Tham dự tĩnh tâm để học cầu nguyện
Tạ ơn Chúa vì trong nhiều năm gần đây, chúng ta có nhiều nhà tĩnh tâm được khánh thành. Nơi đây đúng như tên gọi, nhà tĩnh tâm để giúp người tham dự được an tĩnh trong tâm hồn. Nói cách khác, họ dành trọn thời gian để được ở với Thiên Chúa. Nhất là trong thời đại quay cuồng căng thẳng như hiện nay, tĩnh tâm thực sự là phương pháp tốt giúp chúng ta sống hạnh phúc và bình an. Do đó, nếu bạn nghe loáng thoáng nơi nào có thể tĩnh tâm, hoặc bạn bè rủ mình đi tĩnh tâm, cứ mạnh dạn thử một lần cho biết.
Nếu bạn chưa biết cầu nguyện, cũng có thể tham dự tĩnh tâm để học cầu nguyện. Nếu bạn muốn đọc Kinh Thánh đúng cách, hãy tham dự một khóa tĩnh tâm để cầu nguyện với Lời Chúa. Thực tế nhiều Hội Dòng đang cố gắng tạo những môi trường thuận lợi để giúp giáo dân có thể tham gia tĩnh tâm nhiều hơn. Nhất là vào mùa hè, rất nhiều sinh viên đã tham gia những khóa tĩnh tâm nơi các nhà Dòng, chủng viện hoặc các cơ sở tĩnh tâm. Nếu mục đích của những khóa tĩnh tâm này nhắm đến việc giúp bạn cầu nguyện, trò chuyện với Thiên Chúa trong bản văn Tin Mừng, thì thật tốt để bạn đăng ký tham dự. Hơn nữa từ thế kỷ thứ XIII Giáo hội xem Sách Thánh là trường dạy khoa học cầu nguyện một cách đơn giản nhưng sâu sắc. Những bài học ấy sẽ dễ tiếp thu hơn, nếu bạn được tham dự tĩnh tâm, ở lại và ở trong Chúa.
Lãnh vực thiêng liêng cũng cần học tập. Chính các môn đệ cũng xin Đức Giêsu dạy họ biết cách cầu nguyện. Đây là môn học thực hành, nghĩa là bạn càng tập, càng có môi trường tốt, bạn càng có kinh nghiệm cầu nguyện. Hơn nữa, tĩnh tâm là khoảng thời gian rất đặc biệt chỉ một mình bạn với Thiên Chúa. Tuy có người đồng hành giúp bạn cầu nguyện, nhưng chính Thiên Chúa với bạn khám phá ra những kinh nghiệm quý giá trong những ngày thinh lặng này. Thực tế tĩnh tâm là thời gian ít chia trí, bạn ít bị làm phiền. Trong tâm trạng mong được gặp Chúa, bạn có thể khám phá ra diện mạo của Đức Giêsu trong Kinh Thánh. Tĩnh tâm giống như một khóa đào tạo cụ thể để bạn biết cách nguyện cầu. Vả lại, nếu gặp những khó khăn bạn cũng được giúp đỡ. Từ từ bạn sẽ tự tin để bước vào thế giới Kinh Thánh. Với kinh nghiệm này, khi trở về môi trường sống hằng ngày, bạn biết cách tạo cho mình không gian suy niệm lời Chúa.
Gan dạ thánh thiện
Nếu bạn chưa từng đi tĩnh tâm, có lẽ bước khởi đầu hơi khó khăn. Ngay từ vòng “gửi xe” bạn có thể ngần ngại bước vào không gian của tĩnh lặng. Cha Jean Lafrance SJ, người giúp tĩnh tâm linh thao nhắn rằng: “Nếu vì cuộc sống quá bận rộn, suốt cả tuần lễ bạn không có thì giờ cầu nguyện, thì nhất thiết bạn phải thực hiện một cuộc cách mạng tận gốc, không những bạn phải tổ chức lại ngày giờ của bạn, mà nhất là phải xét lại đời sống thiêng liêng của bạn. Bởi vì đó là dấu hiệu báo cho biết tình yêu Thiên Chúa đã bị phai nhạt và sút giảm nơi bạn rồi! Bạn có còn hứng thú nghe Lời Chúa nữa không? Khi có thì giờ, bạn có dùng nó cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa không?”[1]
Nếu đủ can đảm bước vào thời gian tĩnh tâm, bạn sẽ khám phá nơi đó không phải là thời gian sầu buồn. Đôi khi “chúng ta phải chứng tỏ mình là người gan dạ thánh thiện, vì Chúa giúp người can đảm.” (Thánh Têrêsa Avila). khi đó chúng ta mới có hy vọng cảm nghiệm được hoa trái của tĩnh tâm. Thậm chí hằng năm họ dành vài ngày để một mình ở với Chúa, được cầu nguyện với Kinh Thánh. Ở các nước khác, chi phí cho tĩnh tâm không hề rẻ, tuy vậy nhiều người sẵn lòng trả tiền để có được nơi chốn, dịch vụ tốt để họ cầu nguyện. Nói như thế để bạn cũng cảm thấy tĩnh tâm thật thú vị.
Nếu là người trẻ, bạn hãy can đảm một lần thử bước vào không gian nguyện cầu này. Nơi đó không có điện thoại, càng không có Internet. Chỉ có bạn và nhóm cầu nguyện. Các bạn sẽ có nhiều dịp cầu nguyện với Kinh Thánh. Nếu bạn đang đi làm, hãy dành vài ngày có thể để nghỉ ngơi trong Chúa. Tĩnh tâm nghĩa là không làm gì hết, chỉ thư thái nguyện cầu. Khi đó hy vọng tâm hồn bạn được bình an, cuộc sống được cân bằng và nhất là bạn có kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Ba hình thức tĩnh tâm
Theo truyền thống của Giáo hội, tĩnh tâm thường có ba hình thức sau:
- Tuần đại phúc: Đây là thời gian dành cho mọi người sắp xếp thời gian đến nghe giảng, xưng tội và tham dự thánh lễ. Nhất là vào các dịp lễ lớn như Mùa Chay hoặc Mùa Vọng, rất nhiều nơi tổ chức tĩnh tâm, mà ta quen gọi là tuần Đại Phúc. Nếu bạn muốn tập cầu nguyện với Kinh Thánh thì những loại tĩnh tâm này không phù hợp lắm.
- Tĩnh tâm cấm phòng: Tiếng Việt mình thật hay khi dùng chữ “cấm phòng” để chỉ thời gian tĩnh tâm. Người tĩnh tâm thường chọn một khoảng thời gian, không gian tĩnh lặng để tổ chức khóa tĩnh tâm. Thậm chí nơi đó tách rời với cuộc sống hằng ngày, tách biệt với khu dân cư. Mục đích của khóa tĩnh tâm là giúp bạn đào sâu tương quan với Chúa và tìm ý Chúa. Theo cách này, bạn có thể được giúp để áp dụng các phương pháp cầu nguyện khác nhau, kể cả ăn chay hoặc hãm mình.
- Tĩnh tâm chuyên sâu: Chẳng hạn các thầy tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức linh mục; các sơ tĩnh tâm để khấn trọn; bạn tĩnh tâm để học cách cầu nguyện cách chung, hoặc cụ thể chỉ để học cầu nguyện với Kinh Thánh. Chúng ta ước mơ rằng nhiều nhà Dòng có thể mở những cuộc tĩnh tâm chuyên biệt này để giúp nhiều người tiếp xúc với bản văn Thánh Kinh. Nhất là trước lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các bạn và cả phía người giúp có được những ngày ở lại với Chúa. Chính Chúa sẽ dạy cho bạn cầu nguyện với Lời của Ngài. Bên cạnh bạn có người hướng dẫn, đồng hành. Nếu bạn trải qua những ngày tĩnh tâm kiểu này, tôi tin bạn sẽ có kinh nghiệm thực tế để khi về nhà, bạn tiếp tục cầu nguyện với Thánh Kinh.
Học hay cầu nguyện với Kinh Thánh?
Cần lưu ý là cả ba hình thức trên đây đều không phải là thời gian để bạn thuần túy học Kinh Thánh. Cần phân biệt sự khác nhau rất lớn giữa tìm hiểu Kinh Thánh và suy niệm Kinh Thánh. Mục đích của nghiên cứu hoặc học Kinh Thánh là để hiểu thông điệp, nắm bắt được bản văn; trong khi đó suy niệm là bạn cần cảm nhận bản văn. Học thường liên quan đến trí thông minh, khối óc; trong khi đó, cầu nguyện liên quan đến con tim, đến cảm xúc của bạn. Thực tế không phải lúc nào chúng ta có thể phân biệt trắng đen giữa hai điều này. Như chia sẻ của một cha nổi tiếng về giúp tĩnh tâm linh thao, Jean Lafrance SJ cho rằng: “phần học hỏi Lời Chúa và phần cầu nguyện ăn khớp chặt chẽ với nhau. Như thế kinh nghiệm cầu nguyện sẽ dễ dàng và có hiệu quả mong muốn[2]. Trong tĩnh tâm, có thể bạn cũng được người tĩnh tâm giúp hiểu bản văn trên bình diện học thuật, nhưng sau đó, chính bạn cần cảm thụ và lắng nghe Lời Chúa đang nói với mình. Chẳng hạn: “Đoạn Lời Chúa này, câu này, từ này đang nói gì với tôi? Tôi có khi nào gặp tình huống này trong cuộc sống mình không?”. Với ánh sáng Lời Chúa, tôi cảm thấy những gì tôi cần thay đổi và cảm thấy Chúa đang yêu tôi? v.v.
Chúng ta tạm kết đề tài này ở đây. Nếu bạn muốn đi tĩnh tâm, cứ theo dõi thông tin hoặc dò hỏi để tìm chỗ tĩnh tâm. Nếu bạn muốn học cầu nguyện với Kinh Thánh, cứ thử đi tĩnh tâm để Chúa dạy bạn cầu nguyện. Tôi tin người giúp tĩnh tâm có thể trao cho ban những cơ hội tốt nhất để bạn gặp Chúa. Phần còn lại là quyết định của bạn: Đi hay không đi…?
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Jean Lafrance S.J, Cầu nguyện với Chúa Cha trong thầm lặng, tr. 192
[2] Jean Lafrance S.J, Cầu nguyện với Chúa Cha trong thầm lặng, tr.10