Lc 9, 51-62
Anh chị em thân mến,
Lời thánh Phaolô tuyên bố: “Tính xác thịt ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt” (Gl 5, 17). Tính kình địch này hiện hữu cách sống động nơi chính cách hành xử của những môn đệ của Đức Kitô.
Các môn đệ bộc lộ tính xác thịt khi Người Samari không tiếp rước Đức Giêsu ngay vào lúc Ngài tiến lên Giêrusalem thực hiện cuộc hiến tế cứu độ. Các môn đệ xin Ngài cho các ông lửa từ trời xuống thiêu đốt những người ấy. Với tư cách là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ vì ước muốn của các ông thuộc về xác thịt chứ không phải thuộc về Thần Khí. Bởi lẽ Chúa đến để cứu sống chứ không phải để tiêu diệt loài người; với tư cách là Êlia mới thần linh, Ngài cũng đã hành xử ngược lại với Êlia trong Cựu Ước vì vị ngôn sứ này đã khiến lửa từ trời xuống thiêu sống các sử giả của vua Okozia khi họ đi thỉnh vấn Baal-Zơbub, thần minh của người Êqron chứ không phải thỉnh vấn Thiên Chúa mà họ đang tôn thờ (2 V 1, 1-18).
Các môn đệ là công dân Nước Thiên Chúa, vì khi đi theo Đức Giêsu họ được trở nên nghĩa tử của Người. Vì thế, Đức Giêsu đề nghị một lối sống theo Thần Khí vốn siêu thoát khỏi mọi quyến luyến và gắn bó có tính thế tục cho những ai muốn làm môn đệ Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có gối tựa đầu” (Lc 9, 57-58). Sự siêu thoát ấy cho họ kinh nghiệm đích thực về niềm hạnh phúc của Vương Quốc Thiên Chúa.
Cũng nơi đây, con người vẫn bộc lộ tính xác thịt vốn ẩn sâu tận mối tương quan máu huyết: kẻ được mời gọi đi theo Chúa lại xin về chôn cất cha mình (Lc 9, 59) và kẻ muốn theo Chúa lại muốn trở về từ biệt gia đình (Lc 9, 61). Việc chôn cất cha mẹ và từ biệt gia đình là một hành vi báo hiếu và một tương quan nhân bản rất có giá trị. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là công việc thuộc phạm vi kẻ chết và cách ứng xử thuộc đời này chứ không hề có tính cứu sống và có tính thần linh. Triều đại Thiên Chúa ngự trị có tính thần linh mới đem đến sự sống đích thực cho con người, nhờ đó họ được thoát khỏi sự chết và được trở nên con Thiên Chúa. Vì thế, Ngài mời gọi những ai muốn làm môn đệ Ngài phải ưu tiên ra đi loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 9, 60b). Hơn nữa với tư cách là Êlia mới, Ngài đã hành xử khác với Êlia: Nếu Êlia cho phép Êlisa trở về hôn chào cha mẹ, sát tế bò bê, đãi dân chúng rồi đi làm môn đệ ông; ngược lại, Đức Giêsu không cho phép người môn đệ làm điều ấy. Lý do: “Người đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).
Đức Giêsu có đưa ra một đòi hỏi phi nhân không? Thưa không hề. Bởi lẽ, sự sống thần linh và phẩm giá làm con Thiên Chúa cao quí và có giá trị hơn bất cứ lợi ích và giá trị trần thế nào của loài người. Tuy nhiên, để có được kinh nghiệm ấy, con người được mời gọi “tiến lên Giêrusalem với Ngài” (Lc 9, 51b), nghĩa là sống tình yêu hiến tế có tính thần linh ở chính bản thân mình. Và Ngài đã được rước về trời với tư cách là Êlia mới, làm bảo chứng cho niềm hạnh phúc đích thực của chúng ta.
Xin cho chúng ta được giải phóng khỏi tinh thần thế tục khi nhìn thấy những yếu đuối của người khác và cũng xin được ơn đi theo Đức Kitô, nên môn đệ của Ngài đến tận đồi Canvê ở Giêrusalem để được sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí trong một gia đình mới và một Thiên Chúa mới.
Giuse Lê Quang Chủng, SJ