Cuộc sống nơi bệnh viện về đêm…

Bệnh viện,2 hai từ mà có lẽ không ai mong muốn phải nhắc đến trong cuộc sống của mình. Dẫu vậy, có lúc bệnh viện lại trở nên quen thuộc, thậm chí nó trở thành “ngôi nhà” đối  với những ai không may mắn gặp phải cơn hoạn nạn.

Tôi đã nhiều lần có kinh nghiệm đến bệnh viện để thăm và chăm sóc người thân của mình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải qua một đêm trọn vẹn ở bệnh viện. Khi quan sát cuộc sống nơi bệnh viện về đêm, gợi lên trong tôi rất nhiều suy nghĩ.

19 giờ 30, tôi bước vào thang máy, một người mẹ với nước da ngăm đen và gầy cầm trong tay bịch thuốc vừa mua nói: “Nhiêu đây mà hơn 300 ngàn đồng, từ sáng giờ tôi phải mua 3 lần rồi, mà con tôi thì chắc phải ở đây mấy tuần”. Sau đó là một tiếng thở dài! Khi thang máy dừng ở lầu 10, tôi bước ra và cảm nhận một bầu không khí sinh hoạt khá nhộn nhịp, tất nhiên đây đều là những người thân của bệnh nhân: Nhóm thì ngồi ăn cơm, người thì tranh thủ chợp mắt trên các dãy ghế hay trên những chiếc chiếu trải trên hành lang, nhóm thì ngồi chia sẻ rôm rả về tình hình sức khỏe của người thân… Trong phòng, những bệnh nhân luôn nhận được sự hỗ trợ từ người thân của mình: Ăn uống, đi vệ sinh, chuẩn bị giường ngủ… tất cả diễn ra nhẹ nhàng và cẩn thận vì sự đau đớn từ những vết thương gây ra.

Khoảng 22h, đèn trong phòng bệnh bắt đầu tắt dần, bệnh nhân và người thân chuẩn bị nghỉ đêm. Vì chỉ có một người thân của bệnh nhân được ở lại trong phòng, nên những ai còn lại phải ra ngoài hành lang tìm một góc nghỉ qua đêm.  

Bệnh viện nhanh chóng đi vào tĩnh lặng!

Những lần thức dậy ban đêm để giúp người thân, tôi quan sát thấy có một vài bệnh nhân không ngủ được, người lớn tuổi thì ngồi trên giường trầm tư, trẻ thì khuây khỏa với chiếc điện thoại trên tay. Tôi chợt nhớ lại những lời chia sẻ và hình ảnh của người mẹ trong thang máy, có gì đó khiến tôi suy nghĩ thật nhiều. Bình thường, mấy ai dám bỏ ra số tiền vài trăm ngàn để ăn một bữa thịnh soạn, nhưng khi vào bệnh viện, việc phải đóng viện phí vài triệu đến vài chục triệu trở nên “dễ dàng” quá đến như vậy! Rồi những tháng ngày vật vả nơi bệnh viện, những cung bậc cảm xúc khác nhau – vui mừng, lo lắng, thất vọng – khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh của người thân… Có lẽ ai ở trong hoàn cảnh thực sự mới có thể cảm nhận hết được những điều này.

Có thể nói, những ai phải trải qua những tháng ngày ở bệnh viện không chỉ gặp thách đố về mặt vật chất, mà còn cả về mặt tinh thần. Mỗi người một hoàn cảnh rất khác biệt nhau, nhưng có lẽ mọi người đều có chung một niềm hy vọng: Đó là ước mong cho người thân của mình mau bình phục và trở về với cuộc sống thường nhật. Nhiều lần tôi đã được chứng kiến niềm hạnh phúc của bệnh nhân và người thân khi nhận được “lệnh” xuất viện, trước khi về họ bắt tay chào và cầu chúc những người còn lại cũng sớm có được niềm vui khi xuất viện, trở về với cuộc sống thường ngày. Còn niềm vui nào hơn khi được xuất viện, xa rời hai chữ bệnh viện.

Lạy Chúa! Xin ban ơn bình an cho những bệnh nhân và người thân đang phải trải qua những tháng ngày nơi bệnh viện. Xin Chúa cũng ban ơn khôn ngoan và tấm lòng nhân ái cho các y bác sĩ, để họ luôn nhiệt tâm và nỗ lực mang lại hạnh phúc cho những ai đang lâm cơn hoạn nạn. Amen!

Phaolô Nguyễn Hồng Như Khuê, S.J.

Kiểm tra tương tự

Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh …

10 điều người đàn ông nên tìm kiếm nơi một người phụ nữ

Nhan sắc bề ngoài quan trọng như thế nào? Dựa theo Kinh Thánh, đó không …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *