy âm mưu phá bĩnh. Khi ấy, dù nội dung tâm linh có là thiên thần chăng nữa, nó cũng biến thành ác quỷ luôn, như Jung quả quyết?1

Sức mạnh tâm linh càng chìm càng gia tăng. Có những sức mạnh chìm thuộc bản năng tự nhiên và những sức mạnh nông hơn thuộc bản năng thứ hai, do cuộc sống tạo thành.

Thuộc bản năng thứ nhất, xét về mặt tinh thần, có các khuynh hướng tầm thiên, tầm chân, tầm thiêng.

Ai mà lại không có cảm thức thiện ác, nhờ đó biết phân biệt thiện ác, hễ làm lành thì an thỏa, hễ làm tà thì bứt rứt lương tâm? Ai mà lại không ham biết, biết cái này thật sự là cái gì, biết càng sâu càng hay, kể cả lý do hiện hữu của nó nữa? Rồi ai mà lại không có khả năng sơ ma, sợ mà vẫn thích nghe truyện ma, càng sợ càng thích, và có sợ mới thích? Do cảm thức thần thiêng này, ai đạt tới những kinh nghiệm huyền bí tối cao sẽ cảm thấy không gì hạnh phúc bằng hạnh phúc trong sự kết hợp với Đấng chí thánh.2

Ngoài bản năng tinh thần nói trên, con người còn có bản năng động vật nữa. Nhưng nơi con người, bản năng này đã thoái hóa thành dở dang, để nhường đất cho tinh thần khẳng định dần dần. “Bản năng tinh thần” chi phối đời sống ý thức, nhưng nó tác động từ trong vô thức.

Khác với bản năng động vật thúc đẩy từ phía sau và thúc đẩy mạnh ngay từ đầu, bản năng tinh thần phải khám phá liên tục, khi mà từ phía trước, nó chỉ làm vang tới trong ta một tiếng gọi âm u, tiếng gọi làm người. Quả thế, tinh thần không phải là mâm cơm dọn sẵn, tinh thần “phải đoạt chiếm mình bằng sức mạnh”.

Để tác động vào cuộc sống con người thân tâm hiệp nhất, bản năng tinh thần không thể không nhập vào một thân xác văn hóa, không thể không sử dụng một nội dung tâm linh, nghĩa là những ý tưởng và ảnh tượng, càng sâu càng tốt, càng già càng hay. Do đó mà mọc lên những nguyên tiêu (archétype, arkhêtypos), những biểu hiện tuỳ mỗi văn minh, những xu hướng và cách nhìn thuộc mỗi tâm thức (mentalité).

Như thế, kết hiệp với những cái từ bản tính mọc lên, có những yếu tố cấn đọng thành văn hóa, nhất là do lâu ngày chìm sâu thành vô thức, thành một thứ bản năng thứ hai. Như thế, cái mạnh nhất và cơ bản nhất ở tâm hệ đâu phải là cái rõ ràng, cái nổi hiện, ở ý thức và lý trí!

Điều nói về tâm hệ cá nhân cũng áp dụng được cho tâm hệ tập thể. Vì quả có tâm hệ tập thể dù không có con người tập thể. Xin nói rõ hơn, mỗi cá nhân chứa trong tâm hệ mình những thành tố (composants) cá thể và tập thể. Phần tập thể do di truyền mà có. Di sản càng lâu đời càng chìm sâu để tạo nên tầng nền vô thức phân biệt với tầng trên hữu thức. Hai tầng lớp có thể hòa hợp với nhau hay mâu thuẫn nhau.

Để chinh phục chính mình, con người cần sáng lên bằng lý trí và sáng lên bằng ý muốn. Do đó cần phát triển phần đất ý thức của mình. Có điều con người hôm nay thiên hẳn về lý trí, đặt lý trí trên hết, lấy lý trí làmtiêu chuẩn phán định cho tất cả. Thiên lý trí, họ đã ruồng rẫy những gì không lý tính, không “sáng sủa và rõ ràng”, như Descartes nói. Thế mà biết bao cái tối quan trọng lại không sáng sủa và rõ ràng, như đạo đức và tôn giáo, như quảng đại và yêu thương, như hiện sinh và bản vị. Sự thống trị của duy lý chủ nghĩa đã huỷ diệt khả năng phản ứng trước những biểu hiệu và tư tưởng huyền bí, do đó đẩy mau sự tan rã các giá trị đạo đức, siêu nhiên, mà hậu quả như Jung nhận xét, là sự hóa điên của đám người mệnh danh là văn minh, nhưng hành động dưới mức man rợ, như Đức quốc xã đã làm trong thế kỷ này3. Những hào quang khoa học và kỹ thuật ấy đã thiết lập nổi một kỹ thuật giết người năng suất rất cao. Họ giết người bằng những con tính khách quan, bằng sự lạnh lùng ma quái mà người man di, thậm chí thú dữ đã không làm nổi.

 Sự quan trọng của tầng nền vô thức

Suốt cho đến Freud, Adler, Jung, người ta chỉ quan tâm đến ý thức, chỉ coi lý trí là trọng. Freud đã chỉ cho thấy, cái nó quyết định vận mệnh và hạnh phúc, cái ấy là vô thức hơn là ý thức.

Bởi lẽ chỉ từ trong vô thức mới phát ra những xung động khiến ta ham muốn, do đó sướng khoái hoặc đau khổ. Bởi lẽ chỉ từ trong vô thức, mà Freud gọi là Id (Cái ấy), mới tiềm ẩn những khuynh hướng bản năng (tôi muốn nói bản năng tâm linh, psychique) và tiềm ẩn những sức mạnh phục thù khi những khuynh hướng ấy bật dội vào trong cấm cản (inhibition) và dồn nén (refoulement).

Bị dồn nén, những khuynh hướng bản năng thường không cam phận bao giờ, mà ở trong tư thế “tức nước vỡ bờ”. Đúng là phải vỡ bờ, vì một khi bị dội lại như thế, không bao giờ nó dám trở về ý thức bằng cổng chính nữa. Nó sẽ dùng tiếng lóng để nói, nói quanh để ý thức không thể nghe. Nó không tìm chính mình cái nó cần nữa, mà dùng cái khác để thế chân đối tượng. Nghĩa là nó ăn gian nói dối, nó đảo lộn trật tự và gây điêu đứng cho tôi. Điên điên khùng khùng là vì vậy. Những tâm bệnh ấy thuộc loại ngoại tiếp (psychose, liên quan đến thế giới bên ngoài) hay nội xử (névrose, do liên quan với khuynh hướng vô thức nhiều hơn).

Vì không dám trồi lên ý thức do dồn nén, cấm cản, khuynh hướng bản năng phải tìm một khe hở: giấc mơ. Hay tạo ra một khe hở: điên dại… Khe hở, đó là khi cường độ ý thức và ý muốn yếu hẳn đi. Khe hở thì hẹp, nên phải len lách, lén lút, bóp méo mình, nói quan bằng ẩn ngữ, bằng những biểu hiệu đặc biệt. Cốt sao che mắt được cái Tôi nó đứng gác nghiêm khắc ở ngưỡng cửa ý thức. Do đó, nội dung giấc mơ của kẻ ghen tương trong con người bị bệnh nội xử (névrotique) thì rất khác lạ đối với lúc thức. Còn ảo tưởng của người bệnh ngoại tiếp (psychotique) thì được chỉnh lại trong giấc mơ. Nói thật ra, như Freud nhận xét, dù ở những con người bình thường, lắm lúc cũng phát hiện triệu chứng của tâm bệnh nội xử. Sự mắc bệnh thường xảy ra vào lúc ấu thời, nhưng bệnh có thể tiềm phục đấy, hàng chục năm sau mới phát.

Sức tác động của những gì được nuốt vô trong tuổi thơ (ngay cả nơi người bình thường cũng có) còn làm nên cái mà Freud gọi là Super-Ego, Siêu ngã.

Đối với trẻ thơ, thế giới thu hẹp ở người mẹ, kế đó thêm người cha, thêm cả cô thầy… Ảnh hưởng lớn lao cùng với ý muốn, sự o ép của họ rồi sẽ tạo ra trong vô thức đứa bé một sự thống trị âm u có tên Siêu ngã ấy. Siêu ngã sẽ thế chân phụ huynh để suốt đời ra lệnh, xét nét, ngăm đe và trách cứ. Một cách rất nghiêm khắc cố nhiên. Nhưng chẳng bao giờ công khai rõ ràng. Khiến anh mãi sống trong trạng thái sợ hãi, bất an, đầy mặc cảm.

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *