Một cuộc sống “trên đường”…

1436319912-tom_eckhardt_by_fogke-d30q6a0Giữa cuôc đời có biết bao hành trình, người ta thường cố gắng tìm cho mình một chỗ nghỉ chân. Bởi thế nên mới có cái gọi là gia đình, tổ ấm. Cứ mỗi khi mòn mỏi giữa bao phong ba bão táp, hay khi thân xác đã kiệt quệ rã rời, ai ai cũng muốn dừng lại ở một nơi bình yên để cảm nếm khoảnh khắc ngọt ngào thoải mái. Nơi đó, họ có những khoảng lặng dành cho mình, họ có những khung cảnh thân quen, có người họ yêu quý. Họ đan quyện đời mình vào một chốn ấy và cảm thấy như thể đó là Thiên Đường. Những cuộc hành trình trên chốn dương gian này dẫn người ta về đâu, nếu không phải là đến những bến bờ hạnh phúc như vậy? Người ta vất vả đua tranh với đời để làm gì, nếu không phải để cố gắng tìm ra nơi bình yên làm bến đỗ cho mình?

Kéo chiếc vali ra khỏi phòng, khép nhẹ chiếc cửa, tôi bỗng thấy lòng ngập tràn bao cảm xúc hỗn độn. Người ta vẫn hay nói “đi tu sướng thật, vì được đi đây đi đó, đi khắp nơi”. Phải, kể từ khi dâng mình cho Chúa trong đời tu, bàn chân tôi đã đặt chân đến không biết bao nhiêu mảnh đất, điều mà khi còn là một cậu bé, tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đi đến đâu, đôi mắt tôi mở ra nhiều hơn, trí óc tôi biết nhiều điều mới lạ hơn, tâm hồn tôi cũng được bồi bổ thêm nhờ những kinh nghiệm thực tế. Nhiều người bảo tôi “sướng”, họ nói tôi “may mắn” vì được “đi du lịch miễn phí”, “đi đâu cũng được tiếp đón nồng hậu, kẻ đón người đưa”… Tôi cười thầm, một nụ cười không tên, nhưng ẩn chứa biết bao điều sâu kín.

Trong khi người ta chọn cho mình một chỗ nghỉ chân, thì tôi – cũng như những người sống đời dâng hiến khác – sống mãi một cuộc đời “trên đường phố”. Đôi giày đó, chiếc ba-lô kia đã trở thành người bạn đồng hành với tôi tự lúc nào. Dẫu có trăm ngàn người quý mến, thần tượng tôi, rồi rốt cuộc cũng chỉ còn lại mình tôi độc hành trên con đường đang bước. Đến một nơi nào đó, rồi trong thoáng chốc đã phải ra đi. Khi mọi thứ vừa mới trở nên quen thuộc thì đôi bàn chân và mọi thứ hành lý đã sẵn sàng cất bước. Nơi đây, nơi mà tôi vừa trao gửi chút tình thương nồng ấm, vừa là nhà của tôi, nhưng cũng vừa là quán trọ để tôi lại sức cho cuộc hành trình tiếp theo. Có cái gì đó nơi vùng trời xa xăm đằng kia vẫy gọi tôi, khiến tôi, dù có gắn kết và luyến tiếc nơi đây đến cỡ nào, tôi cũng phải dứt bỏ, buông ra, quay lưng bước đi, mặc cho lòng nhói đau như dao cứa…

Có ai thích khoảnh khắc chia tay đâu … bởi lẽ chia tay là đứt đoạn, đứt đoạn cả con tim và có khi đứt đoạn cả dòng nước mắt. Để rồi, tôi bỗng sợ khi đến đâu mà được người ta trao gửi quá nhiều tình thương. Tôi sợ rằng mình sẽ không thể giữ được lòng mình. Tôi cũng sợ khi tôi ra đi mà có người tiễn đưa nói lời tạm biệt, vì tôi biết là mình sẽ chẳng thể nào cầm được nước mắt. Có đôi khi tôi tự hỏi: là một tu sĩ, mình có nên là một con người vô cảm, dửng dưng trước mọi cảm xúc không? Giá như mình chẳng biết buồn biết vui, chẳng biết thương biết nhớ… thì con tim mình đã chẳng phải như xẻ ra làm đôi mỗi khi khăn gói lên đường vì sứ mạng. Giá như mình có thể dễ dàng gạt đi hết mọi lo lắng, đầu óc mình bớt đi những suy nghĩ thì đôi chân của mình có nhẹ bước hơn không?

Chúa không cất khỏi người tu sĩ một trái tim bằng thịt. Những lời khấn không làm cho người tu sĩ trở nên chai đá lạnh lùng với đời. Một lối sống ngược với tự nhiên thì sao có thể dễ dàng được! Khi quay lưng bước đi đến một chân trời mới, người tu sĩ vẫn còn đó những bận tâm về gia đình, những mối tương quan ruột thịt, về cha mẹ già, về anh chị em, về đàn cháu nhỏ. Khi rời chỗ này để đến một nơi khác, sao họ có thể dễ dàng quên đi bao kỷ niệm đẹp và ngọt ngào đã có với bạn bè và mọi người nơi đây! Một trong những điều mà Chúa đòi hỏi nơi người tu sĩ chính là biết cách gói ghém tất cả những điều ấy vào trái tim, rồi dâng cả trái tim ấy làm của lễ dâng lên Chúa. Bởi thế, của lễ ấy là từng nhức nhói trong lòng, là những vết nứt đau xót không thể tả. Chúa muốn người tu sĩ, không phải mặc lấy lạnh lùng, nhưng là trở nên một con người biết cảm, biết thương và thậm chí còn biết khóc. Chỉ có điều, hãy cảm, hãy thương và hãy khóc bằng sức mạnh của trái tim, chứ không phải chỉ đơn thuần là cảm xúc. Có như thế, lòng mới thanh thoát, trí mới minh mẫn, chí mới vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ cho biết bao sứ mạng đang chờ.

Khi cái nắng đầu ngày vừa dậy, xua tan lớp sương mỏng của một ngày mới, tôi sực nhớ là mình đã mang giày, đeo ba-lô và cầm sẵn thanh kéo của chiếc vali. Tôi lại tiếp tục lên đường đến một miền đất khác. Tôi để lại đằng sau tất cả: bao kỷ niệm đẹp, bao người tôi quý mến, bao khoảnh khắc thần tiên… Tôi cất kỹ chúng vào trái tim mình để hướng về một chân trời mới. Nơi đó, sẽ có biết bao điều mới mẻ đang đợi tôi, có cả niềm vui lẫn khó khăn thách đố. Tôi chỉ mong sao mình có thể nội tâm hóa tất cả để tôi có đủ can đảm và đủ sức để dứt khoát gạt bỏ đi hết những gì đã níu kéo bước chân tôi những ngày tháng qua.

Đã có lần Đức Giêsu khẳng định, Ngài đến không phải để mang bình an nhưng là đem gươm giáo (x.Mt 10,34-35). Đến bây giờ tôi mới thật sự thấm thía câu nói này. Phải, sự xuất hiện của Giêsu trong đời tôi đã làm tôi đau nhiều lắm. Lời mời gọi dành cho sứ mạng mà Ngài dành cho tôi đã khiến tôi nhiều lúc như muốn hóa điên vì cứ phải từ bỏ rồi lại từ bỏ. Nhưng tôi tin đó là con đường duy nhất đưa tôi về bến hạnh phúc.

Xin cảm ơn tất cả mọi người, những người tôi đã gặp gỡ trên hành trình sứ mạng, vì tất cả những điều tốt đẹp đã dành cho tôi.

Tôi – và những người sống đời dâng hiến – cần lời cầu nguyện của quý vị biết bao!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *