Cô sống ở vùng ven thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều năm, gia cảnh không khá giả gì. Gia đình cô được 4 người con trai. Đứa út hiền lành, hiếu thảo lại học giỏi, những tưởng sẽ là điểm tựa nương cho gia đình sau này. Thế nhưng, đời thật trớ trêu…! Trong một lần cùng bạn bè đi dã ngoại, người con út đã gặp tai nạn xe, chết tại chỗ. Trong buồn sầu khổ đau, cô trở ra như mất trí. Suốt ngày cứ lẩm bẩm nhẩm đi nhắc lại đúng một câu: “Tại sao lại là nó ?” Chứng kiến cảnh ấy, lòng tôi thổn thức xiết bao. Tôi tự hỏi: Tại sao trên đời lại có những sự oái oăm như thế ? Ai đã gây nên khổ đau ấy, sự dữ ấy ?
Sự dữ ấy do đâu ? Do em tôi chạy xe không cẩn thận dẫn đến tai nạn ? Nếu thế, sự dữ ấy do chính em tự chuốc lấy. Em phải lãnh lấy hậu quả của việc mình làm. Không chỉ em, mà cả gia đình, người thân cũng phải ngậm ngùi chịu lụy cảnh đau thương mất mát do em gây nên bởi hành động dại dột của mình. Chẳng ai khác phải chịu trách nhiệm, trừ em; có chăng chỉ nương nhờ vào tình thương yêu đỡ nâng của mọi người.
Sự dữ ấy do đâu ? Do người khác bất cẩn lao vào, dẫu em đã hết sức cẩn thận? Như thế, sự dữ ấy là do sự bất cẩn gây ra. Và người lái xe bất cẩn kia phải chịu mọi trách nhiệm cho điều mình làm. Em tôi hoàn toàn không có lỗi trong việc này. Nhưng em lại là nạn nhân của sự bất cẩn trọng của người nào đó. Em thật đáng thương. Và công bằng mà nói, người gây ra sự dữ ấy phải chịu trách nhiệm bù đắp lại những mất mát mà em và gia đình đã và đang phải chịu. Thế nhưng, bù đắp thế nào cho thỏa khi em đã vĩnh viễn ra đi, để lại một khoảng trống vắng không thể khỏa lấp nơi gia đình!
Sự dữ ấy do đâu ? Do xe hư khi đang di chuyển với tốc độ cao ? Nếu thế, sự dữ xảy ra hoặc do em bất cẩn trong việc bảo trì và sử dụng xe hoặc do nhà sản xuất cho ra thị trường những xe không không đảm bảo chất lượng. Do đó, trách nhiệm hoặc thuộc về em hoặc thuộc về nhà sản xuất, dẫu trách nhiệm đó không là 100%.
Sự dữ ấy do đâu ? Do đường xá nhỏ hẹp, lại thêm ổ gà ổ voi khắp nơi, khiến em lạc lái mà gặp tai nạn ? Nếu thế, trách nhiệm thuộc về nhà thầu xây dựng và bảo trì đoạn đường đó khi đã không đảm bảo cho tuyến đường được an toàn, dẫu có một phần trách nhiệm thuộc về em, người lưu thông trên đường.
Sự dữ ấy do đâu ? Do mưa bão khiến đường trơn trượt, lại thêm gió giật khiến em bị cuốn văng đi gây ra tai nạn ? Như thế, trách nhiệm thuộc về thiên nhiên khắc nghiệt. Đồng thời cũng thuộc một phần về em khi em chọn lưu thông trên đường khi trời bão giông.
… Nhưng dù trách nhiệm thuộc về ai chăng nữa, mất mát là quá lớn và có đáng để phải chịu những mất mát như thế chăng ?…
Hóa ra sự dữ trên đời đa phần là do con người tự gây ra cho mình và gây ra cho nhau. Chỉ một phần là do thiên nhiên khắc nghiệt gây ra, đôi khi với sự tác động của chính con người. Nếu thế, ai phải chịu trách nhiệm khi sự dữ xảy đến? Chắc chắn không thể đổ lỗi hết cho thiên nhiên; cũng không thể đổ hết lỗi cho người khác; và cũng chẳng nên đay nghiến trách cứ chính mình. Nhưng khi sự dữ xảy đến, đau khổ là rất lớn và mất mát là rất thật. Có những mất mát tưởng chừng chẳng gì có thể bù đắp được, như mất mát gia đình cô tôi đã và đang gánh chịu.
Người thì đã ra đi; mất mát vẫn còn đó, lấy gì bù lại cho thỏa! Việc tìm kiếm nguyên nhân gây ra sự dữ không phải để đòi lại người, bắt phải bù lại mất mát, cho bằng đối diện hiện tại và nghĩ đến tương lai. Có lẽ mất mát, dù không tránh khỏi, nhưng sẽ vơi đi trước những ủi an, sẻ chia, đỡ nâng con người dành cho nhau khi sự dữ xảy đến. Nếu thế, dầu sự dữ do đâu đi nữa, cũng không thể đánh gục được con người, không thể lấy đi niềm tin và hy vọng vào một đời sống tốt đẹp hơn của con người. Và như thế, ngay giữa tai ương nghịch cảnh của đời sống, con người vẫn có thể bình an vui sống.
Đã mang thân phận con người, ai lại chẳng mong điều lành tránh điều dữ, cho mình và cho người thân yêu. Nhìn lại một vài nguyên nhân gây ra sự dữ như trên, tôi tự hỏi: Tại sao con người lại có thể gây sự dữ cho nhau trong khi chính mình lại cố tìm tránh điều dữ? Nghĩ cũng lạ, con người cứ vô tình hoặc cố ý gây thêm sự dữ cho chính mình và cho người khác, trong khi lại không ngừng than vãn: “Không thể hiểu nổi, tại sao lại có sự dữ trên đời này!” Tôi phải làm gì để cuộc sống này bớt đi sự dữ, khổ đau?…
Thủ Đức, 29.06.2015
Vinhsơn Phạm Văn Đoàn, S.J.