Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
SUY NIỆM
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế và kêu gọi ông Mát-thêu đi theo Ngài.
Thời xưa, để thu được thuế của dân Do thái, Đế quốc Rôma thường mang hợp đồng thu thuế ra đấu thầu giữa dân chúng, ai bỏ thầu cao nhất sẽ được lãnh phận vụ thu thuế của dân. Kẻ thu thuế giúp cho đế quốc sẽ được hưởng huê hồng và có thể hống hách ăn chặn tiền của dân nữa. Bởi vậy, thu thuế là nghề dễ kiếm chác và hái ra tiền nhất thời bấy giờ. Nhưng cũng không có hạng người nào bị dân chúng kinh bỉ, thậm chí bị coi là đồ nhơ bẩn phải tránh xa cho bằng những kẻ thu thuế. Người thu thuế bị coi là kẻ phản bội quê hương, là phường tội lỗi theo luật của người Do Thái, vì họ làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột đồng bào của mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã làm một việc có vẻ rất nguy hiểm, vì Người dám chọn một kẻ thu thuế làm môn đệ, việc này có thể kích động lòng dân cũng như giới lãnh đạo của Do Thái. Nhưng với tấm lòng rộng mở, tràn đầy tình thương và sự chân thành, Chúa Giêsu không để những định kiến đồn đãi làm ảnh hưởng đến thái độ và hành động của mình, Người quan sát và nhìn thấy sức mạnh trong tâm hồn Mát-thêu, Chúa nhìn thấy nơi ông hình ảnh của người môn đệ đích thực và đầy nhiệt tâm để tiếp nối sứ vụ của Người. Đối với Chúa Giêsu, quá khứ của chúng ta không quan trọng cho bằng hiện tại chúng ta là ai, và tương lai chúng ta trở thành người như thế nào.
Phần Mát-thêu, khi được Chúa Giê-su mời gọi: “Anh hãy theo tôi”, ông liền đứng dậy và đi theo Người. Phản ứng của thánh Mat-thêu minh họa một sự đáp trả không chút chần chừ trước tiếng gọi của Chúa Giêsu. Một sự từ bỏ dứt khoát không nghi ngờ hay tiếc nuối, nhưng dấn thân một cách trọn vẹn. Giống như Phêrô, An-rê, Giacôbê và Gioan cũng một lòng từ bỏ chiếc thuyền và tấm lưới, vốn là “cần câu cơm” của họ và bỏ cả chính gia đình mà theo Chúa. Mat-thêu sẵn sàng từ bỏ tiền đồ to lớn, để lòng ông được thanh thoát và trở thành người công chính với danh hiệu “Ân Sủng của Chúa” (Mát-thêu nghĩa là “Ân sủng của Chúa”). Từ bỏ mọi sự chính là một trong các điều kiện tiên quyết đối với người môn đệ của Chúa.
Lời mời gọi “Hãy theo ta” của Chúa dành cho Mát-thêu khi xưa vẫn luôn vang vọng giữa cuộc sống hôm nay. Và lời đáp trả không chỉ đơn giản bằng việc nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” (Mt 7,21-27). Nhưng theo Chúa là từ bỏ tội lỗi, là tín thác vào tình yêu của Ngài, là ăn năn và chịu phép rửa tội, là bước cùng Người vào một cuộc sống mới. Chỉ khi ta quyết tâm quả cảm và dứt khoát thoát ra khỏi vũng lầy tội lỗi, can đảm bước trên con đường chân thật, ngay thẳng, khi đó Chúa mới có thể biến đổi ta từ một kẻ lấm lem, nhơ nhớp thành con người của Ân Sủng.
“Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn;
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ;
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim;
và dám ném mình cho sự Quan Phòng của Chúa.”
(Rabbouni – 153)
——————————————-
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Tham khảo: