Mái ấm dân tộc Lái Thiêu

Mái ấm dân tộc Lái Thiêu

MMsj

Ít ai ngờ được ngay tại Lái Thiêu, chỉ cách Sài Gòn 15km, lại có một ngôi nhà mang tên Mái ấm dân tộc. 20 năm về trước, đó là một dãy nhà dài, trường học kế bên đã mượn tầng lầu làm các lớp học, chỉ còn lại tầng trệt dành cho một cđ các nữ tu Phaolô trước đây ở Dak Nông về tá túc, và dãy nhà phía trước dùng để nuôi thỏ.

Tất cả các nữ tu thuộc cộng đoàn này đều đã trải qua một hành trình dài trên các cánh đồng sứ vụ, sát cánh với các cha thừa sai Paris, từ Di Linh tới Bờ Tông, qua Dak Blao và cuối cùng, dựng nhà ở Dak Nông, nhờ vậy, rất đông  bà con dân tộc Mạ và Mnông trên các vùng đất này đã nhận được ánh sáng Tin Mừng. Vào cuối năm 1974, các soeurs cùng với chú Y Krong bắt đầu khai mở cánh đồng Bu Đang, Cha Moressau đã hai lần xuống đây dâng lễ.

Sau những năm 1975, cánh đồng truyền giáo vùng này tưởng như khép lại, các nữ tu về Lái Thiêu ẩn thân, bà con dân tộc về lại làng cũ khai phá làm ăn sinh sống. cho tới năm 1991, Mẹ Hai cùng với mẹ Ba mới tìm cách trở lại thăm con cái mình. Chuyến đi đầu tiên chỉ là thoáng qua, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để mẹ con đi tới trùng phùng, mới đầu là năm ba em đuơc mẹ Hai đón về, dù cuộc sống khó khăn, nhưng mẹ cũng gói ghém đủ để mẹ con sống qua ngày.

Cũng vào thời điểm này, 19 tháng 3 năm 1991, từ Nông Trường Trúc Lô 6, hai người lữ khách tìm đến Phước Long, rồi Bù Đăng, và một người đã ở lại, khai phá cánh đồng, một vùng đất như thể vẫn còn hoang sơ, vì từ Bù Đăng lên tới Dak Rlấp và Dak Nông đã từ lâu không có bóng LM cũng như tu sĩ. Tại Bù Đăng, ngôi nhà thờ ngày thường vắng vẻ, nhưng ngay tại Thọ Sơn đã có 2 buôn Bụi Tre và Sơn Hòa dựng lên được 2 ngôi nhà nhỏ để bà con sớm tối cầu nguyện, vùng Dak Rlấp thường họp nhau trong nhà của một giáo lý viên, còn một số làng ở Dak Nông thì dựng cái chòi nhỏ để tượng ảnh, phía trước rào một khoảng sân để bà con họp nhau đọc kinh.

Qua tới năm 1992, mái ấm Lái Thiêu bắt đầu rộn ràng, con cái khắp các buôn làng rỉ tai nhau tìm về với Mẹ, chú Y Krông bán cả con bò để có tiền đi xe, trong khi đó người lữ khách đi đến từng làng để thăm hỏi, an ủi, khích lệ. Cứ mỗi lần đặt chân vào làng, bà con túm lại vui mừng chào đón, lần đầu tiên gặp nhau mà như thể thân quen từ thuở nào, bố bố con con thật hồn nhiên. Cuối năm 1992 thì mái ấm Lái Thiêu xuất hiện thêm một ông bố được mời đến để mở các khóa đào tạo giáo lý viên cho các buôn làng, vì từ sau năm 1975, số giáo lý viên được các cha thừa sai đào tạo còn sót lại không quá 40 người.

Một ông bố rong ruổi tìm kiếm, một ông bố lo giảng dạy, Mẹ Hai cùng với các Sơ lo đón tiếp, săn sóc và nuôi ăn, bộ ba phối hợp nhịp nhàng đến độ nhuần nhuyễn làm cho ngôi nhà Lái Thiêu thực sự là mái ấm, con cái đến, 8 ngày đêm an tâm vừa học tập, vừa cầu nguyện, vừa trả bài, rồi  đi, và thế là trong khắp các buôn làng xa lắc xa lơ kia bắt đầu rộn rã lời ca tiếng hát, giờ kinh có thêm phần giáo lý.

Cho tới ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm mồng 8 tháng 12 năm 1993, khi số giáo lý viên chính thức đã trên 100, tất cả sẵn sàng bắt tay vào mùa gặt mới, mùa hồng ân, thì từ mái ấm Lái Thiêu, lệnh lên đường được công bố, đúng ngày ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa mồng 01 tháng 1 năm 1994, tất cả các giáo lý viên lên đường, nhà nhà mở cửa chào đón  những khuôn mặt mới trong đại gia đình con cái Thiên Chúa, người người cầu  nguyện cho cánh đồng sứ vụ thu hoạch mùa lúa dồi dào.

Được sai vào những làng mới, ngay khi có hai ba gia đình sẵn sàng đón nhận đức tin là người Giáo Lý Viên phải đặt ngay người phụ trách cộng đoàn non trẻ và điểm cầu nguyện. Mùa gặt đầu tiên đã đem về cho Giáo Hội trên 5 ngàn người, và Mái Ấm Lái Thiêu phải liên tục mở cửa đón nhận những người con mới về theo học các khóa Giáo Lý, cao điểm là từ năm 1994-1996. Trong khi đó, vào giai đoạn này, để mái ấm có thể sinh hoạt đều đặn thật không dễ dàng chút nào, làm sao có đủ cơm ăn, được bình an từ trong ra ngoài, tất cả nhờ bàn tay của các Mẹ quen gói ghém, và đặc biệt Mẹ Hai, luôn tin tưởng và phó thác nơi bàn tay Chúa chở che.

Nếu phải kể ra những người đã đổ ra nhiều công sức trên cánh đồng thì người thứ nhất phải là Mẹ Hai, người đã khai sinh ra mái ấm. Mẹ không trực tiếp đứng ra đào tạo và giảng dạy con cái, nhưng nước Thiên Chúa đâu chỉ được công bố qua Lời giảng, mà là bằng chính sự hiện diên của một khuôn mặt luôn để lộ nụ cười hiền lành, khiêm tốn, với đôi tay êm ái nhẹ nhàng làm con cái luôn cảm thấy an vui mỗi khi về  mái ấm, về nhà mình, về với Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ lại chẳng bao giờ nghĩ mình là quan trọng : một con tim dành trọn cho Thiên Chúa, để từ kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương, Mẹ giãi bày tình yêu ấy cho đoàn con. Nét đằm thắm nhẹ nhàng làm mọi người an tâm, và các cháu nội trú dù phải xa buôn làng, xa cha mẹ bà con, nhưng vẫn cảm thấy ấm áp, quấn quít bên nhau trong vòng tay Mẹ, mỗi khi có ngừơi đến cáo tội bạn này hay bạn kia, mẹ lặng lẽ lắng nghe và cầu nguyện, ghi nhận tất cả trong tình thương yêu, gần như không la rầy một ai, chờ khi có cơ hội thì nhắc nhở, vì thế người cáo tội và bị cáo không có lý do để giận hờn hay chia rẽ.

Một mái ấm, cho những cánh đồng.

Mẹ : từ Mẹ Hai tới Mẹ Paola và người kế thừa mẹ hai hôm nay là Mẹ Marie :  những khuôn mặt cho đoàn con

Và cánh đồng sứ vụ được khai mở, câu chuyện Giêsu tiếp tục diễn ra và được kể lại.

Mái ấm dân tộc Lái Thiêu đã trở thành điểm xuất phát và điểm dừng cho những bước chân trên hành trình sứ vụ Loan Báo Tin Mừng, Lời Thiên Chúa mỗi ngày lan rộng…

Thấm thoắt thế là đã 20 năm

Tên của MẸ HAI là Thérèse Lê Thị Nhứt, mẹ đã được Chúa gọi về cách đây 5 năm, nhưng trong trái tim của từng người con vẫn mang đậm hình ảnh và dấu ấn của Mẹ ; người kề cận Mẹ Hai ngay từ bước đầu là Sr Marie Chantal,  thường được gọi là Mẹ Ba, Mẹ là người  chăm sóc từng bữa ăn cho con cái già trẻ lớn bé ; Sr Maguerite Du SC,  được mọi người gọi bằng cái tên rất gần gũi : cô Năm, vâng, cô Năm như thiên thần nhỏ bé canh giữ và chăm lo cho các cháu học hành, và  Mẹ Therese de la Trinité, người thoạt nhìn thấy ốm yếu nhưng rất dẻo dai, tuổi đời đã trên 75, nhưng với một bộ xương inox, mỗi ngày vẫn có thể đưa con cái đi bệnh viện, cõng từng bao quần áo, và đủ thứ đồ ăn, nước uống về cho con cái, không chỉ đưa về mái ấm, mà còn chở tới  những vùng rất xa xôi như Dak Nông, và mãi tận Kon Tum.

20 năm, một câu chuyện dài, tên gọi tổ ấm dân tộc để lộ con tim của những người mẹ mở rộng vòng tay đón nhận lớp lớp con cái từ khắp nơi đổ về học giáo lý và cầu nguyện để trở thành những người thợ trên cánh đồng sứ vụ, chuyện được Mẹ Hai, Mẹ Ba, cô Năm và Mẹ Therese kể bằng chính cuộc đời của mình, kể về bàn tay của Thiên Chúa toàn năng đã thương yêu giữ gìn và chăm sóc mái ấm dân tộc,  nhờ đó cả mẹ và con trong khi  vững lòng trông cậy, có thể dấn bước, hiến mình cho sứ vụ, để hôm nay khi cùng nhau ngồi nhìn lại chặng đường đã qua, tất cả cùng cất lên lời kinh tạ ơn.

Thật vậy, khi con cái càng ngày càng thêm đông thì vòng tay mẹ trở nên nhỏ bé, thế nhưng ,  chính lúc nhận biết  mình nhỏ bé cũng là lúc tin tưởng và phó thác hoàn toàn nơi Chúa, biết rằng với Chúa thì mọi sự đều có thể, chính trong quyền năng và lòng thương xót ấy mà vòng tay mẹ lúc nào cũng có thể ôm trọn đàn con, và Mái Ấm Dân Tộc mãi mãi là nhà của bà con, mỗi lần đi ngang qua hoặc có chuyện cần gặp, bà con có thể ghé về nhà mình, về với Mẹ.

Trong ngày về mừng Mẹ Ba 60 năm hồng ân, mừng Cô Năm và Mẹ Thérèse 50 năm hồng ân, 20 tháng 6 năm 2011, Điểu Luân, một người con dưới mái trường của Mẹ Hai từ năm lớp 3, trước 1975, và Y Đam, một người con nữa xuất thân từ mái ấm Lái Thiêu lớp đầu tiên, đã nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày sống bên các Mẹ, với những dấu ấn của một thời đã là hành trang để các anh luôn mạnh dạn bước tới, không riêng bản thân mình mà cả gia đình vợ con, một lòng phụng sự cho vinh quang nước Chúa, giữa những bề bộn của cuộc sống hằng ngày …trong thánh lễ còn có 2 khuôn mặt nữa  lên đọc sách thánh, xuất thân tử mái ấm, một là nữ tu Phaolô người Mnông và một Học viên Dòng tên người Mường….và còn biết bao hoa trái từ đôi tay và mái ấm của các Mẹ

Để cuối cùng, lời kinh tạ ơn được kết lại thành lời kinh hiến tế, trong hiến lễ giao hòa của Đức Giêsu Kitô,

Xin dâng lên Cha hiến lễ của Mẹ Hai, của Y Mơt, Bap Đức, Bap Xuân nhỏ, Y Dinh, Y Tar, K Dan,  và tất cả các bác các chú các cô đã nằm xuống trên các cánh đồng sứ vụ, để Tôn Vinh Danh Thánh, hôm nay và mãi đến muôn đời.

Kiểm tra tương tự

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *