Thánh Giáo Hoàng Piô X (1835-1914)
Thánh Giáo Hoàng Piô X có lẽ được nhiều người Công Giáo nhớ đến qua việc ngài khuyến khích chúng ta thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhất là trẻ em.
Tên thật của ngài là Giuseppe Melchiorre Sarto sinh ngày 02 tháng 6 năm 1835 tại Riese, Treviso, nước Ý và là người con thứ trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn. Ngài rất thông minh và cần mẫn làm việc. Học Tiểu Chủng Viện Padua, thụ phong linh mục năm 1858. Ngài đã từng làm phó xứ Tomholo, rồi chánh xứ Salzanô, và giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo Triều. Ðược phong làm Giám Mục giáo phận Mantoue năm 1884. Ngài đã chu toàn xứ mạng chủ chăn, chuyên chăm huấn luyện các giáo sĩ, để ý đến phụng vụ và giới nghèo.
Ngày 15 tháng 6 năm 1893, ngài được phong làm Hồng Y, Giáo Chủ Venise. Ngài là thượng phụ giáo chủ Venice ngày 15 tháng 6 năm 1893. Ngài lên ngôi giáo hoàng thứ 257 của Giáo Hội Công Giáo ngày 09 tháng 8 năm 1903 khi 68 tuổi, lấy danh hiệu là Pius X, và là một trong những giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ 20.
Luôn luôn nhớ đến gốc gác khiêm tốn của mình, ngài tuyên bố:“Tôi sinh ra nghèo nàn, tôi sống nghèo nàn và tôi sẽ chết nghèo nàn”. Ngài cảm thấy khó chịu vì hình thức bề ngoài ở giáo triều, có lần ngài ngấn lệ nói với một bạn thân, “Hãy coi phẩm phục mà người ta khoác cho tôi đây.” Với một người bạn khác, ngài nói: “Ðó là sự đền tội khi buộc phải chấp nhận các nghi thức này. Họ dẫn tôi đi với binh lính bao quanh như Ðức Giêsu khi bị bắt trong vườn Giệtsimani.”
Vì rất lưu tâm đến chính trị, ngài khuyến khích người Công Giáo Ý tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn. Một trong những hành động đầu tiên khi lên giáo hoàng là ngài chấm dứt sự can thiệp của các nhà cầm quyền vào việc bầu cử giáo hoàng – là một thói quen đe dọa sự tự do của cơ mật viện khi chọn tân giáo hoàng.
Vào năm 1905, khi Pháp bất đồng với Tòa Thánh và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của Giáo Hội nếu không cho phép chính quyền xen vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội, Ðức Piô X đã can đảm từ chối thỉnh cầu này.
Tuy ngài không ban bố các thông điệp xã hội nổi tiếng như vị tiền nhiệm, Ðức Piô X đã lên án việc đối xử tệ hại các thổ dân trong những đồn điền ở Peru, ngài cũng sai một ủy ban cứu trợ đến Messina sau trận động đất và xây dựng nơi tạm cư cho các người tị nạn mà chính ngài chịu sự tốn phí.
Vào ngày kỷ niệm ngài lên ngôi giáo hoàng năm thứ 11 thì Âu Châu rơi vào cuộc Thế Chiến I. Ðức Piô đã thấy trước điều đó, và viễn ảnh ấy đã giết ngài chết. “Ðây là sự đau khổ sau cùng mà Chúa gửi đến cho tôi. Tôi sẽ sung sướng hy sinh tính mạng để gìn giữ con cái đáng thương của tôi khỏi tai họa khủng khiếp này.” Lo lắng và đau khổ cho cuộc thế chiến đang bắt đầu, ngài từ trần ngày 20 tháng 8 năm 1914 sau khi cuộc chiến bắt đầu được vài tuần lễ và được Đức Giáo Hoàng Pius XII tôn phong Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Pius X lên bậc Chân Phước ngày 03 tháng 6 năm 1951 và chỉ bốn năm sau chính Đức Thánh Cha Pius XII lại nâng Chân Phước Giáo Hoàng Pius X lên hàng hiển thánh ngày 29 tháng 5 năm 1954.
Trong tiến trình điều tra tôn phong Chân Phúc cho ngài, mộ phần được khai quật lên, người ta phát hiện thi hài của ngài còn nguyên vẹn, nước da trở nên nâu sạm. Thi hài của ngài, gương mặt được phủ một mặt nạ bằng bạc trong phẩm phục giáo hoàng được đặt dưới bàn thờ cạnh tại nguyện đường Dâng Mình (Chapel of the Presentation) trong Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, Rome để mọi người kính viếng.
Lời Bàn
Quá khứ khiêm tốn của Ðức Piô X không phải là một cản trợ cho sự tương giao với Thiên Chúa và với người dân mà ngài thực sự quý mến. Ngài có được sức mạnh, sự nhân từ và nhiệt tình đối với dân chúng do bởi nguồn gốc của mọi ơn sủng, đó là Thần Khí Ðức Giêsu. Trái lại, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì quá khứ của chúng ta. Sự tủi hổ khiến chúng ta xa rời những người hơn mình. Ngược lại, nếu ở địa vị cao sang, chúng ta thường khinh miệt những người mộc mạc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, “mọi sự phải quy phục Ðức Kitô,” nhất là những người bị tổn thương của Thiên Chúa.
Lời Trích
Ðể diễn tả Ðức Piô X, một sử gia viết rằng ngài là “một người của Thiên Chúa biết sự bất hạnh của thế giới và sự khó khăn của đời sống, và với sự cao quý của tâm hồn, ngài muốn an ủi tất cả mọi người.”