Là chủ hay là thợ?

Có lần tôi đi thăm một cụ bà giáo dân ở xa nhà thờ nhất trong một họ đạo ở Miền Tây. Chủ nhật hàng tuần cụ phải chèo xuồng 3 lá men theo các con rạch nhỏ rồi ra sông lớn để đến nhà thờ. Đôi chân da bọc xương của cụ không còn đủ khỏe để đi xa được nữa, con cái không đứa nào có đạo và cũng bận đi làm mướn suốt tuần. Cũng may là nhà thờ nằm sát bờ sông và nhà cụ có con rạch chạy ngang nên cụ không phải đi bộ nhiều. Nơi cụ ở là căn nhà lá đúng nghĩa; không những mái mà các bức vách và cửa đều làm bằng lá dừa nước. Cụ mời tôi bước vào nhà, khoe với tôi một bức hình Thánh Tâm cắt ra từ tấm lịch treo tường đã cũ được gài một cách gọn gàng vào khung tre phía sau tấm cửa lá. “Chúa Giêsu đó” – cụ vừa nói vừa cười để lộ hàm móm không còn một chiếc răng nào. Chưa hết, cụ với tay kéo tấm màn trên giường xuống rồi rút ra một tờ giấy nhỏ hơi nhàu mà tôi nhận ra là tấm bìa trước của một cuốn sách giáo lý. Trên tấm bìa đó có vẽ hình Chúa Giêsu đang đứng và chim bồ câu ngự ở phía trên chiếu tỏa ánh hào quang xuống. “Còn đây là Chúa Thánh Thần” – Cụ chỉ vào hình chim bồ câu và cười nhe hai hàng nướu. Tôi chọc chơi: “Vậy Chúa Cha đâu?” Cụ lại cười!

Niềm vui của người tu sĩ không hẳn là đem Chúa đến với người khác mà là thấy Chúa nơi những người họ gặp gỡ. Đúng là người thợ trên cánh đồng truyền giáo phải lao tác rất nhiều để mùa màng trổ sinh hoa trái. Thế nhưng cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng trước khi mình bắt tay làm việc thì Chúa đã hiện diện ở đó rồi. Người tu sĩ trước mỗi sứ mạng thường lo chuẩn bị rất nhiều thứ, rèn luyện kỹ năng, lên kế hoạch… nhưng vẫn tin tưởng rằng Chúa đã chuẩn bị một kế hoạch lớn hơn và mời gọi mình cộng tác.

Không ít lần người tu sĩ phải thất vọng vì bao nhiêu công sức bỏ ra không mang lại kết quả như mình mong muốn. Rất nhiều khi người tu sĩ chạy đến với Chúa trong cảm giác trắng tay, thất bại trong việc đào luyện chính mình và thất bại trong sứ vụ được giao. Như người thợ được sai đi rồi trở về tay trắng, người tu sĩ cảm thấy mình bất lực trước bao nhiêu vấn nạn không thể giải quyết được, cánh đồng bao la nhưng sức người có hạn. Người tu sĩ trăn trở, băn khoăn; người tu sĩ buồn rầu, lo lắng; người tu sĩ sợ hãi, hoang mang; rồi người tu sĩ chán chường, tuyệt vọng…

Thì ra, người thợ quá băn khoăn lo lắng nhiều chuyện mà quên đi rằng ông chủ đã sắp đặt một kế hoạch hoàn hảo hơn sẽ được tỏ lộ trong ngày sau hết. Khi đó cỏ lùng không còn là kẻ thù đáng gờm của lúa; khi đó dê sẽ không còn cơ hội tranh giành với chiên; khi đó những kẻ kiêu căng ngạo mạn sẽ phải khóc lóc nghiến răng; khi đó mọi hối nhân đều được đồng bàn với Chúa trong tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, người tu sĩ không phải là người thờ ơ với những vấn đề thời cuộc, vô tâm trước những hoàn cảnh khó khăn hay bất công trong xã hội. Người tu sĩ phải chu toàn trách nhiệm làm người thợ xây dựng Nước Trời ngay trong thế giới hiện tại.

Sự sống đời sau được mặc khải theo hình ảnh thưởng-phạt không phải chỉ để chứng minh quy luật nhân-quả đời này và đời sau. Trái lại, viễn cảnh đời sau được mở ra như một lời mời gọi và là tiêu chuẩn để người tu sĩ nhận biết ngay tại đời này những giá trị nào cần phải cổ võ và những giá trị nào cần phải đấu tranh gạt bỏ để xây dựng Nước Trời . Những người thợ nhiệt thành thì khác kẻ làm công ăn lương, bởi vì họ xác tín rằng ông chủ luôn thương ban cho họ những gì tốt đẹp nhất như những người thừa kế gia nghiệp. Họ lo liệu công việc trong tinh thần phó thác; họ hăng say làm việc với tất cả tình yêu; họ đón nhận mọi kết quả có được với lòng tri ân cảm tạ.

Lạy Chúa Giêsu, ngài là chủ mùa gặt nhưng đã tra tay lao tác như một người thợ đích thực. Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương vâng phục ý Cha xây dựng Nước Trời, cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”. Xin Chúa cho chúng con biết quảng đại cộng tác với Chúa trong hoàn cảnh sống của mình, để chúng con có thể góp phần nhỏ bé của mình làm cho thế giới này ngày một thêm chan chứa tình Chúa và tình người hơn. Amen

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *