Hướng về Thiên Đàng

Quý đọc giả thân mến,

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng hướng về những người đã qua đời. Nhất là cuối tuần vừa rồi, rất nhiều người trong chúng ta cũng ra nghĩa trang. Nơi đó, chúng ta gặp gỡ những người thân đã qua đời. Chúng ta cầu nguyện cho họ. Lý do là theo niềm tin Công giáo, chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn ở dưới luyện ngục sớm được về Thiên Đàng. Chúng ta cũng cầu nguyện với những ai ở trên Thiên Đàng để họ cũng cầu nguyện cho mình.  Đó là mầu nhiệm các thánh thông công.

Thật đẹp trong tháng Các Đẳng Linh Hồn (All Souls Day) khi chúng ta đặc biệt nhớ đến họ. Hoặc ít là trong tháng này, chúng ta thấy thế giới của người chết và người sống thật gần gũi. Chúng ta cũng cảm thấy ít nhiều được điều gì đó về thế giới vô hình. Đức Giêsu rất thường xuyên đề cập đến thế giới ấy mà chúng ta gọi là Thiên Đàng.

Vài tư tưởng trên có thể còn mới lạ đối với người trẻ chúng ta. Thiên Đàng, hoả ngục hoặc luyện ngục là những điều người trẻ ít để ý đến. Trong tháng 11 này, ước gì chúng ta tập để tâm đến những điều vô hình. Các bạn cũng có thể hỏi: Thiên đàng là gì, hoả ngục và luyện ngục có ý nghĩa gì với tôi? Tại sao Giáo hội lại chọn tháng 11 để nhớ về những linh hồn đã qua đời?

Nếu ai từng sống ở những nơi có bốn mùa rõ rệt, chúng ta cảm thấy sự thú vị của mùa Thu. Đó là mùa lá rụng. Mỗi lần nhìn cây vào mùa thu, lá rụng, cây trơ trụi, tôi liên tưởng đến thân phận con người. Sinh lão bệnh tử. Ai rồi cũng lớn, cũng già và cũng chết. Đó là thân phận của chúng ta. Chắc chắn chúng ta không muốn chết; nhất là lúc trẻ, không một ai nghĩ rằng mình phải chết. Thật may vì cái chết không tiêu diệt được chúng ta. Nói cách khác, sau cái chết luôn là thế giới của sự sống. Chúng ta tin thế. Cũng như lá cây rụng hết, nhìn bên ngoài có vẻ cây không còn sức sống, nhưng trong nó vẫn chờ đến mùa xuân để ra lá, hoa và quả mới.

Các bạn thân mến,

Hình ảnh trên giúp chúng ta tiếp tục hy vọng rằng những người thân của chúng ta dù đã chết, nhưng họ vẫn đang sống. Hy vọng họ đang hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Nơi đó, chắc chắn không còn chuyện lấy vợ, lấy chồng hoặc đau khổ của kiếp người. Nhiều lần Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta biết về Nước Trời phải là nơi hạnh phúc. Nếu bạn hỏi thông điệp của Tin mừng hoặc của sách Kinh Thánh là gì, thì Giáo hội chia sẻ rằng: “Trung tâm điểm của các lời Chúa Giêsu mặc khải chính là Nước Trời, nghĩa là Thiên Chúa là nguồn mạch và trung tâm cuộc sống ta, và Người cho ta biết: Chỉ mình Chúa cứu rỗi con người.” (Đức Bênêđictô XVI). Như thế ai tin vào Thiên Chúa thì sau khi chết linh hồn người ấy cũng sẽ được sống mãi. Họ sẽ sống như các thiên thần, và không phải chết nữa. Tôi và các bạn không ai có kinh nghiệm ở trong tình trạng ấy, nhưng chúng ta ước ao mình cũng được chung hưởng niềm vui Thiên đàng.

Tôi xin trích ở đây vài định nghĩa để chúng ta cùng suy nghĩ và cầu nguyện:

– “Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh viễn. Những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh.” (Sách Toát yếu Giáo Lý Công giáo, câu 209).

– Thần học gia người Pháp, François Fénelon tin rằng: “Muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng, đó là Nước Trời đang ở trong ta vậy.” (YouCat 283).

– “Nước Trời không phải là một khái niệm trừu tượng, một học thuyết giáo lý hay một kế hoạch xa rời thực tế, nhưng trước hết và trên hết là một Ngôi Vị sống động với khuôn mặt và tên gọi là Giêsu Nazarét; đó là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.”[1]

– Hoặc có lần Chúa Giêsu nói: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38). Vậy Thiên Đàng là nơi linh hồn chúng ta sống vĩnh hằng với Thiên Chúa.

Như thế, các bạn và tôi, chúng ta đều muốn vào Thiên đàng. Nhưng không phải lúc này, vì chúng ta chưa muốn chết. Nói vui vui vậy. Thực tế là ngay khi chúng ta sống ở đời này, chúng ta cũng đang hướng về Thiên Đàng. Hoặc nói như xác tín của Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi nên thánh, nghĩa là được mời vào Thiên đàng. Bằng cách nào? Linh mục Anthony De Mello, SJ kể rằng: Một đệ tử bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cuộc sống sau khi từ trần. Minh Sư nói với anh:

  • “Tại sao con phải mất thời giờ nghĩ tới thế giới bên kia?”
  • “Nhưng có thể nào không nghĩ tới được sao?”
  • “Được chứ.”
  • “Như thế nào?”
  • “Bằng cách sống trên thiên đàng, ngay tại bây giờ và nơi đây.”
  • “Và thiên đàng ở đâu?”
  • Thưa: “Ở tại nơi đây và bây giờ.”

Để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta nghe lại lời động viên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô[2]: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.”

  • Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thân ấy cách thật vui tươi.
  • Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh.
  • Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình.
  • Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu.
  • Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung.

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa là sự sống lại và là sự sống. Chúng con cũng tin rằng: „ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống; ai sống và tin vào Thầy, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11,25). Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 …….

[1] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 13-15; Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, [25 -12 2005], 1.

[2] Tông Huấn Niềm Vui Và Hân Hoan, số 14

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …