« Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con » (30.8.2020 – Chúa Nhật XXII Thường Niên, năm A)

 

« Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con »
(Gr 20, 7-9 ; Rm 12, 1-2 ; Mt 16, 21-27)

 

1. Đức Giê-su mặc khải mầu nhiệm Vượt Qua

Sau câu hỏi thâm sâu và riêng tư : « Anh em nói Thầy là ai ? » (x. Mt 16, 13-20 : bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước), Đức Giê-su bắt đầu dẫn các môn đệ đi sâu hơn vào trong tương quan « thuộc về nhau » với Ngài. Thật vậy, Đức Giêsu bắt đầu bày tỏ, nghĩa là mặc khải (thánh Mác-cô nói, Ngài dạy các môn đệ):

Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

Đức Giêsu mặc khải, chứ không chỉ báo trước ; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô :

  • Mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
  • Mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.
  • Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.
  • Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.

Như thế, tuyên xưng Đức Giêsu là « Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống », không phải chỉ là phát biểu chính xác, và đôi khi là « thuộc lòng », căn tính thần linh của Người trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng còn là môt lựa chọn đi theo Ngài, đi con đường của Ngài. Thánh Phêrô đã không hiểu « bài học » của Đức Giêsu, vì thế không thể chấp nhận điều Đức Giê-su giảng dạy về con đường Ngài phải đi :

Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”

Như ông Phêrô, chúng ta cũng từng đi theo Chúa, nhưng với dự án hay ước muốn riêng của mình, và lại còn muốn Chúa chấp nhận điều mình muốn. Nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, nhưng của loài người, do Satan xúi dục. Xin cho chúng ta gắn bó thân thiết với Lời Chúa, với Ngôi vị của Chúa, để nhạy bén và cương quyết loại bỏ những tư tưởng và hướng đi không thuộc về Thiên Chúa.

Sau này, thánh Phêrô và các môn đệ đã hiểu ra con đường Thương Khó của Thầy Giê-su và đã đi đến cùng con đường thương khó của mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi hiểu ra con đường Thương Khó của Đức Giêsu và đảm nhận con đường thương khó của mình, con đường thương khó của thế hệ mình. Con đường thương khó của chúng ta là ơn gọi trong một hoàn cảnh, một gia đình, một cộng đoàn, một Hội Dòng cụ thể mà tôi đang thuộc về.

2. Sequela Christi (đi theo Đức Ki-tô)

Sau khi mặc khải mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, các môn đệ đang hiện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay :

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.

(c. 24)

Như thế, như thánh Phê-rô và các tông đồ, khi chúng ta được ơn hiểu biết, yêu mến Đức Kitô và muốn đi theo Ngài, hay nói như ngôn sứ Giê-rê-mia trong bài đọc I : « Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng » (Gr 20, 7), chúng ta được mời gọi đi cùng một con đường Đức Kitô đã đi.

Và đó là con đường vượt qua. Nhưng con đường vượt qua là gì ? Là con đường của vất vả và khổ tâm, như chính ngôn sứ Giê-rê-mia đã kinh nghiệm : « Vì lời Đức Chúa mà con đây chịu sỉ nhục và chế giễu suốt ngày » (Gr 20, 8) ; là con đường của dâng hiến và cho đi, như thánh Phaolo khuyên bảo :

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.

(Rm 12, 1)

Chúng ta hãy chiêm ngắm cách Đức Maria đón nhận, gắn bó và yêu mến Đức Kitô, để nhận thấy rằng, từ lúc thưa « xin vâng », Đức Maria đã phải cho đi, dâng hiến, vất vả và « cực lòng » như thế nào. Thánh Giuse cũng vậy, vì để cho Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần tới hai lời « xin vâng ». Giống như trong đời tu, để cưu mang và làm chứng cho Đức Kitô, Chúa không chỉ cần lời xin vâng của bản thân chúng ta, nhưng của chị em, của anh em trong cùng cộng đoàn và Hội Dòng nữa.

Nhưng như chính Đức Giê-su mặc khải và ban cho chúng ta lời hứa, chính khi vượt qua vất vả và khổ tâm, vượt qua khó khăn lúc cho đi và dâng hiến, chúng ta được dẫn tới an nghỉ và niềm vui, tới hoa trái nhiều gấp trăm lần điều mà chúng ta đã cho đi, tới việc nhận lại sự sống hoàn toàn mới từ nơi Đức Chúa, là Thiên Chúa của sự sống và sự sống lại. Và có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm này : niềm vui của sự sống mới là ở bên kia sự chết, nhưng đã xâm nhập vào sự sống hôm nay của chúng ta rồi, vào chính lúc chúng ta cho đi và dâng hiến rồi. Như thánh Augustin nói, trong tình yêu thì không có vất vả, nếu có vất vả, thì vất vả này đã được yêu mến rồi. Và như thánh Phao-lô nói : « tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta », đến những khó khăn vất vả, đến việc cho đi và dâng hiến, nhưng nếu vì lòng mến, lòng mến của Đức Kitô dành cho chúng ta, và lòng mến chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm vui lớn lao và sâu xa, niềm vui đích thật và bền vững mà không ai hay hoàn cảnh nào có thể lấy mất được.

3. Qui luật muôn đời của sự sống

Lời mời gọi “Ai muốn đi theo Thầy” mang lại cho lời và cho ngôi vị của Đức Giêsu giá trị qui chiếu tuyệt đối, vì tuy đây là lời mời gọi ngỏ với tự do của mỗi người: “ai muốn đi theo tôi…”, nghĩa là ai không muốn thì thôi, nhưng lời mời này lại liên quan tất yếu đến sự sống, liên quan đến chuyện sống còn, nghĩa là cứu sự sống hay mất sự sống, liên quan đến con đường dẫn đến sự sống, và như thế liên quan đến lòng khao khát sự sống có nơi mỗi người chúng ta:

Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất;nhưng ai chịu mất sự sống của mình vì tôi và vì Tin Mừng, sẽ cứu được.

Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ chấm dứt. Đức Giêsu mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi: “Hãy từ bỏ chính mình, hãy vác thập giá của mình, hãy chịu mất sự sống của mình vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài”. Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa nghịch lí vừa khó sống; ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn này. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

  • Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác; đó con đường của tấm bánh, phải được bẻ ra và nghiền nát để nuôi sống, thậm chí trở thành sự sống cho con người.
  • Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
  • Đó là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

 

* * *

Như thế, lời của Đức Giêsu không còn chỉ là một lời thách đố tận cùng, nhưng còn là lời của Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống. Đó hiển nhiên là lời hứa cho mai sau, nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay, ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Kitô, vì niềm say mê Tin Mừng của Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Ngôi Lời làm người (25.2 – Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Ban Ngày – Ga 1,1-18)

Tin Mừng theo thánh Gioan 1,1-18 (1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời …

Manna: Tin Mừng trọng đại (24.12-Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm – Lc 2,1-14)

Lời Chúa: Lc 2, 1-14 1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *