Kitô học: niềm tin của Hội Thánh vào Đức Giêsu (Phần VIII)

27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27-29a).

“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”

Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ là câu hỏi then chốt. Chúng ta có thể đọc những gì viết về Ngài, học hỏi cuộc đời của Ngài, tham khảo các học giả, và giải thích các lời Ngài dạy, nhưng điểm cốt yếu: Ngài là ai? Ngài là bậc thầy vĩ đại chăng? Ngôn sứ chăng? Đấng Mêsia chăng? Con Thiên Chúa chăng? Kitô học là nỗ lực của Hội Thánh để trả lời cho câu hỏi này, để mô tả Đức Giêsu là ai. Giờ đây, khi nhìn lại cuộc đời, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta sẽ đẩy sự tập trung của chúng ta đến Kitô học: sự hiểu biết của Hội Thánh về ngôi vị của Đức Giêsu cũng như ý nghĩa cuộc đời của Ngài.

Mỗi Kitô hữu đều có một Kitô học mang tính cá vị. Kitô học riêng của mỗi người là cách chúng ta trả lời câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Một số người nhấn mạnh nhân tính của Đức Giêsu, những người khác nhấn mạnh thiên tính; một số nhấn mạnh tương quan của Ngài với người nghèo, những người khác nhấn mạnh vai trò thầy dạy của Ngài, trong khi những người khác nữa thuật lại các giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Tất cả những mô tả trên về Đức Giêsu, theo quan điểm của mỗi người, đều đúng. Thế nhưng không một câu trả lời nào trong số đó nắm giữ trọn vẹn chân lý.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong những danh hiệu dưới đây, danh hiệu nào mô tả tốt nhất hiểu biết của bạn về Đức Giêsu: Thầy dạy, bạn của người tội lỗi và người nghèo, Đức Chúa, Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ? Và tại sao?

CÁC KITÔ HỌC TÂN ƯỚC: TRONG PHÚC ÂM NHẤT LÃM VÀ GIOAN

Các Phúc Âm Nhất Lãm. Bạn là ai? Đáp án cho câu hỏi đó phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta hỏi ai. Một người bạn có thể mô tả bạn rất khác so với cha hay mẹ của bạn. Mô tả của giáo viên này có lẽ cũng rất khác với mô tả của giáo viên kia. Hữu thể người rất phức tạp và không dễ mô tả. Chúng ta có nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến cá tính mỗi người. Điều này đúng và tương tự khi nói về con người của Đức Giêsu Kitô.

Trong Hội Thánh, luôn có sự đa dạng Kitô học – những cách khác nhau nhằm mô tả mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Không có một Kitô học đơn độc trong Tân Ước. Có nhiều loại Kitô học khác nhau. Tuy nhiên, các Kitô học này không mâu thuẫn, nhưng bổ sung và làm nổi bật nhau. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất về sự đa dạng này là sự kiện chúng ta nhìn nhận trong Kinh Thánh không chỉ có một nhưng là bốn Phúc Âm. Trong khi các Phúc Âm này có nhiều điểm chung, mỗi Phúc Âm đều có điểm nhấn riêng độc nhất của mình.

Trong Phúc Âm Máccô, điểm nhấn đề cập Đức Giêsu là Đấng Mêsia chịu đau khổ. Các học giả tin rằng, thánh sử Máccô viết cho độc giả (có thể ở Rôma) đang chịu rất nhiều bách hại. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi thánh sử Máccô xem đây là điểm quan trọng trong Phúc Âm của ngài. Ngài quả quyết với họ rằng chính Đức Giêsu đã phải chịu những đau khổ mà giờ đây họ đang chịu. Máccô cho thấy sứ mạng của Đức Giêsu là chu toàn cách triệt để không phải chỉ qua các giáo huấn vĩ đại hay các phép lạ đầy quyền năng, nhưng là trong chính cái chết của Ngài. Máccô dường như giải thích sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu dưới ánh sáng những gì đã được ngôn sứ Isaia viết về người tôi tớ của Thiên Chúa, Đấng ngang qua đau khổ của mình sẽ chữa lành nhân loại.

Thánh sử Mátthêu có điểm nhấn khác. Đối với Mátthêu, Đức Giêsu là sự hoàn tất của Cựu Ước và là bậc thầy vĩ đại đã kiện toàn luật Tôra. Thánh sử bắt đầu Phúc Âm của mình bằng cách trình bày gia phả của Đức Giêsu truy gốc đến tổ phụ Ápraham. Thánh sử chăm chú vào việc kết nối sự liên hệ của Đức Giêsu với niềm hy vọng của Ítraen. Mátthêu kể câu chuyện giáng sinh bằng cách cấu trúc câu chuyện này xoay quanh năm đoạn trích từ Cựu Ước. Trong từng trường hợp, Đức Giêsu được xem như sự hoàn tất Cựu Ước. Tương tự như vậy, Mátthêu thêm vào Phúc Âm của mình rất nhiều giáo huấn của Đức Giêsu. Nhưng thánh sử trình bày rõ ràng rằng trong lời dạy của Đức Giêsu, Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật và các ngôn sứ nhưng để kiện toàn chúng (x. Mt 5,17).

Thánh sử Luca mong muốn trình bày Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ muôn dân, cả dân ngoại lẫn dân Do Thái. Ngài là Đức Chúa không những của Ítraen mà còn của thế giới và toàn bộ lịch sử. Thánh sử Luca cũng bao gồm gia phả, nhưng không giống với Mátthêu, ngài truy nguồn gia phả của Đức Giêsu đến tận nguyên tổ Ađam (rõ ràng chỉ mang tính biểu tượng) bởi vì Ađam là cha của toàn thể nhân loại. Trong tác phẩm thứ hai, cuốn Công vụ Tông đồ, thánh sử đã dõi theo sự lan truyền Kitô giáo tới dân ngoại và tới Rôma là trung tâm nổi tiếng của thế giới.

Thêm vào đó, thánh sử Luca cũng cho thấy quan tâm đặc biệt của mình trong việc phác họa Đức Giêsu là bạn của người nghèo, người bị áp bức và người tội lỗi. Đối với thánh Luca, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ có giới hạn.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong số các đề tài của Phúc Âm Nhất Lãm, đề tài nào gần gũi nhất với sự hiểu biết riêng của bạn về Đức Giêsu?

Đức Giêsu trong Phúc Âm Gioan: Ngôi Lời Đã Làm Người. Tông đồ Gioan nhấn mạnh Đức Giêsu là Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Thánh nhân nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa hơn nhiều so với các sách Nhất Lãm. Gioan có nền Kitô học phát triển cao nhất so với bất kỳ cuốn Phúc Âm nào. Trong Lời Tựa, thánh sử đã phát triển Kitô học của ngài về Ngôi Lời như sau:

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành

 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. (Ga 1,1-3. 4. 17-18)

Đức Giêsu được trình bày là Lời của Thiên Chúa đã làm người. Gioan bắt đầu Lời Tựa bằng các từ tương tự như chúng ta thấy trong phần mở đầu của sách Sáng Thế, vì Gioan muốn phác họa Đức Giêsu là Lời đồng hiện hữu ngay từ nguyên thủy với Thiên Chúa, Lời đó đã hiện diện ngay từ buổi ban đầu tạo dựng. Trong  sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng qua Lời của Ngài: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng và tức thì có ánh sáng.’” Chính Lời sáng tạo của Thiên Chúa giờ đây đã mặc lấy xác phàm nơi con người của Đức Giêsu. Trong hai câu cuối (của Lời Tựa), Đức Giêsu được so sánh với lời của Thiên Chúa ban tặng ông Môsê. Lời đó thấp kém hơn Đức Giêsu bởi vì lời đó mặc khải Lề Luật của Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu mặc khải tình yêu của Thiên Chúa, và thật ra Ngài mặc khải chính Thiên Chúa.

Bên cạnh Lời Tựa, Gioan đưa ra một Kitô học xuyên suốt Phúc Âm của ngài và ngài đặt nền Kitô học đó trên môi miệng Đức Giêsu. Trong suốt Phúc Âm, có hàng loạt những câu nói của Đức Giêsu bắt đầu với cụm từ: “TÔI LÀ.” Cụm từ này gợi lên danh xưng của Thiên Chúa trong Cựu Ước là Giavê (Yahweh) hàm ý tính đồng nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa. “Kitô học” này mang ít vẻ triết học và chủ yếu dựa trên hình ảnh hơn là ý tưởng:

35 “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

12 “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

9 “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9).

11 “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

25 “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

6 “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Trong mỗi đoạn trên, chúng ta nhận thấy mối tương quan của Đức Giêsu với những kẻ theo người và thành quả của mối tương quan đó.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Câu nào trong số các câu nói: “Tôi là” trong Phúc Âm Gioan có ý nghĩa nhất đối với bạn? Đâu là hình ảnh tốt nhất diễn tả mối tương quan của bạn với Đức Giêsu?

 

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *