Thế hệ “Zen Z” sinh ra trong thời trưởng thành của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy vậy, có lẽ các em không biết đến vị Giáo Hoàng nổi tiếng về đường lối mục vụ trong lĩnh vực truyền thông: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005). Tôi may mắn được tham dự lễ an táng trực tuyến (Online) của ngài, lúc tôi còn ở Việt Nam. Khi học thần học, tôi rất thích đường lối mục vụ bình dân của ngài. Tuy bình dân, nhưng ngài đã để lại biết bao hướng dẫn mục vụ vô cùng quan trọng cho cả thời đại chúng ta. Một trong những Tông thư cuối cùng ngài viết cho Giáo hội với tựa đề: “The Rapid Development – phát triển nhanh chóng”[1].
Tông Thư này được viết 3 tháng trước khi ngài qua đời. Đây là một văn bản quan trọng đề cập đến vai trò của truyền thông xã hội hiện đại và những thách thức mà Giáo hội Công giáo đối mặt trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá Tin Mừng. Tông thư được công bố vào ngày 24 tháng 1 năm 2005, nhân dịp lễ thánh Phanxicô de Sales, thánh bảo trợ của các nhà báo. Nếu đọc tài liệu này[2], bạn cũng thấy thánh giáo hoàng cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách mà công nghệ truyền thông có thể được sử dụng để phục vụ sứ mạng của Giáo hội.
1. Tiến trình sinh hoa trái sau sắc lệnh “Inter Mirifica”
Đầu tiên, Giáo hoàng nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông như một dấu hiệu của sự tiến bộ trong xã hội hiện đại. Ngài trích dẫn từ sắc lệnh “Inter Mirifica”[3] của Công đồng Vaticanô II (viết ngày 4 tháng 12 năm 1963). Đây là tài liệu hướng dẫn rất kịp thời trong bối cảnh “AI và Internet” đang còn trong trứng nước! Trong đó, Giáo hoàng Phaolô VI chỉ ra những phát minh kỹ thuật kỳ diệu này, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, đã mở ra những con đường mới cho việc giao tiếp dễ dàng mọi loại tin tức, ý tưởng và hướng dẫn.
Giáo hội, theo Giáo hoàng Gioan Phaolô II, không chỉ cần sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá Tin Mừng mà còn phải tích hợp thông điệp cứu rỗi vào “văn hóa mới – new culture” (The Rapid Development, số 2). Đừng quên tài liệu này ra đời hơn 20 năm trước. Vậy mà Giáo hội nhìn nhận văn hóa này bao gồm các kỹ thuật và công nghệ mới trong truyền thông, ảnh hưởng sâu sắc đến cách con người giao tiếp và tiếp nhận thông tin. Ngày nay rõ ràng nó đã nên hiện thực khi văn hóa mới như là những phương tiện truyền thông phát triển vượt bậc và chi phối đời sống của mọi người.
Sau hơn 40 năm kể từ khi “Inter Mirifica” được công bố, Giáo hoàng Gioan Phaolô II cảm thấy cần thiết phải suy ngẫm về những thách thức mà các phương tiện truyền thông đại chúng đặt ra cho Giáo hội. Là người đi tông du nhiều nhất trong các thời giáo hoàng, ngài nhận thấy Giáo hội không chỉ được kêu gọi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Tin Mừng, mà ngày nay còn phải tích hợp thông điệp cứu rỗi vào “văn hóa mới” này. Từ lúc đó, Giáo hội không ngần ngại sử dụng các kỹ thuật và công nghệ truyền thông hiện đại là một phần không thể thiếu trong sứ mạng của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.
Ngay những số đầu, thánh Giáo hoàng đã đưa ra hướng dẫn vô cùng quan trọng này: “Một cách tiếp cận thực sự đạo đức trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mạnh mẽ phải được đặt trong bối cảnh của sự thực hành tự do và trách nhiệm trưởng thành, dựa trên các tiêu chí tối thượng về sự thật và công lý.” (The Rapid Development, số 3). Chỉ có hướng này, chúng ta mới mong đặt hiệu quả trong lãnh vực truyền giáo.
2. Suy niệm Phúc Âm và cam kết truyền giáo
Tiếp theo, Giáo hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phản ánh Phúc Âm và cam kết truyền giáo trong thế giới truyền thông. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện – “teach us to pray” (Lk 11,1). Với tinh thần cầu nguyện, chúng ta mới thấy các phương tiện truyền thông cung cấp cơ hội quý báu để tiếp cận với mọi người khắp nơi, vượt qua rào cản thời gian, không gian và ngôn ngữ; trình bày nội dung đức tin theo nhiều cách khác nhau và mở ra khả năng đối thoại với mầu nhiệm của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Kitô Giêsu [4].
Điều sau có thể nghe rất lạ tai với nhiều bạn trẻ: “Thế giới truyền thông đại chúng cũng cần đến sự cứu rỗi của Chúa Kitô.” [5] Điều này nghĩa là gì? Tài liệu này mời gọi những ai làm, hoặc tham gia truyền thông cần với cặp mắt đức tin. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng này còn cho rằng Thánh Kinh cần trở thành quy tắc cao cả để làm điểm quy chiếu và soi sáng cho các tiến trình và giá trị truyền thông. Đây là “quy tắc cao cả” cho lãnh vực truyền thông (x. The Rapid Development, số 4). Hơn nữa, nếu làm truyền thông hiệu quả, chúng ta có thể chuyển tải nguồn mạch của thông điệp cứu rỗi đến với nhiều người. Con người ở mọi thời khao khát điều này. Do đó, truyền thông có thể giúp con người thêm xác tín hơn vào giá trị cứu rỗi, kho tàng Nước Trời.
Đừng quên lịch sử cứu rỗi được ghi lại và chứng minh việc Thiên Chúa giao tiếp với con người [6]. Để đạt được điều này, Thiên Chúa và con người có thể sử dụng mọi hình thức và cách thức giao tiếp. Con người được tạo ra theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (the image and likeness of God) để tiếp nhận sự mặc khải của Ngài. Trong tương quan này, chúng ta có thể bước vào cuộc đối thoại yêu thương với Ngài. Vì tội lỗi, khả năng đối thoại này ở cả cấp độ cá nhân và xã hội đã bị thay đổi, và nhân loại đã phải chịu đựng và sẽ tiếp tục chịu đựng kinh nghiệm đắng cay của sự không hiểu biết và chia rẽ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi loài người, mà đã gửi Con của Ngài đến (x. Mc 12,1-11). Trong Ngôi Lời nhập thể, chính việc giao tiếp đạt đến ý nghĩa cứu rỗi sâu sắc nhất của nó: qua Chúa Thánh Thần, con người có khả năng nhận lãnh ơn cứu rỗi, và công bố và làm chứng về điều đó trước thế gian.
3. Thay đổi tư duy và canh tân mục vụ
Tự đề trên có thể lạ với nhiều người trong xã hội ngày nay! Vậy mà 20 năm trước, thánh Giáo hoàng đã đề nghị Giáo hội cần đổi mới, canh tân. Cụ thể một phần quan trọng khác của Tông thư là sự kêu gọi thay đổi tư duy và đổi mới mục vụ. Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, Giáo hội thấy mình có một công cụ quý giá để truyền bá Tin Mừng. Truyền thông có thể gìn giữ các giá trị tôn giáo, thúc đẩy đối thoại, hợp tác đại kết và liên tôn, cũng như bảo vệ những nguyên tắc vững chắc cần thiết để xây dựng một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú ý đến lợi ích chung.
Giáo hội sử dụng các phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin về mình và mở rộng ranh giới của việc truyền giáo, dạy giáo lý và công tác đào tạo. Điều này được xem như là một sự đáp ứng với mệnh lệnh của Chúa: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15). Trong những năm gần đây, chúng ta đang thấy truyền thông Công giáo sinh rất nhiều hoa trái, cũng vì sự thay đổi kịp thời này.
4. Các phương tiện truyền thông đại chúng, giao lộ của các vấn đề xã hội lớn
Là người đứng đầu Giáo hội, thánh giáo hoàng nhận thấy tầm ảnh hưởng của truyền thông có thể phổ quát hơn. Cụ thể ngài cho rằng truyền thông như là giao lộ của các vấn đề xã hội lớn. Ở đây chúng ta phải đối mặt với ba lựa chọn cơ bản: huấn luyện, tham gia và đối thoại (formation, participation and dialogue). Như vậy, truyền thông phải được quản lý nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền và nghĩa vụ của con người. Hơn nữa, truyền thông cũng nhấn mạnh phẩm giá của con người, của gia đình như đơn vị cơ bản của xã hội và mối quan hệ đúng đắn.
- Về huấn luyện: cần có một công việc đào tạo rộng rãi để đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông đại chúng được biết đến và sử dụng một cách thông minh và phù hợp.
- Về tham gia: cần có sự tham gia đồng trách nhiệm vào quản lý các phương tiện truyền thông.
- Về đối thoại: không thể quên khả năng lớn của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc thúc đẩy đối thoại, trở thành phương tiện cho sự hiểu biết lẫn nhau, tình đoàn kết và hòa bình.
5. Hãy giao tiếp với sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Cuối cùng, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giao tiếp trung thực và tự do giúp củng cố sự tiến bộ toàn diện trên thế giới. Ngài khuyến khích các tín hữu hãy đón nhận những công nghệ mới và không sợ hãi khi đối diện với những thách thức. Đừng sợ công nghệ mới: “Do not be afraid of new technologies!” Giáo hoàng kêu gọi sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần để giúp các tín hữu duy trì sự giao tiếp chân thành và tự do, đóng góp vào sự tiến bộ toàn diện của thế giới. Đây là chìa khóa rất quan trọng để chúng ta dùng truyền thông tốt! Nguyên văn ngài trích trong Tân Ước: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1 Cr 2,9).
Thư Tông đồ kết thúc bằng một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, người đã trao ban Ngôi Lời hằng sống (the Word of life). Chính Ngài giúp Giáo hội truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của cuộc sống trong Chúa Kitô bằng mọi phương tiện có thể, trong đó có truyền thông, có cả AI.
Kết luận
Có lẽ trong Giáo hội có rất nhiều tài liệu hướng dẫn sử dụng Internet, truyền thông [7]. Một vị Thánh giáo hoàng gần gũi với chúng ta cũng có hướng dẫn kịp thời trong Tông thư: “The Rapid Development”. Hãy mạnh dạn dùng truyền thông để loan báo Tin Mừng và xây dựng một nền văn hóa giao tiếp đạo đức và công bằng. Ngài khuyến khích các tín hữu đón nhận những thách thức và cơ hội mà truyền thông mang lại với sự khôn ngoan và lòng trung thành với Tin Mừng.
“Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta truyền thông bằng mọi phương tiện về vẻ đẹp và niềm vui sức sống trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta.”
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-il-rapido-sviluppo—su-phat-trien-nhanh-chong—cua-duc-giao-hoang-gioan-phaolo-ii-gui-toi-gioi-huu-trach-truyen-thong
[2] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_letters/2005/documents/hf_jp-ii_apl_20050124_il-rapido-sviluppo.html
[3] Toàn văn bằng Tiếng Việt: https://tgpsaigon.net/bai-viet/inter-mirifica-sac-lenh-ve-cac-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi-63005
[4] The Rapid Development, số 5.
[5] Nguyên văn The Rapid Development, số 4: The world of mass media also has need of Christ’s redemption.
[6] “The communication of God with man.”, The Rapid Development, số 4.
[7] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-giao-duc-cong-giao-huong-dan-dao-tao-linh-muc-tuong-lai-ve-truyen-thong-xa-hoi