Trong hơn mười tháng qua, khi Giáo Hội Công Giáo mời gọi toàn thể các tín hữu tái khám phá và sống lòng thương xót của Thiên Chúa cách đặc biệt, nhiều nỗ lực nghiên cứu, suy tư cũng như thực hành đã sinh hoa kết quả. Có thể coi đó là một cuộc hoán cải có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực trong đời sống đức tin của Giáo Hội. Nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội đã và đang được chiêm ngắm càng lúc càng nhiều và sâu hơn dung mạo của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.
Đã hẳn, những năm thánh hoặc những chủ đề khác nhau cho đời sống đức tin không là những phong trào hay những chiến dịch có tính thời vụ. Đúng hơn đó là hoa trái của thời gian nhận định và cầu nguyện mà Giáo Hội ước ao đáp lời Thần Khí vốn đang hoạt động mạnh mẽ trong lòng Giáo Hội và thế giới. Với ý nghĩa này, việc suy nghĩ, sống và thực hành lòng thương xót sẽ không khép lại với ngày bế mạc Năm Thánh. Ngược lại, những hoa trái thần học với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau trong thời gian này sẽ tiếp tục được đào sâu và biến thành quan điểm, lối nghĩ, lối sống của các tín hữu.
Số 50 của Hợp Tuyển Thần Học ra mắt bạn đọc với ước muốn đi tiếp hành trình khám phá Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, dù chỉ bằng vài đề tài tản mạn. Tập san này bắt đầu với bài nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước của Lm. Phạm Tuấn Nghĩa, S.J. về câu chuyện của bà Hannah trong sách Samuel (1Sm 1,1-28; 2,18-21), khi Thiên Chúa “dủ lòng thương xót” cất đi nỗi buồn hiếm muộn con cái của bà và tặng cho bà Samuel, người trở thành một thủ lãnh kiệt xuất trong lịch sử dân Do Thái. Với bài nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước, Lm. Cao Gia An, S.J. trình bày sự dịch chuyển từ lòng thương xót nơi Đức Giê-su Ki-tô sang sứ mạng của các môn đệ, đặc biệt trong đoạn Tin Mừng Mt 9,36-38. Bài viết của Lm. Trần Thanh Tân, S.J. lượng giá mối liên hệ đặc biệt giữa công bình và thương xót, nhất là trong tư tưởng của thánh Tô-ma Aquinô, chỉ ra sự khác biệt trong tư tưởng của thánh nhân và những gì cần bổ sung theo đòi hỏi của Tin Mừng. Bài viết ngắn của Lm. Nguyễn Hai Tính đưa ra một vài yếu tố căn bản cho việc xây dựng một nền thần học trong tương lai về lòng thương xót. Cuối cùng, chúng tôi giới thiệu một bài viết của Lm. Karl Rahner, S.J. trong đó nhà thần học lỗi lạc đưa ra một điểm nhấn Ki-tô học quan trọng về lòng lương xót: lòng thương xót dành cho tha nhân có nền tảng từ lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa và chính Đức Kitô Nhập Thể là mẫu gương và phần thưởng cho việc thực hành lòng thương xót của con người.
Ngày bế mạc Năm Thánh sẽ đến, nhưng Lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người vẫn muôn đời tồn tại. Thách đố lớn nhất của lòng thương xót chính là thực hành. Khi chúng tôi viết lời tựa cho số HTTH này, thì chiến cuộc ở Syria vẫn chưa chấm dứt, và tình trạng tang thương của các thường dân vô tội vẫn chưa được cải thiện. Trước khi để bạn đọc tham khảo những bài viết trong số này, chúng tôi ao ước lặp lại một phương diện của lòng thương xót mà chúng tôi không có dịp đào sâu ở đây: đó là lòng thương xót trên bình diện chính trị quốc tế. Trong Tông Sắc “Dung mạo của lòng thương xót” số 23, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể thế giới thực hành lòng thương xót. Ngài viết:
“Tôi tin chắc rằng Năm Thánh này cử hành lòng thương xót của Thiên Chúa Chúa sẽ thúc đẩy một cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và những truyền thống tôn giáo cao quý khác; cầu xin cho nó mở ra cho chúng ta sự đối thoại càng nhiệt thành hơn, để chúng ta biết và hiểu được người khác tốt hơn; cầu xin cho nó có thể loại bỏ tất cả các hình thức khép kín đầu óc và thiếu tôn trọng, và xua tan mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử.”
Cũng vậy, Đức Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem Fouad Twal trong thư mục vụ nhân dịp năm thánh lòng thương xót cũng nhấn mạnh:
“Lòng thương xót không bị giới hạn trong các mối tương quan giữa các cá nhân nhưng còn phải thấm nhập trong đời sống cộng đồng, trong mọi phương diện của đời sống chung (chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, v.v…) trên nhiều mức độ: quốc tế, vùng miền hay địa phương, và trong mọi khuynh hướng khác nhau (giữa các nhà nước, các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và tín ngưỡng…). Chỉ khi lòng thương xót trở nên một yếu tố thúc đẩy các thực hành công cộng, thì những thực hành này mới có khả năng chuyển đổi thế giới từ một xã hội chỉ vận hành ngang qua những lợi ích duy kỷ sang một xã hội được xây dựng trên những giá trị tôn trọng con người. Chính lòng thương xót sẽ tác động đến việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Thực thi lòng thương xót là một hành vi chính trị cao cả, nếu ta hiểu chính trị theo nghĩa cao đẹp nhất của nó, nghĩa là chính trị đảm nhận việc duy trì đời sống của toàn thể gia đình nhân loại bằng những giá trị đạo đức, trong đó lòng thương xót là một thành tố căn bản, một thành tố đối trọng với bạo lực, đàn áp, bất công, với lối hành xử bạo quyền và óc thống trị.”
Ước mong những tư tưởng trên cùng với các bài viết trong số 50 của HTTH này giúp quý vị độc giả kết thúc năm thánh Lòng Chúa Thương Xót với lời tạ ơn và tiếp tục đào sâu tâm tình này không ngừng nghỉ.
Sách được bán tại:
xin giải thích thần học bàn quỳ là gì ?
Thần học thư viện là gì?
việc kết hơp giữa thần học bàn quỳ và thần học thư viện nghĩ là gì?
xin cảm ơn.