[Khoá tập huấn truyền thông] Truyền thông là loan truyền ơn cứu độ

Đối với người Kitô hữu chúng ta thì truyền thông Công giáo không còn xa lạ, bởi những phương tiện truyền thông ngày nay rất đa dạng và phổ biến. Tuy nhiên, để trở thành một cộng tác viên truyền thông nơi giáo xứ hay cho giáo phận thì đó là điều không hề đơn giản. Không biết gia đình và mọi người quanh tôi nghĩ như thế nào, nhưng cá nhân tôi cũng khá bất ngờ và liều lĩnh với lựa chọn của mình, đó là trở thành một cộng tác viên truyền thông Công giáo nơi giáo phận Đà Lạt yêu quý của tôi, cách riêng là giáo xứ Tân Bùi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tôi liều lĩnh bởi tôi chưa hề có kiến thức hay kinh nghiệm gì về truyền thông. Tôi cũng không hề có máy chụp ảnh hay máy quay phim, lại còn rất ít khi chụp hình nữa chứ. Thế mà, khi nghe tin giáo phận tổ chức khoá tập huấn truyền thông tại Trung tâm Mục vụ Đà Lạt, tôi đã đăng ký ngay mà không cần biết khoá học cần điều kiện như thế nào, học những gì, học xong sẽ có sứ vụ gì hay không…

 

Chẳng biết có sai sót gì mà khoá tập huấn đợt 1 diễn ra mà không có tên tôi. Lần sau, khi có thông tin là tôi đăng ký liền. Mọi sự trót lọt cho đến giây phút cuối thì giấy báo của tôi lại bị… nhầm ngày. Tôi đăng ký đợt 3 dành cho Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể, nhưng ngày đi lại là đợt 2 dành cho Ban Truyền thông Giáo phận. Lúc ấy tôi nghĩ: “Thôi toang rồi! Chắc mình không có duyên với truyền thông. Chắc là ý Chúa!” Cho đến khi bản thân tôi an lòng thì mọi sự được xoay chuyển hoàn toàn. Trưởng Giuse Nguyễn Hoàng Công Thiện, thuộc xứ đoàn Giáo xứ Bảo lộc, nhắn tin cho tôi: “Mình đã xin Cha Trưởng ban cho bạn tham gia đợt 2 và Cha đã đồng ý rồi nhé!” Tôi đã hân hoan vui sướng, mau mắn chuẩn bị đồ dùng, đặt xe và thao thức đến mất ngủ. Sớm hôm sau, tôi có mặt tại Trung tâm Mục vụ Đà Lạt để tham gia khoá tập huấn. Xin nhắc lại là tôi không có máy chụp hình hay quay phim gì cả, tôi chỉ đem theo 2 chiếc điện thoại: 1 cho việc liên lạc và 1 có chất lượng tốt hơn để học truyền thông. Tôi đã khá vui vẻ cho đến khi gặp nhóm các anh trai mang theo balo này nọ, máy móc các kiểu. Eo ôi, tôi lại không tự tin rồi đấy! Vì đến sớm nên tôi có thời gian đi thong dong một chút. Tôi đã gặp hai chú và một cô trung tuổi. Hai chú đeo máy ảnh và phụ kiện trông tuyệt lắm. Tôi, theo đúng kiểu ở nhà quê mới lên, tôi sẽ như thế nào đây trong những ngày tập huấn nhỉ? Tôi sẽ ổn chứ? Mọi sự quay lòng vòng trong đầu tôi.

 

Cho đến giây phút này, khi tôi đã trở về Giáo xứ, tôi thấy tôi rất ổn ạ! Cảm giác rất tuyệt vời và thú vị ạ! Khoá tập huấn đã vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi khởi đầu với gói hành trang là con số không tròn trĩnh, nhưng khi trở về, tôi đã được thụ huấn những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của quý Thầy, quý Sr, quý cô chú, anh chị em tham gia khoá tập huấn.

 

Điều đầu tiên đánh động tôi là câu Lời Chúa: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,18-20) do Cha Giuse Trần Văn Mạnh – Phó ban truyền thông của Giáo phận công bố. Khi ấy, tôi nghĩ: “Truyền thông là góp phần truyền giáo. Dựa vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của truyền thông thì việc truyền giáo sẽ thu lượm được nhiều hoa quả hơn chăng?”

 

Kế đó là giờ chia sẻ của thầy Stephano Trần Thiên Kính, SJ. Thầy đã đặt ra những câu hỏi rất đơn giản như “Truyền thông là gì? Truyền thông Công giáo là gì? Bắt nguồn từ đâu? Nhằm mục đích gì?” Thế nhưng, đối với tôi, những câu hỏi này đánh động và cho tôi cái nhìn đức tin. Câu trả lời cuối cùng đó là: “Truyền thông bắt nguồn từ Thiên Chúa. Truyền thông Công giáo là loan truyền sự sống, là loan truyền ơn cứu độ”. Chưa bao giờ tôi thấy truyền thông hấp dẫn như lúc này. Về mục đích học truyền thông, mỗi học viên nơi đây ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Riêng tôi, tôi học để truyền lửa. Tôi muốn nhờ truyền thông để Giáo xứ trở nên sinh động hơn. Bên cạnh đó là để lưu giữ những hình ảnh đẹp của mọi sinh hoạt, hoạt động của Giáo xứ cho thế hệ mai sau được biết, được kế thừa, được học hỏi kinh nghiệm từ quá khứ.

 

 

Một điều ấn tượng khác là khoá tập huấn cho tôi cơ hội được gặp những người mà tôi chỉ biết qua những lời kể. Đó là Thầy Stephano Trần Thiên Kính, S.J và Sr Maria Trần Thị Trung Thu, DHM. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của Thầy và Sr, tôi đã được trang bị nhiều hơn những điều tôi mong ước. Tôi đã có kiến thức cơ bản về chụp hình, viết tin, viết bài, viết kịch bản, quay phim. Tất cả chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày (từ 9–11/5). Ngạc nhiên hơn là tôi chỉ dùng app trên điện thoại do Thầy Stephno chia sẻ, tuy không được xịn như những phương tiện chuyên nghiệp, nhưng nó cũng đủ để tôi làm nên những điều tôi muốn, và tôi hài lòng với những điều đó.

 

Một điều nữa tôi muốn chia sẻ, đó là sự phong phú của Thiên Chúa thông qua những thành viên trong đợt tập huấn. Nhóm tôi có ba chú đã hành nghề quay phim, chụp hình hơn 20 năm; một anh là kiến trúc sư cũng hơn 10 năm và đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề chụp ảnh; một cô giáo dạy văn, một số bạn sinh viên và những học viên còn lại đến từ giáo hạt Đạ Tông, Đơn Dương, Bảo Lộc, Đạ Tẻ. Ngoài bốn vị siêu cao thủ ra thì chúng tôi đều chưa có chút kinh nghiệm gì. Nhìn sơ qua một chút, có thể thấy giữa chúng tôi có khá nhiều chênh lệch về độ tuổi, kiến thức, kỹ năng. Thế mà dưới sự hướng dẫn của Thầy và Sr, chúng tôi đã làm nên những điều kỳ diệu. Những điều chúng tôi chưa từng làm, những ý tưởng chưa từng nghĩ, những khả năng chưa được khai phá và bộc lộ, sự phối hợp ăn ý, cách làm việc đội nhóm, sự tôn trọng lẫn nhau, sự quan tâm, gắn kết… Tất cả đều được thể hiện trọn vẹn nơi khoá tập huấn này. Cùng với nhau chúng tôi quên giờ giấc, quên đi mọi khoảng cách, mọi mệt mỏi.

Ngày cuối của khoá tập huấn, có lẽ ai trong chúng tôi cũng cảm nhận giờ chia tay đã gần đến, nên dường như ai cũng ráng níu kéo nhau thêm một chút, tranh thủ chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và hứa hẹn. Trong bầu khí ấm cúng, Thiên Chúa hiện diện như lời minh chứng: “Trong tình yêu Chúa, chúng ta là một”.

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã quy tụ chúng con từ khắp nơi trong Giáo phận, để chúng con được tiếp tục học hỏi về công trình sáng tạo của Chúa nơi thời đại công nghệ này. Xin Chúa hướng dẫn và đồng hành để chúng con biết dùng những phương tiện Chúa trao ban mà làm cho muôn người được nhận biết Chúa. Biết Chúa là Cha yêu thương và biết cách đáp trả lại tình yêu thương ấy bằng chính con người của chúng con trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Amen.

 

Kim Nhung

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *