Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Sự khác biệt mà Chúa Thánh Thần tạo ra

Khi còn là một thiếu niên, tôi đã từng nghĩ người tu sĩ phải làm tất cả mọi việc. Giáo dân chỉ cần cầu nguyện, đóng góp tài chính và vâng lời. À, và tất nhiên là phải tuân giữ các giới răn nữa. Giữ mười điều răn dường như là quá đủ rồi. Sau đó tôi phát hiện ra còn có Bài giảng trên núi – Tám mối phúc thật, điều đó khiến tôi choáng váng.

 

Có lẽ đây cũng là lý do tại sao nhiều người Công giáo thụ động bất bình với cách mà họ được nuôi dưỡng trong Giáo hội. Đối với họ, tôn giáo đồng nghĩa với thất vọng, thất bại và tội lỗi. 

 

Một cách nào đó, họ và tôi đã bỏ lỡ Tin Mừng trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Mặc dù người Công giáo chúng ta cử hành lễ này hàng năm và cũng được đề cập lễ này trong các lớp giáo lý Thêm sức nhưng rõ ràng là nhiều người trong chúng ta đã không hiểu được. 

 

Bởi vì nếu hiểu được thì chúng ta đã khác rồi… Chúng ta sẽ dũng cảm thay vì rụt rè, sẽ tràn đầy năng lượng thay vì hời hợt, sẽ sốt sắng thay vì tỏ ra buồn chán. Hãy so sánh hình ảnh các tông đồ trước và sau Lễ Ngũ Tuần. Bạn sẽ thấy được sự khác biệt mà Chúa Thánh Thần đã tạo ra. 

 

Chúa Thánh Thần luôn tạo nên sự khác biệt. Ảnh: Pinterest.com

 

Các sách Phúc âm không chỉ Tin Mừng vì chúng ta sẽ được lên thiên đàng, nhưng còn vì chúng ta được trao quyền để trở thành con người mới, ngay tại đây và ngay bây giờ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi để đạt đến đỉnh cao của sự thánh thiện (Lumen Gentium, chương V). Nhưng hãy nhớ rằng điều đó không thực hiện được bằng sức mạnh ý chí mà bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện thể hiện chủ yếu ở đức tin, đức cậy và đặc biệt là đức mến thiêng liêng. Đó là những “nhân đức”, hoặc có thể hiểu theo nghĩa đen là “quyền năng” được trao ban bởi Chúa Thánh Thần. Thêm vào đó, Ngài còn ban cho chúng ta bảy ơn nữa, giúp hoàn thiện đức tin, đức cậy và đức mến, làm cho chúng ta có thể sống một đời sống siêu nhiên và đầy lôi cuốn. Một số người cho rằng điều này chỉ dành cho một số ít được chọn, gọi là “những nhà thần bí”. Tuy nhiên thánh Tôma Aquinô đã cho thấy ngược lại rằng các ơn được đề cập trong sách Isaia (11,1-3) bao gồm ơn khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa là hành trang tiêu chuẩn đã được trao ban trong lễ rửa tội nên tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành “nhà thần bí”. 

 

 

Công đồng Vatican II cũng dạy rằng mọi Kitô hữu đều có ơn gọi phục vụ. Chúng ta cũng cần sức mạnh cho việc này. Vì vậy Chúa Thánh Thần cũng ban cho những ân sủng khác, được gọi là “những đặc sủng”. Theo thánh Tôma, những đặc sủng này không phải chủ yếu dành cho sự thánh hóa của chính chúng ta mà cho sự phục vụ tha nhân. Không có danh sách đầy đủ của các đặc sủng, nhưng trong các thư gửi tín hữu, thánh Phaolô có đề cập đến một số ơn đặc biệt (1Cr 12:7-10; Rm 12: 6-8) như nói tiếng lạ đến hôn nhân Kitô giáo (1Cr: 7,7). Các đặc sủng không được trao ban bởi hàng giáo sĩ nhưng được chính Chúa Thánh Thần trực tiếp ban cho thông qua bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, thậm chí đôi khi ở ngoài phạm vi các bí tích (Cv 10: 44-48). 

 

Có vẻ như tôi là người theo phong trào Ngũ Tuần nhỉ? Đó là vì tôi thuộc về Giáo hội Ngũ Tuần lớn nhất trên thế giới. Để sửa lại quan niệm cho rằng các đặc sủng chỉ dành cho Giáo hội tông truyền, Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Việc Chúa Thánh Thần phân bổ các hồng ân cho mỗi người là “tùy theo ý Ngài” (1Cr 12, 11). Ngài phân phát đặc sủng cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc…  Những đặc sủng này, bất kể là đặc biệt hay đơn giản hoặc phổ thông, đều phải được đón nhận với tâm tình tạ ơn và thoải mái bởi vì các ơn ích đó cực kỳ phù hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo hội” (LG 12). 

 

Đó là những ân sủng to lớn, được trao ban vô điều kiện cho tất cả mọi người. Điều này nghe giống như một sự hỗn loạn. Nhưng Thiên Chúa cũng truyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài những đặc sủng thống nhất với cương vị đứng đầu. Vai trò của hàng giáo sĩ được lãnh chức thánh không phải là tự mình làm hết tất cả mọi việc mà phải phân định, chăn dắt và điều phối giáo dân cùng với các đặc sủng của mình để tất cả cùng trưởng thành và hiệp thông với nhau để vinh danh Thiên Chúa (LG 30). 

 

Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn, giống như tôi, không hoàn toàn “hiểu” mặc dù đã được thêm sức? Tin tốt là, bạn thật sự đã nhận được Chúa Thánh Thần và những ân sủng của Ngài. Điều này giống như việc bạn nhận được một chiếc thẻ tín dụng mới có nhãn dán ghi là “phải gọi điện để kích hoạt trước khi sử dụng”. Bạn phải kích hoạt các ơn Chúa Thánh Thần mà bạn nhận được. Hãy làm điều đó ngay hôm nay và mọi ngày, nhất là khi tham dự Thánh lễ. Bởi vì mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể là một Lễ Hiện Xuống mới được sinh ra, nơi Chúa Thánh Thần và các ân sủng của Ngài lại được tuôn đổ một lần nữa (Giáo lý Công giáo 739, 1106). 

 

Đó là lý do vì sao đời sống Kitô hữu là một cuộc phiêu lưu, trong đó luôn hiện diện những bất ngờ mới từ Chúa Thánh Thần!

 

Tác giả: Marcellino D’Ambrosio, Ph.D

Người dịch: Thy Quyên

Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Phép lạ Chúa làm cho mỗi gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 2 Thường Niên năm C

  “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3)   Quý vị thân mến,   Tin Mừng …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …