Chẳng ai trong chúng ta lại không thích người ta khen mình. Ai nói rằng mình không thích, đó chỉ có thể là thánh nhân hoặc là một tay nói xạo. Lời khen rót vào tai ta những mật ngọt thật êm dịu. Lời khen làm cho ta thấy phấn chí, an vui. Lời khen giúp ta xua tan đi bao nhọc mệt vất vả. Lời khen giúp ta phục hồi lại sức khỏe tinh thần. Khi được khen, ta có cảm giác như mình thật có giá trị, ta thấy những hy sinh của mình thật đáng giá biết bao. Được khen, cũng là được chân nhận. Ta thích khen đến độ nhiều khi biết đó không phải là lời khen thực lòng, vậy mà ta vẫn cứ thích nghe, thích ở lại, thích đắm chì trong đó để hưởng thụ và cảm nếm.
Lời khen là một liều thuốc rất tốt cho đời sống tinh thần, nhưng đôi khi nó cũng trở thành một mối nguy vì bao mầm mống của ảo tưởng và tự kiêu có thể sẽ nảy sinh ra từ nó. Những lời khen có cánh làm lan tỏa chung quanh ta những hương thơm thật ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một tòa lâu đài ảo thật nguy nga. Bản tính con người vốn dễ thiên về hướng kiêu ngạo hơn là khiêm nhường. Nội dung lời khen mà người khác dành cho ta chỉ có một thôi, nhưng trí tưởng tượng và sự hưng phấn trong ta đã phóng đại nó lên gấp mười hay gấp trăm lần. Dần dần, chỉ với một chút thành công nhỏ, ta tự phong tước cho mình, đưa mình lên tận trời xanh và ngỡ mình là tâm điểm quy chiếu của mọi người. Ta vui thú với nó hệt như người tự ngắm mình trong gương và cảm thấy hài lòng.
Một lời khen có thể giúp ta vực dậy tinh thần và thúc đẩy ta hăng hái trong công việc. Nhưng nó cũng có thể đẩy ta vào sự u mê và tự mãn đối với chính mình. Ta nghĩ là mình không cần phải phấn đấu chi nữa vì ta đã tài giỏi quá rồi, nếu không thì người khác đâu có chân nhận và dành cho ta những lời khen. Ta tự hài lòng với những khả năng ít ỏi ta đang có mà không chịu phấn đấu để được giỏi hơn, thông thái hơn, có khả năng hơn. Rồi ta nhìn chung quanh, thấy những người có chút thiệt thòi và không được như ta, ta bỗng thấy họ sao kém cỏi thế, sao bất tài thế, sao không nổi nang và tài giỏi như mình. Với những người cũng được dành cho tiếng khen giống như ta, ta bỗng so đo, thấy tức tối, thấy lòng ganh tị sôi sục lên và ta quay lưng không thèm đếm xỉa tới.
Lời khen có thể là một phần thưởng dành cho những hy sinh của ta, nhưng cũng có thể là thứ làm ta mất tự do rất nhiều. Khi nhận được một lời khen, dù chẳng biết là đúng hay sai, ta vẫn cứ ôm ấp nó trong lòng. Mỗi lần nghĩ đến nó, ta hạnh phúc quá đỗi; nhưng đồng thời, nó cũng khơi dậy trong ta một nỗ lực, bất chấp mọi giá, để bảo vệ tiếng thơm này. Thế rồi, ta cố gắng sống tốt, làm nhiều việc thiện, học hành thật giỏi… không phải bởi vì chính những điều thiện hảo ấy, nhưng là vì để người khác tiếp tục nhìn nhận và dành cho ta những lời khen. Ta gồng mình lên gìn giữ cái danh dự cao quý mà người khác dành cho, bất chấp thiệt hại của cải, sức khỏe, tương quan. Một sự cố gắng quá sức bao giờ cũng làm ta mệt mỏi và nặng đầu. Chẳng biết người khác có còn khen ta nữa không, nhưng việc ta cứ bất chấp lao đầu theo nó đã khiến những nỗ lực của ta trở thành một cuộc đua vô nghĩa.
Một người tỉnh thức và khôn ngoan thì chẳng bao giờ để cho lời khen làm vẩn đục ý chí và lôi kéo mình. Họ đón nhận lời khen tặng như một phản hồi tích cực của người khác dành cho những nỗ lực vất vả của mình. Khi nghe một lời khen, họ cẩn thận xem xét xem những lời khen ấy có đúng không, có phản ánh thực tại đầy đủ không và họ có xứng đáng với lời khen ấy không. Lòng họ cũng khơi dậy một tâm tình biết ơn, xuất phát từ một ý thức rằng những gì họ có, không phải do một tay họ làm ra, nhưng là thành quả của biết bao con người khác, đã giúp họ cách âm thầm, trực tiếp hay gián tiếp. Họ dùng lời khen ấy như một động lực thúc đẩy mình tiến tới, không phải để đi tìm những lời khen khác to lớn hơn nhưng là để cống hiến nhiều hơn, phục vụ đắc lực hơn, sống chân thành và trao ban hơn. Khi đó, lời khen sẽ lại tự tìm đến với họ như một hệ quả tất yếu chứ không là mục tiêu phấn đấu của họ. Không tìm kiếm sự thừa nhận của người khác, lòng họ lúc nào cũng thanh thản và an vui, không nghi kỵ, không tính toán, chẳng muộn phiền.
Vì không bị tiếng khen làm cho mù quáng, nên họ cũng không bị suy sụp khi có những lời chê bai ập đến. Có thể họ sẽ không có một cảm xúc vui tươi, nhưng họ không trở nên tự ti, nhút nhát, sợ hãi, đổ lỗi cho số phận hay hoàn cảnh. Đối với họ, lời chê bai là một tiếng trống mạnh mẽ, giúp họ phải ý thức nhiều hơn về những gì mình làm. Họ lại cẩn thận suy xét những góp ý mang màu sắc tiêu cực ấy, xem nó có đúng không, nó có giúp họ thấy được những sai sót mà họ vấp phải không. Nếu cần, họ sẵn sàng đối thoại chân thành với chủ nhân lời góp ý ấy để tìm ra chân lý và khắc phục những lỗi sai. Họ không cay cú, không “phản pháo”, không vội chê trách người đã góp ý cho mình. Họ ý thức rằng, phải có những lời chê trách ấy thì họ mới thấy được những điều mà trước kia họ không thấy, họ mới mở rộng tầm nhìn, mới trưởng thành hơn, cứng cáp hơn và có động lực thực sự để hoàn thiện mình hơn. Cây cổ thụ có thể đứng sừng sững uy phong như thế là nhờ đã không biết bao nhiêu lần nó đối đầu với những ngọn cuồng phong hung dữ tấn công đủ chiều. Một người nhận quá nhiều lời khen, có đôi khi lại yếu mềm hơn và thiếu tỉnh thức hơn những người luôn bị chỉ trích và góp ý thẳng thắn.
Con người chúng ta được Tạo Hóa ban cho đặc quyền tự do. Sự tự do làm cho phẩm giá của chúng ta được nên cao quý, hơn tất cả những loài hữu hình khác. Lời khen và tiếng chê là những hương vị, góp phần làm cho bàn tiệc cuộc sống thêm hấp dẫn. Nó làm bừng dậy trong ta những cảm xúc lên xuống, trầm bổng như một bản nhạc du dương. Biết cách đưa ra những lời khen, lời chê sao cho thật giá trị là cả một nghệ thuật. Đón nhận nó sao cho lợi ích lại càng đòi hỏi nơi ta một sự trưởng thành và khôn ngoan. Chúng ta được mời gọi phải tự do với nó. Đây không phải là một sự vô tâm lãnh đạm nhưng là thái độ đón nhận nó với một sự phản tỉnh và lòng khiêm nhường. Chúng ta hãy xin ơn bình tâm để có thể sử dụng những lời khen chê như một phương tiện để hướng về Chúa, chứ không xem nó là cùng đích của đời mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ