“Kẻ ở trong” – “kẻ ở ngoài”

 

 

Từ ngữ “ơn gọi” không nên hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chỉ những ai theo Chúa trên con đường dâng hiến cụ thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô là quy tụ nhân loại đã phân tán và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa.

(ĐTC Phanxicô)

____________________________________

Hình minh hoạ

            “Kẻ ngoài đời” thường hay thắc mắc về những người sống đời tu được cho là những “kẻ ở trong” về: cuộc sống, căn cớ đi tu, công việc và dự phóng phát triển tương lai…. Chính những thắc mắc ấy đã giúp “kẻ ở trong” và “kẻ ở ngoài” phản tỉnh lại đời sống của chính mình.

            Có lẽ cần minh định lối gọi “kẻ ở ngoài” và “kẻ ở trong”.

            Có một ranh giới nào đó mà người ta đã đặt ra giữa hai lối sống này. Rằng ai sống trong ranh giới nhà tu được cho là “kẻ ở trong”, còn ai ở sống tất bật với lo toan gia đình và cơm-áo-gạo-tiền thì được gọi là “kẻ ở ngoài”. Tuy nhiên, cách phân biệt này có chút vấn đề về quan niệm và, thậm chí, dẫn tới những thái cực không mong muốn. Có phải gọi như thế để đặt cho “kẻ ở trong” những phẩm giá cao quý, vị trí đặc thù, học vấn cấp cao,…? Có phải gọi “kẻ ở ngoài” để ám chỉ sống hỗn tạp lẫn lộn trắng đen cùng những phân vân trăn trở…? Vâng! Hẳn phân biệt hai lối sống là có, nhưng có nhất thiết phải đẩy tới tột cùng của phân biệt để dẫn tới tôn trọng hoặc khinh khi thái quá?

            Hơn nữa, hễ nhắc tới ranh giới ấy thì người ta không chỉ ám dụ vị trí trong xã hội hoặc trong tổ chức tôn giáo, nó còn khẳng định về đời sống thiêng liêng hoặc những thành quả tinh thần. “Kẻ ở trong” thì chuyên đọc kinh cầu nguyện, nhiều thời giờ nguyện ngắm và gần gũi với Thượng Đế. Có lẽ vì đó mà “kẻ ở trong” được cho là có tinh thần thanh tao và không vướng bụi trần. Ngược lại, “kẻ ở ngoài” thì gắn chặt với những vướng bận tầm thường, không phân biệt được trắng-đen, thật-giả… nên họ cần “kẻ ở trong” hỗ trợ bằng lời cầu nguyện hay những hướng dẫn. Đúng là từ cổ chí kim đã từng có những bậc thánh nhân như thế, nhưng để nói tất cả “kẻ ở trong” đều tốt lành thì có hơi thái quá.

            Dù thực tế nhiều người hài lòng, nhưng thật may mắn khi vẫn còn những thái độ khó chịu vì những phân biệt kể trên. Tuy nhiên, càng khó chịu thì “kẻ ở trong” lẫn “ở ngoài” càng được mời gọi ngồi lại tự vấn bằng một sự hồi tâm đúng nghĩa. Có chăng tự ti thái quá của “kẻ ở ngoài”? Có chăng thói kiêu ngạo của “kẻ ở trong”? Có chăng sự loại trừ lẫn nhau vì những chênh lệch càng lúc càng gay gắt? Nếu xã hội có những phân tầng giai cấp thì chính cái ranh giới tưởng chừng không phân biệt lại ẩn chứa sự phân tầng khủng khiếp và, thậm chí, vô nhân đạo.

            Chuyện phân biệt để có những quy tắc và lối sống riêng là chuyện không thể chối cãi, nhưng trước khi tách bạch trong-ngoài, thực cần bước hồi tâm ngẫm lại thân phận, lối sống, lựa chọn và ơn gọi của mỗi kẻ trong-ngoài. Có phải cùng một nguồn cội hiện hữu? Có phải cùng được hưởng tình thương của Thượng Đế như nhau? Có phải mục đích chung của kẻ trong lẫn ngoài là giúp nhau cùng thăng tiến? Có phải cả hai đều đang trong tiến trình nỗ lực bởi ơn Thượng Đế và của chính bản thân?

            “Thôi xin hãy bỏ đi cái ranh giới trong-ngoài, càng giữ ranh giới ấy chừng nào càng khó triển nở chừng đó.” Đó là một khẳng định có thể cho nhiều chiều ý kiến tích cực hay tiêu cực, tùy vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, nếu hiểu hành động “từ bỏ ranh giới” này như một sự nhường bước cho hành trình hồi tâm thực thụ trước khi tiến đến phân biệt trong-ngoài, thì mọi chuyện sẽ khác. Cả hai sẽ nhận ra những điểm chung bất ngờ và, thậm chí, trùng hợp nhau về phương thức thực hiện và kết quả đạt được.

            Tiêu chí thực thụ của cuộc hồi tâm đâu phải là “kẻ ở trong” hay “kẻ ở ngoài” sống như thế nào? Cũng chẳng phải lối sống trong-ngoài có những quyền lợi và thua thiệt ra sao? Những toan tính quyền lợi-thua thiệt một khi loại bỏ đức tin thì chỉ thêm cổ xúy cho cảm xúc lên ngôi mà thôi. Có hẳn cảm xúc là xấu? Có thể không! Nhưng chắc chắn có khi cảm xúc đã dẫn đến những kết quả tồi tệ.

            “Kẻ ở trong” hay “kẻ ở ngoài” cũng đang trong tiến trình hồi tâm để đọc lại mọi cảm xúc của mình. Mỗi người mỗi kiểu. Tất cả họ đều phải chật vật như nhau cả ấy mà! Đâu ai dám tự vỗ ngực khoe khoang rằng “kẻ ở trong” thời thông minh còn “kẻ ở ngoài” thời ngu dốt. Cũng đâu ai dám kiêu căng vì “kẻ ở ngoài” thì hưởng nếm đủ thứ khoái lạc còn “kẻ ở trong” thời “ăn chay trường” mà nên thánh thiện. Đừng giành phần việc phán xét của Thượng Đế! Thượng Đế thừa thông minh và sáng suốt để nhận ra tố chất và thực tế nơi mỗi người mà!

            Tiên vàn, nếu thay tiêu chí trong-ngoài bằng tiêu chí hồi tâm đúng nghĩa, thì chưa chắc “kẻ bên ngoài” đã là tối và chưa chắc “kẻ bên trong” đã là sáng. Mà cũng không chắc “kẻ bên ngoài” đã sáng và “kẻ bên trong” hẳn là tối. Ai dám chắc “kẻ bên trong” chắc chắn “đậu khóa thi” của Thượng Đế và cũng không hẳn “kẻ bên ngoài” sẽ “rớt khóa thi” ấy. Đậu-rớt hồi sau sẽ rõ, nhưng trước mắt là cùng nhau tiến lên trên hành trình trần gian này.

            Trên con đường chung lý tưởng lớn lao chắc chắn trong-ngoài đã rõ, nhưng xin đừng vì phân biệt trong-ngoài mà để “kẻ ở trong” cứ kiêu ngạo vì mình là thánh nhân, để “kẻ ở ngoài” tự ti vì mình thấp hèn đầy tội lỗi. Xin đừng đẩy cái rạnh ròi ấy cùng cực và cứng nhắc bằng luật lệ hay quy tắc mà khiến sông không hòa được với biển. Vì thực tế sông – biển dẫu phân biệt nhau trong cách gọi nhưng chúng vẫn hòa với nhau. Tâm của sông đâu chỉ chật hẹp trong bồi-lở, ròng-lớn; tâm của sông là ở biển. Với Thượng Đế, khởi đầu với Chân Tâm cấp thiết biết nhường nào!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …