“Misericordiae Vultus” (Dung mạo thương xót). Đó là tựa đề của tông sắc mà ĐTC. Phanxicô ban hành cho Năm Thánh đặc biệt về lòng Chúa thương xót.
Đức Thánh Cha nói rằng: lòng thương xót là “con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”; lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lòng thương xót “không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Trong Chúa Giêsu, “tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.
Với tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta chạy đến để ở lại bên Ngài, như hình ảnh của đàn chiên nhỏ bé chúng ta sống tinh thần cậy trông và tín thác vào Chúa, vào Mục Tử nhân lành, giàu lòng xót thương:
“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi” (Tv 23,1-3a).
Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Nếu bạn tin như thế và nếu bạn ý thức bước vào tương quan với Đấng là Mục Tử chăn dắt bạn, nghĩa là bước vào tâm tình cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Ngài, thì cuộc đời bạn sẽ biến đổi. Ưu tư của bạn sẽ tan biến, những mặc cảm sẽ không còn, và bình an sẽ quay về với tâm tư đầy xao xuyến của bạn. Với Chúa và ở bên Ngài – Đấng giàu lòng xót thương, bạn sẽ sống an vui ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ kia. Chúa đang ở đó bên cạnh bạn và bạn đang ở trong vòng tay yêu dấu của Chúa. Chúa của những cánh chim bay lượn giữa bầu trời và những đoá huệ khoe sắc ngoài đồng ruộng.[1]
Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Bạn hãy quan sát những đàn chiên trên các sườn núi với cỏ xanh. Đàn chiên tung tăng chạy nhảy, chúng nhẩn nha gặm gỏ, chúng lững thững dưới bóng râm. Và dưới bóng râm đó chúng nằm lặng yên để nghỉ ngơi trong an bình. Không có gì là hối hả, là kích động, là âu lo. Chúng thậm chí cũng chẳng nhìn người mục tử, chúng biết anh ta vẫn ở đó, với lòng thương xót luôn hiện diện bên cạnh và chăm sóc chở che chúng. Và thế là chúng thoải mái vui hưởng đồng cỏ mơn mởn và xanh tươi. Thanh thản, chúng lại rảo bước tới dòng suối với dòng nước trong lành đang chảy róc rách. Bình lặng nhưng tràn đầy niềm vui, chúng tận hưởng những dòng nước làm mát tâm hồn. Đó là bình an. Đó là hạnh phúc. Ôi thật đúng Lời Chúa nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thật vậy, hướng về Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta nhận ra rằng, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta – những con chiên của Chúa không thiếu gì cả. Đắm chìm trong cầu nguyện, kề bên lòng Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Có Chúa là có tất cả. Chúa là đủ cho tôi rồi. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Chúa chia sẻ cuộc sống với đàn chiên, cả ban ngày cũng như lúc đêm khuya, khi buồn đau và lúc vui mừng. Nỗi lo của chiên là nỗi lo của Chúa, niềm vui của chiên là niềm vui của Ngài. Là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chỉ mong sao cho chiên của mình được an bình. Ngài đưa đàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi, nơi yên tĩnh và bình lặng, và Ngài để chiên được nghỉ ngơi trong an bình, trong sự an toàn với sự đồng hành và chăm lo của Ngài. “Vui tươi và hồn nhiên. Những con cừu không biết tính toán. Còn bao nhiêu thời giờ? Ngày mai sẽ đi đâu? Năm tới, lượng mưa có đủ cho thảo nguyên hay không? Những con cừu không quan tâm, bởi đã có người chăm sóc cho chúng. Chúng sống hết ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ kia. Đó là hạnh phúc”.[2] Đó là bình an đến từ lòng thương xót tuyệt vời của vị Mục Tử. Thật quý báu biết bao, khi đàn chiên được Mục Tử nhân lành hay thương xót chăm lo và cho hưởng những giây phút hoà bình tuyệt mỹ.
“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,4-5).
Lũng âm u mà Thánh Vịnh gia nhắc đến, cũng là thời gian đau thương của dân tộc Do Thái, bị đày ải ở Ai Cập, 40 năm ròng rã trong sa mạc, rồi thời kỳ lưu đày ở Babylon. Những đau thương đó không làm cho dân Do Thái thất vọng hoàn toàn, dù nhiều khi tiếng ai oán thét lên thảm khốc, dù không ít lần bao tâm hồn đã rơi lệ. Thiên Chúa vẫn hiện diện và chở che:“Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, đã chúc phúc cho (các) ngươi trong mọi việc tay (các) ngươi làm, Người đã biết cuộc hành trình của (các) ngươi trong sa mạc mênh mông ấy; đã bốn mươi năm Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, ở với (các) ngươi, và (các) ngươi đã chẳng thiếu thốn điều gì” (Đệ nhị Luật 2,7).
Thiên Chúa hay thương xót luôn ở đó và với côn trượng trên tay, Ngài bảo vệ đoàn chiên mình, che chở từng con chiên một. Theo truyền thống Thánh Kinh về vị Mục Tử nhân lành, tình yêu của vị mục tử không chỉ được dành cho một đàn, một nhóm, mà còn dành cho từng con chiên, từng người một. Ngài chú ý đến từng con và biết đến từng con một. Ngài biết bạn đang cần gì, Ngài cũng thấu hiểu điều cần cho tôi. Phần chúng ta, điều quan trọng là biết nhận ra Ngài, biết chạy đến với Chúa, và khiêm nhường cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái của Chúa, Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót. Đấng nói với chúng ta rằng: “Ta chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Ta chính là Mục Tử nhân lành. Ta biết chiên của ta, và chiên của ta biết ta” (Ga 10,11-14).
Cái biết của tâm hồn luôn nối kết với cái biết của tri thức. Nói khác đi, cái biết mà Chúa Giê-su nhắc đến trong tinh thần của Phúc Âm thánh Gio-an là cái biết của tình yêu, của lòng thương xót. Thật đẹp thay, khi chúng ta nhận ra rằng, Chúa biết chúng ta nghĩa là Chúa luôn thương xót chúng ta. Và cũng thật đẹp thay, nếu chúng ta ý thức và cầu xin Chúa cho chúng ta có thể biết Chúa nghĩa là yêu thương Chúa với toàn bộ con người mình. Trong tình yêu Chúa và dựa vào lòng thương xót vô bờ của vị Mục Tử nhân lành, chúng ta được mời gọi sống phó thác hoàn toàn vào Chúa, như Thánh Vịnh gia nói, và lời này cũng được Chúa Giê-su dùng để cầu nguyện:
“Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con.
Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31,6).
Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện mà Giáo Hội đưa vào giờ kinh tối mỗi ngày. Lời cầu nguyện này cũng là lời cầu nguyện của những ai khổ đau và bất hạnh. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã dùng lời Thánh Vịnh này để cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). “Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong lúc đau khổ này, là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tột độ và hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này diễn tả ý thức hoàn toàn của Người rằng Người đã không bị bỏ rơi…Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn ‘Lạy Cha’, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31:‘Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Tv 31,6). Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su phó mình cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện trao phó, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa… Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giê-su tự cho phép mình bị nộp ‘vào tay người ta’, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, như thánh sử Gio-an nói, mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn”.[3]
Theo gương Chúa Giê-su, biết bao người đã chìm sâu trong cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái và hay thương xót của Chúa, khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh khổ đau. Qua chính việc cầu nguyện, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, họ tìm lại được bình an cho cuộc sống. Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót luôn ở cùng họ, khi họ bước vào lũng âm u của cuộc đời. Lũng âm u đó là những bất nhân, là những kết án và chụp mũ, là những lời nói, những mưu mô và hành động ác độc. Lũng âm u với sự dữ là chủ và luôn nhăm nhe nuốt chửng đời người trong màn đêm tăm tối. Đừng sợ, dù phải bước đi trong màn đêm u tối. Trong đêm đen của cuộc đời, đừng quên cầu nguyện, đừng bao giờ sợ hãi đến nỗi vung tay khỏi ra khỏi bàn tay Chúa. Ngài là nguồn của ánh sáng đang nắm lấy đôi tay nhỏ bé của mỗi người, ngay tại trong đêm đen đang phủ lấp cuộc đời. Ngài ở đó và Ngài biết tất cả. Điều ấy đủ cho chúng ta rồi. Khi tin tưởng hoàn toàn vào Chúa – Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta sẽ ung dung đi lại, hít thở và sống khoẻ vào mọi lúc, ban ngày cũng như ban đêm; và ở mọi nơi, trên đồng cỏ xanh tươi cũng như khi rảo bước qua lũng âm u. Đừng lo toan quá sức đến nỗi không để Chúa là Đấng chăn chiên lo với chúng ta. Có Ngài ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta không còn vướng bận ưu tư cho những giây phút kế tiếp.
Tuy nhiên, đời người luôn lại phải đối diện với ngõ cụt, với những giây phút thê thảm và bất hạnh nhất ? Lúc đó cầu nguyện như thế nào để tìm lại được bình an? “Làm sao chúng ta dâng lên Chúa những giây phút đen tối nhất, khủng hoảng nhất? Làm sao chúng ta cầu nguyện khi đang ở trong trạng thái cô đơn cùng cực nhất, vô vọng nhất, và cả cuộc đời chúng ta dường như đang sụp đổ? Chúng ta có thể học ở Chúa Giê-su, cách Ngài cầu nguyện đêm trước ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Giếtsêmani, ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài…Tin Mừng mô tả như sau: Chúa Giê-su đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con’. Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu. Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. ‘Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ’. Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani có thể là lời cầu nguyện mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện khi ở trong cơn khủng hoảng. Qua lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta có thể nhấn mạnh bảy điểm, mỗi điểm cho chúng ta những điều kiện để biết cách cầu nguyện trong những lúc đen tối nhất đời mình:
(1) Lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn cô đơn của Chúa: Tin Mừng nhấn mạnh điều này khi mô tả việc cầu nguyện diễn ra trong một khu vườn (hình ảnh tượng trưng cho tình yêu) và cả trong việc Chúa đi xa khỏi các môn đệ yêu dấu một tầm ném đá vì các ông không đủ sức lĩnh hội những gì Ngài đang trải qua. Trong cơn khủng hoảng sâu sắc nhất của mình, chúng ta luôn luôn cô độc trong đau đớn, xa khỏi mọi người trong một tầm ném đá. Lời cầu nguyện sâu đậm sẽ phát đi từ đó.
(2) Cầu nguyện với tâm tình mật thiết: Chúa Giê-su bắt đầu cầu nguyện bằng tiếng gọi Cha Ngài, ‘Abba’, tiếng gọi thân mật nhất có thể, tiếng một đứa con nhỏ sẽ nói lên khi ngồi trong lòng cha mình. Trong những giờ tăm tối nhất, chúng ta phải biết thân mật với Thiên Chúa.
(3) Cầu nguyện từ tấm lòng chân thành trọn vẹn: Theo kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”. Chúa Giê-su đã làm như thế, và làm một cách triệt để, với lòng chân thật cháy bỏng. Ngài xin Chúa Cha cất khỏi thống khổ này, xin cho Ngài một lối thoát. Nhân tính của Ngài run rẩy sợ hãi trước bổn phận này, và Ngài xin được giải thoát. Đó chính là lời cầu nguyện trung thực và chân thật nhất.
(4) Cầu nguyện từ sự bất lực hoàn toàn: Ngài nằm dài trên đất, chẳng ảo tưởng chút gì về sức mạnh của bản thân. Trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, có lời van xin rằng nếu Thiên Chúa làm điều này với Ngài, thì Người phải cho Ngài sức mạnh để thực hiện nó.
(5) Cầu nguyện từ sự mở lòng, bất chấp sự kháng cự trong bản thân mình: Thậm chí khi run rẩy đến rúm người trước điều sắp phải trải qua, và xin được giải thoát, Chúa Giê-su vẫn trao cho Chúa Cha quyền quyết định tuyệt đối trên tự do của Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài mở lòng để đón nhận thánh ý của Chúa Cha, nếu đó là điều tuyệt đối Ngài phải làm.
(6) Cầu nguyện liên lỉ: Chúa Giê-su lặp lại lời cầu nguyện trên nhiều lần, và càng lúc càng khẩn thiết, mồ hôi máu của Ngài không chỉ đổ một lần, nhưng nhiều lần.
(7) Cầu nguyện là sự biến đổi: Cuối cùng, một thiên thần (sức mạnh thiêng liêng) đến và tăng sức cho Ngài, rồi dựa vào một sức mạnh mới đến từ ngoài bản thân, Ngài tự phó mình cho điều mà Chúa Cha muốn Ngài trải qua. Nhưng sức mạnh đó chỉ có thể tuôn chảy trong Ngài sau khi, qua sự bất lực của mình, Ngài đã không cậy dựa vào sức mình. Chỉ sau khi đã trải qua sa mạc lòng khô khốc, chúng ta mới mở lòng để sức mạnh Thiên Chúa tuôn đổ vào mình.
Trong quyển sách ‘Tiến bước tới tự do’, Martin Luther King đã kể lại chuyện một đêm nọ, sau khi bị dọa giết, ông đã hoang mang, hoảng sợ, và cũng không khác gì Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani, ông đã nằm rạp xuống sàn trong nỗi sợ, cô đơn và bất lực – rồi cầu nguyện. Ông cảm nhận lời cầu nguyện đêm đó như tiếng van nài xin Thiên Chúa cho ông tìm được phương thế đường đường chính chính để thoát khỏi tình trạng này, nhưng Thiên Chúa muốn một điều gì đó khác nơi ông. Và đây là những lời cầu nguyện của ông trong đêm đó: ‘Nhưng giờ con sợ hãi. Người ta tìm đến nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và can đảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Đã đến lúc con phải tự mình đơn độc đối mặt với nó’. Rồi ông nói thêm: ‘Chính lúc đó, con cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Chí Thánh, một trải nghiệm con chưa có bao giờ’. Một thiên thần đã đến bên ông. Khi cầu nguyện thật tâm, thì cho dù nỗi đau của chúng ta có thế nào đi nữa, thiên thần của Thiên Chúa sẽ luôn luôn đến bên chúng ta”.[4]
Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn ở bên, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an. Hơn nữa, sự hiện diện của Chúa còn mang một năng động lớn, là Ngài – vị Mục Tử nhân lành hay thương xót sẵn sàng lên đường khi cần phải cứu thoát một con chiên đang đi lạc. Thánh Luca diễn tả: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).
Liên hệ đến đoạn Thánh Kinh này, chúng ta để một vị giáo sư kể dụ ngôn về con chiên lạc sau đây: Người kia có nuôi một đàn chiên. Một hôm có một con chiên tìm thấy một lỗ hổng ở hàng rào nó vội chui qua. Nó chạy nhảy bên ngoài, mải mê vui thú, nó đi xa quên cả đường về. Trời sắp tối, nó giật mình thấy bóng dáng một con chó sói đang rình rập từ một lùm cây bên cạnh. Vô cùng sợ hãi nó chạy bán sống bán chết, nhưng con sói dữ tợn vẫn nai lưng đuổi theo nó.
Khi con sói đã gần kề thì may mắn thay người chăn chiên vừa kịp về đến, đánh đuổi con sói và cứu lấy con chiên, ông vác nó trên vai đem về chuồng. Tất cả mọi người thấy vậy bảo người chăn chiên bít lỗ hổng nơi hàng rào lại đề phòng về sau. Nhưng người này từ chối và cứ để như vậy.
Con chiên lạc trong câu chuyện trên đây chính là mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người chúng ta có tự do. Thật vậy, không tự do thì không có tình yêu, và tự do sẽ không thật là tự do, nếu thiếu vắng trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn hướng về Chân Thiện Mỹ. Nhưng khốn thay, ngay từ đầu sự tự do Chúa yêu thương ban, đã bị nhiều người lạm dụng và tiếp tục lạm dụng, nghĩa là nhiều người đã và đang đui mù quay lưng với Chân Thiện Mỹ và chạy theo biết bao cám dỗ của sự dữ, của cái tôi. Hậu quả là sự dữ đã du nhập và tiếp tục du nhập vào thế gian.
Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương thì Ngài yêu thương cho đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả mạnh mẽ và rõ ràng qua việc vị Mục Tử không chấp nhận sự nhàn hạ thảnh thơi, không hài lòng với khung cảnh thanh bình trong ngôi nhà và trong thánh đường của Ngài. Mà nếu chỉ nghỉ ngơi và thanh thản ngồi hưởng cảnh yên bình thư thái, thì làm sao có được niềm vui đích thực, vì còn biết bao con chiên đang lạc đàn và đang ở đâu đó trong góc phố đen đủi của cuộc đời chờ đợi ơn cứu rỗi.
Cần phải lên đường, cần phải đứng dậy và rời khỏi nơi yên bình thư thái, để đi tìm cho được con chiên lạc đàn. Thật vậy, niềm vui lớn lao của đời phục vụ là khi tìm thấy những con chiên lạc đàn. Một ngày vất vả ngược xuôi, lao công và vất vả, nhưng thật là vui mừng quên cả mệt nhọc, khi tìm được con chiên lạc và đưa trở về. Đêm về, người mệt lả nhưng lòng thì phấn khởi mừng vui, miệng nở nụ cười sâu lắng của lòng Chúa xót thương. Ôi đẹp thay, hình ảnh của người mục tử vác con chiên lạc đàn trên vai và đưa về lại đàn chiên yêu dấu. Con chiên đó giờ đây được ở bên Chúa, được ở trong thánh đường của Chúa, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an, vì Ngài chính là bình an đích thật. Bình an lúc ban ngày, cũng như bình an lúc ban đêm.
“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ” (Tv 4,9a).
“Giấc ngủ là phúc lành Chúa tặng cho ban đêm, cũng như bình an là phúc lành Chúa ban cho ban ngày, và giấc ngủ sẽ đến nơi nào có bình an. Chúa đã ban cho con bình an giữa ngàn vạn bươn chải của ngày sống, giữa ganh ghét của người đời, giữa lo toan của công việc và rối bời của những quyết định. Chúa đặt nơi lòng con niềm hoan lạc hơn là buổi người ta được mùa lúa rượu đầy dư, và sự quan tâm Chúa dành cho con lúc ban ngày đã yêu thương dìu con vào giấc điệp ban đêm”.[5] Thật hạnh phúc, khi được sống trong sự quan phòng thật lớn lao dường nào. Hạnh phúc được sống trong an bình của Đấng là bình an. Hạnh phúc được sống theo sự hướng dẫn của Mục Tử nhân lành trên những nẻo đường của cuộc sống. Lạy Thiên Chúa, Chúa là Đấng hay thương xót và chăn dắt con, con sẽ không thiếu gì.
“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ
vì chỉ có mình Ngài, lạy CHÚA,
ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9).
“Con hiểu nỗi lo sợ của những người phiêu bạt giữa hoang mạc mỗi khi ngả lưng…Con biết họ lo sợ dã thú có thể tấn công lúc tối trời, lo sợ ác nhân có thể tìm đến trả thù giữa đêm khuya, lo sợ bộ tộc thù địch có thể bất thần mở cuộc công hãm giữa lúc mọi người đang mê mệt. Và con cũng biết những nỗi lo sợ của bản thân mình. Sợ một ngày mới, sợ phải đương đầu với cuộc sống, sợ phải trực diện với bản thân giữa lúc tranh sáng tranh tối của một buổi bình minh mới. Sợ phải cạnh tranh, sợ phải thất bại, sợ không thể kiên định để sống đúng với địa vị của mình, để đáp ứng với những kỳ vọng, để thực thi các vai trò, hoặc khó hơn nữa là sợ không thể phớt lờ những kỳ vọng ấy và khước từ những vai trò mà con biết mình muốn làm, nhưng lại không đủ sức thực hiện. Con sợ đặt lưng xuống giường, vì biết đâu sẽ không bao giờ trỗi dậy; con sợ phải thức dậy để rồi phải kéo lê công việc nhàm chán của kiếp sống. Đó là nỗi lo sợ của bản năng làm trì nặng cuộc sống của con, nhưng thần dược chữa lành lại ở nơi Chúa”[6], Đấng hay thương xót và Đấng là bình an đích thật, Ngài canh chừng cho con an giấc và với côn trượng trên tay, Ngài giữ gìn cho con vững dạ an tâm tiến lên phía trước. Sự hiện hiện của Chúa là bảo đảm của đường đời con đi, Lời của Chúa là ánh sáng soi lối con tiến tới, sự đồng hành của Chúa là sức mạnh của con. Thật vậy, ở bên Chúa, với Chúa và trong Chúa, tâm hồn, thân xác và toàn bộ con người con tràn ngập an bình. Trong sự an bình thanh thản con còn được:
“Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,5).
Cuộc sống vẫn có ban ngày và ban đêm. Cuộc đời vẫn phảng phất mùi vị của niềm vui và đau buồn. Mọi sự hình như vẫn thế. Đúng vậy, Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót vẫn muốn chúng ta tiếp tục ở lại trong thế giới của mình, chúng ta vẫn phải rảo bước qua những lũng âm u trên hành trình của cuộc sống. Nhưng giờ đây có Chúa hiện diện ở bên. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta ngồi vào bàn tiệc với Ngài. Chính Mục Tử nhân lành chuẩn bị bàn tiệc này cho chúng ta. Bạn có thể mường tượng được ngồi cùng bàn ăn với Thiên Chúa không? Được ngồi vào bàn ăn của Chúa là một hồng phúc lớn lao. Hơn nữa, điều thú vị ở đây là, bàn tiệc với Thiên Chúa lại diễn ra ngay trước mặt quân thù. Như thế, chúng ta vẫn là con người trước đây, thế giới sống hằng ngày của chúng ta vẫn vậy. Ðiều đặc biệt là giờ đây chúng ta có Thiên Chúa tại bàn ăn. Vì vậy, chúng ta chẳng sợ gì.
Tình yêu của Thiên Chúa che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Tình yêu ấy còn xức dầu thơm lên đầu chúng ta, rót vào ly cuộc đời chúng ta chan chứa ân tình. Mà thương lắm và quý trọng khách lắm gia chủ mới xức dầu thơm lên đầu, và không ngừng châm chén rượu luôn đầy tràn chan chứa. Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Ngài, từng người chúng ta thật quý giá. Vì chúng ta quý giá nên Ngài gìn giữ chúng ta và ban cho chúng ta sự bình an và lòng thương xót.
Càng khi được đón nhận bình an và được Chúa ấp ủ trong lòng thương xót, thì con chiên của Chúa cần phải ra đi, cần phải lên đường đi vào giữa lòng xã hội và thế giới hôm nay, một thế giới tục hoá và có quá nhiều vấn đề phức tạp. Nơi đó, mỗi con chiên, mỗi Ki-tô hữu cần trở nên chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu; nghĩa là các Ki-tô hữu cần có lòng thương xót như Cha trên trời (khẩu hiệu của năm Thánh), và bất cứ ai nhìn đến Ki-tô hữu, thì đều tìm được một ốc đảo từ bi thương xót (ĐTC. Phanxicô).
- Nhưng làm sao có thể trở nên chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng thế giới ?
- Mỗi Ki-tô hữu có cảm nhận được dấu ấn của lòng thương xót mà Thiên Chúa, vị Mục Tử nhân lành đã ghi vào cuộc đời của họ chưa? Dấu ấn đó cụ thể là gì?
- Chúa đã cứu thoát tôi như thế nào, khi tôi gặp khó khăn, khi tôi rơi vào trong vũng lầy tội lỗi ? Hãy dừng bước và dành thời gian để nghiệm lại đời mình, và để khám phá dấu ấn của lòng thương xót mà Chúa ghi vào.
- Ki-tô hữu làm chứng nhân qua đời sống hằng ngày, cụ thể qua lời nói và cách hành xử. Như vậy, Ki-tô hữu đã, đang và nên sống thế nào, nên có cách hành xử ra sao, và nên kể lại cho người khác (đầu tiên với những người thân trong gia đình: Vợ chồng, con cái và cha mẹ) trải nghiệm gặp Chúa, trải nghiệm được Chúa cứu độ và thương xót cho người khác như thế nào?
- “Ki-tô hữu là ốc đảo từ bi thương xót”. Ốc đảo từ bi thương xót của người Ki-tô hữu cần có những tâm tình gì cụ thể? (khiêm nhường, hiền lành, người có tâm hồn nghèo khó, bác ái và yêu thương, cậy trông và tín thác, luôn sám hối ăn năn…).
Thật vậy, lòng thương xót là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của mỗi Ki-tô hữu có đáng tín nhiệm hay không.
Mong sao lòng thương xót là luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi Ki-tô hữu.
Mong sao lòng thương xót là xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội.
Mong sao mỗi tín hữu có thể thốt lên từ sâu thẳm lòng mình:
“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23,6).
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
—————-
[1] X. VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.
[2] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.
[3] Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện của ĐTC Benedicto XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phao-lô VI. Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. Nguồn: giaoly.org.
[4] ROLHEISER R, OMI., Bài viết Cầu nguyện trong cơn khủng hoảng (17.3.2013), nguồn: http://ronrolheiser.com
[5] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.31.
[6] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.32.