LINH ĐẠO, CỘNG ĐOÀN DÒNG TÊN
VÀ VIỆC THỰC HÀNH CÔNG BÌNH XÃ HỘI
John Bauman, SJ
Cộng đoàn PICO, Oakland
Theo các văn kiện của Tổng hội (TH) 35 của Dòng Tên, “Căn tính Giêsu hữu và sứ mạng Giêsu hữu được nối kết bởi cộng đoàn; thực vậy, căn tính, cộng đoàn, và sứ mạng là một bộ ba, soi sáng cho cách hiểu đúng nhất về tình bạn giữa chúng ta. Căn tính Giêsu hữu có tính tương quan; căn tính ấy lớn lên trong và qua sự đa dạng về văn hóa, quốc tịch và ngôn ngữ, vừa làm phong phú vừa thách đố chúng ta.” (Nghị quyết (NQ) 2, số 19).
Đây là một suy tư về mối tương giao giữa linh đạo Dòng Tên, sự hình thành cộng đoàn và việc tổ chức cộng đoàn nhắm đến công bình xã hội. “Cộng đoàn” được tổ chức cần thiết cho sự biến đổi của các cá nhân, cộng đoàn và các cơ sở. Ý tưởng của Dòng Tên về cộng đoàn như là sứ mạng không chỉ dành cho các cộng đoàn Giêsu hữu nhưng ý tưởng này còn được diễn tả trong nhiều cộng đoàn trên khắp thế giới. Suy tư này dựa trên kinh nghiệm của tôi trong suốt hơn 40 năm qua. Vào năm 1972, một anh em Giêsu hữu, Jerry Helfrich và tôi đã thực hiện một sứ vụ nhỏ bé của Dòng dựa trên linh đạo Dòng Tên, và dựa trên việc thực hành cộng đoàn. Sứ vụ đó đã phát triển thành một mạng lưới mạnh mẽ của các tổ chức cộng đồng dấn thân hành động cho công bình xã hội. Mạng lưới đó được gọi tắt là PICO (People Improving Community through Organizing – Những người thăng tiến cộng đồng ngang qua việc tổ chức), mạng lưới này có 60 thành viên ở 19 tiểu bang của Hoa Kỳ, và hiện nay, tổ chức này cũng đang hoạt động ở Trung Mỹ (El Salvador, Guatemala), ở Rwanda và Haiti.
Thánh I-nhã đã tìm kiếm để hội nhất đời sống cầu nguyện và nhận định vào công việc tích cực. Linh đạo I-nhã là một phương pháp thực hành nhằm đưa đức tin vào trong hành động. Đó chính là hiến thân hoàn toàn cho sứ mạng xây dựng vương quốc của Thiên Chúa. Hàng ngàn những con người, Kitô và không Kitô giáo (Công giáo, Tin Lành, phái Phổ độ nhất vị thuyết (Unitarian Universalist), Do Thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo); người nam và người nữ; tu sĩ Dòng Tên và những người giáo dân, tất cả đều dấn thân vào trong việc tổ chức cộng đồng dựa trên đức tin (Faith Based Community Organizing – FBCO). Họ tin tưởng việc hình thành và thực hành một cộng đồng thực sự, có tinh thần thông tri cho nhau, là điều cần thiết cho sứ mạng. Bên trong việc tổ chức cộng đồng dựa trên đức tin, việc thực thi sức mạnh nhằm đi đến những hành động hiệu quả cho công bình xã hội để biến đổi thế giới.
Trước khi nêu lên một vài ví dụ về việc cộng đồng mang tính biến đổi như thế nào, điều quan trọng là mô tả thử xem FBCO có những nét tương đương như thế nào với ý tưởng của Dòng Tên về cộng đoàn xét như là sứ mạng. Một lần nữa, theo những văn kiện của TH 35, “Sứ mạng của chúng ta không bị giới hạn vào các công việc chúng ta làm. Tương quan của chúng ta với Chúa trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, tương quan giữa chúng ta với nhau như những người bạn trong Chúa, sự liên đới của chúng ta với người nghèo và người bị đặt ra bên lề, và một lối sống có trách nhiệm đối với tạo thành: tất cả là những khía cạnh hết sức quan trọng trong đời sống chúng ta với tư cách Giêsu hữu.” (NQ. 3, số 41) FBCO sử dụng mẫu xây dựng tương quan qua một-với-nhiều (one-to-ones); hình thành cộng đồng ngang qua việc lên kế hoạch và nghiên cứu; hành động như sự thực thi sức mạnh cộng đồng nhằm thay đổi, và lượng giá như một phương tiện suy tư về những giá trị và sự nhận định của chúng ta về công việc tương lai. Việc tổ chức bắt đầu từ cá nhân, là người cố gắng sống hòa hợp với những giá trị đã được gìn giữ một cách sâu xa. Cuộc cách mạng đầu tiên luôn là cuộc cách mạng ở bên trong. Giống như những người đứng trước lời kêu gọi của Chúa Kitô trong Linh thao, những người tổ chức và hầu hết những người đứng đầu cũng đối diện với chính mình về sự sẵn sàng hành động của họ, nhờ vào trung gian của người khác. Việc tổ chức gọi khả năng hành động này là sức mạnh. Sức mạnh này đến từ tinh thần và tinh thần sống động nơi cộng đoàn.
Nguyên tắc đầu tiên của việc tổ chức là “sức mạnh là kết quả của mối liên hệ”. Khi thực hành mặt đối mặt, một-với-nhiều, các nhân viên và những người lãnh đạo không những gặp gỡ mọi người và đề cao phẩm giá và tiềm năng con người của họ, nhưng còn kinh nghiệm về cuộc chiến đấu hằng ngày giữa cái tốt và cái xấu (hai chuẩn mực) mà mỗi người chúng ta đang sống. Mỗi cặp một-với-một (one-to-one) chịu một thách đố là gia nhập với các cặp khác trong việc xây dựng cộng đồng nhằm mục tiêu hành động. Khi mọi người quy tụ với nhau, sau một thời gian, họ tạo thành một mạng lưới tương quan cá nhân để đưa vào kinh nghiệm của cộng đồng. Tuy nhiên, không phải cộng đồng là cho cộng đồng. Đúng hơn, cộng đồng có một mục tiêu chung là xây dựng và thi hành sức mạnh nhằm biến đổi thế giới, vì cộng đồng là cho thế giới như nó phải là như vậy. Những người lãnh đạo dấn thân vào đời sống dân sự của cộng đồng và nhận diện các nguồn lực, cấu trúc, và các cá nhân nào cần được biến đổi để hình thành một thế giới công bình hơn. Theo khuôn mẫu của FBCO, những người lãnh đạo hướng dẫn việc nghiên cứu và định hướng cho hành động của cộng đồng, nỗ lực giữ cho những điều này được vững mạnh nhằm chịu trách nhiệm trong việc đưa ra những quyết định đem lại sự bình đẳng và công bình lớn hơn. Sau hết, việc lượng giá cũng gắn với với khuôn mẫu của FBCO. Mỗi lần quy tụ đều kết thúc bằng một cuộc phản tỉnh. Giống như xét mình trong Linh thao (examen), các cá nhân phản tỉnh về những hành động của họ; chính mình chịu trách nhiệm với những cam kết cá nhân và cam kết tập thể; chia sẻ với nhau điều họ đang học hỏi, và nhận định xem phải làm gì tiếp theo.
Kinh nghiệm về cộng đoàn như là sứ mạng xảy đến lần đầu trong thời gian hình thành cộng đồng có tính tổ chức đầu tiên là ở Oakland, năm 1972. Với số lượng khoảng từ 20 đến 25 người, mỗi nhóm các anh em Dòng Tên, các tình nguyện viên của Dòng, và những nhân viên được trả một ít lương, đã hình thành nên “cộng đoàn tổ chức thành cộng đoàn tông đồ”. Nhóm những người nòng cốt này đã cam kết dấn thân cho nhu cầu của người dân sống trong thành phố Oakland – tương tự như các bạn đầu tiên đã tập họp chung quanh thánh I-nhã vào thời mới sáng lập Dòng Tên. Lòng nhiệt thành cho công bình xã hội trong nhóm này được nuôi dưỡng ngang qua việc tụ họp cầu nguyện hằng tuần, qua tình bạn cùng chí hướng, qua việc gặp mặt các thành viên hằng tuần để cùng nhau vạch ra chiến lược cho công việc tổ chức cộng đoàn, và ngang qua mối tương liên cá vị giữa những người đã cùng chia sẻ với nhau một tình cảm chân thành dựa trên cảm thức chung về cùng một mục đích.
Thừa tác vụ xây dựng cộng đồng có mục đích đã có kết quả rõ nét khi các nhân viên đi đến từng nhà trong những khu vực lân cận nghèo khổ nhất ở Oakland. Những người tổ chức đã thực hiện mô hình một-với-nhiều và đã gặp người dân ở nơi họ ở – chứ không phải là nơi mà người khác muốn họ ở. Các nhóm này gợi lại hình ảnh “những cộng đoàn Kitô hữu cơ bản”, những cộng đoàn được hình thành do những người sống gần nhau quyết định với nhau xem điều gì nên làm để cải thiện cộng đoàn của họ. Các nhóm cộng đồng này được tổ chức ở khắp Oakland, và hàng ngàn người bắt đầu lưu tâm đến những vấn đề như việc bỏ nhà cửa, tai ương và sự an toàn của cộng đồng. Nhờ những hoạt động cộng đồng nhỏ bé này mà những dấu hiệu tái sinh đã xuất hiện trở lại – những căn nhà bỏ hoang được sửa chữa; các chỗ đậu xe được dọn dẹp và tươm tất hơn; các biển báo giao thông (stop signs) đã được dựng lại, v.v. Vào năm 1997, tổ chức PICO đầu tiên đã được sinh ra ở Oakland. Một ngàn một trăm người nhiệt tình đã tụ họp với nhau để lập ra những tổ chức cộng đồng Oakland (Oakland Community Organizations-OCO). Quan trọng hơn cả, nhân viên và những người lãnh đạo đã cảm nghiệm về cộng đồng và sức mạnh của nó. Những người này bị cuốn hút vào sự biến đổi cá nhân được cảm nghiệm và giống như khẩu hiệu của những tình nguyện viên của Dòng Tên (Jesuit Volunteer Corps), họ đã “cháy hết mình”. Trong khi việc áp dụng mô hình này không có lấy một chút gì rõ ràng về Dòng Tên hay thậm chí về Kitô giáo, thì mọi người đều hiểu rõ về mục đích của mình, đó là: hình thành, nhân rộng và kinh nghiệm về cộng đồng dấn thân cho công bình xã hội, và với sức mạnh để bắt đầu cho sự biến đổi đơn giản của những người sống bên cạnh mình.
Khoảng giữa thập niên những năm 80, OCO và PICO sử dụng mô hình tổ chức này trong các giáo xứ Công giáo và trong những hội dòng khác. Điều này tượng trưng cho một quyết định có ý thức, nhằm cung cấp một công cụ cho các hội dòng đã cam kết thực hành công bình xã hội. Đặc sủng của Dòng Tên, cộng đoàn như là sứ mạng, đã mở rộng đến một chiều kích mới khác – kinh nghiệm về việc tái tạo chính các thể chế. Những thể chế đức tin có thể đã trở thành cũ kĩ và quy về mình. Thách đố thực sự của Công đồng Vatican II cho Giáo hội là “hiện hữu trong thế giới”. Việc tổ chức cộng đoàn là một phương tiện để cho các cộng đoàn đức tin tiến đến việc trở nên một cộng đoàn rộng mở và đích thực hơn, vươn ra khỏi tường lũy của mình để đi đến sứ mạng cho công bình. Cộng đoàn có thể biến đổi Giáo hội về mặt thể chế. Tương tự, sự tương giao giữa đức tin (giá trị), cộng đoàn, và hành động có thể biến đổi những thể chế chung.
Cộng đoàn được dẫn dắt bởi đức tin / giá trị là điều cần thiết để biến đổi những hệ thống / những thể chế bằng cách làm cho chúng công chính hơn ngang qua việc gây sức ép bên ngoài và việc thực hành cộng đoàn bên trong. Những trường, dù là trường của Dòng hay không, dù là trường tư thục hay công lập, đều nằm trong số những thể chế đáng chú ý nhất trong xã hội. Cùng với gia đình, giáo dục là một thể chế mạnh mẽ hình thành nên những giá trị và những cơ hội kinh tế cho các cá nhân. Giáo dục thường là con đường thoát khỏi nghèo đói và ảnh hưởng đến cách thức các cá nhân học cách diễn tả những giá trị của họ. Suốt mấy thế hệ, những trường công ở Oakland rơi vào cảnh thu nhập thấp, các học sinh là người Mỹ gốc châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh. Sự thất bại này là một quy luật được chấp nhận, đặc nét hóa bởi thành tích học tập yếu kém và tỉ lệ học sinh bỏ học cao. Điều này đưa đến kết quả là, từ một trường học đi đến nhà tù chỉ như qua một đường ống, và gây ra cảm giác thất vọng cá nhân và tập thể. OCO đã ra quyết định làm mới lại hệ thống giáo dục và những cơ sở trường tư. Vào cuối những năm 1990, các bà mẹ từ các gia đình nghèo sống gần nhau đã tập trung tại các hội trường của giáo xứ để sẻ chia nỗi buồn vì con mình ở lại lớp. Những con người đã bị hụt hẫng này giờ đây đang ra sức để cải thiện trường lớp cho con cái họ. Vì bị hạn chế trong một phạm vi nhất định, các bậc phụ huynh chưa bao giờ giữ một vị trí quan trọng nào ở trường học, và thường cũng chẳng ai chào đón họ. Qua khóa kéo dài một vài tháng, các phụ huynh đã khám phá và tích cực tìm hiểu “mô hình trường học nhỏ” này. Sự cải cách giáo dục này dựa trên những nguyên tắc tương tự như việc tổ chức. Các trường học được tổ chức xung quanh quan niệm rằng ai cũng là một cổ đông, bao gồm những người điều hành, những giáo viên, phụ huynh, và cả cộng đồng. Những cổ đông này chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định và có quyền đòi người khác phải giải trình trách nhiệm. Sau khi dự án thí điểm chứng minh cho kết quả giáo dục xã hội và học tập tích cực của học sinh thành công, OCO đã mở một chiến dịch 10 năm và chiến dịch này đã tạo ra 80 trường học mới, đồng thời đưa Liên hiệp các trường vùng Oakland (Oakland Unified School District) trở thành các trường được cải thiện nhiều nhất trong khu vực quận nội ô ở California.
Dựa vào những cách thức tiếp cận dựa trên việc nghiên cứu, OCO đã áp dụng lý thuyết về thay đổi trong một cách thức nhất quán suốt hơn một giai đoạn 16 năm. Sử dụng sức mạnh của việc tổ chức cộng đồng, OCO đã yêu cầu có một quỹ tương xứng và hợp lý; trường học được tự quyết về nhân viên, ngân sách, lịch làm việc và chương trình làm việc; lãnh đạo có phẩm chất và dạy học hiệu quả; dữ liệu là căn cứ đòi buộc trách nhiệm giải trình; những khu dân cư ổn định về mặt kinh tế và xã hội là điều thúc đẩy trường học trở nên hoàn thiện hơn. Đồng thời, các phụ huynh trong tổ chức đòi hỏi sự tham gia đầy đủ; quyền sở hữu và trách nhiệm giải trình cần phải duy trì sự thay đổi trong mỗi trường học riêng rẽ. Cộng đồng đã tổ chức đưa những áp lực bên ngoài vào nhằm biến đổi các hệ thống và các cơ chế.
Theo thời gian, những người lãnh đạo và các nhân viên của OCO đã rút ra những bài học sau:
Sức mạnh của những vấn đề cộng đồng: Thay đổi về hệ thống là một tiến trình có tính chính trị, và lợi ích của những cộng đồng da màu và những người có liên hệ với các cộng đồng này sẽ không được lắng nghe nếu sự thay đổi hệ thống này không được tổ chức ở mỗi cấp độ (khu phố, thành phố, quận, tiểu bang và quốc gia).
Cộng đồng được tổ chức có sức mạnh. OCO đã có ảnh hưởng chính trị ở Oakland, ảnh hưởng này duy trì được một quỹ đạo tiến bộ dù cho đã thay đổi bảy người quản lý và một lần bị thu hồi.
Vấn đề những mối tương quan. Câu ngạn ngữ, “Phải dùng một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ” là đúng. Sự thành công của phong trào trường học nhỏ của OCO dựa trên kinh nghiệm rằng khi một đứa trẻ được biết tên và được bao bọc bởi một cộng đồng những người lớn chăm lo cho nó thì sẽ không đứa trẻ nào thất bại. Việc quan tâm đến những mối tương quan phải là một tiến trình diễn tiến liên tục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững. Chỉ như vậy thì cộng đồng tập thể (những người quản trị, các giáo viên, nhân viên, các phụ huynh và những người có liên hệ) sau đó mới có thể có quyền sở hữu các cơ sở của chúng ta và những học sinh của các cơ sở này.
Các trường học phải là những trường học “của chúng ta”. Quyền sở hữu và sức mạnh, tất nhiên là của phụ huynh và của các cộng đồng có đặc quyền, phải được phát triển trong những cộng đồng da màu để đạt được những kết quả tương tự. Quyền sở hữu là nền tảng cho trách nhiệm giải trình.
Có rất nhiều học sinh da màu – đặc biệt là những nam sinh người Mỹ gốc châu Phi – tiếp tục bị bỏ lại. Khoảng cách về thành tích học tập không được kéo gần lại nhanh chóng. Tỉ lệ ở lại lớp và bỏ học ở những trường trung học hỗn hợp (comprehensive high schools) quá mức. OCO tự cam kết học hỏi những bài học này và áp dụng chúng trong tinh thần hợp tác qua lại và chịu trách nhiệm giải trình, nhằm để cho tất cả những học sinh tốt nghiệp sẵn sàng đi học đại học, đi làm việc và trở thành những công dân trong xã hội.
Mạng lưới PICO đã phát triển một cách ấn tượng trong suốt hơn 30 năm qua. Những câu chuyện về sự trưởng thành mang tính cá nhân và tổ chức này giờ đây lại được chia sẻ ở Trung Mỹ, Haiti và ở Rwanda. Sự bành trướng của PICO đến những nước khác cho thấy một mốc có ý nghĩa. Bảy năm về trước, Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras và các vị Giám mục khắp Trung Mỹ đã chứng kiến lời hứa của PICO được thực hiện ở Hoa Kỳ. Lúc ấy, họ đang tìm kiếm một phương tiện tiếp thêm sinh lực cho sứ vụ xã hội của Giáo hội Công giáo và, do đó, đã mời PICO hỗ trợ họ xây dựng việc tổ chức ở Trung Mỹ, Haiti và Rwanda. Hai năm sau đó, mục sư phái Tin lành Luther, John Rutsindintwarane, người đã có kinh nghiệm về nạn diệt chủng ở Rwanda và được Hội thánh phái Tin lành Truyền giảng Luther (Evangelical Lutheran Church) ở châu Mỹ và Hội thánh Tin Lành Luther ở Rwanda ủy nhiệm để tìm ra phương tiện đi từ việc tái định cư lên phát triển bền vững. Sau nhiều lần tìm kiếm, mục sư John đã tìm thấy mô hình PICO. Cũng trong thời gian này, Francois Pierre-Louis, người gốc Haiti, đã quyết định đề xướng mô hình FBCO ở Haiti, một đất nước đã bị tàn phá do thiên tai và nạn tham nhũng chính trị.
Việc đáp trả của các cá nhân này đã đưa PICO vào những nước có những hình thức khác biệt và phức tạp so với Hoa Kỳ về văn hóa, chủng tộc, và tổ chức. Cũng vào lúc đó, PICO nhận ra rằng mô hình và những nguyên tắc của nó có thể áp dụng vào trong những bối cảnh đa dạng như thế. Sự hình thành những cộng đồng thi hành sức mạnh có thể giúp hoàn tất sứ mạng trao quyền cho các cá nhân và sự thay đổi cộng đồng, đã dẫn đến một mức độ công bình xã hội lớn hơn.
Hoạt động mang tầm mức quốc tế của PICO thực sự tạo nên một sự khác biệt:
– Tại El Salvador: Với sự ủng hộ của Giám mục Bolanos, đội ngũ lãnh đạo của mười bốn giáo xứ đã tổ chức cho 5.000 người thực hiện những đợt chăm sóc sức khỏe để điều trị bệnh và cung cấp thuốc men miễn phí cho người dân có thu nhập thấp; bảo đảm nước sạch và an toàn; đạt được sự thông qua về những biện pháp an toàn công cộng và phòng chống tội phạm; sửa chữa đường xá, cầu cống và tài trợ cho những chiến dịch làm sạch; và bảo đảm những dịch vụ mới cho những người trẻ còn trong độ tuổi được hưởng dịch vụ. Khoảng chừng 70 người lãnh đạo cấp cơ sở đến từ những cộng đồng này được tham gia vào một liên minh quốc gia đảm bảo cho người dân quyền có nước sạch với giá cả vừa phải. Tổng vốn đầu tư chia cho các cộng đồng này được ước tính là 6 triệu đô la.
-Tại Guatemala: Với sự ủng hộ của Giám mục Pellecer, đội ngũ lãnh đạo của ba cộng đoàn giáo xứ đã tổ chức cho 1.800 người thực hiện những chương trình ngăn ngừa tội phạm và vệ sinh cộng đồng, giúp cho cộng đồng tiếp cận với dịch vụ giặt ủi công cộng an toàn và sạch sẽ.
-Tại Rwanda: Năm năm về trước, tại một ngôi làng vùng quê biệt lập ở Mumeya, nơi người Hutu và Tutsi sống chung với nhau, mô hình tổ chức PICO đã tạo ra một cộng đồng, ở đó, những người lãnh đạo đã cùng với người dân trong làng thực hiện một sự diễn tả phi thường về đức tin và hành động. Với sự ủng hộ của Giám mục phái Luther và trung tâm Christus của Dòng Tên (Jesuit Center Christus), đội ngũ lãnh đạo liên tôn giáo này đã tổ chức được bốn cộng đồng. Ở Mumeya, 5.000 người đã tham gia vào việc xây dựng một trạm y tế có 38 phòng, phục vụ cho 30.000 người và có 25 người làm việc; xây dựng đường xá, hệ thống nước và thực hiện những dự án điện; ở đây cũng đã xây dựng được một hợp tác xã nông nghiệp. Ở Myange, những người phụ nữ được dạy để làm và bán ngói lợp nhà. Ở Kigali, 100 phụ nữ đã phát triển các nghề lao động thủ công và những hợp tác xã phát triển kinh tế khác. Tại trung tâm Christus, 40 bạn trẻ đã thành lập một tổ chức để thúc đẩy những cách thức tìm kiếm việc làm. Những cố gắng này tương ứng với số tiền đầu tư là 3 triệu đô la.
– Tại Haiti: Trong một nỗ lực tổ chức mới đây nhất của PICO, giám mục, giáo sĩ và các vị lãnh đạo địa phương từ 14 cộng đồng giáo xứ ở vùng phía đông nam Haiti đã bắt đầu tổ chức và lên kế hoạch thành lập một hội nghị được tổ chức vào năm 2013. Các hoạt động về những dự án phát triển nông nghiệp sẽ khởi động vào năm kế tiếp.
Mạng lưới PICO, giống như Giáo hội, các thể chế công, và Dòng Tên, đang đối mặt với những thử thách của việc lớn lên và thử thách về khoảng cách. Sự gần gũi của cộng đồng đầu tiên và kinh nghiệm về sứ mạng chung có thể bị xao lãng và có cảm tưởng như bị cắt đứt. PICO đã nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng việc làm mới lại, tái tạo, và tái kết nối cộng đồng với chính nó và với sứ mạng; PICO đã làm những điều này nganq qua việc thành lập những cộng đồng mới và những sứ vụ mới nhằm liên đới với người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, ngang qua sự suy tư và phân định thiêng liêng cá nhân cũng như cộng đoàn.
Nếu PICO thực hành việc hình thành cộng đoàn như là sứ mạng một cách đích thực, thì nó sẽ sống theo tinh thần của thánh I-nhã và yêu cầu của những tổng hội của Dòng Tên, cho dù điều này có được gọi tên như thế hay không.
Những người tổ chức và những người lãnh đạo chia sẻ cùng những yếu tố làm nên linh đạo của cộng đoàn Dòng Tên. Do đó, những lần cộng đoàn tụ họp với nhau để xây dựng tương quan, cùng nhau nhìn về một viễn cảnh, cùng đào luyện, suy tư và định hướng với nhau đều được đưa vào trong kinh nghiệm tổ chức cộng đoàn.
Việc tổ chức cũng nhắm đến tìm hiểu lý tưởng của I-nhã là tìm Chúa trong mọi sự, ngang qua công việc của chúng ta và đời sống cộng đoàn. Những người tổ chức cố gắng giúp mọi người nhận định xem những ân huệ của họ có thể đáp ứng cho nhu cầu cần thiết nhất của người khác như thế nào. Khi làm như thế, họ tham dự vào việc đồng sáng tạo một nơi chốn thánh thiêng và sống động nhằm phát triển đức tin trong hành động.
Mô hình tổ chức PICO không gì hơn là nhằm tạo ra một ý thức liên đới giữa những người sống bên lề xã hội trong tinh thần tôn trọng phẩm giá và cuộc sống con người. Theo nghĩa này, mô hình tổ chức PICO mở ra một không gian cho mọi người có thể kể những câu chuyện về những con người đang bị áp bức, bị quên lãng, bị loại bỏ, và từ đó giúp cho họ cùng nhau trở nên mạnh mẽ.
(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J, chuyển ngữ từ tài liệu “Jesuit spirituality, community and the practice of social justice” trích trong tạp chí Promotio Iustitiae, n0112, 2013/3)