“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Ngang qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn làm bạn và chia sẻ tâm tư của Ngài cho con người được biết. Tuy vậy, lời yêu của Thiên Chúa nhiều lần bị con người phớt lờ, quên lãng. Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bệnh phong trong tin mừng Maccô (Mc 1,40-45)[1] cho ta thấy điều này, và cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người về thái độ lắng nghe và thấu hiểu tiếng Chúa trong đời sống thường ngày.
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bị bệnh phong, lời kêu xin của người bệnh đã được Chúa Giêsu lắng nghe và thấu hiểu. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Đứng trước người bệnh, Chúa Giêsu lắng nghe bằng đôi tai ngay khi lời cầu xin chưa được thốt ra cách rõ ràng. Chúa lắng nghe bằng đôi mắt khi nhìn thấy được những đau đớn mà người bệnh phong phải gánh chịu nơi thân xác và trong tinh thần. Chúa lắng nghe bằng cả tấm lòng khi người chạnh lòng thương và đồng cảm với cõi lòng tan nát của người bệnh. Chính vì lắng nghe và thấu hiểu, Chúa Giêsu đã đưa tay chạm vào anh, nói lời chữa lành và chữa cho anh khỏi bệnh.
Sau khi chữa bệnh, Chúa Giêsu ra lệnh cho anh không được nói với ai về việc chữa lành này mà hãy đi trình diện với các tư tế và dâng lễ vật để chứng minh mình được khỏi bệnh (x. Mc 1,44). Tuy vậy, lệnh truyền này đã không được tuân giữ. Người bệnh phong rao truyền và tung tin này khắp nơi. Chúa Giêsu trở nên nổi tiếng trong dân chúng như một người làm được phép lạ. Cũng vì sự nổi tiếng này, Người không thể tiếp tục giảng dạy Nước Chúa trong các thành thị mà chỉ có thể hoạt động ở những nơi hoang vắng.
Nếu Chúa Giêsu chỉ như một người thầy thuốc, việc loan truyền phép lạ chữa lành của người bệnh phong sẽ là một hành vi đáng khen ngợi. Tuy vậy, Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành cốt là để người ta tin vào Ngài là Con Thiên Chúa – Đấng đến cứu độ thế giới không chỉ bằng phép lạ nhưng còn bằng việc sống thân phận con người, vâng phục thánh ý Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá. Thiên Chúa muốn đi vào mối tương quan thân hữu với con người. Trong mối tương quan ấy, Ngài cũng muốn con người đón nhận và thông chia sứ mạng được Chúa Cha trao phó. Tâm tư này của Chúa Giêsu đã không được lắng nghe và thấu hiểu. Việc làm của người bị bệnh phong có thể rất hợp lý theo suy luận của con người, nhưng lại không phải là điều Thiên Chúa muốn.
Câu chuyện của người bệnh phong là lời nhắc nhở quý báu cho đời sống đức tin của mỗi người tín hữu. Để có thể lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư của Thiên Chúa, mỗi người cần thái độ khiêm tốn, lưu tâm lắng nghe tiếng Chúa nơi đời sống của Giáo hội, trong tương quan với tha nhân và trong chính cõi lòng mình.
Trước tiên, Thiên Chúa không phải là một cái kho chứa đầy những phép lạ. Lắm khi con người đồng hoá đời sống cầu nguyện với việc cầu xin những ơn lành. Nơi đời sống cầu nguyện, mỗi người vừa thổ lộ nhu cầu chính đáng của mình, nhưng cũng thể hiện sự khiêm tốn và niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, điều quan trọng nhất không phải là lợi ích con người nhận được, nhưng là niềm vui được thưa chuyện với Thiên Chúa. Thiên Chúa là người cha hằng ban cho con người những điều tốt đẹp nhất. Thiên Chúa là người bạn hằng thấu hiểu nỗi thống khổ của con người. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch”. Thái độ cầu xin của người bệnh phong trong đoạn Tin Mừng xứng đáng trở nên khuôn mẫu cho mỗi người tín hữu noi theo.
Thứ đến, con người cần mở lòng ra với tâm tình của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã trực tiếp nói lên ý định của Người sau khi chữa lành bệnh cho người phong. Ngày nay, con người cũng có thể tìm nghe được tiếng nói của Chúa cách rõ ràng khi đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh, năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, hoặc lắng nghe lời khuyên dạy của các vị chủ chăn trong Giáo hội. Sống trong xã hội hiện đại, nhiều khi người ta tìm đến khôn ngoan của loài người nơi sách vở, nơi các phương tiện truyền thông mà lãng quên tiếng Chúa hằng ngỏ lời ngang qua đời sống của Giáo Hội.
Cuối cùng, Chúa cũng có thể nói qua những góp ý của tha nhân hay qua những thúc đẩy trong chính cõi lòng của mỗi người. Mang trong mình những mỏng giòn và giới hạn, con người dễ đi vào lối sống sai lầm nếu không thường xuyên hồi tâm và suy xét lại bản thân. Thêm nữa, mỗi người vẫn có thể rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ nếu cứ mãi tự mãn với những suy nghĩ của bản thân mình. Vì vậy, việc lưu tâm đến những ý kiến khác biệt, lắng nghe những góp ý của người khác sẽ giúp mỗi người thức tỉnh và bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Chúa vẫn hằng hiện diện trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người. Lắng nghe tiếng nói lương tâm, nhận ra thúc đẩy của Thiên Chúa ngang qua những an ủi và sầu khổ trong tâm hồn cũng cũng giúp mỗi người sống theo ý Chúa trong đời sống thường ngày.
Thiên Chúa là Đấng luôn trao ban cho con người những món quà: sự sống, công việc, sức khoẻ, tài năng. Tuy vậy, món quà lớn nhất được trao tặng cho con người là chính Thiên Chúa, ngang qua Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Để đón nhận được món quà cao quý này, mỗi người cần chú tâm xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa: vui thích vì được thưa chuyện với Chúa, khiêm tốn bỏ đi ý riêng bản thân, lắng nghe và thi hành ý Chúa ngang qua đời sống của Giáo hội, nơi tương quan với tha nhân và trong chính nội tâm của mỗi người.
Đaminh Lê Văn Luận SJ
…………
[1] Lời Chúa Chúa Nhật 6 Thường Niên năm B. Ngày 14/2/2021