Một cách tự nhiên con người chúng ta dồn tất cả mọi sức lực và tìm đủ mọi cách, để không bước vào con đường đi xuống, con đường đau khổ, con đường bất hạnh, con đường nghèo nàn. Là con người, chúng ta luôn chọn cho mình con đường đi lên, con đường tiến thân để vươn lên trong xã hội, trong thế giới này, một thế giới đề cao hiệu quả, đề cao tài năng, đề cao giàu sang, và luôn muốn có thêm quyền lực. Càng lên cao càng tốt, càng hiểu biết nhiều càng hay, tài khoản càng nhiều số thì càng thoả chí… Đó là hướng sống thực tế và rất bình thường của đời người.
Khi bước theo hướng sống đi lên đó, con người luôn coi con đường đi xuống là một thất bại, là một sự thụt lùi tệ hại. Vì thế, những ai nghèo nàn, những ai ngu dốt, những ai không có quyền lực đều bị coi thường, hay nói nhẹ hơn là không được tôn trọng. Đó là dòng chảy rất bình thường của cuộc đời.
Ngược với dòng chảy của cuộc đời.
Ngược với dòng chảy của cuộc đời, Đức Ki-tô đã chọn con đường đi xuống. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy rất rõ ràng, Chúa Giê-su đã chọn con đường này. Ngài không chỉ chọn con đường đi xuống một lần, mà thật nhiều lần Ngài thực sự đi xuống, trở nên thấp hèn. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Ngài vẫn chọn con đường đi xuống, con đường đón nhận biết bao khổ đau.[1] Con đường đi xuống của Đức Ki-tô khởi đi từ chính mầu nhiệm làm người của Ngài. Karl Rahner khi suy niệm về mầu nhiệm này đã thốt lên: “Nhưng Chúa đến như thế nào và Chúa đã làm gì rồi? Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng: sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pon-ti-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều, theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt: đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu xa nhất và là cái chết.”[2]
Chúa đã thực sự đi vào trong đời sống rất bình thường của chúng ta, đến nỗi gần như chúng ta không nhận ra Ngài từ giữa những người khác. “Ôi lạy Chúa, Chúa đã gọi mình là Con Người?” Nhưng không chỉ là một Con Người, mà Chúa còn được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ, của một người tôi tớ hèn hạ, đến nỗi cuộc đời này coi khinh Chúa và muốn làm gì Chúa thì làm. Ôi thật nhiệm mầu, con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót. Thánh Phao-lô đã thấu hiểu được tinh thần đi xuống của Đức Kitô, nên trong bài ca về Đức Giê-su Ki-tô, thánh nhân đã ca ngợi:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Ở đây, thánh Phao-lô vẽ lên một nét chân dung rất mạnh mẽ và sộng động về Đức Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót. Khởi đầu bài ca, hình ảnh Đức Ki-tô là Thiên Chúa xuất hiện trước mặt thánh Phao-lô, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Phao-lô sẽ diễn tả cho chúng ta về Thiên Chúa ở trời cao như thế nào, mà lập tức, Phao-lô đã cho chúng ta nhìn thấy hành động của Thiên Chúa, nghĩa là dẫn chúng ta bước vào con đường đi xuống của Thiên Chúa, của Đức Ki-tô. Con đường đi xuống được bắt đầu với việc Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang.
Đức Ki-tô là Thiên Chúa. Đó là bản chất, là căn tính và là phẩm giá của Ngài, nhưng điều lạ lùng thay, Ngài đã đi xuống thấp hơn với phẩm giá, căn tính và bản chất cao quý của Ngài, nghĩa là Ngài trút bỏ hoàn toàn vinh quang Ngài có, để mặc lấy cái tầm thường và bần cùng nhất của nhân loại. Hành động của Ngài là hành động của tự do, của tự hiến chứ không bị ép buộc gì cả. Và bước vào con đường đi xuống, Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Điều lạ lùng mà các nhà chú giải nhắc tới ở đây, là Phao-lô không nhắc ngay đến tính cách phàm nhân của Đức Ki-tô, mà nhắc ngay đến thân nô lệ của Ngài.[3] Nhưng tại sao? Chúng ta không thể hiểu được, nhưng chúng ta chỉ có thể biết rằng, bởi vì Thiên Chúa muốn thế. Việc Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ đã làm tỏ hiện sự mâu thuẫn lớn lao giữa hai hình ảnh Thiên Chúa – kẻ nô lệ. Hai hình ảnh này xa nhau ngàn trùng, và không ai có thể nghĩ đến hay so sánh hai hình ảnh đó với nhau, nhưng hai hình ảnh đó được “hội tụ” nơi Đức Ki-tô.
Đó là hành động của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót, vượt trên mọi suy tưởng của con người trần thế. Con đường đi xuống của Đức Ki-tô thật là một con đường mầu nhiệm, một con đường của tình yêu vượt trên mọi biên giới, mọi khái niệm của ngôn ngữ, mọi lý luận của trí khôn. Ôi sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Sự khôn ngoan làm cho Thiên Chúa thành nô lệ, thành người thực sự. Ngài đã tự ý ghi danh vào trong danh sách của nhân loại với một cái tên rõ ràng là Emmanuen, là Giê-su. Ngài đã nhẹ nhàng bước vào hàng lối của muôn người đang lê bước trên mặt đất này. Hơn nữa, Ngài là một Con Người Nô Lệ,[4] để qua đó Ngài giải thoát kiếp người khỏi cảnh nô lệ khổ đau.
Con Người Nô Lệ – Con Người thực thi lòng Chúa thương xót dành cho nhân loại.
Khi hướng nhìn lên Chúa Giê-su – Con Người Nô Lệ – Con Người thực thi lòng Chúa thương xót, chúng ta sẽ nhận ra biết bao điều tuyệt vời Ngài đã thực hiện để diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu (x.1Ga 4, 8,16). “Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm đến được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giê-su. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi.
Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x. Mt 09,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x. Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x. Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Na-im đem con mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ đau khổ này, và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (Lc 7,15). Sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghê-ra-sa, Chúa Giê-su trao cho anh ta nhiệm vụ này: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.’ (Mc 5, 19). Chúa cũng đã kêu gọi ông Mát-thêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giê-su nhìn chăm chú vào Mát-thêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ – để trở thành một trong số mười hai”.[5]
Kế bên hành động thực thi lòng thương xót, Chúa Giê-su còn loan báo sứ điệp về lòng thương xót. “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giê-su tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.
Từ một dụ ngôn khác, chúng ta thấy được một giáo lý quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giê-su nói: ‘Thầy không nói bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy mươi lần’ (Mt 18,22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người ‘đầy tớ tàn nhẫn’, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói, ‘ngươi không buộc phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: ‘Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35).
Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ [Phaolô]: ‘chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn’ (Ep 4,26). Trên tất cả, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã biến lòng từ bi thành một lý tưởng của cuộc sống và là một tiêu chuẩn cho độ tin cậy của đức tin chúng ta: ‘Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót’ (Mt 5, 7).[6]
Như thế, chúng ta thấy rằng, với lòng thương xót vô bờ, Chúa Giê-su đã làm cho mọi người nhận ra được con đường tuyệt vời của Ngài, con đường đi xuống đổ tràn đầy hoa tình yêu, con đường của kẻ Nô Lệ phục vụ và giải thoát phận người nô lệ của chúng ta.
Phận nô lệ của đời người được giải thoát nhờ Đức Ki-tô.
Việc Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ đụng tới chiều sâu thẳm của thân phận đời người. Phận người là phận tôi đòi, phận nô lệ.[7] Chúng ta nhận ra điều này qua một số dòng tư tưởng của nhân loại. Trong dòng chảy của các huyền thoại, thì con người thường hay bị các sức mạnh siêu nhiên đe dọa, làm chủ. Các thần thánh này còn chế ngự và bắt ép con người phải thuần phục chúng, và phải mang vác những ách nặng nề và gánh khổ đau. Không mang tính huyền thoại, thì cuộc sống con người được coi như là một xuất hiện bất ngờ và mù quáng. Tại sao con người có mặt trên mặt đất này? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Đâu là trung tâm điểm của đời người? Đó là những câu hỏi hiện sinh của muôn ngàn thế hệ. Hình như, kiếp người được đưa vào một cuộc chơi tàn ác, cuộc chơi của những kẻ tôi đòi với những sức mạnh siêu nhiên, mà hậu quả luôn luôn là: khổ đau và bất hạnh giành cho phía con người.
Ngoài ra, nếu nhìn đến sức mạnh của sự dữ và của bóng đêm, chúng ta cũng thấy rõ phận nô lệ của con người. Thật vậy, thần dữ không bao giờ buông tha con người. Chúng có thể đến vào lúc nửa đêm, và chúng cũng có thể là người khách đầu tiên gõ cửa vào lúc sáng sớm. Mưu mẹo chúng thì khỏi phải nói. Ngon ngọt, đẹp đẽ và đạo đức, hay chanh chua xấu xa và thối nát, chúng đều có thể mặc vào. Thật vậy, sự dữ hiện diện dưới cả ngàn hình thức. Nó chiếm lĩnh đỉnh cao quyền năng, và ở dưới đáy vực sâu nó cũng hiện diện và nổi bong bóng để đe doạ muôn người. Sự dữ ở mọi nơi và mọi lúc. Con người luôn có thể bị cám dỗ trở thành nô lệ của tiền bạc và vật chất, mà thần dữ dùng như là một trong những phương tiện lợi hại nhất của chúng. Con người cũng khó lòng thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ qua những đam mê của nhục dục, của rượu chè, của xì-ke ma túy. Những đam mê đó được thần dữ gắn lên một bảng hiệu rất kêu: Hoan lạc.
Có lần được đi thực tập trong một trung tâm chăm sóc 80 ông nghiện rượu ở gần Melbourne – Úc Châu, tôi đã thấy những phận người đã từng lạc vào cõi hoan lạc đó, để rồi từ từ đánh mất hết mọi sự, mất mẹ mất cha, mất vợ mất con, mất gia đình, mất nghề nghiệp, và cuối cùng là ôm ấp một thân xác bệnh hoạn, một tinh thần tê liệt, và chỉ còn biết sống nhờ vả vào xã hội, vào người khác. Trong số 80 người đó, có cả những người thương gia giàu sụ một thời, cả những người đã từng đi tu một giai đoạn, và cả những người nông dân bình thường. Thần dữ thích mọi hạng người, không trừ một ai. Chúng thích thú, khi thấy vô số người trở nên nô lệ của chúng. Chúng vui mừng, mỗi lần chúng kéo được một linh hồn ra khỏi Vương Quốc của Thiên Chúa, và đưa linh hồn đó vào trong mảnh đất nô lệ chúng đã chuẩn bị.
Đâu dừng ở đó, thần dữ, kẻ thích thú dùng quyền lực, cũng nhử mồi con người với quyền lực và danh vọng. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho những tội ác của những con người thèm khát quyền lực để lại. Lịch sử nhân loại đã viết lên hai từ nô lệ, khi con người bắt đầu học làm con người văn minh, nghĩa là gần 4000 năm nay rồi. Với đôi mắt văn minh, một số người bắt đầu tự cho mình có quyền trên người khác, bắt người khác trở thành kẻ nô tài phục vụ mình, và kẻ nô tài đó không còn được coi là người, mà là một dụng cụ, một phương tiện để đổi trác, để cho mượn, và cả để bán đi nữa chứ. Trang sử nô lệ này dài lắm, hay nói khác đi sự thích thú quyền lực của con người ở mọi thời đại là một đường dài khó mà cắt đức. Đến mãi thế kỷ 20 nghĩa là chính thức vào năm 1926 và 1956, thì cảnh nô lệ mới được dẹp đi trên bình diện quốc tế, vì đến lúc này con người mới thấy nô lệ là một cách xử sự tàn nhẫn vô cùng.
Dù không còn được có nô lệ, nhưng sự khát khao quyền lực của con người vẫn luôn còn. Vì thế, mà hàng triệu người ngã xuống, bị chôn sống dười lòng đất, bị thiêu đốt trong các lò ga. Những vết thương quá lớn này luôn là lời tố cáo mạnh mẽ về tội ác của những người chạy theo quyền lực và danh vọng, và cũng tố cáo thủ đoạn thối nát và bẩn thỉu của thần dữ làm trên con người.
Lời tố cáo này mạnh mẽ hơn, khi chúng ta nhận thấy những kiểu nô lệ mới xuất hiện trong thế giới chúng ta. Vâng, hôm nay chứ không phải ngày hôm qua, trong xã hội văn minh hiện nay của chúng ta chứ không phải ở trong thời xa xưa, biết bao phận người đang trở thành những nô lệ trong hình thức mới rất tàn bạo và rất tinh vi. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày hoà bình thế giới năm 2015 đã diễn tả nhiều bộ mặt nô lệ hôm qua và hôm nay như sau: “Ngày nay, với sự phát triển tích cực của ý thức con người, nạn nô lệ, vốn được xem như là một tội ác chống lại nhân loại, đã chính thức bị xóa bỏ trên toàn thế giới. Quyền của mỗi người không được bị xem là nô lệ hay phụ thuộc như nô lệ được thừa nhận trong luật quốc tế như là một điều khoản bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, bất chấp cộng đồng quốc tế đã ký kết rất nhiều hiệp ước nhắm tới việc chấm dứt nạn nô lệ dưới nhiều hình thức, và đã khởi động nhiều chiến dịch khác nhau để chống lại nạn này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, đàn ông và đàn bà đủ mọi lứa tuổi – vẫn bị trút bỏ quyền tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như các nô lệ”.[8]
Theo thống kê của tổ chức Walk Free Foaundation được viết trong The global Slavery Index 2014, ước tính hiện nay có khoảng 35,8 triệu người trên khắp thế giới hiện đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”.[9] Về những người bị coi là nô lệ thời hiện đại, Đức Phanxicô, trong sứ điệp nhân ngày hoà bình năm 2015, nhắc đến nhiều lao động nam và nữ, cả những người trẻ tuổi, bị nô dịch hóa trong nhiều khu vực khác nhau, dù là chính thức hay không chính thức, từ công việc trong nhà cho đến việc nông nghiệp, từ các nhà máy công nghiệp đến hầm mỏ, tại nhiều nước những quy định về lao động không khớp với những quy định và chuẩn mực quốc tế tối thiểu, hay thậm chí là phi pháp, khi trong hệ thống pháp luật của mình, không hề có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiếp đến, Đức Phanxicô cũng hướng tới nhiều người tị nạn, mà trong cuộc phiêu lưu đầy bi kịch đã phải chịu đói khát, đã bị tước bỏ tự do, bị cướp mất của cải hay bị lạm dụng thể lý và tính dục. Trong số ấy, có những người đến được nơi cần đến sau hành trình mệt rã rời với đầy những sợ hãi và không an toàn, thì lại bị giam giữ trong những điều kiện hết sức tàn nhẫn. Ngoài ra, vị cha chung cũng hướng đến những người bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, nhiều người trong số họ còn rất nhỏ, nạn nô lệ và nô lệ tình dục; Đức Phanxicô cũng hướng đến những phụ nữ bị buộc phải kết hôn, những người bị bán trong những vụ kết hôn được sắp xếp, hay những phụ nữ khi chồng chết thì bị chuyển cho một người thân của chồng như tài sản thừa kế, mà không cần biết cô ta có đồng ý hay không. Nhóm người khác mà Đức Thánh Cha hướng tới là những người lớn cũng như trẻ em. Họ là đối tượng của nạn buôn bán cơ phận, bị bắt nhập ngũ, để xin ăn, để phục vụ cho những hoạt động phi pháp như sản xuất và buôn bán ma túy, hay để phục vụ cho những hình thức trá hình của việc nhận con nuôi mang tính quốc tế. Cuối cùng, Đức Phanxicô nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và bị giam giữ bởi những nhóm khủng bố, bị nô dịch hóa cho những mục đích của họ như là những chiến binh, hay trên hết trong những trường hợp các thiếu nữ và phụ nữ, bị sử dụng như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số này đã biến mất, trong khi những người khác thì bị bán vài lần, bị tra tấn và bị hành hạ hay bị giết.[10]
Lịch sử nhân loại chưa kết thúc. Hôm nay và ngày mai, nạn nô lệ vẫn còn và thần dữ tiếp tục hoạt động tích cực. Thần dữ tiếp cận những con người thích thú làm lớn, thích chạy theo danh vọng. Thần dữ có thể biến họ thành những nô lệ của chúng với quyền lực tối tăm. Và rồi những kẻ nô lệ của thần dữ sẽ làm cho biết bao phận người trở thành nô lệ của tối tăm. Ôi kiếp người! Không lẽ cuộc sống con người sẽ phải loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng quỷ quyệt, cái vòng nô lệ của thần dữ này mãi sao?
Trằn trọc băn khoăn về kiếp nhân sinh, thì gặp được sự hồi âm rất sống động và mạnh mẽ của Trời cao: Đức Giê-su Ki-tô mặc lấy thân nô lệ, và mặc lấy xác phàm của con người chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót đã vào cuộc chơi với con người. Ngài đã bước vào con đường đi xuống gần bên chúng ta, và nhẹ nhàng đụng vào vết thương của chúng ta, để băng bó, để thoa dịu và để chữa lành. Hành động của Ngài là hành động thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, vì yêu thương chúng ta, mà Thiên Chúa đã ban Chúa Giê-su, Người Con duy nhất cho chúng ta. Và vì yêu thương chúng ta, Chúa Giê-su đã vâng lời Cha trên trời với trọn con người của Ngài. Sự vâng lời của Người Con trong sự lớn lao tuyệt vời này, con người chúng ta không thể bắt chước được. Hơn nữa, Người Con viết hoa sống sự vâng lời cách triệt để, đến từ Trời cao chứ không phải từ đất thấp. Sự vâng lời mà Chúa Giê-su thực hiện như đang đứng thật thinh lặng trước thế giới này, và trước mặt muôn muôn người. Sự vâng lời này được thực hiện với sự tự do của Đức Ki-tô. Ngài đã trút bỏ vinh quang và đi vào con đường hạ mình. Cuối chặng đường là vâng lời, nhưng là vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Cái chết là điểm cuối của con đường vâng lời trong sự tự do của Đức Ki-tô. Với Chúa và chỉ với Chúa, cái chết là một hành động của tự do thật. Tuy nhiên, chính cái chết đã chỉ cho chúng ta thấy được rằng, Đức Ki-tô thật sự đã trở nên người như chúng ta. Ngài đã thật sự mặc lấy xác phàm của chúng ta, vì cái chết là số phận giành cho tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi chủ thuyết. Như thế, mọi người đều đi con đường dẫn đến cái chết. Không ai thoát khỏi đích đến này.[11]
Ai ý thức về sự chết và chết đi, kẻ đó là người. Và ai biết đến câu chuyện của Con Người viết hoa và tin vào Đấng ấy, người đó sẽ tìm được sự tự do xuyên suốt qua cái chết. Sự tự do này được ban bởi Đấng đã chết trên cây Thánh Giá. Vâng, Thánh Giá của Đức Ki-tô trở thành sứ điệp trung tâm mà thánh Phao-lô rao giảng, và chỉ cho chúng ta biết rằng, cái chết của Đức Ki-tô trên Thánh Giá là cái chết đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Chính sức mạnh của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – được biểu lộ trên Thánh Giá giải thoát chúng ta, vì thế Thánh Giá trở thành điều chúng ta hãnh diện, như thánh Phao-lô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Khi hãnh diện về thánh giá Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta đang hãnh diện về Thiên Chúa và hành động cao quý của Ngài, hành động đưa Ngài bước vào con đường đi xuống. Con đường này là một mầu nhiệm đối với nhân loại.
Im lặng và thờ lạy.
Thật vậy, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Ngài bơi ngược dòng đời, Ngài yêu thương và ôm ấp cái nghèo, Ngài sẵn sàng chọn cái ghế thấp nhất không ai để mắt tới. Ngài là một Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – ẩn mình trong những nơi hèn hạ nhất, Ngài thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta, cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ.[12]
Vâng, con đường đi xuống của Đức Ki-tô không ai có thể thấu hiểu, dù có đặt biết bao nhiêu câu hỏi và luận đề, có mày mò lý luận và dùng nhiều cách thức để tìm câu trả lời, thì vẫn phải đối diện với ngõ cụt, kể cả thần học gia danh giá Karl Rahner: “Ngài cần phải đến, để cứu độ chúng con ra khỏi chúng con, và Ngài và một lần nữa chính Ngài là Đấng duy nhất có tự do, và chính Ngài là Đấng vô biên duy nhất đã ‘trở nên như chúng con’. Và dù con có biết rằng Ngài yêu thương và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vô biên, thì con vẫn xin hỏi Ngài rằng: Ngài không sợ hãi trước cái chết của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng không bao giờ chết; không sợ hãi trước sự giới hạn của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng vô biên; không sợ hãi trước sự hào nhoáng bên ngoài giả dối của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng trung thành với sự thật? Có phải Ngài đã tự mình đóng đinh vào tạo vật, bằng cách Ngài đã đón nhận cuộc sống thực của Ngài, một cuộc sống thật gần và thân thiện với cuộc đời, mà trước đó trong cõi xa xăm vĩnh cửu Ngài chỉ đụng tới bóng đêm đàng sau, bóng đêm không có giá trị gì đối với ánh sáng không thể tới gần của Ngài? Có phải thập giá trên đồi Gôn-gô-ta không chỉ là sự tỏ bày của Thánh Giá được chuẩn bị cho Ngài, và Ngài phải mang vác Thánh Giá đó trong mọi nơi và mọi lúc?”[13]
Với trí thông minh đầy giới hạn của con người, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Đó là điều đáng mừng, vì nếu chúng ta hiểu được điều đó, thì con người chúng ta kiêu hãnh biết chừng nào, và có thể chúng ta lại tự nhủ rằng: “Chẳng có gì đặc biệt, đâu cần đến Thiên Chúa nữa”. Vì thế, thay vì tìm cách lý luận, thay vì mày mò để đưa ra những giả thuyết về mầu nhiệm của con đường đi xuống của Đức Ki-tô, thiết nghĩ chúng ta cần im lặng và thờ lạy Ngài, Đấng đang hiện diện trong hình hài của một em bé được bọc tã nằm trong mang cỏ đơn sơ, Đấng đang chịu treo trên Thánh Giá như một con chiên hiền lành và im lặng. Lặng yên ngắm nhìn Ngài, với toàn bộ con người kính cẩn thờ lạy Ngài, Đấng giàu lòng thương xót.
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà Lạt trăng mờ).
Xem, chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Yêu Thương, Đấng giàu lòng thương xót. Đó là những hành động tuyệt vời trước Đấng đã chọn con đường đi xuống để đến với chúng ta, Ngài sẽ sẵn sàng và vui mừng bước vào từng ngôi nhà tâm hồn mở rộng đón mời Ngài.
Mở lòng đón nhận.
May thay Thiên Chúa không cho chúng ta hiểu mầu nhiệm của con đường đi xuống, mà cho chúng ta đón nhận hoa quả của con đường đó. Con đường đi xuống của Chúa Giê-su diễn tả lòng thương xót vô bờ và cao quý của Thiên Chúa giành cho chúng ta. Một tình yêu làm cho chúng ta trở nên giàu có: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. (2 Cr 8,9).
Thánh Tông đồ viết cho các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô để khuyến khích họ quảng đại giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đang túng thiếu. Những lời này của thánh Phao-lô có ý nghĩa gì?
Chúa Giê-su, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Chiêm ngắm thêm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa, chúng ta thấy đó là một hành động vĩ đại qua việc Con Thiên Chúa tự nguyện trở nên khó nghèo, Ngài chọn cái nghèo làm lẽ sống thay vì sự giàu sang. Đức Ki-tô từ bỏ sự giàu sang trên trời là vinh quang Thiên tính của Ngài, chọn trở nên nghèo khó và xuất hiện trong thân phận người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tâm tình này như sau: “Thiên Chúa không tỏ mình nơi quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng nơi sự yếu đuối và nghèo nàn: ‘Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em…’. Chúa Ki-tô, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã chọn trở nên nghèo khó; Người đã đến giữa chúng ta và trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trút bỏ vinh quang và huỷ mình ra không, để trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x.Pl 2,7; Dt 4,15). Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm thật cao cả! Và nguyên nhân của tất cả những điều ấy là tình yêu của Người, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên nghèo, Chúa Giê-su không tìm kiếm cái nghèo vì chính nó, nhưng như thánh Phao-lô đã nói: ‘để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Người’. Đây không phải là một kiểu chơi chữ hay một khẩu hiệu! Nhưng là tóm tắt lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc của tình yêu, lô-gíc của Nhập Thể và Thánh Giá. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Ki-tô thì khác! Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Giô-đan để cho Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, Người làm thế không phải vì cần thống hối hay hoán cải; Người làm điều ấy để ở giữa dân chúng là những người cần ơn tha thứ, ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường ấy để an ủi chúng ta, cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Thật là ấn tượng khi thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Ki-tô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài, dù rằng thánh Phao-lô biết rõ ‘những sự phong phú khôn lường của Chúa Ki-tô’ (Ep 3,8), ‘là người được thừa kế mọi sự’ (Dt 1,2)”.[14]
Với tình yêu cao cả vượt mọi bức tường, Chúa đã rộng lượng ban cho nhân loại sự phong phúc khôn lường của Nước Trời, sự giàu sang của Thiên Chúa. Và qua thân xác nhân loại mà Chúa đã đón nhận, Chúa mặc lấy tất cả chúng ta thành chính Ngài. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho chúng ta được phép trở nên giống Chúa hơn và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Đó cũng là nét giàu có, và cũng là một ân sủng lớn lao mà chúng ta nhận được. Đức Benedicto XVI đã suy niệm như sau: “Thiên Chúa thật lớn lao, đến nỗi Ngài có thể trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa thật quyền năng, đến nỗi Ngài có thể trở nên bất lực và trở nên một trẻ sơ sinh và đến với với chúng ta, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Thiên Chúa thật tốt lành, đến nỗi Ngài đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, Ngài đi xuống thế gian và hiện diện trong hang lừa, để chúng ta có thể tìm thấy Ngài, và để sự tốt lành của Ngài đụng đến chúng ta, lây lan đến chúng ta, và qua chúng ta sự tốt lành của Ngài tiếp tục ảnh hưởng. Đó là Giáng Sinh. ‘Con là con Cha của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con’. Thiên Chúa đã trở nên một người ở giữa chúng ta, để chúng ta có thể được sống với Ngài, có thể trở nên giống như Ngài. Ngài đã chọn hình hài của trẻ sơ sinh trong máng cỏ như là dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra Ngài: Đó là Chúa. Chúng ta quen biết Chúa qua Hài Nhi nhỏ bé này”.[15]
Sau khi sinh ra trong cuộc đời, Chúa Giê-su đã bước vào cuộc đời của chúng ta, và Ngài bắt đầu làm cho nhân loại được giàu có qua chính tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả như sau: “Như thế đâu là cái nghèo mà Chúa Giê-su dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang? Đó là cách Người yêu thương chúng ta, cách Người trở nên người thân cận của chúng ta như người Samaritanô nhân lành đến gần người bị bỏ mặc dở sống dở chết bên vệ đường (x.Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do đích thực, ơn cứu độ đích thực và hạnh phúc đích thực là lòng thương xót, nhân lành và chia sẻ của tình yêu của Người. Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta”.[16]
Qua đó, chúng ta thấy rằng, khi Chúa Giê-su làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng ta với tất cả những thực tế của nó, thì cuộc sống của chúng ta đã được mang một hương hoa khác. Hương hoa của tình yêu và lòng thương xót. Khi Chúa Giê-su để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy dài trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng ta, thì cuộc sống đầy giới hạn này của chúng ta tìm thấy lối thoát, vì Chúa đã mở ra cho chúng ta một hướng đích xuyên suốt qua con đường hẹp, con đường vượt qua Sa mạc khô cằn, và Biển Đỏ nhiều hiểm hoạ, và cả con đường dẫn đến sự chết. Khi Chúa cẩn thận chạm vào cuộc sống của chúng ta, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra khỏi chén đắng cuộc đời, và hơn nữa Chúa còn uống chén đắng khổ đau đó, thì chén đắng của nhân loại được biến đổi trở thành chén nồng say của tình yêu đem lại ơn cứu rỗi. Khi Chúa để những guồng máy đầy bạo lực và dã man của nhân loại đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đi vào cuộc sống của Chúa, là lúc Chúa làm cho con người chúng ta thoát khỏi gọng kìm của Sa-tan và thần dữ, của ác độc và bất nhân. Ách nặng nề của cuộc đời được biến thành ách nhẹ nhàng nơi Chúa Giê-su.
Ôi giàu có biết bao nhiêu, hỡi con người được Chúa yêu thương, một Thiên Chúa trở nên nghèo nàn, để làm cho chúng ta trở nên giàu có.
Thật vậy, qua tình yêu rất cụ thể, Thiên Chúa đã đi bước trước, để làm cho chúng ta được giàu có, để chúng ta được đón nhận biết bao hồng ân cao quý. Hồng ân được gặp Chúa, hồng ân được hiệp thông với Chúa, hồng ân được trở nên người thân của Chúa, là anh em của Chúa trong một gia đình, là con của Cha trên trời với Đức Ki-tô là Anh trưởng tử. Đọc tiếp tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy: “Sự giàu sang của Chúa Giê-su ở chỗ là Con Thiên Chúa; tương quan độc nhất của Người với Chúa Cha chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Mê-si-a nghèo khó này. Khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mang lấy ‘ách nhẹ nhàng’ của Người, Người mời gọi chúng ta trở nên giàu có thêm bằng ‘cái nghèo giàu sang’ và ‘sự giàu sang nghèo khó’ của Người, chia sẻ Thần Khí con thảo và huynh đệ của Người, trở nên con cái trong Người Con, và anh chị em trong người Anh Trưởng Tử (x.Rm 8,29). Người ta bảo rằng chỉ có một điều đáng tiếc thực sự, đó là không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ có một sự khốn khổ thực sự, đó là không sống như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của Chúa Ki-tô”.[17]
Khi ý thức mình là anh em của Chúa Giê-su, và là con của Cha trên trời, chúng ta mới càng ngạc nhiên hơn với sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi tưởng tượng của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức được điều này, như Thánh Nữ Teresa thành Avila, Thánh I-nhã thành Loyola, Mẹ Teresa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ, “Chúa là tất cả của tôi”.
Là anh em của Chúa Ki-tô và là con của cha trên trời, còn diễn tả một hồng ân cao quý là chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Chúa. Đó là sự giàu sang mà ai ai cũng ao ước. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Vì chúng con tự mình không thể giúp mình được, và vì chúng con không thể tự cứu mình thoát khỏi mình được, nên chúng con đã kêu cầu sự hiện diện của Chúa và Chân Lý của Chúa, kêu cầu sự toàn năng của cuộc sống Ngài ngự đến trên chúng con, và cũng vì thế chúng con kêu cầu sự khôn ngoan của Chúa, sự tốt lành của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, để rồi khi Chúa đến, Chúa sẽ đập vỡ tất cả những giới hạn của chúng con, Chúa làm cho nghèo nàn nên giàu có, và Chúa cho chúng con, những con người của thời gian, được tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa.”[18]
Tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa là một món quà làm cho chúng ta trở nên giàu có. Thật vậy, nếu dừng bước và đi vào trong chiều sâu của con người, đụng tới bản chất thật nhưng đầy giới hạn của mình, một phận người nhỏ bé, dễ vỡ và đầy tội lỗi, chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao, khi chúng ta được phép bước vào trong ngôi nhà của Thiên Chúa, khi chúng ta – những phận đời giới hạn, được Chúa cho phép tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Chúa.
Sự ngạc nhiên sẽ lớn hơn, khi chúng ta lắng nghe một sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi “tưởng tượng” của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức dược điều này, như thánh Tê-rê-sa Avila, như thánh I-nhã thành Lô-giô-la, Mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ “Chúa là tất cả của tôi”.
Lời kết.
Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót, bước vào con đường đi xuống, là Chúa đi hành trình trở nên nghèo, mặc lấy thân phận làm người, mặc lấy thân nô lệ. Và trên con đường tưởng như là vô nghĩa này, và con người ai ai cũng lánh xa, Chúa đã giải thoát từng con người được Chúa yêu thương. Ai mang phận người khổ đau, hãy nhìn kìa Chúa cũng mang phận khổ đau như bạn. Ai chịu kiếp tôi đòi nô lệ, xem kìa, Đức Ki-tô cũng chia sẻ kiếp nô lệ tôi đòi như bạn. Ai nghèo đói và rách rưới, không cần thiết phải mặc cảm, vì Chúa Giê-su còn nghèo hơn cả bạn. Hành trình đi xuống của Đức Ki-tô là một hành động tuyệt vời và lớn lao của Thiên Chúa, hành động của tình yêu đến nỗi trút bỏ tất cả, đến nỗi quên cả thân mình, để trở nên không không, trở nên nghèo nhất trong mọi người nghèo. Hành động này của Chúa có mục đích, là làm cho chúng ta được nên giàu nhất với gia tài lớn nhất: Chúa Giê-su. Con đường đi xuống của Chúa có đích đến, là mở cho chúng ta – những kẻ bé nhỏ một con đường lên trời, để có thể tham dự vào trong cuộc sống vĩnh cửu của Chúa.
Ôi tuyệt vời thay con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót.
Ôi lạ lùng thay tình yêu của Chúa, tình yêu nên nghèo nàn để làm cho người mình yêu nên giàu có.
Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. NOUWEN H., Jesus – A Gospel, Edited and introduced by Michael O´Laughlin, Orbis Books, New York 2001, t.7.
[2] RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian, Insbruck 1954, 6.Auflage, s.66-72.
[3] X. GNILKA J., Der Philipperbrief, Herder Verlag, Freiburg – Basel – Wien 1968, t.119 tt.
[4] X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, Patmos-Verlag, Duesseldorf 1969, t.42
[5] ĐTC. Phanxicô, Tông sắc ấn định năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, số 8.
[6] ĐTC. Phanxicô, Tông sắc ấn định năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, số 9.
[7] X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, t.43.
[8] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3. Bản tiếng Việt của Pr. Lê Hoàng Nam SJ., nguồn: dongten.net.
[9] The global Slavery Index 2014, t.6, nguồn: www.globalslaveryindex.org
[10] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3.
[11] X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, t.43-44.
[12] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.
[13] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.
[14] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 01. Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org
[15] BENEDIKT XVI, Die Heilige Schrift, Meditation zur Bibel, t.198.
[16] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.
[17] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.
[18] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.