Mong cho đàn con trai…con gái…

Ảnh minh hoạ

Chúng tôi đặt chân lên miền đất đỏ khi mùa điều đã vào cuối vụ, khi những cơn mưa sớm xua đi phần nào cái nắng nóng tháng 03. Nhà nội trú này là mái nhà của nhiều em dân tộc thiểu số, đông nhất là S’tiêng và Mơnông. Các em được các Sơ “áo xanh” quy tụ về đây để có điều kiện học hành và dạy dỗ tốt hơn, vì đa số cha mẹ các em không đủ tiền trang trải cho việc học, lại bận rộn với việc nương rẫy. Nhiều cặp anh-em, chị-em đã ở đây nhiều năm cho đến khi học xong lớp 12. Nếp sống nhà nội trú không chỉ giúp các em có thể đi học, nhưng còn giúp rèn luyện nhân bản và vun trồng đời sống đức tin.

Những ngày trong tuần, chúng tôi cùng học với các em khi các em không có giờ trên trường. Các em rất dễ thương nhưng vốn đang tuổi ăn học chơi nên nhiều khi bướng bỉnh, lầm lũi làm việc riêng hay ngủ ở cuối lớp. Vì thế nên “người gia sư” cần lắm sự kiên nhẫn và hy sinh. Dần dà, tôi thấy, nhờ thái độ kiên nhẫn của mình mà nhiều em cố gắng hơn trong việc học, cộng tác với tôi hơn trong việc cùng nhau giải bài tập về nhà, ôn lại kiến thức cũ và các buổi học trở nên vui vẻ hơn. Mỗi tối, tụ họp nơi bàn ghế đá, chúng tôi còn hát hò, chia sẻ với nhau những câu chuyện tuổi học trò, những trăn trở và thao thức vào đời… Sống với các em, chúng tôi học cách lắng nghe để thấy được những “cái nghèo” đeo bám các em: cái nghèo đói đã đành; thêm cả cái nghèo về tương lai khi không có ai giúp định hướng nghề nghiệp; nhiều em bị tự ti rất nhiều khi so sánh mình với người Kinh, tự xem mình là tầng lớp “hạng hai”; nhiều em dễ bị ám thị về khả năng của bản thân… Nhưng nơi mỗi em, tôi cũng thấy cái nét đẹp rất riêng của “những người con núi rừng”, sự trong sáng và đơn sơ, cùng lòng đạo đức được gìn giữ và bồi đắp hàng ngày với lời kinh Mân Côi ê a hàng tối, và Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng các em mỗi ngày.

Bên cạnh việc chính là học, các em còn phụ giúp việc nhà và nương rẫy. Nhà nội trú có mấy héc-ta điều và caosu, đất rộng nhưng hoa lợi thì bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và có khi tiền bán mủ caosu còn không đủ để trả công thợ. Có đặt chân lên vùng đất đỏ này, thấy cái hữu hạn của khả năng con người, và những gì Thiên Chúa đã làm cách kì diệu để nuôi dưỡng các em bao năm nay, ta mới thấy bàn tay Chúa quan phòng dường bao. Những buổi rảnh rang hơn, tôi và các em bon bon trên con đường đất đỏ vào rẫy lượm điều cuối vụ hay chặt củi dọn vườn. Tôi thường đùa với các em: ở vùng đất này, có lẽ mồ hôi còn đắt hơn vàng vì làm từ sáng đến trưa, giữa cái nắng chói chang thì ngay cả mồ hôi cũng chẳng kịp làm ướt áo vì vừa mới tiết ra đã bay hơi hết. Những giọt mồ hôi giúp tôi nhận ra rõ hơn giá trị của lao động, cảm được nỗi vất vả và lo toan bộn bề của người lao động chân chính để nuôi sống bản thân và người khác, thấm được cái mệt của những ngày dài miệt mài trên nương đồi, nếm được cái giá phải trả cho những bữa ăn hàng ngày. Mệt nhọc có, nhưng niềm vui cũng không ít. Nhớ làm sao trái xoài xanh chia năm xẻ bảy chấm muối ớt bên chiếc xe cày dưới trời mưa đầu mùa. Nhớ làm sao hạt điều nướng thơm, bùi, ngon lành nướng giữa rừng Cẩm.

Cuối tuần, chúng tôi bon bon trên chiếc xe máy nhỏ, đi vài chục cây số thăm gia đình một số em trong nhà nội trú. Không khỏi rơi nước mắt khi đi và chứng kiến hoàn cảnh dưới mức nghèo khổ của nhiều gia đình, những bắt chẹt chèn ép của người Kinh, con cái không có tương lai vì không đất đai canh tác, không nghề nghiệp, thiếu người dẫn dắt về đời sống đức tin,… cuộc sống càng ngày càng bấp bênh. Đã không còn cảnh du canh du cư như xưa nhưng những căn nhà lụp xụp dựng bằng vài ba cây tre và tấm bạt rách vẫn còn xuất hiện nhiều nơi trên vùng đất Tây Nguyên này.

Ước mong sao Chúa Thánh Thần “hằng rợp bóng” trên các em và các em cũng luôn biết sống “Xin Vâng” như Mẹ Maria để tình yêu các em dành cho Chúa luôn đậm đà, thắm thiết; để Nước Chúa luôn tỏa sáng trên trần gian này. Ước mong sao các em được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp hơn, được hướng dẫn tốt hơn để “gạn đục khơi trong” khỏi bị cuốn theo trào lưu tục hóa, cám dỗ vật chất và các thói hư tật xấu… như lời Thánh Vịnh 144,12-14 thầm ước mong:

Mong đàn con trai ta mạnh như cây vừa lớn

đang tuổi xuân mơn mởn;

mong bầy con gái ta đẹp như hình mỹ nữ

khắc trên cột đền đài.

… và mong sao đầu đường cuối phố

không vẳng tiếng khóc than.

Gió Biển

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *