Hiển nhiên là để đối ứng với việc cử hành “Ngày Lao Ðộng” của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.
Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Ngài huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.
Lời Bàn
“Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Eden, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”” (xem Sáng Thế 41:44).