[Linh Đạo I-nhã] Thiên Chúa – Đấng đang yêu

    Trong cuốn Hồi Kí, thánh I-nhã mô tả kinh nghiệm thần bí của ngài về một Thiên Chúa năng động đang sáng tạo thế giới này. Bắt đầu tuần II của Linh Thao, thánh nhân hình dung ra Ba Ngôi Chí Thánh đang quyết định về biến cố Thiên-Chúa-trở-nên-người-phàm để cứu rỗi thế gian. Điểm cốt yếu của linh đạo I-nhã là nhận biết một Thiên Chúa yêu thương đang hoạt động trong thế giới. 

     Cuộc đời thánh I-nhã trải qua một khúc quanh vào năm 1521. Ngài từng là một hiệp sĩ phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, chiến đấu chống lại cuộc công kích của nước Pháp để bảo vệ thành Pamplona. Đang khi chiến trận diễn ra, một trái đại bác đã làm ngài bị thương nặng ở chân. I-nhã được đưa về dưỡng bệnh tại lâu đài Loyola của gia đình. Ở đó, ngài phải chịu hai cuộc phẫu thuật vô cùng đau đớn để trị thương, và phải nằm đó trong nhiều tháng chờ vết thương hồi phục. I-nhã đã có một khoảng thời gian dài để suy ngẫm về đời mình; khi nghĩ về những chuyện phù phiếm thế gian, những chiến công hiển hách và đầy tham vọng, I-nhã chỉ cảm thấy được những niềm vui hời hợt chóng qua.

    Thánh I-nhã là một người rất tinh tế. Tài năng “lưu tâm” hay “ghi nhận” (“notice” or “note taking”) của thánh nhân là bí quyết giúp ngài tiến gần hơn đến đời sống thiêng liêng. Vào năm 1521, cảm thấy chán chường và mệt mỏi suốt thời gian dưỡng bệnh ở gia đình, I-nhã đã chú ý đặc biệt đến những chuyển biến nội tâm của bản thân.

    Ngài cố gắng tìm một vài cuốn tiểu thuyết lãng mạng để đọc. Những chuyện tình lãng mạng và phiêu lưu này được xuất bản rầm rộ và nổi tiếng nhất vào thời đó, cũng như thời nay, và I-nhã thích phủ đầy trí tưởng tượng của mình bằng những câu chuyện như thế. Nhưng số là lúc ấy trong nhà chỉ có một cuốn Cuộc Đời Chúa Kitô và một cuốn Hạnh Các Thánh, nên I-nhã đành phải đọc hai cuốn ấy thay vì đọc những tiểu thuyết lãng mạn và phiêu lưu kia; và thánh nhân chợt thấy con tim mình rung động bởi những cảm nghiệm sâu xa trong tâm hồn. Những câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu và những tấm gương anh hùng đức tin đã gợi hứng và thôi thúc I-nhã. Trái lại, thánh nhân cảm thấy mệt mỏi và bất mãn khi nhớ lại những chuyện tình lãng mạng và phiêu lưu từng ham thích trước đây.

    Dần dần, một hình ảnh mới mẻ và hấp dẫn về Thiên Chúa đã bắt đầu thành hình trong tâm trí thánh nhân. I-nhã nhìn Thiên Chúa như vị Thiên Chúa của tình yêu. Đây không phải một ý niệm triết lý trừu tượng. Thiên Chúa là Tình Yêu không chỉ là một phát biểu của Thánh Kinh nữa. I-nhã đã kinh nghiệm về Thiên Chúa như một Thiên Chúa rất riêng, rất năng động và quảng đại, một Thiên Chúa Tình Yêu – Đấng đang yêu. Thiên Chúa hằng tạo dựng, và ngang qua công việc ấy, Ngài trao ban cho chúng ta những món quà. Thiên Chúa hằng làm việc, và mọi hành động của Ngài luôn biểu lộ tình yêu và sự khôn ngoan.

    Tình yêu của Thiên Chúa thì vô điều kiện. Tình yêu ấy không phải là điều chúng ta có thể tìm kiếm, mua bán hay mặc cả. Thiên Chúa không nói: “Ta sẽ yêu con nếu con chịu giữ các giới răn của Ta” hoặc “Ta sẽ yêu con nếu con chịu đi hành hương Lộ Đức.” Đau đớn, què quặt và rên xiết trên giường bệnh, thánh I-nhã dần hiểu rằng tình yêu năng động chính là phẩm chất nổi bật nhất của Thiên Chúa. Đây là hình ảnh nền tảng về Thiên Chúa mà I-nhã có được. Thánh nhân đã đạt được điều này nhờ biết “chú tâm” và “ghi nhận” cách Thiên Chúa đối xử với thánh nhân nơi thân xác, linh hồn và tinh thần, ngang qua những con người hay biến cố hằng ngày xảy đến trong cuộc đời ngài.

   Thánh I-nhã nghiệm ra hình ảnh về Thiên Chúa như một tình nhân sống động đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến lối hành xử của mỗi người chúng ta. Bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thì vô cùng rộng rãi, và chúng ta được thúc đẩy để đáp trả cách quảng đại nhất có thể. Những lựa chọn mà chúng ta thực hiện trong đời sống trở nên rất quan trọng. Tất cả những điều ấy diễn tả tiến trình mỗi người chúng ta thao thức tìm kiếm và nhận ra Đấng Trao Ban những món quà. Như thánh I-nhã đã nói trong Nguyên Lý Và Nền Tảng: “Các sự vật khác trên mặt đất được dựng nên cho con người, để giúp họ trong việc theo đuổi cứu cánh mà vì nó họ được dựng nên.

    Hình ảnh về Thiên Chúa Tình Yêu – Đấng đang yêu ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Nếu chúng ta nghĩ rằng việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta chỉ căn cứ vào cách thức hành xử nào đó của chúng ta, hẳn mỗi người sẽ nhận thấy rằng đời sống của mình rồi cũng chỉ như một đoạn trường thử thách. Suốt đời chúng ta cứ phải vượt qua những thách đố, xa tránh những thiếu sót lỗi lầm, và nỗ lực làm điều thiện. Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta cách nhưng không, đời sống mỗi người khi ấy lại trở nên thời gian để thăng tiến và trưởng thành. “Các sự vật khác trên mặt đất” là những phương tiện dẫn chúng ta đến gần với Chúa hơn. Những người đang yêu nhau không thử thách lẫn nhau. Trong tình yêu, người ta thường không đòi hỏi một tiêu chuẩn nào nơi người kia. Họ trao tặng tất cả cho người yêu.

    Thế giới của chúng ta còn lắm bất toàn. Thiên Chúa cần chúng ta cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo để mang thế giới này đến kiện toàn trong vương quốc của Thiên Chúa – một vương triều công bình và yêu thương. Chúng ta thường lãng phí những tặng phẩm của Thiên Chúa – làm hư hoại, chôn giấu và hủy diệt chúng, nhưng chúng ta không thể quá bi quan đến nỗi tưởng rằng Thiên Chúa sẽ thất bại trước việc sử dụng những tặng phẩm cách lệch lạc và sai trái của chúng ta. Thiên Chúa ngự trong các thụ tạo của Ngài cách cụ thể và rõ nét nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi cuộc đời, cuộc tử nạn và phục sinh đã được định sẵn nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa nắm chắc phần vinh thắng trong cuộc chiến đấu vượt qua mọi yếu tố ngăn trở, bất kể trên phương diện nào – thể lý, tâm lý hay tâm linh.

    Suy tưởng về những món quà của Thiên Chúa là phần đầu trong bài Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu của thánh I-nhã – bài cầu nguyện kết thúc trong Linh Thao. Ở đây, thánh I-nhã mời gọi chúng ta nghiền ngẫm và suy xét về tất cả mọi điều Thiên Chúa trao ban cho chúng ta: cuộc sống, gia đình, bạn bè, vợ chồng hay cộng đoàn tu trì của chúng ta, tài năng và học vấn của chúng ta, quê hương và thời đại mà chúng ta sống, đức tin và giáo hội, ơn tha tội và lời hứa ban sự sống đời đời.

   Sau đó thánh I-nhã bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa vẫn chưa toại nguyện với duy việc trao ban những món quà, Ngài còn ban cho chúng ta chính Ngài trong Đức Giêsu – Người Con Yêu duy nhất. Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho chúng ta qua cuộc đời, cuộc khổ nạn và tử nạn của Ngài, và Ngài tiếp tục hiện diện với chúng ta trong mầu nhiệm phục sinh. Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể – nơi Ngài đặt mình trong bàn tay chúng ta (hiểu đúng theo nghĩa đen). Nhờ đó, chúng ta trở nên chi thể và lời của Ngài giữa lòng thế giới.

   Sau đó thánh I-nhã chỉ ra rằng Thiên Chúa nỗ lực làm việc và hành động không ngừng cho chúng ta như thế nào. Thiên Chúa không thích làm một Đấng Hóa Công xa vời cứ đứng đấy phẩy tay sai khiến hay hô biến. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa hằng lao nhọc trên mọi loài thụ tạo. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa được sinh ra trong một xứ sở bị đô hộ, sống đời rao giảng rày đây mai đó, bị phản bội, bị kết án tử và cũng được giương cao. Đây là một Thiên Chúa luôn luôn tận tâm với giáo hội của Ngài và ngang qua giáo hội ấy Ngài sẽ hoàn tất việc cứu chuộc thế giới. Thánh I-nhã nhìn Thiên Chúa như một Đấng luôn gắng công làm việc và say sưa với lao tác của tình yêu.

  Thánh I-nhã kết thúc bài chiêm niệm bằng việc nhấn mạnh bản chất yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã phá tan mọi rào cản kể cả rào cản của sự chết. Thánh I-nhã so sánh những ơn lành của Thiên Chúa như những tia sáng mặt trời chiếu dọi tràn lan vô tận. Thánh nhân so sánh những ân huệ đó như nước nguồn chảy ra. Dẫu sao, những hình ảnh đó vẫn còn mờ nhạt so với dòng chảy tình yêu khôn ví khởi nguồn từ trái tim Thiên Chúa Tình Yêu – Đấng Đang Yêu.

   Đây là Thiên Chúa mà thánh I-nhã muốn chúng ta hiểu biết: Ngài là Tình Yêu – Đấng đang yêu, hằng yêu; và chúng ta – những kẻ được yêu – có thể quảng đại chia sẻ với Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta có.

            Truyền thông SJVN,

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *