Hành động hiệp nhất

 

Người có tâm hồn trong sạch là người nhìn thấy Thiên Chúa ở khắp mọi nơi; nhờ có lòng yêu mến Ngài hơn hết mọi sự. Dù nâng hồn lên, vượt khỏi mọi tạo vật, đến chỗ gần như trực tiếp nắm được Thiên Chúa, hay lao mình vào trong thế giới đang cần được hoàn bị và chinh phục – và đó là bổn phận của mỗi người – người công chính vẫn chỉ chú ý đến một mình Thiên Chúa mà thôi. Đối với họ, mọi vật đã mất đi sự đa phức bên ngoài của chúng.

 

Trong mỗi vật, tùy mức độ về phẩm chất và sức thu hút đặc biệt của chúng, Thiên Chúa cho phép ta thật sự nắm được Ngài. Đặc ân tự nhiên của tâm hồn trong sạch là được sống trong một sự duy nhất vô biên thượng đẳng. Khi ấy, ai lại chẳng thấy rằng tâm hồn đó sẽ nên duy nhất cho đến tận cùng? Và ai lại chẳng đoán ra được sự trợ giúp vô giá của nhân đức đối với các tiến bộ của sự sống?

 

Trái với kẻ tội lỗi buông trôi theo đam mê làm phân tán tinh thần của mình, vị thánh nhân sẽ theo một tiến trình ngược hẳn, thoát được sự phức tạp về tình cảm; là ký ức và hình ảnh sự đa phức nguyên khai của các thực thể. Chính nhờ đó, người ấy vượt qua được cái khả giác. Đối với họ, tất cả đều là Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả, Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là tất cả. Trên một đối tượng như thế, chứa đựng trong chính sự đơn giản của mình chân lý và mọi cái đẹp trên trời dưới đất —đối với cặp mắt, tấm lòng và tinh thần- thì các chức năng của tâm hồn đều hội tụ, tiếp xúc và được gắn lại với nhau nhờ ngọn lửa của một hành động duy nhất, trong đó sự hoàn thiện trùng lẫn với lòng mến. Vậy hành động đặc thù của sự trong sạch; chính là hiệp nhất các mãnh lực nội tại của tâm hồn trong hoạt động của sự say mê duy nhất, vô cùng phong phú lạ lùng. Cuối cùng, tâm hồn trong sạch chính là một tâm hồn đã vượt qua sức hút phức tạp và gây phân tán của mọi vật, để tôi luyện sự duy nhất của mình (nghĩa là để trưởng thành trong linh đạo) nơi ngọn lửa là sự đơn giản của Thiên Chúa.

 

Điều mà sự trong sạch làm nên ở bên trong mỗi một cá nhân, thì đức ái cũng thực hiện được giữa tập thể các tâm hồn, người ta phải ngạc nhiên (nếu suy nghĩ với một tinh thần chưa bị tê cứng vì thói quen) trước sự nhấn mạnh đặc biệt của Chúa Giêsu khi căn dặn mọi người phải yêu mến nhau.

“Yêu mến nhau là giới răn mới của Thầy, là dấu để nhận ra các môn đệ của Ngài, là vết tích chắc chắn ơn tiền định của chúng ta, là công cuộc chính yếu của mỗi một đời người.

 

Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tiêu chuẩn đức ái, sẽ bị luận phạt hay được giải án tuyên công là do ở đó. Thế nghĩa là thế nào? Nếu vấn đề chỉ là một lợi ích từ thiện, một sự giảm thiểu các đau khổ trên đời, một đời sống thoải mái hơn dưới đất, thì liệu có giải thích nổi sự nghiêm trọng trong giọng nói, trong các lời hứa và lời đe dọa của Chúa Cứu Thế chăng?… Không đâu, tình huynh đệ Ki-tô giáo không chỉ sửa chữa các lầm lỗi do bởi tính ích kỷ, và làm nhẹ bớt các vết thương do sự độc ác của con người gây nên. Nó là một cái gì đó khác hơn thứ thuốc giảm đau của người Samari nhân hậu đổ lên trên các vết thương xã hội…

 

Đức ái, khi kéo các tâm hồn lại gần nhau trong lòng mến, đã làm nảy sinh từ sự phối hợp đó một cái gì cao hơn. Nó bảo đảm sự liên kết giữa các tâm hồn. Nó làm tan biến lần hồi sự phức tạp của chúng. Nó làm cho thế giới tiến dần đến tinh thần Trong sạch – Bác ái. Người ta có thể cho rằng các nhân đức Ki-tô giáo đều ở trạng thái tĩnh, qua đó con người tự thôi miên vô ích trên lương tâm mình hay trì trệ trong một thứ thương xót tình cảm vô bổ. Luân lý của Chúa Giê-su xem ra e dè đối với những ai chủ trương chinh phục và mạnh mẽ tiến công các đỉnh cao mà sự sống đang vươn tới.

 

Thật ra, không một nỗ lực trần gian nào lại có tính xây dựng và tiến bộ hơn. Chẳng phải sức mạnh kiêu căng, nhưng chính sự thánh thiện của Tin Mừng mới cứu thoát và tiếp tục nỗ lực đích thật vào sự tiến hóa.

 

Tác giả: Teihard de Chardin, S.J.
Trích sách: “Ai là anh em tôi?”
Chuyển ngữ: Nữ Đan Viện Biển Đức

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *