Không là môn đệ chân chính của Chúa

 

 

Ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã mời gọi một số người cộng tác với mình. Thật khác xa với các bậc thầy thời ấy, Đức Giêsu đã không ngồi chờ người khác đến với mình tầm sư học đạo, nhưng đã chủ động đến gặp gỡ từng người, ngay nơi môi trường sống hàng ngày của họ để ngỏ lời mời và hứa hẹn với họ một tương lai tươi sáng. Một điều kỳ lạ nữa là những con người mà Đức Giêsu nhận làm môn đệ không phải là những con người xuất chúng, lỗi lạc, nhiều tài năng, nhưng phần lớn là những con người rất bình thường, nếu không muốn nói là có chút ngu muội, bồng bột, chẳng có chi nổi trội. Đã đành là những ai không được Chúa mời gọi cách riêng thì không thể là người môn đệ kế cận của Chúa được. Nhưng cũng có một số người, dù đã nghe được lời mời gọi ấy, thậm chí họ đã mang danh là môn đệ Chúa, nhưng vẫn chưa trở thành người môn đệ đích thực mà Thầy Giêsu hằng khao khát.

Ấy là người có thái độ chần chừ, không dứt khoát. Khi Đức Giêsu mời gọi bốn môn đệ đầu tiên, tất cả đều nhanh chóng “bỏ lại mọi sự” mà theo Ngài. Lêvi – Matthêu, người thu thuế, cũng chẳng ngần ngại gì khi bỏ lại nơi làm việc để đáp lại lời mời gọi của Giêsu. Nước Trời đã đến gần, đồng lúa đã vàng ngập cả cánh đồng mênh mông. Thiên Chúa cần lắm những con người mau mắn thưa tiếng xin vâng với Ngài, mà không có chút lưỡng lự hay do dự gì cả. Người môn đệ Chúa phải là người xem Chúa và sứ mạng của Ngài trên hết mọi sự. Họ không bị những mối tương quan, hay của cải, vị thế, danh vọng níu giữ. Lòng họ lúc nào cũng thanh thoát và sẵn sàng để cất bước ra đi mà chẳng cần biết mình sẽ đi đâu, có chỗ tựa đầu hay không, có chuyện gì bất trắc xảy đến với mình hay không. Theo Chúa mà chẳng dám từ bỏ bản thân, không dám buông mình khỏi nơi an toàn và những thói quen, ham muốn cá nhân, đó chỉ là một sự đi theo trong ray rứt và mệt mỏi. Theo Chúa mà lòng vẫn còn hướng về những điều hư ảo ngoài kia thì làm sao có thể sống hạnh phúc với Chúa được. Chúa muốn rằng, đã theo Chúa thì chỉ được chọn một mình Chúa mà thôi. Đã quyết tâm theo Chúa rồi thì đừng dây dưa với những gì cản vướng.

Ấy là người có một sự hiểu biết sai lầm về con đường của Chúa. Đường Chúa đi là con đường thập giá, là con đường cúi xuống để phục vụ và leo lên đến đỉnh đồi thương đau: hy sinh cho người khác, chết cho người khác. Dù bên ngoài, nó có vẻ bị bao phủ bởi những điều tang tóc đau thương, nhưng đó thật sự là con đường dẫn đưa tới hạnh phúc. Con đường của Chúa chắc chắn không phải là con đường đi tìm sự an nhàn bản thân, tìm sự thừa nhận và những lời khen. Người môn đệ của Chúa có thể sẽ làm được rất nhiều điều cho người khác. Nhân danh Chúa, họ rao giảng, chữa lành, trao ban những lời khôn ngoan, giúp mọi người vượt qua những cơn giông  tố, mang đến cho họ những an ủi cho tâm hồn… Nhưng không bao giờ họ được phép đi tìm một sự “bù trừ” cho những gì mình đã “hy sinh”. Người môn đệ dâng mình cho Chúa là để trở thành khí cụ của Chúa, lấy thân mình để phục vụ người ta, chứ không phải để mượn danh Chúa mà tô vẻ cho cái tôi của mình, để thu vén về cho mình những gì mình thích. Ngai vàng, điện ngọc không phải là điều mà Giêsu tìm kiếm; thập giá và vòng gai mới là cái mà Giêsu thấy vinh dự khi mang vào. Người môn đệ nào không cùng mặc lấy những điều này giống như Thầy, thì không thể là một môn đệ đích thực của Thầy được.

Ấy cũng là con người khi đã biết mình “chưa dứt khoát” và “hiểu sai về con đường của Chúa” nhưng lại không chịu nhận sai và quyết tâm sửa đổi. Họ không chịu lui lại đàng sau Thầy để được Thầy hướng dẫn, nhưng cứ cố tỏ ra là mình biết tất cả và xung phong chỉ đường cho Chúa. Họ không chịu rơi những giọt nước mắt thống hối như Phêrô năm xưa, nhưng cứ cố chai lỳ trong cái kiêu ngạo và cứng cỏi của mình như Giuđa, bất chấp bao lần Thầy cảnh báo. Họ không đến với Chúa, không ở lại với Chúa, không suy đi nghĩ lại trong lòng những giáo huấn của Chúa, không để Chúa thầm nhuần tư tưởng và con tim mình. Họ thích làm theo ý mình, thích vạch ra kế hoạch cho riêng mình và bắt Chúa phải thuận theo kế hoạch ấy của họ. Cũng như bao người khác, họ lớn tiếng nói rằng “con yêu Chúa” nhưng lại bỏ Chúa bơ vơ một mình trong cuộc Thương Khó, rồi lại không chịu đấm ngực nhìn nhận thiếu xót ấy để được Chúa thứ tha và sửa dạy. Không để cho Chúa uốn nắn và dạy dỗ thì làm sao gọi là môn đệ của Chúa được. Nếu họ có gọi mình là môn đệ Chúa, thì đó cũng chỉ là một sự ảo tưởng của họ mà thôi, và chính danh nghĩa môn đệ ấy sẽ kết án họ sau này.

Đâu phải ai cũng được dành cho một lời mời gọi riêng tư để trở thành người môn đệ chí thân của Chúa. Được làm môn đệ Chúa thật là một phúc phần lớn lao cho những ai được Người gọi, chọn và ưu ái. Đã cất bước theo Chúa rồi, thì hãy cố gắng theo Chúa cho đến tận cùng. Hãy dứt khoát và mạnh dạn, hãy để cho Chúa biến đổi con tim và hãy bước đi trên đúng con đường thập giá của Chúa. Nếu chẳng may vì yếu đuối mà trật khỏi con đường, người môn đệ hãy khiêm tốn quay trở lại, cầu xin Chúa thứ tha và tiếp tục để Ngài yêu thương sửa dạy. Người môn đệ Chúa chưa hẳn là người hoàn mỹ ngay từ lúc đầu, nhưng họ sẽ là phiên bản mới của Thầy Giêsu khi ở cuối con đường dấn bước. Họ là hình ảnh của sự quên mình, hy sinh, thứ tha, kiên nhẫn, và có khi chịu những thiệt thòi, nhưng lúc nào đôi môi cũng cười tươi hạnh phúc, tinh thần lúc nào cũng hăng hái bình an, con tim lúc nào cũng hoan lạc đầy lửa mến. Đã mời gọi ai, Thầy Giêsu luôn mong muốn người ấy trở thành một môn đệ đích thực của mình, chứ không phải người môn đệ nửa vời, không tới nơi tới chốn. Ước gì những ai mang danh là môn đệ Chúa hiểu rõ điều này và nỗ lực không ngừng để mỗi ngày trở nên giống Đức Giêsu hơn.

Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Khóa tĩnh tâm dành cho các gia đình – “Lạt mềm buộc chặt”

TĨNH TÂM CHO CÁC GIA ĐÌNH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT”     Có lẽ khi …