Hướng Dẫn Sống Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 ngày 10 tháng 5

Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 10/5/2020

 

VẤN ĐỀ LỰA CHỌN BẬC SỐNG VÀ XÉT MÌNH RIÊNG

 

Anh chị em thân mến,

 

Chúng ta kết thúc việc hướng dẫn sống Linh Thao hôm nay với đề tải “cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống” liên quan đến việc xét mình riêng sau việc lựa chọn bậc sống, vốn liên kết với việc xét mình chung làm nên việc xét mình hằng ngày mà chúng ta đã bàn đến trong những việc thao luyện của Tuần Một.

 

2/ Về việc xét mình riêng

 

Tổng quát: Chúng ta đã xác định rằng việc xét mình riêng liên quan đến việc xây dựng căn tính của chúng ta bằng hình thức thao luyện thực hành (Actio), nhằm biến đổi con người cũ (Old ID.) sang con người mới (New ID.). Việc loại bỏ con người cũ ở tận nết xấu chủ đạo, chúng ta đã thực hiện sau khi kết thúc việc thao luyện Tuần I (24-31). Trong tuần II, chúng ta được Chúa Giêsu soi sáng để xây dựng con người mới để theo Ngài và cụ thể hóa nơi việc tập luyện nhân đức ngược lại. Sau khi chính thức bước vào đời sống soi sáng nơi bậc khiêm nhường thứ ba (167), chúng ta hiện thực việc xây dựng con người mới nơi một bậc sống và sau việc lựa chọn bậc sống để áp dụng cụ thể vào việc xét mình riêng cho con người mới đi vào ý thức và dần dà trôi vào vô thức. Điều này được thánh I-nhã diễn tả trong “ghi chú” của bộ qui tắc chọn lựa theo cách thứ hai của thì thứ ba.

 

Phân tích: Ghi chú này có tựa đề như sau: “Để cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống của mình” (1891)

 

Đọc sơ qua ghi chú này, chúng ta không nắm được vấn đề thánh I-nhã muốn diễn tả. Và khi phân tích tựa đề, chúng ta thấy tựa đề có hai động từ và hai túc từ trực tiếp. Nếu thế, chúng ta có thể viết lại tựa đề như sau: “Để cải thiện đời sống và canh tân bậc sống của mình”. Như vậy, tựa đề có hai yếu tố phải bàn đến: thứ nhất là cải thiện đời sống và thứ hai là canh tân bậc sống.

 

Nội dung của ghi chú được viết như sau: “Phải tuân giữ điều này, về những người đã được định vị ở bậc cai  quản trong Giáo Hội hay ở bậc hôn nhân, (dù có dư dật của cải đời này hay không), nếu họ không có lý do hay không có ý muốn sẵn sàng để làm việc chọn lựa có thể thay đổi, thì sẽ có ích lợi rất nhiều là, thay vì làm một cuộc lựa chọn, đề nghị cho họ một hình thức và một phương pháp nhằm cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống của mình vào việc làm vinh danh và ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cứu rỗi linh hồn mình. Để hướng về và đạt tới cùng đích ấy, phải suy xét và nghiền ngẫm nhiều bằng các cuộc thao luyện và các cách lựa chọn, như đã giải thích, xem mình phải có nhà cửa và gia nhân thế nào, phải điều khiển và cai quản nó ra sao, phải dạy dỗ gia nhân bằng lời nói và gương sáng ra sao”

 

“Cũng thế, suy về của cải của mình, phải sử dụng bao nhiêu cho gia nhân và nhà cửa của mình, và phân chia bao nhiêu cho người nghèo và các việc thiện. Không muốn cũng không tìm sự gì khác ngoài việc ngợi khen và làm vinh danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn trong mọi sự và qua mọi sự”.

 

“Vì mỗi người phải nghĩ rằng mình càng thoát ra khỏi lòng yêu mình, lòng ham muốn và tư lợi được bao nhiêu thì càng tiến tới trong mọi việc thiêng liêng bấy nhiêu”.

 

Nội dung của tựa đề được viết dưới dạng một dụ ngôn, nhằm nói đến việc quản trị chính linh hồn của thao viên dành cho những người đã thuộc về một bậc sống cố định, nghĩa là thuộc về việc lựa chọn không thể thay đổi. Như vậy, nội dung này không ăn khớp với tựa đề đã được nêu lên, vì chỉ đề cập đến yếu tố thứ hai mà không đả dộng đến yếu tố thứ nhất? Thưa không, vì yếu tố thứ nhất là “việc cải thiện đời sống” đã được đề ra cho thao viên thực hiện ngay ở Tuần Một liên quan đến việc xét mình riêng ở đó động từ “cải thiện” luôn được nhắc đến bằng cách lôi nết xấu chủ đạo ở vô thức lên ý thức mà loại bỏ đi (24-31). Như vậy nội dung của yếu tố thứ nhất không cần lặp lại ở đây mà chỉ cần nhắc đến ở tựa đề.

 

Yếu tố thứ hai không chỉ là một dụ ngôn mà còn thuộc về việc chọn lựa có thể thay đổi và để áp dụng tập luyện cho từng bậc sống: thứ nhất, là dụ ngôn vì đây là việc quản trị linh hồn của những người mà bậc sống đã được xác định: giáo sĩ hay giáo dân – thứ hai, nó thuộc về việc chọn lựa có thể thay đổi, vì nhân đức ngược lại với nết xấu chủ đạo của con người cũ tỏ lộ ở những vai trò, môi trường và hoàn cảnh khác nhau dưới những hình thái khác nhau: chẳng hạn, sự kiêu ngạo tỏ lộ nơi người trên với thuộc cấp bằng hình thức nóng nảy, giận hờn; nơi người ngang hàng dưới hình thức ghen tỵ…. Vì thế mỗi khi thay đổi môi trường sống, thao viên phải tìm ra sự thay đổi đó để thực hiện việc xét mình riêng – thứ ba, nó được áp dụng cho các bậc sống cách khác nhau: chẳng hạn, cha xứ đối với đoàn chiên qua hành vi ứng xử quyền lực – chồng đối với vợ qua những hành động vũ phu – bề trên với bề dưới qua thái độ nóng giận… Khi tập luyện nhân đức khiêm nhường trong việc xét mình riêng, ta phải lưu ý đến những chiều kích đó.

 

Cũng chính từ việc xét mình riêng liên quan đến nhân đức này mà thao viên cũng có thể làm bản lược đồ so sánh từng hai buổi trong một ngày, ngày hôm sau với hôm trước, tháng này với tháng trước, năm này với năm trước… tương tự với bản lược đồ loại bỏ nết xấu, nhưng dưới hình thức ngược lại để thẩm tra con người mới đã lớn lên ra sao.

 

Việc xét mình hằng ngày sau việc lựa chọn: Như thế, việc xét mình riêng liên quan đến sự biến đổi sau việc chọn lựa bậc sống cả hai yếu tố liên kết với nhau: loại bỏ nết xấu từ vô thức đem lên ý thức và loại bỏ đi và tập luyện nhân đức ngược lại từ ý thức để trôi vào vô thức.

 

Chính việc xét mình riêng này liên quan đến căn tính sau việc lựa chọn bậc sống gồm hai yếu tố kết hợp với việc xét mình chung liên quan đến những vấn đề khác ở tận tư tưởng, lời nói và việc làm vốn cũng được thực hiện không chỉ ở tận vô thức mà còn được duyệt xét đến cả hai chiều kích: con người cũ và con người mới, làm thành một hệ thống xét mình hằng ngày sau việc lựa chọn bậc sống như sau:

Việc xét mình hằng ngày

 

Có năm điểm:

 

Thứ nhất: Tạ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta vì những ơn huệ đã nhận được.

 

Thứ hai: Xin ơn biết biết những tội lỗi của mình để từ bỏ chúng – và biết tập luyện những nhân đức ngược lại

 

Thứ ba: Xét hỏi linh hồn mình về các tội, nhất là điểm riêng mình muốn loại bỏ và về nhân đức phải tập luyện ngược lại với điểm riêng ấy, từ khi thức dậy cho đến lúc xét mình hiện tại, từng giờ, từng lúc, trước hết ở trong tư tưởng, lời nói và việc làm theo cùng một trật tự như đã làm trong việc xét mình riêng và xét mình chung.

 

Thứ bốn: Xin Chúa thứ tha lỗi lầm và chúc lành cho việc tập luyện nhân đức.

 

Thứ năm: Dốc lòng cải thiện và canh tân nhờ ơn Chúa.

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

Một bình luận

  1. Admin giúp con rằng: những bài viết luyện linh thao vào một album con có thể xem chúng không ah. Con bỏ qua mấy tuần trước nhiều bài không đọc, không quan tâm đến. Cảm ơn admin. Con xin phép chia sẻ vài điều nho nhỏ con trải qua, và con rất muốn nghe ý Chúa thiết kế đời con là gì? Vì con tin rằng mỗi con đường của mỗi người không tự phát minh ra mà là mọi sự từ Chúa. Con nghĩ nhỡ con đi tu rồi Chúa không chọn con, chúa đuổi con về thì làm sao con can đảm về, nhỡ ý Chúa nói con đi tu mà con không chịu nghe sau này con gặp Chúa và Chúa trách tội con: Ta nói sao mi không chịu nghe Ta?.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *