Miên man buồn trong tâm tình mùa chay. Đôi khi con cảm thấy vui nhẹ, vì Chúa không chỉ chết mà đã sống lại. Con nên buồn hay vui? Nhận thấy tội lỗi và giới hạn, con nào dám vui! Chúa đã cứu con, chẳng lẽ con buồn! Bối rối. Tia sáng lóe lên trong tâm trí: nhờ thánh Gioan tông đồ chỉ dẫn.
– Con chào thánh Gioan.
Chào con. Con gọi ta là bác Gioan cho thân thiện. Ta hiểu tâm trạng của con. Chúng ta nói chuyện một cách hài hước nhé!
– Vâng. Bác theo Chúa đến tận chân thập giá. Bác là người được Chúa thương mến nữa. Bác thật tốt lành và hạnh phúc!
Lời con khen đúng một phần, mà phần này là do Chúa huấn luyện, chứ bác dở lắm. Ai mà Chúa chẳng thương. Anh trộm đáng chết, Chúa vẫn thương. “Người môn đệ Chúa thương mến” là điều bác muốn nhẩm đi nhắc lại để ca ngợi tình thương Chúa, vì sức mạnh này mà bác theo Chúa đến cùng.
– Ồ, đúng là con hẹp hòi, cứ nghĩ là Chúa chỉ thương một số người. Bác “dở” nghĩa là sao? Con thấy bác thương Chúa hơn các môn đệ kia.
Không nên so sánh thế, Chúa mới biết được. “Cái dở” của bác là có căn cứ đấy. Khi bác muốn theo Chúa, Chúa hỏi: các anh tìm gì? Bác vững lòng: con không tìm gì, con tìm Thầy.[i] Thế mà sau đó, bác toàn tìm những cái không đâu, mấy khi tìm Thầy! Cho tới dưới chân thập giá, bác mới thực sự hiểu tìm Thầy thì tìm ở đâu.
– Những cái không đâu là gì ạ?
Đó là lòng ghen tỵ. Khi có người lấy danh Chúa để trừ quỷ, bác ngăn cản họ, vì họ không trong nhóm môn đệ. Cứ tưởng được Chúa khen, ai dè, Chúa bảo: đừng ngăn cản họ.[ii] Đó là ham danh tiếng chức quyền. Mẹ bác tới xin với Chúa,[iii] mà đúng hơn là chính bác và anh Giacôbê trực tiếp xin[iv]: ngồi bên phải và bên trái Chúa trong vinh quang. Bác bị “lố” khi Chúa nói: anh em không biết anh em xin gì, vị trí ngồi là do Chúa Cha quyết định. Chúa còn hỏi: có uống nổi chén Thầy sắp uống không? Bác đáp tỉnh bơ: uống nổi. Dưới chân thập giá, bác mới hiểu: anh em chạy hết, mình bác ở đó, không ai có sức uống nổi. Nhìn bên phải bên trái Chúa là hai kẻ trộm, bác thấy mình không khá hơn họ. Có điều là bác được tình thương vô tận của Chúa cứu và biến đổi, giống như Chúa thương anh trộm lành.[v]
– Bác làm con nản quá! Nhưng con thích lòng thành của bác.
Chúa nói: hãy có lòng thương xót, hãy bao dung, nhưng bác đâu chịu, với bác, “bao dung là bung dao”. Khi vào một làng để chuẩn bị cho Chúa ghé thăm làng đó, họ không chịu vì kỳ thị vùng miền, bác bực mình, nói với Chúa: Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? Chúa không thể hiền lành hơn được nữa, mới mắng cho bác một trận.[vi]
– Bác dữ thật! Thế mà bác có thể trở thành tông đồ của tình yêu Chúa! Bằng cách nào mà Chúa có thể làm cho bác thành khôn ngoan và dễ thương đến thế?
Kể cho con một chút về bữa tiệc ly. Con thử hình dung: sư phụ ngồi giữa đồ đệ trong bữa ăn cuối cùng. Sư phụ biết mình sắp kết thúc cuộc đời trong tủi nhục, mà học trò còn quá non dại. Một trò bán thầy, một trò chối thầy, tất cả bỏ chạy… Trái tim người thầy sẽ tan nát thế nào! Con thử hình dung về bữa cơm gia đình thời nay, dễ gì có sự ấm cúng. Cha mẹ nào thấy trước cảnh con cái tan tác ngay sau bữa ăn. Tâm hồn con người, ai chịu cho thấu!
– Xúc động quá! Làm sao bác cảm nhận được sự chuyển động trong trái tim Chúa?
Tựa vào lòng Chúa, bác lắng nghe nhịp đập thổn thức trong trái tim Người, từ đó, bác nhìn anh em, nhìn lại cõi lòng mình. Bác thấy Giuđa ra đi trong đêm tối, thấy Phêrô quá dựa vào sức mình, thấy anh em khác hoặc khẳng định hoặc vu vơ… Bản thân bác quá chênh vênh trong những con sóng ấy.[vii]
– Nếu thế, chắc là Chúa vẫn được an ủi, vì ít nhất còn một môn đệ như bác.
Không đâu. Nơi vườn Dầu, Chúa chọn ba người để cầu nguyện trong đêm cuối cùng. Thế mà, tụi bác ngủ gục hết. Tụi bác không thức nổi với Thầy cho dù chỉ một đêm, cho dù chỉ một giờ. Tụi bác để Thầy hoàn toàn cô đơn, chỉ còn Chúa Cha ở với Thầy.[viii]
– Con người tệ thật, con cứ ngỡ con người tốt lành lắm!
Con người có tốt nhưng rất giới hạn. Con người có yêu nhưng rất mau cạn. Chỉ có Chúa mới yêu đến cùng, đến thập giá, đến phục sinh, đến mãi mãi.[ix]
– Dường như bác biết rõ con hơn con? Hai ngàn năm rồi, bác vẫn nhớ như in, còn giải thích cho con hiểu nữa!
Bác biết những gì bác biết thôi. Đây là cái biết của con tim, của Con Tim vị Chúa làm Người và chết trên thập giá. Chúa Giêsu vẫn sống, và bác cũng thế, nên mọi sự hết sức mới mẻ.
– Từ đầu tới giờ, bác cứ nhắc đi nhắc lại về thập giá, thế nghĩa là sao?
Tình Yêu Thiên Chúa gắn liền thập giá. Bác đang đứng dưới chân thập giá Thầy Giêsu, bên cạnh có Mẹ Maria. Hai bên Chúa là anh trộm lành và tên trộm dữ. Xa xa là một nhóm người tin vào Chúa. Xung quanh là đám đông đang cười chê. Có anh lính tuyên xưng tin nhận Chúa. Có anh lính lấy đòng đâm thủng trái tim Chúa. Máu và nước tuôn chảy…[x] Trong cuộc đời, khi gặp thập giá, nếu đi với Chúa con sẽ phục sinh, nếu từ chối Chúa con sẽ đi vào hư vô, nếu tìm kiếm Chúa con sẽ gặp Ngài…
– Khúc này cao sâu quá!!! Bác nói chuyện hay thật, làm con quên mất chưa hỏi thăm Mẹ Maria.
Không sao đâu, Mẹ đang mỉm cười chúc lành cho con đấy!
– Nếu con ước mơ Chúa nói với con như nói với bác, nói với Mẹ ngày xưa, có được không?
Ồ, được chứ. Ngày xưa Chúa muốn nói: “Này là Mẹ của các con. Này là các con của Mẹ”, nhưng vì chỉ còn một mình bác, nên Chúa đành dùng danh từ số ít thôi.
– Trên thập giá mà Chúa còn hài hước! Cả bác nữa, bác đang buồn mà vẫn đoán được Chúa muốn nói gì. Thật tuyệt vời! Con cám ơn Chúa, Mẹ Maria và bác Gioan.
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, SJ
[i] x. Ga 1,35-39.
[ii] x. Mc 9,38-40.
[iii] x. Mt 20, 20-23.
[iv] x. Mc 10,35-40.
[v] x. Lc 23,33-49
[vi] x. Lc 9,52-56.
[vii] x. Ga 13,21-30.
[viii] x. Mc 14,32-42; Mt 26,36-46; Lc 22,39-46.
[ix] x. Ga 13,1.
[x] x. Ga 19,23-37; Lc 23,33-49.