Hội nhập văn hóa và tầng nền văn hóa Việt (tt và hết)

Thật ra, Thần khí Kitô giáo là Sự sống và Tình yêu. Và vai trò của Ngài lại khuất lặn ở chiều sâu thẳm. Nên Thần khí quả có dáng sắc âm nhu của “nội tướng”. Trong những vai trò của Thần khí đối với con người Đức Kitô, thần học chỉ quen nói đến hành động của Ngài trong sự thành thai tự nhiên của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thế nhưng con người của Đức Kitô thì do đâu mà có đây? Há chẳng phải do Thần khí, một mình Thấn khí đấy ư? Mà như thế, thì Thần khí đúng là Mẹ của Đức Kitô về mặt siêu nhiên rồi, và cũng về mặt siêu nhiên này, Thần khí chẳng sinh ra tôi trong Đức Kitô đó ư? Thần khí là Mẹ viết hoa vậy. Ngài không phải chỉ có tính đồng trinh, Ngài là sự Đồng trinh cũng viết hoa khi Ngài là Tình yêu viết hoa.16

Hành vi và cuộc đời Đức Kitô là những khuôn mẫu mà ta phải rập sống theo. Rập theo ngay từ ngưỡng cửa của Đạo, trong Phép rửa. Phép rửa, theo sự giải thích của thánh Phaolô, đúng là huyền lễ (mystère), trong đó mỗi tuyển sinh chết đi với Chúa để sống lại nơi Người. Chết đi bằng sự dìm vào nước và sống lại bằng cử chỉ từ nước đi lên.

Trong huyền lễ ngoại giáo, người ta huyền diễn vào một hai thời kỳ trong năm mà thôi. Chứ Kitô hữu, sau Phép rửa, sẽ phải thường ngày sống Đức Kitô, thường hằng tái diễn cuộc đời Thầy bằng chính cuộc đời mình. Bằng cuộc đời, chứ không bằng nghi lễ suông. Thậm chí bằng cái chết liên tục trong hy sinh, và đây là mầu nhiệm Thánh giá được tiếp diễn ở Huyền thân (Corps mystique) của Chúa.

Cái vòng Hy sinh-Phục sinh được thúc động ở từng nghi lễ Phép rửa và ở từng Thánh lễ Tạ ơn (Eucharistie): – Hãy làm việc này mà tưởng niệm Thầy! Vì dâng lễ đúng là niệm tưởng cái chết của Thầy. Niệm đấy mà cũng làm sống dậy đấy. Làm sống dậy ở đây và vào giờ này cho chúng ta cũng như cho toàn thể thế giới. Niệm đấy cũng là hiệp thông đấy. Không phải vì sự sống tự nhiên này cho bằng sự sống siêu nhiên vốn đang quay vòng trong chu kỳ phụng vụ, trong chu kỳ cuộc sống, trong chu kỳ toàn sự sống để sẽ chỉ hoàn tất mai ngày ở trong Sự sống vĩnh cửu thôi.

Với ngoại dân xưa, huyền lễ là ân huệ của một thiểu số, những khai tâm sinh (initié), tuyển sinh hoặc thầy tế. Trong Kitô giáo, nó trở thành thức ăn và lẽ sống của mọi người mọi ngày. Một thức ăn thiêng liêng và lẽ sống siêu nhiên, nền tảng.

Cho thiểu số trong Kitô giáo, những tuyển nhân, thì có một món quà đặc biệt, tối cao lương, hoàn toàn mỹ vị: Huyền hiệp (union mystique). Huyền hiệp là tột đỉnh của phát triển trong cảm thức thần thiêng, mà huyền thoại chỉ là điểm khởi đâu thôi.

Huyền hiệp quả là thứ kinh nghiệm vượt quá xa trên huyền lễ, kinh nghiệm thần bí mà cao điểm của nó là “hôn nhân thiêng liêng”. Tôi không còn diễn lại cuộc sống của Chúa nữa, mà Chúa tự sống nơi tôi.

– Tôi sống mà không phải tôi sống, nhưng chính là Chúa Kitô sống nơi tôi!

Ở đây, cảm thức thần thiêng đã phát triển đến độ chót của nó. Và sự vào khuôn thần thánh cũng vậy. nên sướng thỏa hoàn toàn, và sự no thỏa ấy ăn đến tận nền tảng tâm hồn, cả về mặt thiêng liêng (spirituel) lẫn tâm linh (psychique). Do đó, thiết tưởng, những ẩn ức cũng dễ dàng giải tỏa, và tâm bệnh ngoại tiếp (psychose) cũng được chữa trị tại căn. Một thứ huyền nghiệm giả hay huyền nghiệm trục trặc có thể gây tật thương, chứ chân huyền nghiệm, ít là ở mức phát triển cao của nó, vì giải phóng được các năng lượng vô thức ở chỗ sâu kín nhất, chỉ có thể là liều thuốc thần cho những u ẩn tâm linh.

Huyền hiệp ở chỗ siêu vi nhất của nó có thể diễn ra ở cuộc đời sau, trong cái gọi là Phúc kiến (vision béatifique), lúc mà tôi đã được giải thoát khỏi sức nặng vật chất, để sống chỉ còn là tinh thần, và thân xác sẽ được “ăn theo” (tức là cũng sẽ được “thần hóa”).

 

Vai trò hữu ích và cần thiết của gốc Việt

Kitô giáo là tận đích và siêu đích của tiến trình mà điểm xuất phát là huyền thoại. Kitô giáo đã được chuẩn bị bằng niềm tin độc thần Do Thái giáo, bằng truyền thống ngôn sứ đã đưa con người vào sâu trong từ trường của Lời, cũng như bằng truyền thống hiến dâng cho cầu nguyện kiểu Anna Simeon, và sau cùng, bằng truyền thống bán tu khổ hạnh kiểu Essénien. Do Thái giáo quả đã sẵn sàng để vượt đèo về phía huyền lễ và huyền nghiệm Kitô giáo vậy. Nhờ thế, giữa dân Do Thái mới mọc lên được những Gioan nhìn ra lẽ huyền vi của sự sống siêu nhiên, và những Phaolô vọt tới “tầng trời thứ ba” của huyền hiệp. Kitô hữu không Do Thái thì ắt là chưa đủ tiềm năng tâm linh để leo tới những đỉnh cao ấy ngay.

Ngược lại, vốn đã được nhào luyện bởi huyền lễ, nên các dân vùng Địa trung hải hiểu liền và hiểu sâu ý nghĩa Phép rửa và Lễ Tạ ơn, nhờ đó góp phần quan trọng vào việc triển khai huyền lễ này. Sống ý  nghĩa Thập giá của hai huyền lễ này, họ đã sẵn sàng và hăm hở bước lên đài tử đạo. Kế đó, phải đợi đến thế kỷ III mới xuất hiện đời sống tu hành để vun xới cho mùa huyền nhiệm sẽ rộ hoa vào những thế kỷ sau.

Riêng mảnh đất Việt ta đã được sửa soạn thế nào để tiếp đón Kitô giáo đây?

Vào thế kỷ XVI khi Kitô giáo tới, Việt Nam đã được Nho hóa gần hai ngàn năm, và cũng từ trên mười thế kỷ nó đã thành Phật tử. Hai văn minh Khổng-Phật này đã chuẩn bị dân Việt cho những phiêu lưu thiêng liêng lớn, nhưng cùng lúc cũng phải mất hệ huyền thoại riêng của người Việt chúng ta.

Nho giáo là một hệ thống luân lý hơn là tôn giáo. Nên thấm nhuần Khổng học, người Tàu không phát triển gì về mặt thiêng liêng, tuy bằng những khuôn khổ đạo nghĩa, họ đã xây dựng được một gia đình bền chặt và một xã hội ngăn nắp.

Phật giáo tuy là đạo của thiểu số (các tăng ni), nhưng họ đã biến đổi để phục vụ cả đa số nữa. Dù sao, họ vẫn là đạo của huyền nghiệm hơn là của huyền lễ.

Mặt bằng đã được nện kỹ bằng hai thứ văn minh trên, nên hệ thuyền thoại non trẻ bị bóp nghẹt phía dưới, chỉ còn len lách được qua những khe hở dân gian ít ỏi. Cho nên, tìm ra được tầng nền huyền thoại Việt không phải chuyện dễ dàng. Chỉ còn phảng phất đôi nét nào đó qua một số truyện cổ tích. Nơi truyện cổ tích, cái hương vị thiêng liêng đã mờ nhạt rồi, nên vai trò khuôn mẫu nguyên thuỷ cũng yếu hẳn đi. Mà cũng không tìm đâu ra vết tích của huyền lễ nữa.

Tuy nhiên, nơi một vài cổ tích Việt, vẫn có thể lọc ra ít nhiều nét “nguyên thuỷ”. Như trong truyện ông Thánh Gióng và truyện Lạc Long Quân.

Ông Thánh Gióng, tức Phù Đổng Thiên Vương, đúng là Thần nhi nguyên tiêu. Đúng tiêu chuẩn của nguyên tiêu Thần nhi:

– Ấu thời dưới mức bình thường: không biết nói, cũng chẳng biết đi, biết bò, biết lẫy;

– Đột biến đúng lúc: bỗng nhiên nói được và lớn vụt lên, thần dũng lạ kỳ và hành tung huyền bí.

– Vai trò cứu thế: đuổi giặc Ân xâm lăng.

Nguyên tiêu Thần nhi rồi sẽ được thanh lọc và hoàn thiện trong Phật giáo. Sự thúc bách từ vô thức của nguyên tiêu này (cùng với cảm hứng từ phía Giáng sinh Kitô giáo) đã khiến Phật tử Việt ngày càng mừng Phật đản long trọng hơn. Có lẽ cùng một thôi thúc vô thức ấy đã tăng độ rung cảm cho người Việt Công giáo (và một số không Công giáo nữa) trước hang đá và máng cỏ.

Huyền thoại quan trọng hơn cả là huyền thoại Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy họ mẹ (Long nữ), giữ gốc mẹ (Rồng) và cuối cùng trở về nhà mẹ (biển). Từng ấy dấu vết mẫu hệ của dòng tộc Việt Nam và của chung vùng văn minh đna! Chẳng thế mà gốc mẹ đã lấn át để sơn thuỷ hài hòa: 50 con lên núi và 50 xuống biển. Dân Việt tự coi mình như một tổng hợp của cả Rồng lẫn Tiên.

Cái khuynh hướng mẫu hệ ấy rồi sẽ xâm nhập Phật giáo để cải biến nó và để được biến cải trong nó.

Phật giáo là đạo của đàn ông. Chính thức tu chỉ có tỳ khưu. Cộng đồng tỳ khưu ni phải dựa vào cộng đồng tỳ khưu mới tu được17. Các Đức Bồ tát đều là đàn ông, kể cả Quan thế âm (Avalokitésvara). Không hiểu sao đến Tàu, Quan thế âm lại thành nữ. Nhưng vị nữ Quan thế âm này chỉ thành phổ cập trong sùng bái ở Việt Nam.

Cũng tại Việt Nam, Quan thế âm đã thành mẹ. Thị Kính là sáng tác riêng của người vùng đất Giao Chỉ chúng ta. Được thúc đẩy từ vô thức, tuy ra đời khá muộn, Thị Kính vẫn là kết hợp đúng tiêu chuẩn của hai nguyên tiêu” Mẹ và Trinh nữ. Không phải mẹ do thân xác, mà do tâm hồn: vì thương đứa bé nên sẵn sàng làm mẹ nó, dù vì thế mà chịu tiếng oan. Cũng chẳng phải đồng trinh do toàn vẹn thân thể, nhưng do tu hành quyết chí. Như thế, khía cạnh địa quỷ (chtonien) của hai nguyên tiêu đã được lọc hết, và khía cạnh thiên khí (céleste) sáng chói lên. Đó là do hình thức thiên khí của chính Phật giáo. Và đó là tiến hóa bình thường của loài người. Con người thái cổ là con người xác thịt. Con người mới sinh cũng sống dựa vào xác thịt như thế. Từ xác thịt, con người phải vươn dần về phía tinh thần. Nó chống với sức nặng vật chất để cố gắng bay lên. Và như thế, các nguyên tiêu chi phối nó cũng rũ bỏ dần sắc diện địa quỷ để được thiêng liêng hóa.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *