Kinh Môi Côi sống động

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin Mừng 1

Chúa Sống Lại Và Hiện Ra Với Các Tông Đồ:
Ta Xin Ơn Sống Lại Thật Về Phần Linh Hồn

(Ga 20,19 – 29)

http://www.calefactory.org/pix/glory1.jpg

Kể chuyện có thực:

Phêrô Phanxicô Nêrông sinh năm 1818, trong một gia đình có 9 anh em ở Pháp. Tuy được đi học nhưng mỗi ngày Nêrông phải ra đồng chăn súc vật nên chịu ảnh hưởng xấu do bạn bè. Năm 17 tuổi, Nêrông đọc một cuốn sách về đạo đức và thay đổi hẳn lối sống.

Năm 19 tuổi, cậu xin vào chủng viện rồi xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Được cử đi truyền giáo ở Việt Nam: Điều ước nguyện của cha là một khi vào Việt Nam sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước này. Cha Nêrông đến Kẻ Vinh học tiếng Việt và lấy tên Việt là Bắc do Đức cha Liêu đặt. Cha được cử làm bề trên chủng viện, dạy triết lý và thần học. Một lần cha bị bắt nhưng được chuộc lại.

Ngày 17 – 01 – 1860, vì thất bại trong quan hệ với Pháp, vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao. Cha Phêrô Bắc vóc dáng cao, da trắng rất dễ bị lộ. Chỗ ẩn thường xuyên của cha là rừng rậm. Cơn bách hại ngày càng gắt gao. Có một người tên Luyện đánh bạc thua ông lý trưởng 100 quan, ông hứa tha nợ nếu anh chỉ chỗ cha Bắc ẩn trú. Và anh Giuđa này đã bán cha bằng giá tiền đó.

Điều làm cho quan, lính và dân miền Sơn Tây ngạc nhiên là cha Bắc đã nhịn ăn 21 ngày liền, mỗi ngày cha chỉ uống một bát nước. Ngồi trong cũi chật hẹp mà lúc nào cũng tươi vui. Dân chúng đồn thổi và coi cha như một “Ông thần sống”.

Trước dư luận bất lợi, quan tỉnh Sơn Tây liền làm án về kinh đô xin chém đầu và bêu giữa chợ ba ngày. Vua Tự Đức chuẩn phê theo án xin. Ngày 03 – 11 – 1860, cha Bắc bị chém đầu tại pháp trường Sơn Tây.

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

1, Khi cầu nguyện với kinh Mân Côi, và suy niệm về Đức Giêsu sống lại, ta xin ơn để được sống lại thật về phần linh hồn. Các con nghĩ gì về cậu Nêrông 17 tuổi đọc một cuốn sách đạo đức và đã thay đổi hẳn lối sống, rồi cuối cùng đã được phúc tử đạo?

2, Các con nghĩ gì về dư luận dân chúng không có đạo coi cha Bắc như một “Ông thần sống”?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn sống lại thật về phần linh hồn với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin Mừng 2

Chúa Giê-su Lên Trời:
Ta Xin Ơn Ái Mộ Những Sự Trên Trời

(Mt 28, 18-20)

http://www.calefactory.org/pix/glory2.jpg

Kể chuyện có thực:

Phêrô An-ma-tô cất tiếng chào đời ngày lễ các thánh 1 – 11 – 1831. Tới 15 tuổi, cậu đi học chủng viện, sau lãnh tu phục Dòng Đaminh ngày 18 – 09 – 1847, rồi được gửi đi học tại Phi-Luật-Tân, thụ phong linh mục năm 1855, cũng là năm cha tới truyền giáo tại Việt Nam.

Tới Việt Nam, cha Phêrô An-ma-tô nhận tên là Bình, ở lại Nam Am và Đông Xuyên. Sau cha về chủng viện Kẻ Mốt để học tiếng Việt, rồi được cử đi phụ trách xứ Thiết Nham. Sức khỏe cha Bình thật yếu kém vì bị bệnh thường xuyên nhưng nghị lực của cha như vô tận để đối phó với mọi khó khăn thử thách của môi trường truyền giáo.

Từ năm 1857, cuộc bắt đạo ngày một khốc liệt, cha Bình viết thư cho gia đình: “con và một linh mục nữa đã ẩn mình bảy tám tháng nay trong một nhà có sẵn hang ở dưới lòng đất để núp khi quan quân vây bắt. Nhưng nay mai nếu cha mẹ có nghe tin con bị bắt thì xin cha mẹ đừng khóc làm chi. Hãy vui mừng vì con được phúc trọng dường ấy”.

Từ tháng 08.1861, sau chiếu chỉ phân sáp của nhà vua, hàng giáo sỹ hầu như không thể tìm được chỗ nào an toàn để ẩn náu. Sau khi Đức Cha Liêm và thầy giảng Giuse Khang bị bắt trên thuyền, cha Bình và Đức Cha Vinh được giới thiệu tới trọ tại một nhà người ngoại giáo và được đón tiếp niềm nở nhưng người cháu của chủ nhà liền báo với quan để lãnh thưởng. Thế là hai vị bị bắt.

Ngày 1 – 11 – 1861, đúng ngày cha Phêrô An-ma-tô Bình tròn 30 tuổi. Ngài bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu cùng với Đức Cha Liêm và Đức Cha Vinh.

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

1, Trong kinh Mân Côi khi cầu nguyện về Chúa Giê-su lên trời, ta xin ơn để được ái mộ những sự trên trời. Trong thư viết cho gia đình ở Tây Ban Nha, cha An-ma-tô nói gì về lòng ái mộ của ngài đối với những sự trên trời?

2, Hằng ngày các con có thể ái mộ những sự trên trời không khi học bài, làm bài hay giúp đỡ ba má?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn ái mộ những sự trên trời với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


 

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin Mừng 3

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống:
Ta Xin Ơn Có Lòng Đầy Dẫy Mọi Ơn Chúa Thánh Thần

(Cv 2, 1 – 41)

http://www.calefactory.org/pix/glory3.jpg

Kể chuyện có thực:

Cha Gioan Đạt chào đời năm 1765 tại làng Khuê Cầu, tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu Đạt xin phép mẹ dâng mình cho Chúa dưới sự chăm sóc của cha Loan xứ Đồng Chuối. 18 tuổi, cậu nhập chủng viện, sau đó đi giúp xứ và chịu chức năm 1798.

Vị tân linh mục hết sức chăm lo cho giáo dân nên được mọi người yêu quý. Cha chính địa phận Tây Đàng Ngoài nhận xét: “cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là nhân đức tuân phục và khó nghèo. Cha luôn tuân phục và chu toàn mọi bổn phận, nên Đức Cha và các vị thừa sai đều quý mến. Lời cha giảng có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người.”

Mới thi hành tác vụ linh mục được 6 tháng thì vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ bắt đạo gắt gao. Cha phải trốn vào rừng, từ đó lẻn về ban các bí tích. Hôm đó cha vừa hoàn tất thánh lễ an táng tại tư gia thì quân lính ập tới. Giáo hữu đưa cha ra sau nhà để thoát thân nhưng cha không đành bỏ rơi họ giữa lúc chủ nhà bị tra tấn, vì chén thánh và áo lễ lính đã tìm thấy. Cha nói: “vẫn biết tôi có thể trốn thoát nhưng như thế anh em sẽ khổ nhiều”. Lính trói cha lại rồi đánh đòn tàn nhẫn cùng với thày Tâm và 3 vị trong ban chức giáo xứ. Giáo dân vì đông người định dùng sức mạnh giải vây cha. Cha Đạt can họ: “cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa, anh em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo và nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng:.

Hai tháng trong tù, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha bình tĩnh vui vẻ. Lương dân cũng mến cha. Một thiếu phụ gần trại giam đưa cha một chai độc dược để cha kết liễu cuộc đời đau khổ. Cha từ chối và cắt nghĩa “người Công Giáo chân chính dù trong hoàn cảnh nào cũng không chấp nhận tự tử”. Ông Thiềng cai ngục đặc biệt mến cha khi nói riêng với cha: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài biểu lộ lòng tôi quý cụ”.

Cha Đạt bị trảm quyết ngày 28.10.1798 khi mới được 33 tuổi, chưa đầy một năm phục vụ trong chức linh mục.

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

Theo kinh Mân Côi, ta xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

1, Các con thấy cha Đạt được mọi người thán phục: các con có để ý tới lời thán phục của ai đối với cha Đạt không?

2, Có nhân đức hoặc thói quen nào của cha Đạt các con thấy có thể áp dụng với bản thân hoặc với gia đình ta để mọi người được hạnh phúc?

3, Các con nghĩ gì về lời cha chính địa phận Tây Đàng Ngoài nói rằng: cha Đạt luôn tuân phục và chu toàn mọi bổn phận?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn có lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.

 


 

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin Mừng 4

Đức Maria Được Đưa Lên Trời:
Ta Xin Ơn Chết Lành Trong Tay Đức Mẹ

http://www.calefactory.org/pix/glory4.jpg

Kể chuyện có thực:

Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804, mồ côi cha năm lên 10, hai năm sau mồ côi mẹ. Được tận tâm nuôi dưỡng giáo dục, cậu tỏ ra rất thông minh và đạo đức: thông thạo chữ Hán và nghề thuốc, siêng năng đọc kinh sáng tối, tham dự thánh lễ và nhận các bí tích. Cậu thường tìm nơi thanh vắng trong vườn để đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện.

Năm 20 tuổi, anh Mỹ kết duyên với cô Maria Mến, con gái ông trùm Antôn Nguyễn Đích và được tám người con đạo hạnh khiến dân làng kính nể và đồng thanh thỉnh ông làm chánh tổng nhưng ông từ chối. Về sau vì vâng lời Đức Cha Du để trợ giúp chủng viện và giúp đỡ giáo dân, ông nhận chức lý trưởng.

Ngày 02.07.1838, quan tổng đốc chỉ huy cuộc bao vây làng Kẻ Vĩnh, bắt ông Lý Mỹ cùng với linh mục Mai Nam và ông trùm Nguyễn Đích giải về tỉnh Nam Định. Người con gái ông Lý là cô Mỹ mới 12 tuổi cũng lén mẹ ra tỉnh tìm cách qua ba lần cửa có lính gác vào thưa với ba: “xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường mới 9 tuổi là con trai ông Lý Mỹ không đi xa được cũng chuyển lời thưa với cha: “cha đừng lo cho chúng con, cha hãy an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo”. Bà Lý Mỹ bồng con mới sinh được mấy tháng đến thăm chồng, trao con cho chồng ẵm một lúc rồi nghẹn ngào nó: “vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa, hãy trung thành với Chúa đến cùng. Đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả…” Ông Lý Mỹ cảm thấy đau đớn tận đáy lòng nói với vợ: “lời bà khuyên đốt thêm lửa mến trong lòng tôi. Bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện, ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước thiên đàng”. Ông Lý Mỹ chịu tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 22 – 08 – 1838.

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

1, Con gái ông Lý Mỹ mới 12 tuổi lén mẹ ra tỉnh gặp ba trong tù nói gì với ba? Em cô là Tường mới 9 tuổi không đi xa được, cũng chuyển lời nói gì với ba trong tù?

2, Bà Lý Mỹ ẵm con mới sinh được mấy tháng đến thăm chồng trong tù nói gì với chồng? Ông Lý Mỹ nói gì với vợ trong cuộc viếng thăm?

3, Ở tuổi thanh niên và thiếu niên, cậu Micae Mỹ thường tìm nơi thanh vắng trong vườn để đọc kinh Mân Côi. Cậu xin ơn gì qua kinh Mân Côi khi suy niệm về Đức Chúa Trời cho Đức Bà Lên Trời? Ơn đó được ban cho ông Mỹ như thế nào?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.

 


 

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin Mừng 5

Đức Mẹ Đội Triều Thiên Trong Vinh Quang:
Xin Ơn Được Thưởng Cùng Đức Mẹ Trên Thiên Đàng

http://www.calefactory.org/pix/glory5.jpg

Kể chuyện có thực:

Annê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ cô Thành đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất và sinh được hai trai tên Đê, Trân và bốn gái là Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi cha mẹ bằng tên con đầu lòng. Vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Cô Luxia Nụ trong cuộc điều tra phong thánh nói “thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ và ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ.” Cô Anna Năm cũng xác minh: “song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh … Người cũng thường dạy vợ chồng tôi: hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe các con cãi nhau bao giờ”.

Ông bà Đê hay thương giúp người, nhất là trọng kính và giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Một người tên Để theo giúp cha Thành ở nhà bà Đê vì tham tiền đã mật báo cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan chỉ huy 500 lính bao vây làng Phúc Nhạc ngày lễ Phục Sinh 14.04.1841. Cha Thành và Ngân kịp trốn thoát. Cha Nhân bị bắt trước nhất, rồi đến cha Lý cùng với bà Đê chủ nhà. Kế đến là ông trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá. Tất cả đều được giải về Nam Định.

Quan tòa bắt bà Đê bỏ đạo, bà đáp: “tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ Chúa muôn đời”. Khi chồng đến thăm, bà Đê giải thích vì sao bà được kiên tâm: “họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức nên tôi không cảm thấy đau đớn.

Bà Đê được phúc tử đạo ngày 12 – 07 – 1841, sau 3 tháng bị giam, thọ 60 tuổi.

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

1, Trong cuộc điều tra phong thánh, hai con bà Đê là Luxia Nụ và Anna Năm nói gì về mẹ các cô?

2, Các quan truyền đánh đòn bà Đê lúc đầu bằng roi, sau lính dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà giải thích cho chồng hiểu tại sao bà được kiên tâm?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.

 

Kiểm tra tương tự

Lễ thánh Stêphanô: Cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại

  Hôm nay, sau hai ngàn năm, thật không may, cuộc bách hại vẫn đang …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 26-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 26/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Lòng trung thành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *