[Bạn đường Đức Giêsu]: Lạy Chúa, Ngài là ai?

 

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,

Hoang mang là tâm trạng thường thấy nơi những người trẻ chúng ta. Có những giai đoạn chúng ta rơi vào tình trạng không thể hiểu nổi mình: chúng ta không biết mình phải làm gì, không biết mình muốn gì, không biết mình là ai… Bước chân vào đời, nhiều lần chúng ta phải đối diện với bao khủng hoảng về lý tưởng sống, về căn tính của mình, về ý nghĩa cuộc đời mình, về căn cội nguồn gốc của mình.

Thời gian khủng hoảng thường là thời gian khó sống, là lúc chúng ta như đang bước đi trong đêm tối của cuộc đời và của tâm hồn mình. Thế nhưng khủng hoảng thường đánh dấu một bước ngoặc của cuộc đời. Khủng hoảng có thể giúp người ta lột xác để lớn lên. Được dẫn ra khỏi đêm tối, trước mắt chúng ta sẽ là vùng trời ngợp ánh sáng.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Phaolô kể lại biến cố ngã ngựa của mình như một cuộc khủng hoảng (Cv 22,1-21). Biến cố ấy làm thay đổi trọn vẹn cuộc đời ông và giúp ông nhận ra ơn gọi đích thực của mình trên hành trình theo đuổi lý tưởng cuộc đời và tìm kiếm phụng sự Thiên Chúa.

Vốn là một người Pharisiêu chính gốc, Thiên Chúa và lề luật của Thiên Chúa là lẽ sống, là tất cả cuộc đời của chàng trai Saul. Việc trung thành với luật lệ và những giá trị truyền thống đã khuôn đúc nên một Saul mạnh mẽ, đầy xác tín và cũng đầy những tham vọng cá nhân. Bằng tất cả nhiệt huyết và lòng hăng hái của một người trẻ, Saul lập ra những kế hoạch rất rõ ràng cho chính mình… Đâu ngờ, đang lúc hùng dũng và mạnh mẽ nhất thì chàng thanh niên bị đánh ngã. Đang lúc tưởng mình ở chót vót trên đỉnh cao của thành công thì chàng bị hất tung xuống đất mặt đất. Đang lúc tưởng mình sáng suốt nhất thì chàng trở nên mù lòa. Mọi kế hoạch và toan tính sụp đổ. Niềm hăng hái và nhiệt khí tiêu tan… Khi được bao bọc bởi luồng ánh sáng từ trời cao chiếu xuống, khi nghe tên mình được gọi lên từ trời cao, Saul ngước mắt lên trời thầm thĩ: “Thưa Ngài, Ngài là ai?

Thưa các bạn,

Không ít lần trong cuộc đời, chúng ta kinh nghiệm về sự sụp đổ như Phaolô. Chúng ta sắp xếp cuộc đời mình theo một tiến trình khoa học với những bước tính toán hết sức kỹ càng. Vậy mà cũng có lúc tất cả sụp đổ tan tành với chỉ một trục trặc nho nhỏ, một biến cố nho nhỏ. Rất nhiều lần chúng ta đã bị đẩy vào đêm tối, khi những cánh cửa cuộc đời bỗng dưng sập đóng trước mắt chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta thường đặt cho mình rất nhiều câu hỏi tại sao, nhưng câu hỏi nào dường như cũng chỉ dẫn chúng ta vào ngõ cụt của khủng hoảng. Khủng hoảng có thể đẩy chúng ta vào trong đêm tối của đức tin, chúng ta đặt nhiều câu hỏi Chúa tại sao với Chúa? Chúa là Đấng nào? Có Chúa hay chăng?

Những lúc ấy, sẽ thật hữu ích nếu chúng ta đặt mình vào vị thế của Phaolô mù lòa đang lặng lẽ nghiền ngẫm lại đời mình. Thời gian sống trong mù tối là khoảng thời gian thanh luyện để Phaolô bước vào hành trình hoán cải, để ông đọc ra ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Đó là khoảng thời gian chuyển giao cần thiết để chúng ta chết đi con người cũ và sống lại với con người mới.

Thiên Chúa luôn có thể làm những cuộc lật đổ ngoạn mục trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Ngài luôn có thể làm nên những cuộc cách mạng trong chính lý tưởng sống, mục đích, ước mơ, và những điều chúng ta vốn gắn bó ôm ấp… Liệu chúng ta có dám chấp nhận để cho Thiên Chúa lật ngược hoàn toàn thang giá trị trong cuộc đời chúng ta? Liệu chúng ta có dám xin cho mình có được kinh nghiệm hoán cải để có thể tuyên tín mạnh mẽ như Phaolô: “những gì trước đây tôi coi là lợi lộc, thì bây giờ trong Đức Kitô, tôi coi đó là thiệt thòi. Tôi coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi, vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi mọi sự như rác rưởi để được biết Đức Kitô và được kết hợp với Người”(Pl 3, 7-8). Vâng, chính việc biết Đức Kitô và kết hợp với Người đã mang lại cho cuộc đời của Phaolô niềm hạnh phúc vô bờ, bất chấp bao thử thách chông gai, bao tù đày đòn vọt. Sau bước ngoặc cuộc đời, Phaolô thuộc trọn về Thiên Chúa. Ông ra khỏi hành trình tìm kiếm và phục vụ lý tưởng riêng của mình, để bước vào trong hành trình tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và phục vụ Thiên Chúa.

Hành trình mới của Phaolô bắt đầu với lời nguyện thầm thĩ: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Đây là lời nguyện thật đẹp mà mỗi người trẻ chúng ta luôn có thể thân thưa với Chúa trong những thời khắc khó khăn và tối tăm nhất của cuộc đời mình: “Lạy Chúa, Ngài là ai? Ngài muốn con làm gì?… Trong bàn tay Thiên Chúa, những thử thách của khủng hoảng không phải là điểm kết thúc, nhưng là điểm khởi đầu. Biết quy hướng về Thiên Chúa, bất cứ một khủng hoảng nào cũng đều có một giá trị và một ý nghĩa đặt biệt. Trong Thiên Chúa, mỗi thách đố là một cơ hội giúp chúng ta triển nở trong cuộc đời và trong ơn gọi đích thực của mình.

Kiểm tra tương tự

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Đường Về – Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá

DẪN NHẬP Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một thời gian …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *