Lòng thương xót Chúa (11): Sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một số dụ ngôn

big_thumb_ada366c4ec33422ddb289f02c4c5592aChúa Giê-su đã để lại cho chúng ta những dụ ngôn thật đẹp về Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót. Có thể nhắc đến hai dụ ngôn gây ảnh hưởng rất sâu rộng trong cuộc sống và lịch sử nhân loại. Đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,25-37) và dụ ngôn người Cha nhân hậu (x.Lc 15,11-32).

Trong dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giê-su muốn giới thiệu cho chúng ta một ví dụ điển hình về lòng nhân hậu của người Samaritanô. Người Samaritanô trong đôi mắt của người Do Thái không phải là người đạo đức, mà họ bị coi thường như là người mang một nửa phần của dân ngoại. Với người Do Thái, người Samaritanô không phải là người thân cận của họ, bởi vì giữa những năm 6 và 9 sau Công Nguyên họ đã làm ô uế những vùng xung quanh đền thờ tại Giê-ru-sa-lem qua việc họ “rải xương người chết” trong thời gian của chính lễ vượt qua.[1]

Đọc lại đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy dụ ngôn kể về một người đàn ông trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giêricô đã rơi vào tay bọn cướp, bị lột sạch sẽ, và kế đó, bị bỏ nằm bên vệ đường nửa sống nửa chết. Có hai nhân vật vị vọng trong xã hội Do Thái được nhắc tới. Đó là một thầy tư tế và một thầy Lê-vi. Trên đường đi, lần lượt cả hai thấy người bị nạn nằm ở dọc đường, nhưng đều tránh qua một bên và đi tiếp mà không có một lời hỏi thăm. Lòng họ không một chút xúc động và cũng chẳng diễn tả một sự tội nghiệp nhỏ bé nào cả. Một sự vô cảm lạnh lùng của những con người được cho là đại diện cho những luật lệ luân lý và đạo đức, cũng như con người ở gần với bàn thờ Thiên Chúa nhất. Trong khi đó một người Samaritanô cũng đi qua, nhìn thấy nạn nhân bị hại nằm bên đường kia, thì ông làm gì?  “Có cái gì đó xảy ra: Trái tim ông ta đập thật mạnh và mở ra. Tin Mừng dùng thuật ngữ mà trong xã hội Do Thái nói về cung lòng và sự chăm sóc của người mẹ. Thấy người này trong tình trạng như thế là cú đánh vào ‘lục phủ ngũ tạng’ của ông ta, chạm đến linh hồn ông ta. ‘Ông ta chạnh lòng thương’, đó là cách mà ngày nay chúng ta dịch lại bản văn, cách này đã làm giảm bớt sinh khí nguyên thủy của bản văn. Tia chóa sáng của lòng thương xót đánh vào linh hồn ông ta, giờ đây, chính ông ta trở thành một người thân cận, không để ý đến bất cứ câu hỏi hay nguy hiểm nào cả. Vì thế, sức nặng của vấn đề thay đổi chỗ này. Vấn đề không còn là người khác có phải là thân cận của tôi hay không. Vấn đề là về bản thân tôi. Tôi phải trở nên người thân cận (của người gặp nạn), và khi tôi làm như thế, thì với tôi người khác được kể như chính tôi…Helmut Kuhn đề nghị một giải thích về dụ ngôn này, mà chắc chắn đi ra khỏi nghĩa đen của bản văn, dĩ nhiên, ông thành công trong việc chuyển tải sứ điệp tận căn của dụ ngôn. Ông viết: ‘Tình yêu bạn bè theo nghĩa chính trị hệ tại vào sự bình đẳng của các hội viên. Ngược lại, dụ ngôn biểu tượng về người Samaritanô tốt lành nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng tận căn của chúng: Người Samaritanô, kẻ xa lạ với dân chúng, đối diện với tha nhân vô danh. Người Samaritanô, người giúp đỡ nạn nhân vô vọng của vụ cướp bóc dã man. Dụ ngôn đề nghị rằng agape cắt ngang khỏi mọi đường lối chính trị, như được chúng thống trị bằng nguyên tắc do ut des (tôi cho, để bạn sẽ cho), và vì thế, trình bày đặc tính siêu nhiên của agape. Qua tính lô-gíc theo nguyên tắc của nó, agape không chỉ vượt ra khỏi những đường lối này, nhưng còn có nghĩa lật đổ chúng nữa: Người cuối sẽ lên đầu (x.Mt 19,30) và người hiền lành sẽ được đất làm gia nghiệp (x.Mt 5,5). Một điều khá rõ: Tính phổ quát mới đang đi vào bức tranh, và nằm trên yếu tố mà tận sâu thẳm bên trong, tôi đã sẵn sàng trở nên người anh em với tất cả những ai tôi gặp gỡ mà cần tôi giúp đỡ”.[2]

Trở về câu chuyện, chúng ta thấy nơi người Samaritanô một tâm hồn rung cảm trước con người khổ đau. Tâm hồn rung cảm đã thúc đẩy ông dừng bước, gác lại mọi chuyện ông đang cần lo trước mắt, và“ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,34-35). Với câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn trả lời cho câu hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Không ai khác cả, mà chính là người đang rơi vào khổ đau, người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta hơn cả. Người thân cận đó vượt trên mọi yếu tố gia đình, bạn bè quen biết, hay chủng tộc. Người thân cận là người mà tôi đang nhìn thấy họ gặp nạn và họ đang cần tôi giúp đỡ. Tình yêu và lòng thương xót dành cho người thân cận này vượt trên mọi chuẩn mực và thước đo của con người đặt ra. Dụ ngôn này diễn tả mạnh mẽ về tầm quan trọng của lòng thương xót. Tuy nhiên, sẽ quá vội vàng, nếu ứng dụng dụ ngôn này ngay cho đời sống của tín hữu. Theo nhà Thánh Kinh học Bovon, trước hết người Samaritanô là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót nhân loại, và giúp đỡ nhân loại. Tinh thần của Đức Ki-tô được cấy rễ vào trong đời sống Đức Tin của mọi con cái Thiên Chúa, được nảy mầm trên mảnh đất Giáo Hội, và nhờ đó mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thực thi trong hành trình sống Đức Tin của họ. Sự liên hệ này có ý nghĩa, vì dụ ngôn này được Chúa Giê-su đưa ra trong bối cảnh tranh luận với một người thông luật, với câu hỏi:“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Lc 10,25). Tiếp đến, Chúa Giê-su đã đưa người thông luật vào trong tinh thần yêu thương đã được dạy trong sách luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Như thế, dụ ngôn về lòng thương xót này liên hệ đến tình yêu của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã đi bước trước, là mẫu gương cho chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta biết ý thức thực thi và sống tinh thần của lòng thương xót với người thân cận.[3] Thần học gia Ratzinger cũng nhìn người Samaritanô là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót nhân loại, những người bị nạn trên đường. “Nếu nạn nhân bị tấn công là hình ảnh của mọi người, người Samaritanô cũng chỉ là hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Thiên Chúa, đối với chúng ta là Đấng xa lạ và lạnh nhạt, đã lên đường để chăm sóc tạo vật bị thương của Người. Thiên Chúa, dù rất xa cách chúng ta, đã làm chính Người trở thành người thân cận của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đổ dầu đổ rượu lên vết thương chúng ta, một cử chỉ được xem như một hình ảnh ân huệ chữa lành của các bí tích, và Ngài đem chúng ta tới quán trọ, Hội thánh, trong đó, Ngài bố trí sự lo lắng cho chúng ta và cũng trả trước cho cái giá của sự lo lắng này. Chúng ta có thể bỏ qua những chi tiết nhỏ của ngụ ngôn, đã thay đổi từ Giáo phụ này sang Giáo phụ kia. Nhưng cái nhìn cao cả đã cho thấy con người đang nằm cách xa lạ và vô vọng bên cạnh đường trong lịch sử, và chính Thiên Chúa trở nên người thân cận của con người trong Đức Giê-su, là cái nhìn mà chúng ta có thể giữ lại cách vui vẻ, như một chiều kích sâu xa hơn của dụ ngôn mà liên quan đến chúng ta. Vì lý do đó, mệnh lệnh cao cả được diễn tả trong dụ ngôn không bị yếu đi, nhưng giờ đây, chỉ xuất hiện trong uy quyền trọn vẹn của nó. Chủ đề quan trọng về tình yêu, là sức ép thật sự của bản văn, giờ đây chỉ được ban cho chiều sâu trọn vẹn của nó. Vì giờ đây, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cũng bị ‘loại trừ’, đang cần sự cứu độ. Tất cả chúng ta cần đến ân huệ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho chính chúng ta, để về phần chúng ta, chúng ta cũng có thể trở nên ‘những tình nhân’. Chúng ta luôn luôn cần Thiên Chúa, Đấng tự trở nên người thân cận của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên những người thân cận”.[4]

Dụ ngôn khác cũng rất quen thuộc là dụ ngôn kể về người Cha Nhân Hậu. Nếu nhìn trong bối cảnh của đoạn văn, thì ở trong chương 15, Lu-ca đặt ba dụ ngôn vào trong một chủ đề lòng thương xót, với sự tranh luận giữa Chúa Giê-su và các người Pha-ri-sêu cùng các Kinh Sư. Họ đã lầm bầm về một chuyện mà họ không thể chấp nhận nơi Chúa Giê-su: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Tiếp đến Chúa Giê-su nêu dụ ngôn đầu tiên về con chiên bị mất (Lc 15,1-7). Dụ ngôn thứ hai nói về đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10), và dụ ngôn thứ ba quen thuộc và dài nhất nói về người Cha Nhân Hậu, mà cũng có người nói là dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến ba dụ ngôn này trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (x.Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ” (số 09).

Bây giờ, chúng ta đọc và suy niệm dụ ngôn thứ ba, chúng ta thấy từ ngữ thương xót và công bằng hay công lý không xuất hiện trong dụ ngôn, nhưng nội dung của câu chuyện lại diễn tả cách rõ rệt và mạnh mẽ chủ đề lòng thương xót, qua tình yêu của người Cha nhân hậu dành cho đứa con hoang đàng ngỗ nghịch. Lòng thương xót này của người Cha vượt trên sự công bằng mang tính cách lô-gic bình thường. Tất cả những cử chỉ cao cả và tuyệt vời của Cha, khi thấy con về diễn tả một cách sống động tấm lòng yêu thương của cha dành cho con mình: Trông thấy, chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Tiếp đến là những cách hành xử rất tuyệt vời khác, có thể nói tương phản hoàn toàn với thực tế cuộc sống, và cũng vượt trên mọi chờ đợi của người con hoang đàng: Mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân, bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Những thái độ cao cả này đã trả lại cho người con một thời đi hoang quyền làm con và phẩm giá làm người quý báu.

Những cử chỉ cao cả của người Cha và tương quan của Cha đối với người con đã từng bỏ nhà đi hoang không căn cứ vào sự công bằng, không căn cứ vào việc chia tài sản vật chất cho đúng đắn, mà căn cứ vào phẩm giá cao quý của con. Phẩm giá cao quý này chính là thước đo của tình yêu, của lòng thương xót. Ngoài dụ ngôn này, không có các dụ ngôn nào khác mà qua đó Chúa Giê-su diễn tả lòng thương xót cách nổi bật, rõ rệt, mạnh mẽ và sâu sắc. Thật vậy, trong dụ ngôn Cha Nhân Hậu, Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta rằng: Ta đã làm như vậy, thì Cha trên trời cũng làm như vậy. Lòng thương xót của người Cha trong dụ ngôn này là sự công chính ở cấp bậc cao hơn. Có thể nói mạnh hơn rằng, sống tinh thần lòng thương xót là sự thực hành sự công bằng cách hoàn hảo nhất. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ làm cho con người đánh mất giá trị của cuộc sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không để cho con người dù tội lỗi và lầm lỡ biết mấy, đánh mất phẩm giá cao quý làm người. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất tương hợp dụ ngôn của chúng ta: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).[5]

Giờ đây, xin được suy niệm vào câu chuyện của dụ ngôn này. Chuyện kể về người Cha có hai người con. Người con lớn chăm chỉ làm việc, và một lòng tùng phục cha mình. Còn người con thứ thì ở tuổi thanh xuân, chuẩn bị bước vào cuộc đời, nên anh ta ham chơi, thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế, dù mới ở tuổi 16 chưa có quyền để đòi của thừa kế, chàng thanh niên vẫn đòi Cha cho mình phần của cải mình sẽ được hưởng. Cậu ấy muốn biến món quà của tương lai xa xôi kia trở nên món quà của giây phút hiện tại. Tương lai cần phải được nắm trong tay ngay lúc này đây. Một kiểu tham lam không đáy của đời người, một cách cao ngạo và phung phí của con người trước những món quà cao quý. Nhưng Cha có cho không? Bình thường chẳng có cha mẹ nào chấp nhận trao món quà cao quý của tương lai cho đứa con chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành. Nhưng chẳng hiểu sao, người cha trong câu chuyện lại “gật đầu” trước lời xin xỏ quá đáng kia. Phải chăng, người cha không thể từ chối đứa con yêu dấu bất cứ điều gì?

Khi “kho tàng tương lai” đã được nắm trong tay của giây phút hiện tại, điều gì đã xảy ra sau đó? Bước ra khỏi mái nhà thân yêu, lên đường đi phương xa. Chẳng biết có chào tạm biệt cha không, chẳng biết có đi khỏi nhà một cách đàng hoàng hay không, hay lén lút và kín đáo ôm “món quà tương lai” lẻn bước qua cửa sau của nhà mình, để đi vào cửa chính của thế giới vui nhộn đang chờ cậu ta trước mặt?

Ăn và chơi mà không làm, thì dù “món quà tương lai” có lớn kếch sù bao nhiêu, một ngày nào đó túi đầy tràn của ngày đầu tiên bước vào đời sẽ trở nên rỗng tuếch. Thê thảm thay phận người tham lam không đáy mà lại còn thích phung phí của trời! Rỗng tuếch sẽ hoàn rỗng tuếch. Cuối cùng, phận người đó đã rơi vào nơi mà anh ta chẳng bao giờ nghĩ tới, và cũng chẳng bao giờ muốn mơ tới. Nơi đó chẳng còn tiếng cười của bè bạn, nơi đó chẳng còn cốc rượu ngon của ngày nào, nơi đó chỉ còn bóng hình lam lũ cô đơn là chính anh đang ngồi bên cạnh những bóng hình không phải là người: một bầy heo. Con heo trong đôi mắt của người Do Thái là con vật dơ bẩn và gây nên biết bao ô uế. Vì thế, mọi người cần phải tránh xa con thú vật đó, nhưng phần anh ta, cũng là người Do Thái đấy, cũng là con cháu Áp-ra-ham đấy, lại phải sống chung với lũ heo kia. Vẫn biết rằng, anh ta là người chăn heo đấy, nhưng chưa chắc số phận của người chăn heo lại sướng hơn lũ heo đâu. Đọc kỹ, thì thấy đúng là vậy. Trong cơn đói khổ, anh ta ao ước lấy cám heo mà ăn nhưng chẳng ai cho. Nhìn lũ heo ăn xong lăn ra ngủ với cái bụng tròn căng, mà lòng anh quặn đau. May thay, cái đau kia cộng với cái đói đang làm cho bao tử của anh “kêu oan” và đã đánh động lòng anh, bắt đôi mắt anh đang thèm thuồng nhìn bầy heo no say, phải ngẩng đầu hướng nhìn về mái nhà thân yêu của mình, về hình ảnh của người Cha yêu dấu. Chẳng biết tại sao lúc này anh lại nghĩ về Cha, về nhà mình? Phải chăng vì đói, vì ao ước có được bữa ăn no bụng của những người đầy tớ trong nhà anh, nên anh làm thế. Chắc chắn rồi ! Nhưng không chỉ thế. Điều sâu xa thúc đẩy anh hướng lòng về Cha, về ngôi nhà thân yêu của mình chính là tình yêu người Cha dành cho anh. Thật vậy, anh chính là một phần của người Cha. Vì thế, khi cho anh của thừa kế, người cha cũng cho anh chính tình yêu của Cha. Tình yêu đó đồng hành với anh không chỉ trong mái nhà thân yêu của những ngày ấu thơ, mà còn theo anh lên đường đến những nơi anh đi tìm hoan lạc. Và tình yêu đó cũng sẵn sàng chia sẻ số phận lam lũ nghèo hèn của anh, ngay tại chuồng thú hôi hám và dơ bẩn kia. Một tình yêu cao quý và trong sạch của Cha luôn ở bên người con yêu dấu, dù người con đó bị biến dạng như thế nào đi nữa.

Vì người con là một phần của Cha, nên khi người con về tới đầu làng, thì đã thấy bóng dáng của Cha đang đứng trước nhà như đang trông mong mình. Nhưng không chỉ là “như”, mà là thật vậy. Tình yêu đã thúc đẩy Cha hàng ngày ra trước cửa nhà để trông ngóng “một phần” của mình trở về. Và vui sướng biết bao nhiêu, sau bao ngày mong ngóng, thì hôm nay đôi mắt cha thấy bóng dáng kia đang lủi thủi trở về. Nhưng làm sao ông có thể nhận ra hình dáng lam lũ kia, không còn mang chiếc áo sạch sẽ của ngày nào, với tấm thân gầy còm không mang hình hài của người con ngày xưa, đang lê bước với đôi chân trần nặng trĩu của ngày hôm nay? Phải chăng tình yêu đồng hành của Cha luôn trong sáng, đến nỗi không có vết bẩn nào của cuộc đời có thể cản trở làm cho cha không còn nhận ra con mình, dù đứa con đó có ra thế nào đi nữa. Một phần của chính Cha vẫn là một phần của chính Cha mà!

Vì thế, cha đã chạy lại ôm cổ con mình và hôn lấy hôn để. Một tình yêu không sợ ô uế bởi cái mùi phảng phất của lũ heo đang ám ảnh trên thân phận lam lũ kia. Một tình yêu dù chẳng mắc nợ gì, nhưng vẫn trả lại cho con những nụ hôn nồng nàn. Những nụ hôn nồng nàn và không ngừng đó như là tất cả những nụ hôn được cộng lại, tính từ ngày đứa con lên đường đi hoang cho đến ngày trở về hôm nay. Nhưng cái cộng lại đó không chỉ mang tính cách số lượng, mà cao quý hơn còn mang tính cách chất lượng. Chất lượng của lòng, của tâm, của chiều sâu nhất trong Cha. Vâng, Cha đã ôm hôn con với tình yêu của lòng mình dành cho con. Tình yêu tỏa ngát hương thơm trên thân xác hôi hám của đứa con hoang đàng. Thật không có mùi nước hoa nào thơm bằng mùi nước hoa của tình yêu!

Chính lúc ở trong vòng tay của Cha, người con đã thành thật lên tiếng thưa với Cha lời mà anh đã chuẩn bị khi còn là người chăn heo. Anh ta nói gì ?”Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Một lời ăn năn phát xuất từ tấm lòng sâu thẳm của anh. Chính giây phút anh thốt lên lời này, hai tâm hồn đã gặp lại nhau và ôm hôn nhau thật thắm thiết. Tâm hồn của Cha với tình yêu giàu lòng thương xót, và tâm hồn thống hối ăn năn của người con một thời đi hoang đã tìm lại nhịp đập chung. Âm thanh của nhịp đập chung đó như muốn nói rằng : “con là một phần của chính Cha và Cha là một phần của chính con”. Nhưng tại sao lời nói của anh chỉ có vậy? Dấu ba chấm trong câu để lửng như mang một ý nghĩa gì đó. Đọc kỹ lại lời nói người con chuẩn bị trước đó, mới thấy rằng, phần cuối của câu đã bị cắt đứt. Phần đó diễn tả điều gì? “Xin coi con như một người làm công cho Cha vậy”. Đây là lời cầu xin mà người con chuẩn bị để thưa với Cha. Nhưng vì bị Cha cắt lời giữa chừng, nên người con không nói hết câu được. Tại sao lại vậy? Phải chăng người Cha thấu biết điều đứa con xin? Chẳng biết nữa, nhưng dù sao một lời cầu xin dù thành tâm đấy, nhưng chưa chắc là hợp lý. Cái hợp lý của tình yêu khác với lô-gic của cái đầu. Làm sao Cha có thể chấp nhận lời cầu xin của đứa con, dù đã từng một thời bỏ Cha, bỏ nhà đi hoang, giờ đây không còn muốn giữ phẩm giá cao quý là con, mà xin xuống làm hàng đầy tớ. Không, không thể chấp nhận được. Cái bỏ lửng với ba dấu chấm sao mà tuyệt vời đến vậy! Ăn năn thống hối và trở về với lòng thành tâm sẽ hoàn lại tất cả những gì đã mất. Hay nói đúng hơn, tình yêu của Cha không thể mất dù người con có “quay lưng”, có chối từ và bỏ đi. Mùi nước hoa tình yêu của Cha một lần đã xức lên thân xác và tâm hồn đứa con, thì mùi hương thơm đó sẽ tồn tại mãi mãi. Không có mùi nào khác trong cuộc đời, dù có hôi có nặng đến mấy, có thể “chiếm chỗ” của hương thơm tình yêu. Cũng thế, hương thơm tỏa ra từ ngày được làm con vẫn thế. Con mãi mãi là con, chứ không có gì đổi thay. “Đầy tớ”, hai chữ này không có chỗ trong tình yêu của Cha dành cho con.

Vì là con, và vì con là một phần của chính Cha nữa, nên giờ đây con phải được tỏ lộ vẻ đẹp cao quý của Cha nơi mình. Không chỉ là cái đẹp của lòng bên trong, mà mọi người cần phải nhìn thấy cả nét đẹp tỏ lộ ra bên ngoài. Cái đẹp của chiếc áo mới, mà lại là áo đẹp nhất nữa chứ. Áo đẹp nhất mới xứng hợp với hương thơm của nước hoa tình yêu đang tỏa ngát trên thân xác và con người cậu. “Cậu” chứ không phải là người xa lạ bên ngoài mới tới. Vì thế, các người làm công và đầy tớ cũng cần phải chú ý vẫn giữ một tấm lòng trân trọng đối với người con của Cha, dù đã một thời lầm lẫn đi hoang. Phải gọi người con đó là “Cậu”, chứ không thể thay đổi gì cả. Cuộc đời có nhiều quá khứ, quá khứ với cái đẹp, quá khứ với cái xấu, quá khứ với an bình, quá khứ với khổ đau. Dù xấu dù đẹp, dù an bình dù khổ đau, nhưng tình yêu vẫn là tình yêu. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Chúa mãi mãi tồn tại. Tình yêu của Cha không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ. Tình yêu của Cha không bao giờ bị giam hãm trong “chiếc tủ” quá khứ. Tình yêu của Cha làm mới tất cả. Tình yêu Cha có sức mạnh làm cho người con vượt trên xấu và trên đẹp, trên khổ đau và trên an bình, để con vẫn luôn là con, để con vẫn được phép đeo vào chiếc nhẫn cao quý trên tay mình. Khi trở về lại với vị trí làm con, là người con nhận lại được “mảnh đất” cao quý và tràn đầy yêu thương trong nhà cha. Trên mảnh đất đó, người con cần được xỏ vào đôi dép của tình yêu. Đôi dép của lòng nhân hậu giúp cho con lại tiếp tục sống vui trong đời.

Mỗi niềm vui đến mà không được “ăn mừng”, thì sẽ nhanh chóng bị quên đi, bị đẩy lui vào dĩ vãng, và tiếc hơn vì giá trị của niềm vui đó vẫn chưa được khám phá cho đủ. Vì thế, cần phải mở tiệc ăn mừng. Làm sao không ăn mừng được? Đồng bạc đánh mất, và tìm thấy vẫn mở tiệc ăn mừng; con chiên lạc đàn, khi tìm lại, được ăn mừng lớn hơn. Còn người con “đã mất nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại”, thì phải ăn mừng sao cho đủ đây? Phải chuẩn bị bữa tiệc cho thật linh đình, nên cần phải đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Mà lạ thay tại sao lại là “con bê đã vỗ béo” ? Phải chăng, con bê này đã được chăm sóc, đã được “vỗ béo” một cách cẩn thận, và chỉ để dành cho bữa tiệc đón “Cậu” trở về? Một bữa tiệc của tình yêu, một bữa tiệc của lòng thương xót. Bữa tiệc mừng “một phần của chính Cha” đã tìm lại được. Bữa tiệc mừng sự hiệp nhất của tình yêu, bữa tiệc của sự trọn hảo của Cha – Đấng giàu lòng thương xót dành cho con mình.

Để cảm nhận sâu hơn lòng thương xót vô bờ của Chúa qua các dụ ngôn, thiết nghĩ cũng nên suy niệm thêm dụ ngôn về con chiên lạc. Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn ở bên, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an. Hơn nữa, sự hiện diện của Chúa còn mang một năng động lớn, là Ngài – vị Mục Tử nhân lành hay thương xót sẵn sàng lên đường khi cần phải cứu thoát một con chiên đang đi lạc. Thánh Luca diễn tả: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).

Liên hệ đến đoạn Thánh Kinh này, chúng ta để một vị giáo sư kể dụ ngôn về con chiên lạc sau đây: Người kia có nuôi một đàn chiên. Một hôm có một con chiên tìm thấy một lỗ hổng ở hàng rào nó vội chui qua. Nó chạy nhảy bên ngoài, mải mê vui thú, nó đi xa quên cả đường về. Trời sắp tối, nó giật mình thấy bóng dáng một con chó sói đang rình rập từ một lùm cây bên cạnh. Vô cùng sợ hãi nó chạy bán sống bán chết, nhưng con sói dữ tợn vẫn nai lưng đuổi theo nó.

Khi con sói đã gần kề thì may mắn thay người chăn chiên vừa kịp về đến, đánh đuổi con sói và cứu lấy con chiên, ông vác nó trên vai đem về chuồng. Tất cả mọi người thấy vậy bảo người chăn chiên bít lỗ hổng nơi hàng rào lại đề phòng về sau. Nhưng người này từ chối và cứ để như vậy.

Con chiên lạc trong câu chuyện trên đây chính là mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người chúng ta có tự do. Thật vậy, không tự do thì không có tình yêu, và tự do sẽ không thật là tự do, nếu thiếu vắng trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn hướng về Chân Thiện Mỹ. Nhưng khốn thay, ngay từ đầu sự tự do Chúa yêu thương ban, đã bị nhiều người lạm dụng và tiếp tục lạm dụng, nghĩa là nhiều người đã và đang đui mù quay lưng với Chân Thiện Mỹ và chạy theo biết bao cám dỗ của sự dữ, của cái tôi. Hậu quả là sự dữ đã du nhập và tiếp tục du nhập vào thế gian.

Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương thì Ngài yêu thương cho đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả mạnh mẽ và rõ ràng qua việc vị Mục Tử không chấp nhận sự nhàn hạ thảnh thơi, không hài lòng với khung cảnh thanh bình trong ngôi nhà và trong thánh đường của Ngài. Mà nếu chỉ nghỉ ngơi và thanh thản ngồi hưởng cảnh yên bình thư thái, thì làm sao có được niềm vui đích thực, vì còn biết bao con chiên đang lạc đàn và đang ở đâu đó trong góc phố đen đủi của cuộc đời chờ đợi ơn cứu rỗi.

Cần phải lên đường, cần phải đứng dậy và rời khỏi nơi yên bình thư thái, để đi tìm cho được con chiên lạc đàn. Thật vậy, niềm vui lớn lao của đời phục vụ là khi tìm thấy những con chiên lạc đàn. Một ngày vất vả ngược xuôi, lao công và vất vả, nhưng thật là vui mừng quên cả mệt nhọc, khi tìm được con chiên lạc và đưa trở về. Đêm về, người mệt lả nhưng lòng thì phấn khởi mừng vui, miệng nở nụ cười sâu lắng của lòng Chúa xót thương. Ôi đẹp thay, hình ảnh của người mục tử vác con chiên lạc đàn trên vai và đưa về lại đàn chiên yêu dấu. Con chiên đó giờ đây được ở bên Chúa, được ở trong thánh đường của Chúa, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an, vì Ngài chính là bình an đích thật, là Đấng giàu lòng thương xót vô bờ bến.

Đó là những dụ ngôn rất rất sống động diễn tả về hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng xót thương với muôn muôn người. Đức Clemens (*50 và +97), một Giáo Phụ đã nói về Cha trên trời giàu lòng thương xót như sau: “Cha tốt lành và nhân từ trong mọi sự luôn có trái tim cho những ai kính sợ Ngài. Cha nhân từ và tốt lành sẵn sàng và vui mừng ban tặng những ân sủng của Ngài cho những người biết chạy đến Cha với tâm hồn ngay thẳng”.[6] Các Giáo Phụ khác cũng luôn nhìn lòng thương xót là bản chất đặc biệt của Thiên Chúa. Như vậy, Giáo Hội tiên khởi đã luôn chú ý đến lòng thương xót của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã diễn tả: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1,3). “Vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc 5,11).

Ở trên, chúng ta vừa tìm hiểu và suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, được Chúa Giê-su rao giảng qua các dụ ngôn, và được sống động trong đời sống của Ngài. Khi Chúa Giê-su giảng dạy về Mối Phúc thương xót này, cũng là lúc Ngài đã hoạ lên một nét rất đẹp và rất quan trọng trong bức chân dung của chính Ngài (self-portrait). Cuộc đời của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm với lời của ngôn sứ I-sai-a: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (x.Mt 8,7 và Is 53,4).[7] Như thế, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giê-su với lòng thương xót vô bờ bến, Ngài luôn bênh vực cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta được Ngài giải thoát và cứu độ, chúng ta cũng được Ngài mời gọi sống tinh thần của lòng thương xót với mọi anh chị em khác.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

[1] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.235-236.

[2] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.237-238.

[3] X. BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, 2.Teilband – Lk 9,51-14,35, Benzinger Verlag, Zürich 1996, t.82.

[4] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.240-241.

[5] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 74-77.

[6] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 89.

[7] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.65.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *