Khoảng Trời Đen

GS

  • Ông già, nghe nói ông mới bán lô đất hả? Cho tui vay ít đi. Tui đang làm ăn, cần tiền lắm.
  • Ông là đứa giàu có nhất nhà. Tiền cả đống rồi. Giành giật với tụi em út làm gì. Ông già hứa cho tui mượn rồi.
  • Mày là con gái, cần tiền làm gì. Chồng mày lo cho mày đủ rồi. Mày chưa có con cái, đâu có tất bật như tụi tao.

Ánh nắng chiều nhạt nhòa len lỏi qua ngọn cây, hắt vào mắt ông, nơi có những giọt long lanh đang chực trào xuống má. Ông đang suy nghĩ. Ông đang nhớ về cái cảnh con cái ông tranh giành nhau số tiền ông vừa có được khi bán đất. Chuyện đã lâu. Cũng phải ba bốn thập kỷ trôi qua rồi. Vậy mà đối với ông, nó như vừa xảy đến. Cứ nghĩ lại, là bao ký ức cứ tuôn về cuồn cuộn, như hòn đá lăn tròn, xoắn tít cõi lòng ông.

Hai ông bà yêu nhau khi vừa mới lớn. Trải qua bao khó khăn thời loạn lạc, hai người cưới nhau, có được ba mặt con, tưởng sẽ là một gia đình hạnh phúc. Bước sang tuổi lục tuần, sau bao năm vất vả, cả hai đều mang những trọng bệnh trong người. Từ khi đủ tuổi khôn, con cái ông xông pha mỗi người một hướng, lo làm ăn và xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Ông đã chẳng còn nghe tin tức gì của chúng nhiều năm qua. Lễ, tết… chưa bao giờ ông nghe được một lời thăm hỏi, nói gì đến chuyện phụng dưỡng, chăm lo. Số tiền mà ông bà dành dụm bao năm cũng chỉ đủ thuốc men và những chi tiêu vặt vãnh cho qua ngày đoạn tháng. Sức khỏe bà ngày càng nguy kịch. Số tiền chắt chiu không đủ. Ông đành ngập ngùi bán rẻ lô đất nhỏ cạnh nhà. Bán đi mảnh vườn nho nhỏ ấy, ông chấp nhận xa rời cái dao, chiếc cuốc mà ông vẫn gắn bó bấy lâu nay.

Bỗng đâu, chắc hiểu ai thông tri cho biết, lũ con cái kéo nhau ùa về nhà. Ngỡ là thăm ba mẹ về già đau yếu, hai ông bà vui mừng khôn xiết kể. Nào ngờ, chúng về nhà chỉ vì số tiền mà ông có được nhờ bán đất. Hai ông bà ngậm đắng nhìn những đứa con  xâu xé nhau ngay trước mắt mình. Khi đã có được những gì mình muốn bằng những thủ đoạn của giới kinh doanh, chúng lại bỏ ông bà ra đi biệt tích. Đến cả căn nhà xiêu vẹo, chúng cũng cướp lấy. Đến khi ngân hàng đến làm thủ tục thanh lý nhà cửa, hai ông bà mới biết mình đã bị con cái đánh lừa; đành phải dìu nhau đến cư ngụ tại một chiếc chòi nhỏ bé ở mé sông. Trong cảnh cô đơn và đau đớn ấy, bà đã lìa bỏ ông mà về quy tụ cùng tổ tiên nơi chín suối. Kể ra, bà cũng được giải thoát. Chỉ còn mỗi mình ông, lại tiếp tục gặm nhấm cái trớ trêu và chênh vênh của kiếp người tại thế này.

Ẩn khuất sau rặng cây chen chúc lá là căn nhà chòi nhỏ xíu của ông. Ông đã quen với cảnh cô đơn này chục năm nay rồi. Từ cơm nước, thuốc men đến giặt giũ, ông phải tự lo lấy.

  • Thế con cái ông đâu? Họ có đến thăm ông không?
  • Nói thiệt là tui cũng chẳng biết tụi nó ở đâu, mần ăn làm sao. Tui nghĩ chắc tụi nó cũng chẳng biết tui ở đây, nói gì đến chuyện thăm hả chú.

Ông thở dài,

  • Nhưng biết sao được chú ơi. Tụi nó lớn, tụi nó có tương lai riêng của tụi nó. Tui sống như dầy (thế này) cũng quen rồi. Có bả (ông chỉ tay vào bia mộ phía trước) bầu bạn dới (với) tui sớm tối, tui cũng thấy an ủi. Cuộc đời là thế! Trời bảo ai nấy dạ. Ông Trời đã muốn tui phải chịu đựng hoàn cảnh này. Tui chạy đâu cho thoát…

Ông tiếp tục:

  • Nhưng nghĩ tới nghĩ lui cũng buồn. Cả một đời làm ăn vất vả. Hy sinh cho con cái biết bao nhiêu. Có ai ngờ khi về già, chỉ còn mỗi mình tui bơ vơ nơi xó xỉnh này, làm bạn với cỏ cây. Tui thấy… cuộc đời này sao phũ phàng với tui quá. Có lúc tui chỉ mong mình chết quách đi cho xong, để quên hết cái nhân tình thế thái chóng qua này. Nhưng Trời đọa đày, vẫn cứ muốn tui tiếp tục chịu khổ.

Năm nay ông đã sang cửu tuần. Tấm thân còm cõi như một cây khô trước gió, nhưng chất chứa biết bao nhiêu nỗi niềm chẳng dễ tỏ lộ ra. Những lụy phiền ông nếm trải đã khiến ông nghĩ cuộc sống như một thảm họa khổng lồ. Nỗi cô đơn đến cùng tận khi bị con cái bội phản, bạn bè bỏ rơi, gia đình ly tán đã tước đoạt hết tất cả niềm tin vào chút hạnh phúc dù là nhỏ nhoi nơi cõi vô thường này trong ông.

Ông lại hướng tầm nhìn về phía xa xăm, nơi có những vệt mây giăng cuối trời, những tia nắng cuối ngày đang dần dần lụi tắt. Nghe tiếng chim gọi bầy bay về những ngọn cây, mà tâm hồn ông cứ chơi vơi, khắc khoải. Hẳn ông cũng thầm ước được như những cánh chim kia, có một tổ ấm thân thương làm bến đỗ, khi ánh hoàng hôn của kiếp người đang hắt xuống cuộc đời ông. Ông vẫn có thói quen như thế: cứ chiều chiều là ngồi lẩn thẩn trước hiên nhà, miên man suy nghĩ, như thể đang chờ đợi ai hay đang mong chờ điều gì đấy.

  • Căn nhà và mảnh đất này cũng của ông luôn hả?
  • Làm gì có hả chú? Người ta thấy tôi tội nghiệp nên cho ở đợ đó. Tui ở đây, cuốc đất trồng cây cho người ta, xem như trả công. Nghe nói ông chủ nhà sắp bán khu đất này. Tui cũng chưa biết là ngày mai tui sẽ ở đâu nữa…

Tôi ngậm ngùi nhìn ông lau giọt nước mắt đang lưng tròng trên làn da đã chai sạn thuở nào. Tôi bỗng nghĩ đến cuộc đời, nghĩ đến tình người, nghĩ đến những góc tối giữa biển trần gian. Tôi muốn giảng cho ông nghe về thái độ “vượt lên chính mình” mà tôi đọc được trong sách. Nhưng hình như có cái gì đấy cứ chặn cổ họng lại. Tôi chẳng thể nói được điều chi. Có chút mặn mặn, đắng đắng, cay cay. Mọi kiến thức của tôi bỗng im bặt trước bóng hình khắc khổ của ông.

Tôi ngồi xuống cạnh ông, cùng ông nhìn về phía xa vời vợi, chỉ còn những giọt nắng yếu ớt sau cùng. Cả không gian ủ rủ giữa trời chiều lạnh giá. Tôi định chỉ cho ông thấy con chim nhỏ đang say sưa hót, mới vui vẻ làm sao. Bất chợt, tôi sức nhớ: ông bị mù, có thấy gì đâu mà. Đối với ông, hoa thơm cỏ lạ, ong bướm chập chờn…  hay tất cả những gì hiện diện trên trần gian này chỉ còn là một màn đêm tăm tối và khiếp khủng đến kinh hồn. Cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai, chưa bao giờ là một vầng sáng cả. Hành trình dài của một kiếp người, bỗng đâu bị ném vào đời, chơi vơi giữa bao khắc khoải, rồi cũng sẽ trôi dạt về những chốn xa xôi. Không biết đã bao lần, ông thầm ước mình được như chiếc lá vàng kia, nhẹ nhàng buông lơi theo làn gió đẩy, về cội đất tìm chốn nghỉ bình yên.

Tôi cùng ông thắp lên một ngọn đèn dầu leo lét cho căn chòi bớt cô liêu. Không sáng mấy nhưng chắc cũng để ông định hướng mà đi, khỏi va vào cái gì đấy. Tôi bỗng nhờ đến ước ao của Giê-su nhiều năm trước: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong, phải chi lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49). Còn biết bao nhiêu mảnh đời như thế trên cõi đời này đang cần được chiếu sáng? – Tôi tự hỏi mình như vậy.

Hoàng Nam

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *