Miếng chanh , những trái xoài và thìa canh thục

DLTayNguyen2_1Đối với bạn điều này là hay nhưng với tôi nó thật buồn cười. Đối với bạn món này thật ngon nhưng đối với tôi nó thật đáng sợ. Không ai giống ai về sở thích, và cũng không một dân nào giống dân nào về những tập quán, phong tục, ẩm thực là một ví dụ vậy.

Buổi chiều tôi bước vào một căn nhà xiêu vẹo của một gia đình đồng bào Stiêng, không khói lam chiều, không mùi thức ăn, tôi chỉ thấy một nhóm người đang tụ tập bên chiếc giường tre, họ đang ăn gì đó rất ngon. Tôi tiến đến gần, và theo phong tục của mình, họ mời tôi miếng ngon mà họ có. Tôi đón nhận với tất cả nụ cười trên môi nhưng trong lòng đắng lại! Họ đưa cho tôi một miếng chanh rõ to và kèm theo đó là thìa muối ớt. Vâng, họ đang ăn hoa quả, và đó là món ưa thích của họ: chanh chấm muối ớt. Tôi cũng cố gắng để ăn như họ, nhưng chỉ hai miếng đã thấy ruột cồn cào, nhưng họ nhìn tôi với tất cả sự chăm chú. Món ngon của họ mà….

Những hôm sau nữa đi ra đồng, tôi cùng họ lượm điều, những hạt điều cuối vụ. Dường như những hạt điều lưa thưa không đủ hấp dẫn họ bằng một cây xoài rừng cao với lấp ló những quả xanh trong vòm lá. Bốn cô gái thì hai cô trèo lên cây, một cô ở dưới chụp, và một cô chạy về nhà. Sau 10 phút “lao tác”, mười lăm trái xoài xanh đã nằm trong rổ, và cô gái về nhà đã mang đến một chén nước mắm pha …… bột ngọt. Thay vì là xoài ăn với mắm đường, họ dùng bột ngọt thay đường với hàm lượng tương đương, và thêm vài trái ớt. Mặt tôi trở nên …. xanh như mấy trái xoài trong rổ, tôi ngồi cho qua chuyện, nhấm nháp vài miếng cho có “gọi là” và tiếp tục công việc lượm điều. Nửa tiếng sau tôi quay lại chỗ ấy, tôi gần như té ngửa, mười lăm trái xoài chỉ còn trơ hạt, và nếu ai rành về xoài thì biết xoài rừng nổi tiếng chua như thế nào.

Một bữa cơm, tôi được đãi món đặc biệt của dân làng: canh thục – một thứ canh với đủ các loại rau trộn với những thứ động vật, côn trùng nhét trong ống tre và nấu nhừ để được một thứ hỗn hợp đặc sánh và dậy mùi. Vâng, lại là món đặc biệt, lại là lòng hiếu khách của người dân mà tôi được nếm của ăn lần thứ nhất trong đời (và hi vọng không thêm một lần nữa). Ừ, ăn chanh chấm muốn cũng được, ăn xoài rừng xanh thì cũng được, nhưng món thứ ba thì quả là một thử thách đáng tiền……

Vâng, mỗi miền có mỗi đặc sản, và mỗi nơi người ta có mỗi sở thích khác nhau. Nghĩ miếng chanh và những trái xoài tôi chợt một một mình bật cười, nhưng cũng thấy thi vị. Cuộc sống đơn giản là vậy, niềm vui san chia, cứ hồn nhiên san chia, mặc dù có thể mang đến cho người ta chút phiền phức. Vấn đề là hành vi ấy phát xuất từ một tấm lòng thì lòng người sẽ cảm được, như sách thánh đã viết: “chạm vào mắt làm tuôn rơi nước mắt, chạm vào lòng khiến lộ ra nỗi lòng”. Bỗng nghĩ mà thấy hay hay. Có người thành phố về chơi, chứng kiến cảnh người dân mộc mạc, đời sống lam lũ, có phần “hoang dã” thì phán một câu “thiếu văn minh”. Họ không biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Đơn giản mỗi bên có một nếp sống đặc thù, nếp sống ấy vốn gắn liền với điều kiện mỗi nơi, và phong tục tự ngàn xưa của cha ông. Hẳn cũng cần thay đổi điều nọ điều kia nhưng không thể có một tiêu chuẩn chung cho mọi người mọi nơi được.

Tôi chợt nghĩ đến việc hội nhập văn hóa trong hành trình mang Tin Mừng đến cho con người mọi nơi. Quả thật, nếu có một cái gì đó là chung giữa con người với nhau thì đó là niềm tin, là chân lý sống chứ điểm chung không hẳn đến từ những yếu tố vật chất. Chân lý sống ấy khiến con người nên giống nhau, giống nhau trong cái thiện như Đấng tạo nên con người. Còn việc ăn mặc, nghỉ ngơi…vốn dĩ chỉ là những thói quen có thể thay đổi. Tôi phần nào hiểu những nhà truyền giáo chân chính. Ừ thì xoài, me, cóc, ổi, canh thục, tắm suối hay trèo non, tất thảy đều được. Đưa Tin Mừng vào một nền văn hóa đồng nghĩa với việc thay đổi chính mình để sống giá trị Tin Mừng trong bối cảnh của người bản địa. Nếu tôi không sống được lối sống của người bản địa, thử hỏi làm sao người bản địa có thể sống được Tin Mừng mà tôi giới thiệu cho họ? Tin Mừng là phổ quát cho mọi dân, nhưng nó luôn cắm sâu vào những nền văn hóa cụ thể với những cách thức diễn đạt khác nhau. Bài học xưa của tiền nhân nay vẫn hoài vang vọng và thêm thấm thía với tôi trong một tháng sống với những con người trong một nền văn hóa xa lạ.

Và thấm thía để thực sự nhận ra rằng để có thể là một nhà truyền giáo, hành trang đời tôi thật thiếu thốn biết chừng nào. Tôi cảm thấy thật không dễ để thích nghi với đời sống của những người đồng bào ở đó. Tôi đến sống nhưng có phần giống như một người xa lạ ở giữa họ bởi tôi không thực sự hòa nhập được vào cuộc sống của đồng bào, hoặc chăng tôi chưa đủ thời gian để thích nghi và hội nhập. Vẫn có một rào cản tâm lý khá lớn giữa tôi với họ, và tôi biết để thực sự dấn thân vào hành trình làm một nhà truyền giáo, tôi phải vượt qua được rào cản này, phải dám bỏ qua những khái niệm văn minh của một người “đến từ thành phố” để nhận thấy được cái hồn của đời sống người đồng bào, từ đó mình có thể thật sự nhập cuộc, sống cuộc sống của mình trong nền văn hóa đó.

Tôi sẽ nhớ những trái xoài rừng xanh, những miếng chanh muối ớt hay thìa canh thục như là những hòn đá xinh xinh khiến chân mình vấp trên đường, nhưng tôi cũng luôn nhớ đến những con người đã chìa tay cho tôi những thứ ấy để tôi chợt nhận thấy lòng người bao la, tình người sâu xa trong những diễn tả hết sức đơn thành nhỏ bé. Và tôi biết, đó chính là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin Mừng lớn lên.

Phêrô Nguyễn Huy Hoàng S.J.

 

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Hàn Quốc – Quê hương của hơn 10.000 vị tử đạo

Hàng ngàn Kitô hữu đã tử vì đạo tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *