Dường như có một sự đối lập một cách hữu lý được tạo nên để xác nhận những khẳng định sau:
1. Thiên Chúa hiện hữu.
2. Thiên Chúa thiện hảo.
3. Thiên Chúa toàn năng.
4. Sự dữ tồn tại.
Và dường như khi chấp nhận bất kỳ ba khẳng định ở trên thì đương nhiên từ chối cái khẳng định còn lại.
Nếu Thiên Chúa hiện hữu, Ngài chỉ muốn những điều thiện hảo và toàn năng để làm được mọi điều Ngài muốn thì khi ấy sự dữ không tồn tại.
Nếu Thiên Chúa hiện hữu và chỉ muốn những điều toàn thiện, nhưng sự dữ tồn tại, thì Thiên Chúa không thể làm được mọi điều Ngài muốn. Vì thế, Ngài không phải là Đấng toàn năng.
Nếu Thiên Chúa hiện hữu và toàn năng, đồng thời sự dữ cũng tồn tại thì Thiên Chúa muốn sự dữ tồn tại. Ngài không thiện hảo.
Cuối cùng, nếu “Thiên Chúa” được hiểu là “một hữu thể Đấng vừa thiện hảo vừa toàn năng” và sự dữ cũng tồn tại thì một Thiên Chúa như thế không hiện hữu.
Năm Giải pháp khả thể
- Người vô thần chối từ khẳng định 1, Thiên Chúa hiện hữu.
- Người theo thuyết phiếm thần chối từ khẳng định 2, Thiên Chúa thiện hảo chứ không xấu xa.
- Người theo chủ nghĩa tự nhiên hiện đại và thuyết đa thần cổ xưa từ chối khẳng định 3, Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Người theo thuyết đa thần giới hạn quyền năng của Thiên Chúa bằng cách phân chia Thiên Chúa thành nhiều thần nhỏ, một số tốt lành, một số xấu xa. Chủ thuyết tự nhiên hiện đại, chẳng hạn “thần học tiến bộ” , cũng làm tương tự khi giản lược Thiên Chúa như là một hữu thể thuộc thời gian và cũng có sự phát triển, một Thiên Chúa cũng có sự bất toàn và yếu đuối.
- Chủ nghĩa lý tưởng thì không cho rằng sự dữ có thực. Chủ thuyết này xuất hiện theo những cách thức khác nhau, như Ấn độ giáo Advaita, Khoa học Kitô giáo và nhiều tư tưởng Thời đại Mới. Tất cả họ đều nói rằng sự dữ là một ảo tưởng của ý thức con người chưa giác ngộ.
- Cuối cùng, thuyết hữu thần truyền thống (Kitô giáo chính thống, Do thái giáo và Hồi giáo) xác nhận tất cả bốn khẳng định trên và từ chối quan điểm cho rằng chúng mâu thuẫn với nhau. Điều này chỉ có thể xảy khi và chỉ khi có những thuật ngữ đa nghĩa nào đó.
Định nghĩa Sự Dữ
Hai nhầm lẫn thường xảy ra nhất đã làm cho vấn đề sự dữ trở nên phức tạp hơn mức cần thiết đó là (1) khuynh hướng coi sự dữ như là một hữu thể và (2) sự nhầm lẫn giữa hai loại sự dữ: thể lý và luân lý.
Nếu sự dữ là một hữu thể, thì vấn đề sự dữ không thể giải quyết được, vì nếu Thiên Chúa đã tạo nên nó thì Ngài không thiện hảo, còn nếu Ngài không tạo nên nó thì Ngài không là đấng tạo hóa toàn năng. Nhưng sự dữ không là một sự vật. Sự vật không là sự dữ trong chính nó. Ví dụ, một thanh gươm không phải là sự dữ. Thậm chí, nhát gươm chặt đứt đầu bạn cũng không phải là sự dữ trong hữu thể của nó – thực ra, nếu nó không là một nhát gươm “tốt” nó sẽ không chặt đứt đầu của bạn. Vậy, sự dữ ở đâu? Sự dữ ở nơi ý muốn, lựa chọn, ý định, chuyển động của tâm hồn mà khi đặt một trật tự sai lạc vào thế giới vật lý của sự vật và hành vi – một trật tự giữa thanh gươm và cái cổ của người vô tội, thay vì vào cái cổ của tên giết người hay những liên hệ của người vô tội .
Sự dữ có thực nhưng nó không phải là một sự vật thực. Nó không có tính chủ thể, mà nó cũng không là một thực thể. Thánh Âu-Tinh định nghĩa sự dữ như là tình yêu vô trật tự, ý chí vô trật tự. Sự dữ là một mối liên hệ sai lạc, một sự không phù hợp giữa ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tạo nên sự dữ. Chúng ta tạo nên sự dữ. Điều này được nói rõ trong chương 1 và 3 sách Sáng Thế về sự tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa và về sự sa ngã của con người.
Hiểu lầm chính yếu thứ hai về sự dữ là việc không phân biệt được sự dữ thể lý và sự dữ luân lý, tội và đau khổ, sự xấu chúng ta làm cách chủ động và sự xấu chúng ta chịu một cách bị động, sự dữ chúng ta muốn một cách tự do và sự dữ chống lại ý muốn của chúng ta, sự dữ mà chúng ta chịu trách nhiệm trực tiếp và sự dữ không thuộc trách nhiệm của chúng ta.
Chúng ta cần hai loại giải thích khác nhau cho hai loại sự dữ khác nhau này để giải thích cả nguyên nhân của chúng và sự chữa lành của chúng. Nguồn gốc của tội là từ ý chí tự do của con người. Nguồn gốc tức thời của đau khổ là do thiên nhiên hay đúng hơn do mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên, chẳng hạn chúng ta bị vấp chân, bị viêm phổi, hay bị chết đuối.
Vì thế, dường như Thiên Chúa không bị chỉ trích về tội, nhưng là về đau khổ trừ phi đau khổ bởi tội mà ra. Đây là điều đã được nói đến trong chương 3 sách Sáng Thế. Không giải thích như thế nào, nó chỉ nói cho chúng ta biết rằng những vất vả, nỗi đau đớn khi sinh con, tất cả là hậu quả của tội lỗi chúng ta.
Mối liên hệ giữa Đau khổ và Tội lỗi: Sự sa ngã
Nối kết giữa đau khổ và tội lỗi chẳng lạ lẫm gì như nhiều người vẫn nghĩ, nếu chúng ta nhớ đến nguyên lý hiệp nhất thể lý và tinh thần. Nguyên lý này, được hầu hết các trường phái tâm lý nhìn nhận, khẳng định rằng chúng ta không phải là những bóng ma trong những cỗ máy, không là những linh hồn bị cầm tù trong thân xác hay cũng không là thiên thần, nhưng là tổng thể xác-hồn. Linh hồn hay nhân cách của chúng ta là mô thể, và thân xác chúng ta là chất thể, cũng như trong một bài thơ thì ý nghĩa là mô thể, còn âm thanh hay chữ viết là chất thể.
Một khi chúng ta chấp nhận nguyên lý này, thì có thể hiểu rằng nếu linh hồn trở nên xa lạ với Thiên Chúa bởi tội đã phạm, thì thân xác cũng sẽ trở nên xa lạ với Thiên Chúa và sẽ trải qua kinh nghiệm nỗi đau và sự chết như là những hậu quả không thể tránh khỏi của tội. Đây không phải là những sự trừng phạt bên ngoài, võ đoán được thêm vào. Cái chết thiêng liêng (tội) và cái chết thể lý đi đôi với nhau vì tinh thần (linh hồn, lương tâm) và thân xác của chúng ta gắn liền với nhau.
Theo lối giải thích truyền thống, mà chúng ta ủng hộ, vấn đề trọng yếu đó là liệu việc Sa ngã có thực sự xảy ra trong lịch sử loài người hay không, chứ không phải là việc bạn giải thích khu vườn, con rắn, những cây và quả của nó theo nghĩa đen. Vì nếu những người theo chủ nghĩa tân thời đúng, tức là chương 3 sách Sáng Thế không có tính lịch sử nhưng chỉ là một câu truyện ngụ ngôn dạy rằng mỗi người chúng ta đã phạm tội, và Adam, Eva chỉ là hình ảnh biểu tượng của Joe và Maria nào đó, thì khi đó chúng ta sẽ lãnh lấy hai hậu quả thật kinh khủng.
Trước hết, nếu đã chưa bao giờ có thời gian vô tội, thì có nghĩa là Thiên Chúa đã không tạo nên chúng ta tốt lành như trong chương 1 sách Sáng Thế đã viết. Nếu từ ban đầu chúng ta là những tội nhân, thì đã cp1 ngay từ chính lúc khởi đầu của chúng ta và từ “lúc khởi đầu là Thiên Chúa”. Vì thế, Thiên Chúa sẽ bị chỉ trích vì đã tạo nên những tội nhân.
Thứ đến, nếu sự Sa ngã chỉ là điều mà mỗi chúng ta làm, thì tại sao không một ai trong chúng ta từ chối ăn trái cấm? Nếu trong số 10 tỷ người, mà cả 10 tỷ người chọn A và không ai chọn B thì thật khó để chúng ta tin rằng chúng ta thực sự tự do để chọn hoặc A hoặc B. Nếu vở kịch trong vườn Eden chỉ là vở kịch của thời nay theo nghĩa biểu tượng, thì tại sao nó không gây ấn tượng cho thời đại ngày nay, tại sao nó không là một “cái nếu”?, tại sao không ai chọn Eden và sự trong trắng vô tội?
Có hai lập luận rất chắc chắn về sự thật lịch sử của chương 3 sách Sáng Thế. Hầu như mọi bộ tộc, quốc gia hay tôn giáo suốt dòng lịch sử đều có một chuyện kể rất giống nhau. Một trong những câu chuyện thần thoại phổ biến nhất trên toàn thế giới là câu chuyện về một thiên đường đã mất, một thời gian không có sự dữ, đau khổ và cái chết. Chỉ có sự kiện là mọi người đều tin một cách bẩm sinh như thế về cùng một điều, tất nhiên không chứng minh được điều ấy là sự thật; nhưng ít nhất, nó cũng là một bằng chứng có ý nghĩa. Và nếu chúng ta chân nhận điều mà Chesterton gọi “nền dân chủ của người chết” và mở rộng đến mọi người, không chỉ đến “chủ nghĩa thiểu số tập quyền kiêu ngạo và nhỏ bé của nười sống”, một số ít người may mắn đang đi về trong xã hội tục hóa nhất và xa lạ nhất trong lịch sử, thì nó đặt ra một gánh nặng của việc chứng minh cho một thiểu số người hiện đại là những người chỉ trích câu chuyện thần thoại có tính hoàn cầu này.
Một bằng chứng thực nghiệm thứ hai về thời gian vô tội mang tính lịch sử và một việc Sa ngã cũng có tính lịch sử là bốn yếu tố đáng ghi nhận về điều kiện của con người.
- Mọi người đều khao khát hạnh phúc tròn đầy.
- Không ai hạnh phúc trọn vẹn.
- Mọi người đều mong có sự an toàn tuyệt đối và sự khôn ngoan trọn vẹn.
- Không ai có được sự an toàn và sự khôn ngoan đầy đủ.
Hai điều mà chúng ta hết thảy đều muốn cũng là hai điều mà không ai trong chúng ta có. Chúng ta hành xử như thể chúng ta nhớ về Eden và không thể một lần nữa nắm bắt lại được nó, giống như những ông vua và bà hoàng trong những bộ đồ cũ lang thang khắp nơi trên thế giới để tìm lại ngai vàng của mình. Nếu chúng ta chưa bao giờ là trị vì, thì tại sao chúng ta tìm kiếm một ngai vàng làm gì? Nếu chúng ta mãi là những kẻ hành khất, thì tại sao chúng ta lại bất mãn? Những ai sinh ra là những người hành khất trong xã hội của những người hành khất thì chấp nhận chính mình như là người hành khất. Việc chúng ta, một cách vẻ vang và thiếu sáng suốt, không tuân theo lời khuyên trước hết và lớn nhất của những nhà tiên tri thời đại chúng ta (những nhà tâm lý xu thời) – rằng chúng ta không chấp nhận chính mình như mình là – điều đó đưa đến một kết luận mạnh mẽ rằng ít nhất là chúng ta khao khát một cách vô thức và cách nào đó nhớ về một tình trạng tốt hơn trước đây.
Để giúp hiểu việc tạo dựng và sự Sa ngã, thì hình ảnh về 3 chiếc nhẫn kim loại bị hút lơ lửng bởi một miếng nam châm sẽ thật hữu ích. Nam châm biểu trưng cho Thiên Chúa. Chiếc nhẫn đầu tiên là linh hồn, cái giữa là thân xác và cái cuối là tự nhiên. Bao lâu linh hồn nối kết với Thiên Chúa, thì đời sống gắn bó này giữ cho toàn bộ chuỗi đời sống thống nhất với nhau, từ đời sống thần thiêng đến đời sống linh hồn, đời sống thể xác và đời sống tự nhiên. Ba cái nhẫn này hòa hợp với nhau, hiệp nhất với nhau và gắn kết với nhau. Nhưng khi linh hồn tự do tuyên bố tách khỏi Thiên Chúa thì chiếc nhẫn đầu tiên tách mình khỏi nam châm và hệ quả không thể tránh được đó là toàn bộ chuỗi những chiếc nhẫn sẽ tách khỏi nam châm và tách rời khỏi nhau.
Khi linh hồn tách khỏi Thiên Chúa thì thân xác tách rời khỏi linh hồn, nghĩa là, nó chết, và cũng tách khỏi tự nhiên, nghĩa là, nó chịu khổ. Vì thẩm quyền trên thân xác của linh hồn là thẩm quyền đại diện, như là thẩm quyền của con người trên tự nhiên. Khi Thiên Chúa bị từ chối thì người thừa quyền mà Người ủy nhiệm cho cũng bị khước từ. Nếu bạn nổi dậy chống nhà vua, thì những người thừa hành của vua sẽ không còn phục vụ bạn nữa. Vì vậy, cả đau khổ và tội lỗi là do con người chứ không phải do Thiên Chúa.
Định nghĩa “Ý chí Tự do”
Có lẽ, cách rõ ràng nhất để định nghĩa thuật ngữ quan trọng thứ hai của chúng ta, “ý chí tự do”, là đặt nó tương phản với nền triết học chối bỏ nó, đó là thuyết tất định.
Theo thuyết tất định, mọi điều chúng ta làm đều có thể được giải thích hoàn theo hai nguyên nhân: di truyền cộng với môi trường. Ý chí tự do thêm một nguyên nhân thứ ba cho hoạt động của chúng ta: ý chí của chúng ta, cái mà đến lượt nó, không hoàn toàn là kết quả của di truyền.
Di truyền và môi trường ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Nhưng chúng không quyết định những hành vi ấy. Giống như nước sơn và cái khung tác động đến một bức tranh nhưng không quyết định nó. Chúng là những tác nhân cần nhưng không là những tác nhân đủ cho những hành vi tự do.
Luận chứng đơn giản nhất về sự hiện hữu của ý chí tự do là việc quan sát cách thức chúng ta sử dụng ngôn từ. Chúng ta ca ngợi, chỉ trích, ra lệnh, tư vấn, khích lệ hay dạy bảo nhau. Áp đặt những điều này cho những con rô-bốt thì thật là phi lý. Chúng ta không bắt những cỗ máy chịu trách nhiệm luân lý về điều chúng làm, cho dù những cỗ máy ấy có phức tạp đến đâu. Nếu không có ý chí tự do, tất cả ý nghĩa luân lý sẽ biến mất khỏi ngôn ngữ và cuộc sống.
Vấn đề tiếp theo là tại sao Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do và cho phép chúng ta lạm dụng nó? Vấn đề này dễ làm chúng ta nhầm lẫn. Một người có thể làm cái bàn bóng lên hay cho đứa trẻ một con ngựa nhỏ, nhưng anh ta không làm cho tam giác có 3 cạnh, hay ban cho con người ý chí tự do. Ý chí tự do là phần bản chất của chúng ta. Không người nào không có tự do. Không có ý chí tự do thì không phải là một con người nhưng là một con vật hay một cỗ máy
Định nghĩa sự Toàn năng
Thuật ngữ thứ ba cần được định nghĩa là thuật ngữ toàn năng, vì vấn đề sự dữ rõ ràng là sự xung khắc giữa sự dữ với Thiên Chúa toàn năng và thiện hảo. Nếu “Thiên Chúa có thể làm được mọi sự” tại sao Ngài không tạo nên một thế giới không có tội lỗi?
Câu trả lời là Ngài đã làm, theo sách Sáng Thế chương 1 và 2. Nguồn gốc sự dữ không hệ tại quyền năng của Thiên Chúa nhưng ở nơi tự do của con người. Vậy, tại sao Thiên Chúa không tạo nên một thế giới trong đó con người không có tự do? Bởi vì nếu thế thì đó là một thế giới không có con người, một thế giới không có tình yêu lẫn thù hận. Tình yêu chỉ nảy sinh từ ý chí tự do. Loài vật không biết yêu, chúng chỉ thích hoặc có tình cảm mà thôi.
Nhưng không có một thế giới con người tự do nhưng không có tội lỗi à? Đúng là như thế. Và Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới như thế. Nhưng một thế giới như thế – một thế giới trong đó không có chỗ cho tội lỗi – thì tất yếu cũng là một thế giới trong đó tội lỗi vẫn có chỗ. Và nếu có con người đi nữa, nghĩa là, những tạo vật có ý chí tự do, thì tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của họ mà khả thể có tội có tồn tại hay không.
Nhìn dưới khía cạnh khác, thậm chí sự toàn năng không thể tạo nên một thế giới trong đó con người thực sự tự do mà lại không thể phạm tội, vì lẽ tự do của con người bao hàm một tự do phạm tội. Thực ra, “Thiên Chúa có thể làm được mọi sự”, nhưng sự tự mâu thuẫn vô nghĩa như thế thì chẳng ý nghĩa gì. Một sự tự mâu thuận vô nghĩa là một thế giới trong đó có sự tự do chọn lựa đích thực, nghĩa là, khả thể chọn điều tốt hay điều xấu – và đồng thời không có khả năng chọn điều xấu. Hỏi rằng tại sao Thiên Chúa không tạo ra một thế giới như thế thì cũng giống như hỏi tại sao Thiên Chúa không tạo nên màu sắc không màu hay tạo nên hình vuông mà tròn.
Không phải tất cả những nhà tư tưởng Kitô giáo đồng ý với khái niệm toàn năng. Một vài người cho rằng quyền năng của Thiên Chúa bị giới hạn không bởi điều gì cả, thậm chí cũng không theo lối lý luận của chúng ta. Lối nhìn này dường như bị thúc đẩy bởi lòng sùng đạo và khao khát tin tưởng vào một Thiên Chúa hoàn thiện. Nhưng cái nhìn đó không miễn chước một sự nhầm lẫn thuộc nhận thức. Chúng ta tin rằng đây là sự hiểu lầm không chỉ về Thiên Chúa mà còn cả về mặt luận lý nữa.
Thật là một sự hiểu lầm về Thiên Chúa khi cho rằng việc tạo nên hay thực hiện một sự tự mâu thuẫn vô nghĩa như thế thì không phải là sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Đúng hơn, đó là sự kiên định của Ngài – Thiên Chúa không bao giờ tự mâu thuẫn với chính mình – đó là sự hoàn thiện. Cũng có sự hiểu lầm ở đây về mặt luận lý. Luật không mâu thuẫn không phải là luận lý của chúng ta. Đó không phải là qui tắc do bởi con người, giống như điều luật chơi 9 lượt chứ không phải 10 lượt trong môn bóng chày. Luật không mâu thuẫn chính là chân lý khách quan cho mọi sự. Chúng ta khám phá ra nó, chúng ta không tạo ra nó. Nó không phải là việc lặp lại cùng một ý tưởng bởi những từ ngữ khác nhau, hay lặp lại bởi cùng một từ ngữ chẳng hạn như X = X. Nó là một chân lý phổ quát, vĩnh cửu, khách quan về thực tại. Nó dựa vào bản tính của Thiên Chúa như là Đấng duy nhất, không đổi, và nhất quán với chính Ngài. Liên hệ hóa, hay chủ quan hóa hay nhân tính hóa luật không mâu thuẫn là coi thường phẩm tính Thiên Chúa. Đó không phải là sự sùng kính.
Vì thế, cho dù một Thiên Chúa toàn năng thì Ngài cũng không thể mạnh mẽ ngăn cản tội lỗi mà không loại bỏ tự do của chúng ta. Điều “không thể” này không có nghĩa là quyền năng của Ngài gặp phải những cản trở ngoại tại, nhưng đúng hơn (như Lewis nói) “sự vô nghĩa không ngừng trở nên vô nghĩa khi chúng ta thêm những từ ngữ ‘Thiên Chúa có thể’ trước nó”.
Định nghĩa sự Tốt lành
Trước hết, chúng ta phải nhất trí rằng, sự tốt lành có nghĩa hơn cả “sự tử tế”. Tử tế là ý muốn giải thoát người mình yêu thương khỏi sự đau đớn. Thỉnh thoảng, tốt lành không hẳn phải tử tế. Nha sĩ, bác sĩ phẫu thuật, các huấn luyện viên, giáo viên, hay cha mẹ tất cả họ biết điều này. Nếu tốt lành chỉ có nghĩa là tử tế, thì một Thiên Chúa cho phép đau đớn xảy ra cho con người trong khi Ngài có thể hủy bỏ nó thì không phải là một Thiên Chúa tốt lành. Một Đức Kitô chỉ chữa lành vài ngàn người trên thế giới này nơi mà có hàng triệu người đang đau thương sẽ không còn là Đấng tốt lành nữa.
Nhưng chúng ta càng yêu nhiều, chúng ta càng vượt xa hơn sự tử tế đơn thuần. Chúng ta chỉ tử tế đối với con cái của những người xa lạ nhưng lại khắt khe hơn với con cái của mình. Chúng ta chỉ tử tế đối với loài vật; chúng ta giết chúng để chúng không còn đau đớn nữa. (Vì vậy, hầu hết những người ủng hộ an tử tin rằng con người chỉ là những con vật thông minh và tiến bộ). Nhưng chúng ta có những niềm hy vọng lớn hơn dành cho con người: chúng ta hy vọng không chỉ sự giải thoát khỏi nỗi đau, nhưng còn sự giải thoát khỏi những nết xấu, sự ngu dốt và tội lỗi.
Thiên Chúa cho phép có đau khổ và ít nếm trải cảm giác tuyệt dịu của sự thoải để giúp chúng ta hướng đến cái tốt đẹp lớn hơn từ sự giáo dục tinh thần và luân lý. Thậm chí những người ngoại biết rằng: các vị thần dạy khôn ngoan nhờ đau khổ.
Thiên Chúa để Gióp chịu đau khổ không phải vì Ngài thiếu yêu thương ông nhưng rõ ràng là vì Ngài yêu ông để dẫn đưa ông đến hạnh phúc được chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện (Gióp 42:5). Đó chính là hạnh phúc tột bậc của con người. Đau khổ đào sâu nơi Gióp một khoảng không to lớn để ông có thể được Thiên Chúa lấp đầy bằng niềm vui và bằng chính Ngài. Kinh nghiệm này của Gióp trở nên kiểu mẫu cho mọi đau khổ của các vị thánh.
Thiên Chúa cho phép chỉ những đau khổ nào có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho chúng ta. Không phải mọi điều chúng ta làm đều tốt, nhưng mọi điều Thiên Chúa làm đều tốt cho chúng ta, kể cả việc Ngài không can thiệp cách mầu nhiệm để giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Giống như những bậc cha mẹ làm hết bài tập về nhà cho con cái mình.
Định nghĩa Hạnh phúc
Bây giờ chúng ta bàn đến thuật ngữ còn mù mờ, hạnh phúc. Cùng với hai thuật ngữ toàn năng và tốt lành, tính mù mờ (của thuật ngữ hạnh phúc) nằm ở giữa nghĩa phổ biến, nông cạn và nghĩa mang tính triết học, nghĩa sâu hơn. Nghĩa nông cạn tạo nên vấn đề sự dữ; nghĩa sâu hơn giải quyết nó.
Nghĩa nông cạn về hạnh phúc (theo nghĩa của thời đại chúng ta) trước hết, nó mang tính chủ quan. Hạnh phúc theo nghĩa này là một cảm xúc. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc, bạn hạnh phúc. Thứ hai, hạnh phúc này chỉ ở hiện tại, một hiện tượng tạm thời. Mọi cảm xúc đến và đi, cảm xúc hạnh phúc cũng thế. Thứ ba, hạnh phúc này phần lớn là “tình cờ”, nghĩa là do ngẫu nhiên hay do may mắn. Nó là “sự may mắn tốt lành”. Nó nằm ngoài kiềm soát của chúng ta. Cuối cùng, nguồn mạch của hạnh phúc này có tính ngoại tại. Nó bao gồm những thứ đại loại như trúng số, thắng trong cuộc chơi Super Bowl, khoái cảm thân xác, uy tín, hay sức khỏe. Nó có thể là tiền, sex và quyền lực, không phải là sống nghèo khó, phải giữ khiết tịnh hay vâng phục một ai.
Ý nghĩa sâu xa, cổ hơn về sự hạnh phúc thì rõ ràng bắt nguồn từ từ Hy Lạp eudaimonia. Trước hết, đây là một tình trạng khách quan, không phải là cảm xúc chủ quan. Điều đó không phải là nếu chỉ khi bạn cảm thấy hạnh phúc, bạn mới hạnh phúc. Một người ngồi trong bồn nước cả ngày, chơi với con vịt bằng nhựa và cảm thấy hài lòng nhưng anh ta không hạnh phúc. Nero tắm máu những người Kitô hữu và cảm thấy sung sướng, nhưng ông ta không hạnh phúc. Hạnh phúc đối với linh hồn giống như sức khỏe đối với thân xác. Bạn có thể cảm thấy mình khỏe mà không có cảm giác khỏe, và bạn có thể cảm thấy hạnh phúc mà không cảm thấy hạnh phúc thật. Bạn cũng có thể hạnh phúc mà không cảm thấy hạnh phúc, như Gióp chẳng hạn, ông đã học được sự khôn ngoan ngang qua đau khổ. Câu nói của Chúa Giêsu “Phúc (hạnh phúc khách quan) cho ai sầu khổ (cảm thấy một sự bất hạnh chủ quan)” (Mt 5:4) diễn tả sự phân biệt này.
Thứ đến, hạnh phúc chân thực là một tình trạng vĩnh viễn, là vấn đề của cả đời người, không phải là một khoảnh khắc thoáng qua. Nó do chúng ta chi phối và chọn lựa. Sự khôn ngoan và nhân đức là nguyên nhân tác thành hạnh phúc chân thực, cả hai điều này là những thói quen tốt chúng ta có được do thực hành, không phải quà tặng may mắn nhận được một cách tiêu cực. Cuối cùng, nguồn mạch của hạnh phúc mang tính nội tại, không có tính ngoại tại. Chính một tâm hồn tốt lành, chứ không phải một tài sản kếch xù trong ngân hàng đem lại hạnh phúc cho bạn.
Sự quan phòng của Thiên Chúa sắp xếp đời sống chúng ta trong ánh sáng của hạnh phúc chân thực, như cứu cánh của ta, bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng tốt lành và yêu thương. Điều này không nhất thiết bao hàm một hạnh phúc theo nghĩa nông cạn. Thực ra, để có hạnh phúc chân thực, chúng ta cần được lấy đi những thứ hạnh phúc theo nghĩa nông cạn này. Vì hạnh phúc chân thực đòi hỏi sự khôn ngoan, sự khôn ngoan đòi hỏi trải qua đau khổ. Như Rabbi Abraham Heschel đã nói giản đơn như sau: “Một người không trải qua đau khổ, thì thử hỏi anh ta có thể biết được gì?”
Hạnh phúc sâu xa ở trong tinh thần, không ở nơi xác thịt hay thậm chí cảm xúc. Nó giống như một cái neo cắm sâu và giữ chắc ở dưới đáy biển trong khi bão tố giận dữ trên bề mặt. Thiên Chúa cho phép những cơn bảo thể lý và tình cảm xảy ra để làm cho cái neo giữ chặt hơn, thiêu đốt để thử thách và làm cho chí khí của chúng ta thêm vững chắc. Tâm hồn chúng ta phải trở nên như lưỡi gươm sáng, chắc chắn, và sắc bén. Đây là số phận của chúng ta, là kế hoạch của Chúa. Chúng ta không phải là đồ chơi, chúng ta là những thanh gươm. Điều đó đòi hỏi phải được tôi luyện trong lửa. Thanh gươm của cái tôi được tạo nên để hát ca mãi mãi trong ánh sáng mặt trời, như các thiên thần Seraphim. Nếu chúng ta có thể có được một chút cái nhìn đúng về số phận dành cho chúng ta trên trời này, nếu chúng ta hiểu được tại sao chúng ta được tiền định để xét xử các thiên thần (Cr 6:3), thì chúng ta sẽ không cho là có vấn đề trong những đau khổ của Gióp. Thánh Têrêsa thành Avila đã nói rằng cuộc đời đau khổ nhất trên thế giới này, nếu được nhìn với viễn cảnh thiên đàng, chỉ như một đêm trong một khách sạn không được tiện nghi.
Sự quan phòng và Sự tự do
Một khi hiểu được năm thuật ngữ đã bàn ở trên, chúng ta có thể hiểu sâu hơn mối liên hệ giữa sự quan phòng của Thiên Chúa với tự do của con người.
Thiên Chúa thấu biết mọi sự, và sự hiểu biết của Ngài là vĩnh cửu. Vì thế, Ngài phải biết điều chúng ta sắp chọn trước cả khi chúng ta chọn nó. Thế thì làm thế nào chúng ta có thể chọn bất cứ điều gì một cách tự do? Tự do dường như bao hàm một sự chọn lựa; tôi có thể chọn con đường đức hạnh hay con đường trụy lạc. Nhưng nếu đã bị tiền định từ đời đời, tôi chỉ có thể chọn con đường này và không chọn con đường kia, như thế, tôi thực sự chẳng có tự do trong việc chọn lựa. Khi dựng nên tôi, Thiên Chúa dường như cũng đã tạo nên tất cả những chọn lựa của tôi. Vì thế, những chọn lựa của tôi hóa ra không là của tôi nhưng là của Chúa. Hai kết luận nguy hiểm này đưa đến những điều sau: (1) Nếu Thiên Chúa hiện hữu, tự do của con người là không thể có; và (2) Thiên Chúa là tác giả gây ra tội. Vấn đề này là vấn đề về sự quan phòng và sự tự do.
Chúng ta sẽ trả lời vắn tắt cho vấn đề này. Trước hết, khi chúng ta nói rằng sự hiểu biết của Thiên Chúa là vĩnh cửu hay từ đời đời Ngài biết những chọn lựa mà bạn sẽ thực hiện, thì chúng ta không có ý nói rằng ở một thời điểm trong quá khứ Ngài biết bạn sẽ chọn làm điều gì trong tương lai và sự biết này của Ngài ấn định bạn phải làm điểu đó. Thay vào đó, chúng ta có ý nói rằng loại hiểu biết Thiên Chúa có (giống như loại hữu thể Ngài có) không bị giới hạn trong bất cứ cách thức nào bởi những lực cản trần thế như xảy ra đối với sự hiểu biết của chúng ta. Thời gian là thước đo của những hữu thể chuyển động, biến dịch; nói cách khác, thời gian cũng là một thụ tạo như những thụ tạo khác. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, thì vượt quá thước đo này. Hữu thể Ngài siêu vượt thời gian và mọi sự vật giống như thế.
Một cách tự nhiên chúng ta nghĩ về sự vĩnh cửu của Thiên Chúa như thể là kéo dài mãi về quá khứ và hướng mãi đến tương lai. Đó là bởi vì ngôn ngữ của chúng ta phản ánh loại hữu thể chúng ta có: sự hữu hạn, thay đổi và giới hạn bởi thời gian. Chúng ta biết rằng hữu thể Thiên Chúa không như thế. Vì thế, sự hiểu biết của Ngài không thể nhìn tới hay nhìn lui. Thiên Chúa thấy với một cái nhìn duy nhất và vĩnh cửu tất cả những chọn lựa tự do của chúng ta như chúng thực sự hiện hữu, được đặt vào trong không gian, thời gian hay hoàn cảnh.
Thứ hai, nếu Thiên Chúa tạo nên chúng ta để được tự do, thì tự do của chúng ta là một quà tặng được tạo nên. Điều ấy có ý nói, quyền năng tạo dựng và gìn giữ của Thiên Chúa phải hiện diện trong mỗi hành vi tự do của chúng ta. Con người không có tự do tuyệt đối để có thể loại bỏ nhu cầu cần đến Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa thực sự là Đấng Tạo Hóa, là nguồn hữu thể của mọi sự, thì Ngài phải ban hữu thể ấy cho tự do của chúng ta. Quyền năng của Ngài không thể là một sự cản trở đối với những hành vi tự do của chúng ta, như điều ấy sẽ xảy ra nếu Ngài là một người khác, không phải là đấng có quyền năng vô cùng – giống như một người thôi miên, một người cực kỳ tài năng có thể khiến chúng ta làm theo mệnh lệnh của mình trong khi chúng ta lại nghĩ chúng ta hành động theo tự do riêng của chúng ta. Các thụ tạo có thể hành động theo tự do riêng mình đối với tạo vật khác; chứ không bao giờ là đối với Đấng Tạo Hóa. Không có Thiên Chúa không có tự do cho chúng ta. Và không có chúng ta để hưởng tự do.
Có nhiều bài thần học chuyên sâu viết về vấn đề quan phòng và tự do. Chúng tôi không đi vào dòng chảy tối tăm và vẫn còn nhiều khúc mắc này. Nhưng xét như là những Kitô hữu chúng tôi đưa ra suy tư này: nếu Thiên Chúa thực sự dấn thân mạnh mẽ vào việc trao ban hữu thể cho những chọn lựa tự do của chúng ta, cho mọi hành vi của chúng ta, hãy nghĩ xem tội lỗi phải là điều đáng sợ biết là dường nào. Thiên Chúa đã cam kết tạo nên và bảo dưỡng những điều đó cho chúng ta, những kẻ sử dụng món quà tự do ấy để gây tổn thương cho người khác và để ghét bỏ Thiên Chúa. Quyền lực của những người đóng đinh tay và chân Con yêu dấu của Thiên Chúa rốt cục lại đến từ chính Thiên Chúa. Nếu tự do có một cái giá rất đắt, thì chắc chắn Thiên Chúa phải trả cao hơn phần của Ngài.
Áp dụng thực hành
Vấn đề sự dữ như là luận chứng chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa thì không quan trọng bằng việc sự dữ phá vỡ mối liên kết giữa con người với Thiên Chúa, một sự tách biệt thiêng liêng. Vì thế, việc trả lời hữu lý cho vấn đề sự dữ theo lý thuyết thì không quan trọng bằng việc mỗi cá nhân trả lời về vấn đề sự dữ trong thực tiễn. Đấng cứu độ thì quan trọng hơn một nhà hộ giáo.
Vấn đề lý thuyết khiến chúng ta thấy mình thiếu hiểu biết và thắc mắc. Vấn đề thực tiễn giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình. Đức Kitô đến và giải quyết vấn đề thứ hai, không phải vấn đề đầu. Đức Kitô không phải là một triết gia.
Tội lỗi chỉ có thể được loại bỏ bởi Thiên Chúa, vì tội lỗi là hệ quả của việc phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Sự xấu hổ chỉ là hệ quả của nỗi sợ hay đổ vỡ của con người theo chiều ngang nhưng tội lỗi thì theo chiều dọc và siêu nhiên. Một nhà tâm lý tốt có thể giúp bạn vượt khỏi sự xấu hổ nhưng không giúp bạn tự do đối với tội. Ông ta có thể giúp bạn thoát khỏi mặc cảm tội lỗi nhưng không giúp bạn thoát khỏi tội lỗi thực sự. Ông ta có thể cho bạn thuốc gây mê, nhưng không thể chữa lành vết thương của bạn. Tâm lý có thể làm cho bạn cảm thấy tốt, nhưng chỉ tôn giáo nhờ tương quan với Thiên Chúa mới có thể làm cho bạn trở nên tốt.
Điều đó giải thích tại sao Thiên Chúa ban Con Một của Ngài, không ai trừ Đức Giêsu Kitô có thể đẩy lui tội lỗi. Tin vào hy tế đền bù của Ngài là giải pháp duy nhất cho vấn đề sự dữ. Niềm hy vọng duy nhất của chúng ta không phải ở nơi giải pháp tốt, nhưng ở nơi “tin tốt”, Tin Mừng.
Thần học gia vĩ đại Karl Barth được hỏi khi về già điều gì là tư tưởng sâu sắc nhất Ngài từng có trong nhiều năm làm thần học. Ngài đã trả lời khẳng khái rằng: đó là “Đức Giêsu yêu tôi”
Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics
Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli
Còn tiếp