Hôm nay Thứ Năm 21/4 ngày cuối cùng của chuyến hành hương và học tập tại Roma. Vì các phương tiện di chuyển công cộng sẽ đình công từ 8g đến 17g, không thuê được xe buýt, nên chúng tôi dậy sớm, ra đi ngay từ 6g45, qua các trạm kiểm soát an ninh, để kịp thời dâng thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào lúc 8 giờ sáng.
Đoàn chúng tôi được sắp xếp dâng lễ ngay trên mộ của hai vị Thánh Tông đồ Simon và Tađêô. Qua trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Cha GB chia sẻ tiếp tục tâm tình Đức Giêsu trước khi tạm biệt các môn đệ.
Với câu đáp ca: “Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi Tình Thương của Chúa đến muôn đời!” Chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời, đã đón nhận nhưng không biết bao hồng ân, biết bao phúc lành, vậy chúng ta đã cảm nhận được Tình Yêu Chúa dành cho mình chưa? Hay vì quá kiêu căng, tự phụ, mà cho rằng tất cả thành công đều do khôn ngoan, tài năng và nỗ lực bản thân mình? Nên nhớ rằng “mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi.” (Lc 12, 7) Thế thì chẳng còn chi nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu đã ý thức được Chúa yêu thương, chúng ta có biết chia sẻ lại tình yêu cho tha nhân, cho những anh chị em kém may mắn, khốn khổ, đói nghèo, hoạn nạn, tật nguyền chưa?
“Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi Tình Thương của Chúa đến muôn đời!” Chúng ta chưa thật sự bước vào ngôi nhà tình thương của Thiên Chúa, nếu chúng ta luôn bận rộn với bao lo toan công việc mưu sinh hay hưởng thụ hàng ngày. Hãy biết ơn và cảm tạ Lòng Thương Xót, hãy bớt thì giờ để quan tâm đến tha nhân, chia sẻ Lòng Thương Xót, làm việc bác ái, an ủi, qua việc thực hành Kinh Thương Người có 14 Mối.
“Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi Tình Thương của Chúa đến muôn đời!” Nhờ Tình Yêu Chúa, chúng ta được tràn trề niềm vui và bình an, điển hình như qua chính chuyến hành hương Thánh Đô này, chúng ta luôn được an vui trong tay Chúa Quan Phòng. Vậy, Tình Yêu Chúa đã chạm đến và đổi mới chúng ta chưa? Trong suốt 8 ngày hành hương, mỗi ngày Chúa đều ban cho chúng ta một hồng ân mới, một khúc nhạc mới. Thiên Chúa luôn là một bài trường ca bất hủ, dành cho con người khám phá và thưởng thức.
“Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi Tình Thương của Chúa đến muôn đời!” Mai này ra về, chúng ta sẽ ca ngợi điều gì? Chẳng lẽ chỉ là những đền đài, tranh tượng mỹ thuật, huy hoàng, vĩ đại? Chẳng nhẽ chỉ là những kỳ tích, thánh tích quý giá cổ kính? Không! Chúng ta phải trở nên nhạc sĩ biên soạn nhạc phẩm ngợi ca Tình Yêu Thiên Chúa, Lòng Thương Xót vô bến bờ, bằng chính thay đổi đời sống tích cực với Tin Mừng, bằng chính thái độ nhân ái, dấn thân phục vụ tha nhân, để cùng biết ơn, cảm tạ, ngợi khen Tình Yêu cao cả của Thiên Chúa.
Chúng tôi quây vòng tròn, đón rước Mình Máu Chúa, cảm nhận sâu sắc Chúa chính là tâm điểm của vòng tròn kết nối chúng tôi. Đồng thời Chúa còn là tâm điểm sống của cuộc đời mỗi người. Bài thánh ca Tâm Tình Hiến Dâng của Lm Oanh Sông Lam được cất lên, gói ghém trọn tâm tình chúng tôi dâng lên ca tụng, tôn vinh và cảm tạ hồng ân cao cả của Thiên Chúa.
Rời Đền Thánh Phêrô, đoàn được Cha Mai Kha dẫn đi coi Museum Vatican. Thật là bao la, đồ sộ và quý giá viện bảo tàng cổ kính này. Quá đông du khách vãn cảnh, nên chúng tôi chia ra nhiều nhóm nhỏ cho linh hoạt hơn. Nhóm chúng tôi khoảng 10 người do Cha Mai Kha phụ trách. Cha tận tình giải thích từng câu, từng chữ, từng ký hiệu, khiến chúng tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa và giá trị lịch sử từng hiện vật. nếu không thì chúng tôi cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chẳng ích lợi chi.
Bảo tàng Vatican là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Nơi đây trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá từ các bộ sưu tập lớn. Được Giáo Hội Công Giáo La Mã tạo dựng trong suốt nhiều thế kỷ. Cầu thang xoắn ốc trong bảo tàng Vatican là một trong những cầu thang nổi tiếng nhất thế giới, được chụp hình nhiều nhất. Thiết kế bởi Giuseppe Momo năm 1932 với những hình chạm bằng đồng của A. Marani, các bậc thang thấp làm cầu thang giống một xoắn ốc thoai thoải, xoay tròn. Vào Năm Thánh 2000 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho mở thêm cổng vào rộng lớn hơn với những phương tiện cần thiết giúp cho người tàn tật có thể sử dụng được. Trong bảo tàng Vatican có những tác phẩm điêu khắc cổ điển như thần Apolo, Venus, sông Nile, sông Tiber, Adriane ngủ. Đức Giáo Hoàng Sixto VI bắt đầu thu góp tác phẩm vào năm 1475 cho đến năm 1555. Sau đó phong trào chống đối Phục Hưng nổi lên cùng với lối nhìn luân lý chống lại nghệ thuật cổ điển đã làm cho việc thu góp các tác phẩm ở Vatican bị dừng lại. Năm 1756, Đức Giáo Hoàng Benedictô XIV thiết lập Bảo Tàng Viện Kitô giáo trong thư viện Vatican để “làm gia tăng vẻ đẹp của thành đô làm chứng cho chân lý tôn giáo.” (Tê-rê-sa Nguyễn Thị Tuyết Mai, Maria Trần Thị Loan, Maria Lê Thị Minh Châu, Viện Bảo Tàng Vatican)
Từ bảo tàng Vatican dọc theo một hành lang với nhiều tác phẩm vô giá bằng tranh thêu, tranh vẽ trên tường và trên trần nhà là lối dẫn vào nguyện đường Sistine. Nguyện Đường Sistine Nổi tiếng nhất trong bảo tàng Vatican là Nguyện đường Sistine được Đức Giáo Hoàng Sixto IV xây vào những năm 1473-1481 theo họa đồ của Baccio Pontelh.
Nhà nguyện Sistine do ĐGH Sesto 4 xây vào những năm 1473- 1481 theo đồ họa của Baccio Pontelh. Các bức tranh trên tường được vẽ vào những năm 1481- 1483. Kể từ đó trở thành nhà nguyện riêng của các Đức Giáo Hoàng. Các cuộc bầu Giáo Hoàng và nhiều lễ nghi quan trọng đều được tổ chức tại đây. Nhà nguyện nổi tiếng cũng vì đây là nơi các Hồng Y bầu Giáo Hoàng cũng như nhờ các bức vẽ trên tường. Michelangelo đã dùng tài năng siêu việt của mình để diễn tả cuộc sống con người từ lúc tạo dựng đến khi bị phán xét trước ngai tòa Thiên Chúa. Du khách cần dành nhiều thời giờ để chiêm ngưỡng công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa đã thực hiện dưới nét vẽ tài tình của danh họa Michelangelo, thiên tài của thời đại ông cũng như của mọi thời đại.
Hai mươi ba năm sau Michelangelo bít hai cửa sổ trên tường cũng như xóa các bức hình cũ để vẽ cảnh “Ngày phán xét chung” khi ông đã 60 tuổi trong vòng 6 năm 1535- 1541, dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô 3. Bức họa “Ngày phán xét chung” cao 20 thước và rộng 10 thước. Michelangelo dùng hết khả năng hội họa của ông để diễn tả Thiên Chúa ngự trên ngai vinh hiển phẫn nộ phán xét mọi loại trong ngày phán xét chung. Trên cùng là cảnh thiên thần khải hoàn mang thánh giá và cây cột Chúa Giêsu bị quân lính Roma buộc vào để đánh đòn: hai dụng cụ tượng trưng cho ơn cứu rỗi. Chính giữa là Chúa Kitô trong tư thế phán xét, đuổi những người bị án phạt ra khỏi mặt Ngài. Đứng bên cạnh là Mẹ Maria và chung quanh là các thánh. Bên trái là thánh Anrê với thập giá, thánh Lorenxo với cái vỉ sắc mà thánh nhân đã bị thêu sống. Bên phải là thánh Phêrô cầm chìa khóa và thánh Bartolomeo đang nhìn nắm da đã bị lột khi ngài chịu tử đạo. Thánh nhân cầm trong tay cái hình đầu người méo mó là Michaelangelo. Giữa trời và đất là nhóm thiên thần cầm loa báo hiệu ngày tận thế, ngày Thiên Chúa xét xử vũ trụ và loài người. Bên phải là những người lành được cứu rỗi đang lên Thiên Đàng: mặc dù ma quỉ tìm cách ngăn cản họ. Bên trái là những người dữ bị rơi xuống hỏa ngục mặc dù họ tìm cách cưỡng lại. Phía dưới là thần Charon đợi sẵn trên thuyền để chở họ đến với thần Minos là quan án tại hỏa ngục. Đây là hai nhân vật thần thoại Michaelangelo lấy lại của thi sĩ Dante. Minos có tai lừa nhưng gương mặt giống như Baggio de Cesena là vị chưởng nghi của ĐGH Phaolô 3, ỷ quyền chưởng nghi nên đã chửi mắng Michaelangelo khi trông thấy bức họa này. (Phía dưới bên trái) cảnh người chết sống lại khi nghe tiếng loa của các thiên thần. Trái đất rung chuyển, mồ mả mở tung và người chết đứng dậy.
Sau bữa trưa xong, Cha GB dành cho đoàn một buổi chiều mua sắm quà lưu niệm. Thầy Khải, vốn là thổ địa ở Rome dẫn các chị em đi mua sắm để khỏi bị bắt nạt, rồi hẹn nhau 16g về lại Foyer. Ai còn có thể đi tiếp thì Thầy Nam sẽ dẫn đi thăm một vài nơi nữa, như nhà thờ Thánh Mônica, thân mẫu Thánh Augustino, nhà thờ Thánh Catarina Siena,…
Một số anh chị em hy sinh về trước chuẩn bị cho buổi liên hoan tối nay, Hẹn nhau 7g tối sẽ dùng cơm chiều với quý Cha và quý Thầy đã ân cần giúp đỡ, lo lắng cho phái đoàn được mọi sự thuận lợi, lúc tới cho đến ngày về.
Buổi cơm tối nay thêm phần thịnh soạn, vì có bàn tay đóng góp của nhiều anh chị em. Cơm xong tổ chức trò chơi hỏi đáp Giáo Lý, Cha GB chia chúng tôi làm hai đội: Đội I có Thầy Nam và Thầy Hiệp, Đội II có Cha Mai Kha. Giám khảo là Cha Lịch và Thầy Triệu. Hết sức cởi mở, vui nhộn, thoải mái những trận cười, khiến cho quý Cha, quý Thầy đã xa nhà từ lâu, được hưởng niềm vui ấm áp, đùm bọc, trong tình thân thương huynh đệ.
Sau đó, mọi người cùng chia sẻ về việc học hỏi được những gì qua chuyến hành hương, tâm tình, cảm nghiệm riêng của từng cá nhân. Ai ai cũng hài lòng, tuy có những lúc mệt mỏi, nhưng với lòng cảm thông tất cả mọi người tham dự đều hết sức vui vẻ.
Chúng con chân thành biết ơn và cảm tạ quý Cha: Lm Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Thế, Lm Phanxicô Xaviê Nguyễn Mai Kha, cùng quý Thầy: Giuse Nguyễn Tiến Khải, Thầy Phêrô Lê Hoàng Nam, Thầy phó tế Augustino Nguyễn Thái Hiệp, Thầy Augustino Nguyễn Minh Triệu, Thầy Giuse Vũ Đức Anh Phương. Lòng nhiệt thành phục vụ của quý Cha và quý Thầy đã đóng góp biết bao công sức và thời gian, tổ chức chuyến hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót được thành công mỹ mãn.
Kính xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý Cha và quý Thầy. Kính xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban dồi dào phúc lành cho quý Cha và quý Thầy, tiếp tục hăng say phục vụ Nước Chúa.
Buổi sáng cuối cùng ở Thánh Đô, Thứ Sáu, ngày 22/4, chúng tôi lần lượt chia làm ba nhóm ra về. Nhóm I, khởi hành về từ 5g sáng. Nhóm II về 10g 30. Nhóm III cuối cùng về hồi 14g cùng ngày.
Nhóm I đã về từ sớm, hai nhóm còn lại dâng lễ tạ ơn tại nhà nguyện của của Foyer lúc 7g30. Tất cả đồng lòng hiệp ý cảm tạ Thiên Chúa, đã ưu ái ban cho chuyến hành hương được trọn vẹn, mang lại biết bao hồng ân cho tất cả thành viên tham dự.
Cuối lễ Cha Giám Đốc Gioan Trần Mạnh Duyệt, thân thương nói lời chia tay với đoàn hành hương khá “đặc biệt.” Cha GB vui vẻ đáp lại, ca ngợi Foyer Phát Diệm với tấm lòng hiếu khách, đã tiếp đón đoàn rất chu đáo và tận tình. Sau đó, trong bữa ăn sáng anh Antôn Nguyễn Dương Bảo, đại diện Ban Tổ Chức đoàn hành hương nói lời cám ơn và tặng quà quý Sơ đã thương yêu sớm tối lo lắng, phục vụ đoàn trong suốt những ngày qua.
Anh chị em còn ở lại đây buổi sáng, vội tận dụng thời gian quý giá, cùng rủ nhau ra Đền Thánh Phêrô viếng mộ và cầu nguyện với Thánh GH Gioan Phaolô II .
Chúng tôi, nhóm cuối cùng rời Thánh Đô đúng 14g. Riêng tôi mặc dù luyến tiếc chia tay bao ân nhân, bao đền đài, thánh tích, nhưng vẫn đem về biết bao niềm vui, bao cảm nghiệm thánh thiện. Nhất là thấm thía sâu sắc hơn Lòng Thương Xót, hành trình dân Chúa và Giáo Hội. Cũng như một cơ hội qúy báu duyệt xét lại bản thân các nhân đức Tin Cậy Mến, khi đứng trước các chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô rất gần gũi, như Cha Thánh Piô, Chân Phước André Phú Yên, Tôi Tớ Chúa, ĐHY Phanxicô Xaviê.
Mong rằng những đốm lửa Mến khai sáng từ Thánh Đô sẽ bừng cháy, rực lên ánh sáng chân lý, soi dẫn chúng tôi hăng say dấn thân vào hành trình Đức Tin. Bền vững Cậy trông vào Lòng Thương Xót của Chúa, nguồn mạch Tình Yêu, từng mỗi người chúng tôi sẽ luôn được hưởng bình an và niềm vui viên mãn.
Chúng con chân thành biết ơn, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con cuộc hành hương Thánh Đô Năm Thánh Lòng Thương Xót vô cùng ý nghĩa và hữu ích. Chân thành cám ơn Cha GB Nguyễn Ngọc Thế, cùng quý Lm, quý Thầy, quý Nữ tu đã tận tụy giúp đỡ chúng con chuyến hành hương thật trọn vẹn.
Hành Hương Thánh Đô Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016.
Thérèse Huỳnh Thị Thuý Hằng