C. VÀI BA YẾU TỐ TỪ CÁC THÀNH PHẦN NỀN TẢNG VĂN HÓA VIỆT
Những vết tích
Năm 1987-88, phim ảnh Tàu như Thuỷ Hử, Võ Tắc Thiên, như Na Tra và rồi Tề Thiên Đại thánh v.v tràn ngập các phòng chiếu video của ta, khiến các rạp chiếu bóng vắng hoe, phải la làng. Rõ ràng nhất là truyện chưởng. Bất cứ ai đã trót mang trong mình dòng máu các Chú (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore) hoặc dòng máu văn hóa các Chú (Việt Nam, Triều Tiên…) từ trong bản chất đều say mê truyện chưởng, loại chuyện mà người Âu, Mỹ, Phi, Tây đọc chẳng hứng thú gì. Phải, cũng như người Tây phương dù từ lâu vô đạo vẫn hiểu sâu ý nghĩa thập giá, thì người có chút hồn Tàu cũng dễ mê truyện chưởng. Mê ở chỗ nào thì giải thích khó xuôi đấy. Vì cái nó khiến truyện kiếm hiệp có gì tương hợp với cả Tàu lẫn Ta, cái ấy đã trở thành xương thịt của ta rồi, không còn rõ nét được trong những “ý tưởng sáng sủa và rõ ràng” nữa.
Quả có một tâm thức Việt, và trong tâm thức Việt có một ngăn dành riêng cho Trung Quốc, mà đi đâu cũng dễ nhận ra. Ở các cuộc họp mặt quốc tế chẳng hạn, người Âu Mỹ, người Ấn Phi thì lăng xa lăng xăng, trong khi người Tàu, Việt, Nhật thì cứ đứng một góc, không dễ bắt chuyện như người khác.
Văn minh Tàu là một văn minh nhân bản rất cao, nhưng nó nghiêng về đất hơn là về Trời, nên không sản sinh gì đáng kể về mặt tôn giáo cả. Trái lại, dòng họ Tàu rất hiểu việc trái đất, và vì coi trái đất ấy thiết thân với mình, nên họ chăm lo sửa sang nó, họ rất khéo và chịu khó làm ăn. Về mặt kỹ thuật và kinh tế, sau Âu Mỹ (dù Âu Mỹ hồi thế kỷ XV, XVI đã lợi dụng được cho bước đi của mình những phát minh của Trung Quốc về thuốc pháp, về la bàn về giấy và nghề in), nay đến lượt họ đang vượt lên hàng đầu, khởi sự là Nhật, kế đó, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Nam Triều Tiên. Chắc mai ngày sẽ tới lượt mấy quốc gia còn lại sau khi những trói buộc chân tay đã được cởi bỏ hết do chính sách mới.
Tuy nghiêng về đất do ảnh hưởng Tàu, nhưng do gốc đna và nhiều ảnh hưởng khác, người Việt không quá sà sà mặt đất như Tàu. Vì thế, khác với Tàu, tôn giáo ở Việt Nam dễ phát triển mạnh: Phật giáo, Công giáo và mấy đạo nội sản. Nhất là tại miền Nam này đã lọt sâu giữa lòng đna, và đna này lại được Ấn Phật hóa rồi.
Quả thật, người Việt Nam dễ tin, dễ mê tín, đồng thời ưa huyền bí, huyền nhiệm, ưa các môn tu luyện và dưỡng sinh. Nên đây là đất của mấy ông đạo, thầy bùa và các nhà lập giáo. Ở đây, người ta quen nói đấn thư yểm, xuất hồn, hiện ra, ưa những câu truyện về tiền thân của mình cách đây hàng thế kỷ: và đây là tồn tại của thuyết Duy hồn từ Thiên Trúc. Người ta cũng dễ rung cảm trước những ý tưởng như nghiệp báo: ảnh hưởng của thuyết luân hồi, cũng nguồn gốc Ấn Độ.
Với đna, người Việt lại nghiêng về mẫu hệ.
Người cha là lý trí, hành động và khuôn thước, còn người mẹ là sức sống và tâm tình. Nên với người mẹ dễ có cảm thông, còn với người cha mau có sự thụ lý. Cả hai yếu tố đều cần cho cuộc sống được thăng bằng.
Có điều dưới chế độ phụ hệ, đàn ông lấn át hẳn đàn bà, nên có lệch nghiêng. Chứ dưới chế độ mẫu hệ, đàn ông không bao giờ bị lép vế hẳn. Do đó trong chế độ này, dễ có bình đẳng nam nữ, dể có tâm hồn an tịnh, hiếu hòa, dễ có cái nhìn quân bình và sinh động.
Sự quân bình và hòa thái này sẽ mở rộng đến cả đất trời và đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Thái hòa trong cuộc sống, đó là điệu hát quan họ, câu hò Nghệ Tĩnh vang vang giữa cánh đồng vào lúc chiều xuống, hay trên sân đập lúa vào lúc trăng lên: nam nữ đối xướng vì đất rời cũng giao hoan.
Về vai trò quan yếu của nguyên tiêu Người mẹ trong cuộc sống, đối với Phật giáo hôm xưa và đối với Công giáo hôm nay, vai trò ấy sẽ được tìm hiểu trong phần D. Riêng trong phần này, tôi xin giới hạn việc dò tìm ở lớp đất văn hóa Trung Quốc, ở những gì mà Kitô giáo chúng ta có thể khai thác được. Đặc biệt về mặt khoa học đạo đức và tổ chức gia đình.