Lửa 28 – Vùng trời của Đấng Phục Sinh

(mp3) nghe bài Lửa 28 – Vùng Trời của Đấng Phục Sinh

“Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).

Madalena đã thấy và đã làm chứng.

Từ ngôi mộ của cuộc đời và của mỗi con người hôm nay, Chúa Phục sinh hiện ra.

Tôi đã thấy Chúa,

Chúng tôi đã thấy Chúa (Ga 21,25),

Chúng tôi xin làm chứng.(Cv 2,32)

Tôi đã thấy Chúa phục sinh hiện ra giữa lòng  thế giới và nơi những con người đang hồi sinh trong tình yêu cứu độ và trên đôi tay của lòng nhân ái.

Nếu kể ra thì nhiều lắm.

Có thể kể về những số điện thoại quen thuộc, để bà con mỗi khi gặp nguy khó kêu Trời thì nhận được lời đáp của lòng thương xót, ngang qua những đôi tay luôn sẵn sàng trợ giúp.

Một bệnh nhân bị bệnh viện trả về, trong túi người thân không còn một đồng, không sao, chỉ cần một cuộc gọi, và từ số điện thoại này được gọi tới một số nữa và nếu cần thì một số nữa. Thật may mắn, người  nhận  cuộc gọi cũng đang ở gần đây, chị chạy tới gặp bệnh viện, thăm hỏi, hướng dẫn và phụ giúp thanh toán tiền xe và viện phí, không nhiều lắm, nhưng khi túi không có một đồng thì khó khăn đấy, rồi các em học sinh cần tài liệu ôn tập, chuyện nhỏ nhưng… không nhỏ, và thế là số điện thoại của chị đã trở thành quen thuộc với một số bà con khi gặp cảnh cơ nhỡ.

Đã từ lâu một vài bác sĩ bệnh viện cũng quen số điện thoại này, mỗi khi có bệnh nhân cần chuyển viện, hễ chị có mặt là người bệnh sẵn sàng ra xe. Chuyện lạ mà không lạ chút nào, vì Đấng PS đã chiến thắng thế giới ích kỷ, chia rẽ, ngờ vực, để những con người xa lạ biết sống liên đới với nhau, tin tưởng nhau, và thế là trong nấm mồ cuộc sống sáng lên khuôn mặt của Đấng Phục Sinh : chúng tôi đã thấy Chúa.

Trong những chuyến đi xa, nhóm anh em Loan Báo Tin Mừng cũng thường gặp bệnh nhân. Trong nhóm có một cặp vợ chồng : chị là bác sĩ, anh đứng bán xăng, gặp bệnh nặng anh em chuyển về, chị lo chữa trị và nếu cần đưa đi bệnh viện thì anh sẵn sàng đưa bệnh nhân đi. Cùng đi theo bệnh nhân đương nhiên có người nhà, nhưng vì bà con mãi tận rừng sâu, không quen tiếp xúc và làm các thủ tục bệnh viện đã đành, mà còn không thể mở miệng nói cho thành câu thành tiếng nữa, vì thế anh phải tình nguyện đưa bệnh đi, gặp bệnh nặng, anh phải ở lại chăm sóc… bệnh nhân lần này là một bà mẹ, bà cảm động vì anh bỏ chuyện gia đình lo cho mình, chuyện chỉ có nơi những con người đã nhận biết Chúa và tuyên xưng Chúa đã phục sinh, để ngang qua đôi tay chăm sóc và cặp mắt trìu mến của mình, con người được hồi sinh trong tình yêu. Sau một tuần trở lại tái khám, bác sĩ cho biết bà bị ung thư phổi, anh lại đưa bà về, và lần này bà sẽ đi rất xa, không có bàn tay anh bên cạnh, nhưng đã có Đấng là sự sống lại và là sự sống giang tay đón nhận, đưa bà vào vương quốc của Người. Thật cảm động khi con cái đứng nhìn mẹ mình trút hơi thở cuối cùng, vì biết rằng khi con mắt thể xác của mẹ nhắm lại cũng là lúc mẹ nhìn thấy thiên nhan.

Chị vợ, những năm tháng làm bệnh viện rồi trạm xá, chị trăn trở trước xác các thai nhi bị bỏ đi như một thứ rác y tế. Từ nhỏ, câu cuối cùng trong Kinh Tin Kính chị thuộc nằm lòng dạy  rằng xác loài người ngày sau sống lại, chị đau lòng khi đứng nhìn xác thai nhi vô tội không những bị giết vì lòng ích kỷ, dửng dưng ác độc của con người mà còn bị vứt như một thứ rác không hơn không kém. Vì lẽ đó, chị đã nuôi trong lòng nguyện ước thiết lập một nghĩa trang chôn cất thai nhi để các đồng nhi bị giết trong khi không thể tự vệ và cũng không được mấy ai bảo vệ, thì ít nhất cũng có nơi yên nghỉ. Khi đề xuất ý định này, có người cho rằng làm như vậy khác nào khuyến khích người ta phá thai, làm như vậy khác nào dọn rác cho người ta, một thứ dịch vụ mới có nghĩa gì đâu. Nhưng chị nhận rõ đây là sứ vụ, chị biết không thể làm được như Mẹ Têrêxa Calcuta là cho người không đất sống được chết êm đềm thanh thản trong vòng tay yêu thương, thì ít nhất xác thai nhi bị bỏ rơi cũng gặp được một bàn tay mẹ hiền đặt vào nấm mộ để yên nghỉ chờ ngày sống lại.

Đến nay, sau một tháng khởi công, mỗi ngày đều có xác thai nhi đem về mai táng, và có những người khi nhìn thấy công việc của chị, đã từ chối làm cái việc trước giờ cứ tưởng như bình thường, nay mới vỡ lẽ ra là mình đã tiếp tay cho việc tàn sát người vô tội.

Nồi cơm Phục Sinh,

Hằng năm cứ gần đến lễ PS là một số các anh chị em gần xa tới tiếp sức một nữ tu để nấu cơm cho anh chị em dân tộc về dự lễ, từ chiều thứ năm tuần thánh cho đến đêm thứ bảy PS, nhờ vậy bà con về dự lễ có cơm ăn bất kể trưa chiều tối : một tô cơm sẵn đồ ăn kèm theo tô canh chỉ có một ngàn đồng, một ít công sức gói ghém trong một ngàn đồng cùng với những con tim của tình liên đới làm nên bữa ăn cho người đói no lòng hả dạ. ăn xong đã có sẵn một nhóm 30 bà hiền mẫu từ trong làng ra tình nguyện dọn dẹp, rửa và lau chùi để không bao giờ thiếu tô chén cho những phần ăn kế tiếp.

Cơm được trao, bà con no lỏng đón mừng Chúa Phục Sinh. Vâng, trên vùng đất ăn không đủ no gần như triền miên này, Hội Thánh của Đấng Phục Sinh nhận rõ  lệnh truyền : “anh em hãy lo cho họ ăn”, ít là bày tỏ cặp mắt trỉu mến và đôi tay ân cần, đặc biệt trong những ngày lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, săn sóc con cái từ thể xác tới linh hồn, từ bàn ăn tới bàn tiệc Thánh Thể.

Một chị bị nhiễm HIV đã 8 năm, căn bệnh không dễ chịu chút nào vì rất dễ nhiễm trùng cơ hội gây viêm họng hoặc ho kéo dài. Thế nhưng từ ngày chạm tay vào Lời hằng sống, Tin Mừng của Đấng Phục Sinh đã chữa lành thương tích lòng chị, giúp chị vượt qua mặc cảm và đau đớn thể xác, tươi vui như những ngày còn xuân trẻ. Từ niềm tin vào thần lực của Đấng Phục Sinh, chị thấy mình mạnh mẽ, cứ như thể không có yếu đuối nơi bệnh tật. Trái lại, khi biết mình được đặt giữa những người nhiễm HIV, chị thấy mình có nhiệm vụ liên kết với các bạn để tìm ủi an những người cùng cảnh ngộ, và giúp đỡ các cháu nhỏ, một việc tưởng như dễ dàng nhưng lại chẳng mấy dễ dàng, vì không có anh chị nhiễm HIV nào muốn người khác biết mình nhiễm bệnh. Tuy nhiên khi niềm tin vào Đấng Phục Sinh sáng ngời trên khuôn mặt của người con gái đơn sơ, chân thành và vui tươi thì người con gái ấy gặp được mọi người. Thấy chị được nhiều người thương yêu kíêng nể, có nguời thích đùa nói rằng con gái gì mà bố có cả bao, bao bố là vậy, còn anh chị em kết nghĩa thì cả bó. Đấng PS khi hiện ra đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa (Ga 20,20), ngược lại, khi gặp Đấng Phục Sinh, chị cũng có thương tích để khoe, thương tích của một đời vất vả, thương tích của mầm bệnh HIV : “thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào” (2Cr 12,7), cái dằm trong thân xác chị đã trở thành dấu chứng của tình yêu cứu độ, và thế là hơn ai hết, chị được dìm mình trong niềm vui của Đấng Phục Sinh.

Caritas, vùng trời của Đấng Phục Sinh, vùng trời cho chị mở rộng lòng đón nhận những con người nghèo khổ, đem đặt vào vòng tay Đấng chăn chiên nhân hậu. Một nữ tu khi dành nhiều thời giờ cho Caritas, một người trong cộng đoàn đã hỏi : “chị làm việc cho Cariatas rồi mai mốt đây nằm xuống, nhà dòng hay Caritas lo mai táng”. Người trong cuộc một khi đã có thói quen nhận chìm tất cả trong Thiên Chúa là đấng muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương thì không biết đến thắc mắc này. Vâng tuổi đời người con gái có thời, nhưng khi đặt mình để Thiên Chúa sử dụng cho kế hoạch của Người thì hiện tại với tương lai đâu còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Đấng đã lên tiếng gọi và đặt chị trên hành trình của Người, để chị bước đi với Người và trong Người. Mái tóc của chị nay đã điểm sương, tóc trắng có thể nhuộm đen, thế còn tuổi đời thì sao, người đời cứ hay hỏi chị : ngày hôm qua đâu rồi, ngày mai ra sao. Ngày hôm qua chị đem đặt vào lòng thương xót của Chúa, ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay, từ vùng trời của Đấng Phục Sinh, và hoàn tất trong tình yêu của Người đã hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13).

 Phục Sinh 2012
RADIO VATICANA
CHUYÊN MỤC: LỬA
MMsj

 

 

 

Kiểm tra tương tự

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *