Hai cơn khát bên bờ giếng Gia-cóp

 

Giacôbê Bùi Quang Dũng

Bạn thân mến,

 

Hôm nay tôi xin chia sẻ với bạn về câu chuyện bên bờ giếng Giacóp, chắc hẳn bạn là người công giáo, cũng nhận ra, đây là một cuộc gặp gỡ rất kỳ diệu phải không? Hình ảnh người phụ nữ Samari đi lấy nước lúc 12 giờ trưa gây cho tôi nhiều thắc mắc. Tại sao chị không đi vào buổi sáng, không đi vào ban chiều mà lại phải đi lấy nước giữa lúc 12 giờ trưa nắng gắt như thế? Phải chăng chị đang tránh né mọi người? Phải chăng chị đang cố né tránh tiếng xầm xì, soi mói của nhiều người, của bà con lối xóm về thực tế mà chị đang sống? Phải chăng chị đang sống mặc cảm với chính mình?

 

Thế nhưng bên bờ giếng có một “Người Lạ Mặt” đã biết chị trước, đang dừng chân và đợi chị: Đức Giêsu. Ngài là một người Do Thái và là người hỏi chị trước, để xin chị nước uống. Có lẽ lúc ấy chị bối rối lắm, nhưng Đức Giêsu đã gợi chuyện và đã phá vỡ được mọi ngăn cách. Ngài đã vượt qua ranh giới truyền thống vốn có của sự phân biệt giữa người nam và người nữ, giữa dân tộc và tôn giáo để tạo nên mối thân tình, mở đầu cho một cuộc gặp gỡ.

 

Hai cơn khát bên bờ giếng

 

Từ cơn khát của người đời, Đức Giêsu đưa chị đến ý thức hơn về cơn khát của nước trời và chính Ngài sẽ là Người mang cho chị Nước Hằng Sống ấy. Đức Giêsu gợi lên trong lòng người phụ nữ những thắc mắc để chính chị đi vào trong tương quan, đối thoại và mở lòng ra đón nhận luồng sinh khí mới. Đức Giêsu “Người Lạ Mặt” biết rất rõ cuộc sống của chị từ trước đến giờ và chạm vào những gì mà chị muốn dấu kín. Từ đó tâm hồn chị đã được chữa lành. Khi người ta có thể đối thoại và đi vào mối tương quan mật thiết, tâm hồn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chính khi tâm hồn được rộng mở, con người chị trở nên thanh thoát, làm chị quên bẵng đi nỗi khổ tâm của mình đang có và sự dè dặt của mình đối với người khác. Niềm vui như vỡ òa, chị để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người: “Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29).

 

Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian

 

“Không phải là lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết…”.

Nhìn lại hành trình đức tin của bạn và tôi, chúng ta có dám tuyên xưng Người là Đấng cứu độ của chúng ta không?

Có những đức tin mà bạn và tôi đã được dạy dỗ từ ông bà, cha mẹ, từ khi còn sống ở Việt Nam. Và cũng có những đức tin, chỉ có được… ngang qua các kinh nghiệm sống với cuộc đời, với mồ hôi, nước mắt, với những đau thương đầy nghi nan thất vọng. Và cũng có những đức tin, chỉ có được… ngang qua những khát khao trong lúc cầu nguyện, khi đọc Thánh Kinh, cũng như ngang qua một lần gặp gỡ như câu chuyện người phụ nữ Samari trên.

 

Một lần gặp gỡ – Chị đổi đời – Còn bạn? – Còn tôi?

 

Câu chuyện trên thật thú vị phải không bạn? Bên bờ giếng Giacóp xưa có 2 người đang khát ngay lúc giữa trưa. Còn bên bờ giếng xã hội ngày hôm nay, bạn và tôi đang khao khát điều gì? Giếng danh vọng, giếng của cải, giếng của những đam mê đua đòi hay với những cái giếng sâu không đáy.

Bên bờ giếng Giacóp xưa, chị đã để vò nước lại và đi làm chứng cho đức tin của mình bằng cách mời gọi mọi người đến gặp gỡ Đức Giêsu. Hành động trên của chị diển tả một sự trở về dứt khoát và một sức sống mới đã tràn vào tâm hồn chị. Giờ đây chị có cái vò nước mới, cái vò của đức tin vào Đấng Kitô, của chân lý, của sự thật, của sự sống sung mãn và của nguồn nước ”uống vào sẽ không còn khát nữa”.

 

Trong xã hội ngày hôm nay, đâu đó chắc cũng có những người đang tránh né bạn hay né tránh tôi. Hoặc đôi lúc vô tình hay cố ý chính mình làm cho người khác sợné tránh, bởi cái nhìn thiếu thiện cảm của mình. Tuy Chúa Giêsu không hiện diện với bạn, với tôi một cách hữu hình như bên bờ giếng Giacóp xưa kia, nhưng Ngài mời gọi bạn và tôi, là những người Kitô hữu, hãy RA KHỎI chính mình, hãy RA ĐI để gặp gỡ người khác và hãy đi bước trước để đến với người khác.

 

Chính Chúa Giêsu dạy cho ta biết bao nhiêu điều hay lẽ đẹp. Khám phá tương quan mật thiết với Chúa, sống với Chúa thật sâu đậm trong mỗi lần gặp gỡ, càng đi vào mối tương quan với Chúa trong chiều sâu ta mới có “sức” RA ĐI để làm chứng nhân cho Ngài. Từ đó, bạn với tôi sẽ sống với mọi người tốt hơn và sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn, thiện cảm hơn và đẹp hơn dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Để sự gặp gỡ tha nhân của bạn và của tôi, không là điều bất an cho người khác, mà là đem lại động lực để họ vươn lên như chính Chúa đã gặp gỡ người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp năm xưa, đã đem lại cho chị bình an và hoan lạc.

 

Hẹn gặp lại bạn lần sau với một câu chuyện khác nhé!

 

Thân chào bạn.

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *