Hai chữ “lấy chồng” nghe có vẻ hơi “thô”. Người ta thường gọi nó bằng những thuật ngữ mỹ miều hơn, nào là “lên xe hoa”, lúc thì “tìm được bến đỗ”… để khơi gợi lên một màu sắc thi vị. Từ ngày còn bé, em đã sống vô tư, ngây thơ trong sự yêu thương và bao bọc của ba mẹ. Mẹ khuyên bảo em đủ điều, bố chăm lo cho em từng li từng tí. Em sống trong cõi Thiên Đường ấy mà cứ mong thời gian như ngừng trôi, để em không phải lớn lên, không phải trở thành “người lớn”.
Nhưng rồi, cái tuổi cập kê cũng đến. Em tha hồ thả hồn theo những cánh hồng lãng mạn, những điệu hát câu thơ. Bố mẹ già đi, các anh chị ai cũng ra riêng, có gia đình và con cái. Ai cũng bảo con gái lớn phải đi lấy chồng. Đó là quy luật của tự nhiên. Em mường tượng đến khoảnh khắc được mặc áo cô dâu trắng toát, tay cầm bó hoa thơm. Tay trong tay với người yêu bước lên lễ đài trong tiếng vỗ tay chúc phúc của gia đình, bạn bè, thân hữu. Mọi người trầm trồ khen em đẹp, khen hai đứa xứng đôi. Nhiều cô bạn gái ganh tỵ với em, vì em đã “tìm thấy được một nửa của đời mình”. Không phải ai cũng dễ tìm được người chồng lý tưởng như em đang có.
Rồi, em “lên xe hoa”. Xe đưa em về “bến đỗ”. Những ngày đầu của mùa trăng ngọt ngào như mật. Em bắt đầu sống cuộc sống mới, bên người em thương. Phía trước chỉ toàn màu hồng với những viễn tưởng tươi đẹp. Em tách mình ra khỏi sự nâng niu của bố mẹ, bắt đầu cùng “một nửa” xây dựng tổ ấm của riêng mình. Em có một bờ vai để tựa nương, có một vòng tay lúc nào cũng ôm lấy mình như để che chở mình khỏi mưa giông bão táp. Đi đâu, làm gì, em cũng ngỡ rằng mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Bao con mắt nhìn về mình với sự trầm trồ thán phục. “Lấy chồng, con sẽ được một chỗ nương thân trong suốt cuộc đời” – em nhớ lại lời mẹ!
Thời gian đầu của hôn nhân, em tin lời mẹ, và sống trong hạnh phúc miên man, khi trở thành vợ của một người đàn ông mà em nghĩ rằng sẽ là nơi cho em nương bóng. Dù chồng em là một người tốt, và yêu thương em thực lòng nhưng em cũng bắt đầu nhận ra một sự thật cay đắng: kết hôn rồi, em phải thật sự lột xác, phải học nhiều thứ, hạnh phúc mà hôn nhân mang đến không có hương vị của sự vô tư nhàn hạ như em nghĩ.
Làm vợ, em phải học dậy sớm, học làm bếp, học làm những việc lặt vặt; học bỏ đi những sở thích, bỏ những mối tương quan bên ngoài, bỏ cái tôi, bỏ tính tiểu thư, bỏ thói quen cứ muốn người ta chiều chuộng mình; học cách hiểu chồng, chăm lo cho gia đình chồng, học chịu đựng; học cách cân đo đong đếm, chắt chiu, dành dụm… Học đủ thứ! Giờ đây, em mới thấy bộ mặt thật của hôn nhân, với biết bao gam màu lẫn lộn. Ra đời, em mới thấy cuộc sống thật phức tạp: không phải ai cũng dễ thương, không phải ai cũng nói lý lẽ, không phải ai cũng đơn sơ chân thành như mình.
Em ở nhà lo xây tổ ấm, chồng ra ngoài bề bộn với công việc. Em hoang mang khi nghe người ta nói về những cuộc vụng trộm của cánh đàn ông. Liệu chồng em có còn yêu thương em? Liệu chồng em có còn coi em là bảo bối như ngày trước? Liệu anh ta có chung tình, hay cũng là một dạng đàn ông thích bướm hoa?… Ngày xưa em đẹp, em có duyên, em còn có cơ may níu giữ chồng. Giờ đây, chỉ một khoảng thời gian ngắn, chính em nhìn vào gương còn không nhận ra mình. Chẳng biết tự bao giờ, trong em bắt đầu có những nỗi lo vô định.
Rồi em trở thành mẹ, những bận tâm và trách nhiệm tăng thêm gấp mấy lần. Cảm giác làm mẹ cho em sức mạnh để đương đầu với mọi khó khăn. Nhưng em bây giờ đã là một cánh hồng phai, tả tơi theo năm tháng. Một ngày 24 tiếng, vừa lo cho gia đình, vừa lo cho chồng, vừa lo cho con, giờ đâu mà lo cho chính mình? Có con ở bên là niềm an ủi to lớn nhưng cũng khiến em phải hy sinh khá nhiều. Em bắt đầu thấm thía câu nói của ai đó: “Người đàn bà, sức khoẻ là của gia đình, thân xác là của chồng, thời gian là của con, chỉ có nếp nhăn là của mình mà thôi”. Em mang bao nhiêu suy nghĩ và vấn vương trong lòng, chẳng biết thổ lộ cùng ai, có nói ra cũng chẳng thể nói sao cho hết, chỉ có thể gom lại thành hai từ “số phận”.
“Lên xe hoa”, hay “tìm được bến đỗ” nào có phải hay và đẹp như người ta vẫn nói đâu. Ngày xưa em hãnh diện nhiều lắm, bây giờ em chẳng còn tâm trí và đầu óc mà nghĩ đến nó. Tưởng lấy chồng là sướng, là cuộc sống đỡ bớt phần đơn côi và mệt mỏi, nhưng hoá ra, chỉ là tránh cái này, gặp phải cái khác. Phận con gái lấy chồng là mất đi cả tuổi thanh xuân, như thể phải viết lại cuộc đời mình bằng những câu chuyện và nét mực khác. Nhưng biết sao được, rồi cũng phải bước lên xe hoa với một niềm hy vọng rằng hoa ấy sẽ mãi tươi, mãi thơm. Bước chân lên chiếc xe ấy hệt như đánh cược với cuộc sống: hên thì được yên vui, xui thì đành chôn vùi số kiếp. Riêng em, ít ra em cũng thấy mình may mắn hơn nhiều phụ nữ khác. Dù có phải vất vả trăm chiều, nhưng em luôn có chồng con làm chỗ dựa cho em tựa vào và ban cho em sức mạnh.
Trải qua biết bao khó khăn, người con gái sẽ thấy mình đúng thật là kỳ công của Tạo Hoá. Làm sao trước bao nhiêu bầm trầy ấy, mà mình vẫn kiên cường, vẫn đủ sức chịu được? Có khi ngồi nghĩ lại, thấy không thể tin được là làm sao mình có thể vượt qua được những điều đó. Người con gái không yếu đuối như người ta vẫn nghĩ. Họ yếu đuối bên ngoài nhưng tận sâu là một sự phi thường mà có khi cánh đàn ông chưa chắc có. Họ xứng đáng là giống loài được dựng nên sau cùng trong quá trình tạo dựng của Tạo Hoá, hội tụ tất cả tinh hoa và sức mạnh trong mình theo một dạng thức thật vi diệu và huyền ảo.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ