Linh mục Louis Gendron, SJ – Khoa trưởng một phân khoa thần học độc nhất

Các độc giả của báo Le Brigand đã có dịp biết đến linh mục Louis Gendron, SJ trong thời gian ngài làm Giám tỉnh Dòng Tên Trung Hoa cho đến cuối năm 2011. Lúc đó ngài sống ở Macao, cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha và bây giờ thuộc Trung Quốc.

Sau nhiệm kỳ Giám tỉnh, ngài trở lại Đài Loan, nơi ngài cống hiến phần lớn đời mình để làm việc tông đồ ở đây. Chúng tôi đã gặp ngài và thấy được sự tận tâm không bờ bến ngài hiến thân để phục vụ cho tương lai Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc.

LouisGendronLinh mục Pierre Belanger: Thưa cha Louis Gendron, sau khi cha xong nhiệm kỳ Giám tỉnh Tỉnh Dòng Tên Trung Hoa, bề trên đã hướng cha về làm những công việc nào?

Linh mục Louis Gendron: Tôi về Đài Loan. Tôi đã 72 tuổi, sau khi đã làm việc ở đây nhiều năm, tôi có nhiều mối tương quan và có thể phục vụ tốt hơn.

Tôi đến đây năm 1966, từ đó tôi sống ở đây luôn, trừ bốn năm ở Rôma và hai lục cá nguyệt ở Mỹ. Khi tôi làm Giám tỉnh, tôi cũng ở nửa năm ở đây. Bây giờ ưu tiên hàng đầu là trách vụ khoa trưởng phân khoa thần học ở trường Đại học Phụ Nhân (Fu Jen).

Xin cha cho chúng tôi biết về sứ vụ này.

Tháng 7 năm 2014, chúng tôi kết thúc dự án phát triển phân khoa chúng tôi trải dài mười năm. Chúng tôi để một năm để làm việc và chúng tôi muốn có nhiều người nhất để tham dự vào chương trình này: giáo sư, nhân viên các dịch vụ khác nhau, các đại diện sinh viên. Chúng tôi thành lập nhiều nhóm làm việc.

Đây là một công việc lớn: là khoa trưởng, cha có thấy mình cần phải làm một cái gì kiểu “xây lại” phân khoa thần học không?

Fu-JenKhông, đúng hơn là phải đặt mình trong chương trình làm việc tông đồ của Tỉnh dòng Trung Hoa. Phải làm sao như chúng tôi đã làm ở phân khoa thần học ở Hong Kong. Về phân khoa thần học, chúng tôi ở đây có hai bộ môn, một là khoa thần học thuần túy và một là khoa tôn giáo học. Ở học viện này, chúng tôi có các nữ tu, các giáo dân, họ theo một chương trình mở, với rất nhiều khóa tự chọn. Còn về bộ môn thần học thuần túy thì có các đòi hỏi về giáo luật, đặc biệt cho những ai sẽ chịu chức thánh, thì có những môn bắt buộc và ít môn tự chọn. Như thế, một trong các khía cạnh phải lên kế hoạch là các môn lựa chọn để giúp sinh viên định hướng tốt trong các lựa chọn của mình. Để làm việc này, chúng tôi sáng tạo ra cái chúng tôi gọi là “chương trình”.

Mỗi chương trình có 23 tín chỉ hoặc hơn. Một trong những chương trình được hình thành là chương trình linh đạo. Chương trình thứ nhì bắt đầu từ mùa hè 2015 có chủ đề về hôn nhân và gia đình. Sau tháng chín là chương trình về tâm lý mục vụ. Các con đường đào tạo này giúp các sinh viên định hướng tốt hơn cho các dấn thân sau này của mình.

Tôi nghĩ cha có một số sinh viên để mở ra nhiều chương như vậy.

Từ năm 1970, khi chúng tôi bắt đầu dạy thần học ở đây, chúng tôi có từ 20 đến 30 sinh viên. Bây giờ chúng tôi có 200 sinh viên học toàn thời gian ở hai bộ môn.

Một nửa số sinh viên đến từ Trung Quốc lục địa, phải nêu lên ở đây yếu tố quan trọng này. Có 10% đến từ các nước khác, phần còn lại là sinh viên Đài Loan. Chương trình được lựa chọn dễ dàng nên thu hút các giáo dân, những người chắc chắn không muốn theo một chương trình thần học truyền thống. Chẳng hạn chương trình về hôn nhân và gia đình mùa hè vừa rồi đã thu hút rất nhiều giáo sư và sinh viên đại học. Còn chương trình tâm lý mục vụ thì ở trong năm học và học vào cuối tuần nên cũng sẽ có nhiều người học.

Chương trình mới của phân khoa thần học gồm các môn ở chu kỳ đệ nhị để có bằng hoặc ở cấp cao học. Đó là một phân khoa đang phát triển: có nhiều người yêu cầu chúng tôi mở khóa cho họ.

view01Phân khoa thần học của cha trước hết là phục vụ theo nhu cầu của Dòng Tên không?

Phụ Nhân là trường đại học có phân khoa thần học Công Giáo duy nhất ở Đài Loan. Nếu ai muốn học thần học Công Giáo thì họ phải đến với chúng tôi, họ không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi độc quyền! Phân khoa trực thuộc Dòng Tên: Linh mục Tổng quyền là người chịu trách nhiệm hàng đầu, sau đó là Linh mục Giám tỉnh, rồi tới khoa trưởng. Chúng tôi có nhiều giáo sư đến từ khắp nơi: các linh mục triều, các linh mục Dòng Đa Minh, Dòng Phan Sinh, các nữ tu, các giáo dân; ban giáo sư rất đa dạng. Về phía sinh viên thì chúng tôi chỉ có 8 đến 10 chủng sinh Dòng Tên trên 200 người ghi tên.

Cha đã thấy hoa quả của hướng đi mới qua phân khoa của cha và các chương trình chưa?

Chắc chắn là có. Phải biết rằng, cả Trung Quốc lục địa không có một phân khoa thần học giáo sĩ nào. Có các chủng viện của địa phận nhưng tìm giáo sư thì không dễ, đến mức trình độ học thật đáng lo. Nhưng cũng phải ghi nhận tình trạng đã có phần cải thiện dần dần. Vì vậy nên họ có một nhu cầu lớn để đến Đài Loan học. Đa số các sinh viên theo học để lấy bằng là các linh mục ở các địa phận Trung Quốc. Sau khi học xong chủng viện ở lục địa, họ xin đến đây để học cho xong chương trình. Chung chung họ rất năng động. Tuy nhiên không phải tất cả đều được vào học vì họ phải trải qua trắc nghiệm và phải qua kỳ thi nhập học.

Các sinh viên ở lục địa đến Đài Loan học có bị cú sốc văn hóa không?

Không, tôi không nghĩ họ bị. Nếu họ bị sốc thì đây là cú sốc dễ chịu! Họ được ăn ngon, có giáo sư giỏi, có thư viện nhiều sách. Họ không thấy mình bị kiểm soát tư tưởng, họ hưởng một bầu khí tự do ở đây. Họ có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc học hành và phát triển. Tôi nhớ có một sinh viên ở lục địa đến học với chúng tôi. Anh tóm tắt kinh nghiệm học ở Đài Loan qua ba nét. Thứ nhất là về mặt xã hội, đó là sự tôn trọng: anh cảm thấy mình được tôn trọng ở đây. Thứ nhì là sạch sẽ: sạch sẽ trong không gian sống, sạch sẽ nơi công cộng. Và cuối cùng là sự thinh lặng, thinh lặng trên xe buýt, thinh lặng trong xe điện ngầm. Anh rất thích ba điểm này.

Một phần lớn sinh viên của cha đến từ Trung hoa lục địa, sau vài năm học, các sinh viên này, nhất là các linh mục và các nữ tu sẽ về lại lục địa; cha có thấy ảnh hưởng trên Giáo hội Trung Quốc không?

Không dễ để định giá kết quả cho sự đóng góp của chúng tôi. Hiện nay chúng tôi chỉ nhận các linh mục và các nữ tu từ lục địa, chúng tôi không nhận các chủng sinh. Vatican và các giám mục Đài Loan xin chúng tôi đừng nhận các chủng sinh, vì sau khi được đào tạo, mình không biết họ có được chịu chức linh mục không. Hoàn cảnh này giới hạn tầm hoạt động của phân khoa chúng tôi, không được đào tạo cho thế hệ trẻ lãnh đạo Giáo hội Công Giáo ở Trung Quốc.

Xin cha nói về đời sống thiêng liêng, hoặc một cách rộng hơn là kinh nghiệm thiêng liêng của một người Công Giáo ở lục địa khi họ sống ở Đài Loan. Sự khác biệt bối cảnh có ảnh hưởng trên kinh nghiệm này không?

Đa số các sinh viên của chúng tôi sinh sau năm 1980, họ thật sự không biết trực tiếp về cách mạng văn hóa. Cha mẹ của họ thì có. Với năm tháng, họ biết gia đình họ thoát cảnh nghèo và càng ngày càng có tự do tôn giáo. Đa số các sinh viên đến từ Trung Quốc xuất thân từ các gia đình Công Giáo ngày xưa, những gia đình đã đứng vững sau hàng chục năm khó khăn. Và điều này rất khác với các sinh viên Đài Loan, ở đây hai phần ba tu sĩ là “tân tòng”, những người trở lại khi họ học ở trung học hay đại học. Vậy là đã rất khác ở điểm khởi đầu. Dù những người trẻ Trung Quốc hiện nay không sống qua kinh nghiệm mà cha mẹ họ đã sống, nhưng họ cũng biết âm vang của những chuyện này để lại và họ vẫn còn giữ hơi hướng.

Tôi cũng nói thêm Công đồng Vatican II đã có nhiều kết quả dù kết quả đến hơi chậm ở Trung Quốc. Chỉ sau năm 1980 mới bắt đầu cử hành thánh lễ bằng tiếng Trung Hoa. Bây giờ người Công Giáo nào cũng có một quyển Thánh Kinh, trước đây là chuyện không thể được. Như thế chúng ta hiểu lòng mộ đạo là trọng tâm đời sống thiêng liêng trong bối cảnh cuộc cách mạng văn hóa và các hệ quả của nó, lòng mộ đạo ở đây lớn hơn ở Phương Tây rất nhiều. Nhưng bây giờ sự khác biệt này không còn nhiều. Sự khác biệt chính giữa cảm tính tôn giáo của người Trung Quốc và Đài Loan chính là ở sự kiện các sinh viên Đài Loan đa số là các tân tòng, tôi lặp lại.

Tôi cảm thấy, ngoài vai trò khoa trưởng phân khoa thần học, trong hoàn cảnh đặc biệt này, cha còn đóng vai trò của một linh mục, của người đồng hành thiêng liêng.

Đúng, tuyệt đối đúng. Tôi cũng thấy có sự linh hoạt về mặt thiêng liêng ở phân khoa. Chẳng hạn từ thứ hai đến thứ sáu, chúng tôi có Thánh lễ vào buổi trưa. Đi lễ là chuyện tự do của mỗi người, nhưng luôn có từ 50 đến 70 nam nữ sinh viên đến dự. Các linh mục dâng Thánh lễ được chọn lựa kỹ và họ luôn soạn kỹ một bài giảng ngắn, bài giảng của họ rất được yêu thích. Tôi thường nghe các phản hồi kiểu “không phải giống như ở Trung Quốc!”. Các người trẻ của chúng tôi hạnh phúc qua những gì họ sống ở tầm mức này.

Một điểm khác. Đa số các sinh viên Đài Loan là các giáo dân nên đã làm cho người Trung Quốc thấy tầm quan trọng của giáo dân trong Giáo hội. Ở Trung Quốc, không có chuyện giáo dân đi học thần học. Đối với họ, đây là một chuyện mới, như thế đây là dịp để mở ra và tương tác rất tích cực. Về trung hạn cũng như dài hạn, đây là ảnh hưởng có giá trị về cuộc cách mạng Giáo hội ở Trung Quốc.

Để kết thúc, cha có yếu tố nào trong sứ vụ của cha cần phải nhấn mạnh không?

Tôi có tham dự vào phong trào canh tân đời sống gia đình ở Đài Loan. Mỗi tháng có một cuộc họp. Nhóm nói về các chủ đề gia đình rất hay. Nhóm tôi tham dự có khoảng mười mấy cặp. Họ chia sẻ sâu đậm và giúp đỡ nhau. Tôi ở trong nhóm từ hai năm nay, và tôi nghĩ, không có phong trào này thì nhiều cặp đã chia tay nhau, hôn nhân của họ không đứng vững.

Từ năm 1977, tôi đồng hành với Cộng đoàn Sống Đời Kitô (CLC). Một cộng đoàn khác với nhóm canh tân đời sống gia đình, thành viên của cộng đoàn này có người lập gia đình, có người không. Như thế, sự trao đổi giữa họ với nhau rất rộng.

Đời sống của cha đã thay đổi từ khi cha làm Giám tỉnh Dòng Tên Trung Hoa…

Tôi không hối tiếc gì. Tôi ở đây, nơi tôi biết nhiều và tôi rất yêu. Chắc chắn có nhiều trách nhiệm nhưng không nhiều như làm Giám tỉnh, nhất là khi nghĩ Tỉnh Dòng của mình quá lớn. Chúng tôi có nhiều việc tông đồ và như ở các nơi khác trên thế giới, chúng tôi không có bao nhiêu tu sĩ Dòng Tên để đảm trách. Tôi hạnh phúc trong những gì tôi làm ở đây; và tôi cũng không hối tiếc gì về việc đã làm Giám Tỉnh Dòng.

Luca Nguyễn Trung Tín chuyển dịch, phanxico.vn

  • Truyền thông Dòng Tên có hiệu đính lại 1 số chi tiết

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *