Dẫn nhập
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có ít nhiều thành kiến về con người, cũng như các vấn đề khác trong cuộc sống – văn hoá, tôn giáo hay chủng tộc. Thế nhưng, trong thực tế rất ít đề tài nghiên cứu hay đề cập đến thành kiến, vì thế mà để hiểu về nó không phải là điều đơn giản. Trong kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy người ta hay có một cái nhìn không mấy tích cực về thành kiến và cố gắng để loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình. Do vậy, để hiểu một cách đúng về thành kiến cũng như vai trò của nó trong đời sống là điều rất cần thiết. Và đây cũng chính là điều mà tôi quan tâm tìm hiểu trong bài viết này, với ba nội dung chính sau:
– Con người theo quan điểm triết học
– Những cách hiểu khác nhau và nguyên nhân dẫn đến thành kiến
– Làm sao để thành kiến trở nên ích lợi cho đời sống
1. Con người theo quan điểm triết học
Tại sao vấn đề con người được đặt ra ở đây? Vì khi có một sự hiểu biết sâu về con người, sẽ giúp ta hiểu được những điều ẩn chứa đằng sau những suy nghĩ và cách hành xử của mình, từ đó giúp kiểm soát đời sống tốt hơn. Ở đây tôi xin đề cập con người từ góc nhìn của triết học.[1]
Trước hết, định nghĩa về con người là một động vật không chỉ có ý thức, nhưng hơn thế nữa, chúng ta còn có khả năng biết mình ý thức (Awareness of awareness). Đây là điều rất cao quý và đặc biệt, vì khi chúng ta ý thức được điều này, chúng ta sẽ hành xử và phản tỉnh về đời sống của mình tốt hơn. Chẳng hạn, tại sao tôi chọn làm điều này mà không làm điều kia? Từ đó, giúp cho những chọn lựa của chúng ta trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, trong một con người có những căn tính nền tảng và không thay đổi (stable), chính điều này tạo nên tính cá vị của mỗi người, làm cho tôi là tôi chứ không phải là ai khác. Cùng với đó, con người cũng có cả những sự thay đổi (becoming) – về thể lý, tinh thần và suy nghĩ. Chẳng hạn, suy nghĩ và cung cách hành xử của tôi lúc 5 tuổi và 30 tuổi hoàn toàn khác nhau, khi tôi 30 tuổi, tôi không thể suy nghĩ và hành động như khi tôi còn là đứa trẻ 5 tuổi. Như vậy, con người là một sự tổng hoà, vừa có căn tính vững chắc, vừa có sự thay đổi và thích nghi với không gian và thời gian sống một cách cụ thể.
Do đó, cuộc sống của con người sẽ trở nên tốt đẹp khi chúng ta ý thức được những suy nghĩ, cũng như cung cách hành xử của mình. Đồng thời, cần phải có sự uyển chuyển và linh hoạt để thích nghi với từng hoàn cảnh sống cụ thể. Tất cả những điều này cũng có liên hệ một cách khá mật thiết với thành kiến, bởi một khi những khía cạnh này bị tổn thương, nó sẽ làm ngăn cản sự phát triển hài hoà của chúng ta, từ đó làm cho những thành kiến trở nên lệch lạc. Và để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về thành kiến, cũng như những nguyên nhân dẫn đến điều này.
2. Những cách hiểu khác nhau và nguyên nhân dẫn đến thành kiến
a. Những cách hiểu khác nhau về thành kiến
Trong thực tế, có nhiều cách hiểu khác nhau về thành kiến. Trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, thành kiến thường mang nghĩa xấu nhiều hơn là tốt. Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ xem thành kiến ở nhiều góc độ khác nhau, để có một cái nhìn đúng đắn hơn về thành kiến.
Trước hết, thành kiến là sự hiểu biết mà không dựa vào lý do hay kinh nghiệm thực tế. Hay là sự không thích, thù ghét, đối xử cách bất công bắt nguồn từ định kiến hay những ý kiến không có cơ sở.[2] Bên cạnh đó, “thành kiến có thể tốt, vì nó cho người ta cái nhìn sơ khởi về các vấn đề mà ta gặp phải”.[3] Theo góc nhìn của xã hội học, thì thành kiến mang đặc tính nền tảng và phổ quát trong tiến trình nhận thức xã hội của con người, là sự phản tỉnh dựa trên những phán quyết mang tính chủ quan, hay là những năng động mang tính xã hội của cá nhân.[4] Sau cùng, theo các nhà tâm lý xã hội thì thành kiến là có những thái độ và niềm tin tiêu cực. (McKnight & Sutton, 1994).[5]
Như vậy, cách hiểu về thành kiến rất phong phú và đa dạng, nó không chỉ có ý nghĩa tiêu cực, nhưng cả những yếu tố tích cực. Một mặt thành kiến mang lại cho ta sự hiểu biết một cách tổng quan về các vấn đề, từ đó giúp ta có sự thích nghi tốt hơn với cuộc sống. Nhưng mặt khác, thành kiến cũng là nhưng cái nhìn chủ quan và đôi khi mang tính tiêu cực. Do vậy, điều quan trọng không nằm nơi bản chất của thành kiến, nhưng có thể nói, nó phụ thuộc vào ý thức và cung cách hành xử của chúng ta. Sau đây, xin được nêu ra một vài những yếu tố dẫn đến thành kiến.
b. Những nguyên nhân dẫn đến thành kiến
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành kiến, tuy nhiên ở đây tôi chỉ xin đề cập đến hai nguyên nhân chính là yếu tố văn hoá và chủng tộc.
Trước hết, chúng ta nói về khía cạnh văn hoá. Đây thực sự là một điều không đơn giản, bởi nó có tác động rất mạnh đến suy nghĩ và hành xử của chúng ta. Trong thực tế, mỗi người đều có một điểm xuất phát rất khác nhau về văn hoá, môi trường giáo dục, gia đình… tạo nên những quan điểm sống khác nhau. Do vậy, những thành kiến liên quan đến văn hoá không chỉ xảy ra giữa các nền văn hoá hoàn toàn khác biệt nhau – như văn hoá phương Đông và phương Tây – nhưng nó còn xảy ra trong chính một đất nước – văn hoá bắc – trung – nam. Chẳng hạn, khi nói đến người bắc, người ta thường hay nghĩ đến những điều như: trọng hình thức bên ngoài, hung hăng hay ghanh đua. Ngược lại, khi nói đến người miền nam, người ta nói đến sự đơn giản, thoải mái hoặc vô tư. Đây là những điều đến một cách khá tự nhiên và không dễ để xoá đi những điều này trong cách hiểu của nhiều người. Do vậy, cần phải hết sức chú ý về mặt văn hoá.
Bên cạnh đó, chủng tộc cũng là một trong những nguyên nhân mạnh dẫn đến thành kiến. Rõ ràng sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ là một vấn đề rất khó khăn. Chẳng hạn như những thành kiến của người da trắng với người da đen vẫn là một vấn đề không dễ xoá bỏ. Và khi giữ thành kiến này trong lòng, sẽ rất dễ dẫn đến những sự xung đột quá mức cần thiết. Và gần đây nhất là một thanh niên da đen 18 tuổi, sống tại Mỹ, đã bị cảnh sát bắn chết với sáu phát đạn, trong khi anh ta không có vũ khí. Điều này dường như đi quá giới hạn cần thiết, nên cũng dễ hiểu khi người ta đã đứng lên biểu tình để chống lại hành động này.[6] Do vậy, một khi những thành kiến về chủng tộc không được kiểm soát, sẽ rất dễ kéo theo sự đỗ vỡ trong tương quan giữa con người với nhau. Cũng giống như câu trả lời của người phụ nữ Samari khi Đức Giê-su hỏi xin bà nước uống: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” [7]
Trong xã hội hiện đại, mặc dù khoảng cách về mặt văn hoá và chủng tộc đã được thu hẹp hơn, nhưng những thành kiến trong cách nhìn và suy nghĩ vẫn chưa được xoá bỏ một cách hoàn toàn. Điển hình như mối quan hệ giữa người dân Bắc Hàn và Nam Hàn vẫn còn là một khoảng cách xa vời vợi, dù cùng một dân tộc. Do vậy, làm sao để có một cái nhìn đúng về thành kiến và làm cho nó trở nên hữu ích trong đời sống là điều hết sức quan trọng. Ở đây, xin được nêu một vài suy tư cá nhân của tôi về vấn đề này.
3. Làm sao để thành kiến trở nên ích lợi cho đời sống
Trước hết, cần phải ý thức và có cái nhìn đúng mức đối với thành kiến – nên giữ ở mức độ trung dung. Điều này sẽ giúp để thành kiến không trở nên thái quá – quá tốt hay quá xấu. Bởi vì, nếu quá tốt sẽ dễ rơi vào việc thần tượng hoá, hay đề cao quá mức cần thiết. Ngược lại, nếu thành kiến xấu sẽ có nguy cơ làm cho suy nghĩ và thái độ của chúng ta bị sai lệch, và không có tính khách quan. Chẳng hạn, sẽ rất khó để chúng ta nhận thấy những điều tốt đẹp nơi những người mà ta có thành kiến, “người đó thì có gì hay”. Do vậy, cần phải chú ý kiểm soát suy nghĩ và cách hành xử của mình để có tính khách quan hơn.
Bên cạnh đó, không để thành kiến bóp nghẹt tâm trí của chúng ta. Trước hết, bằng việc xem xét và đặt thành kiến đúng vị trí của nó trong cuộc sống, không để mình bị lệ thuộc quá nhiều vào góc nhìn của thành kiến. Điều này sẽ giúp chúng ta mở ra trong các mối tương quan xã hội và ra khỏi lối hiểu bảo thủ của mình. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta để mở ra và hoà hợp trong mối tương quan với con người và cuộc sống tốt hơn.
Hơn nữa, nếu xét ở khía cạnh tri thức luận, thì thành kiến chỉ mới là những suy nghĩ và hiểu biết sơ khởi về một điều gì đó mà thôi, nó chưa phải là kiến thức – knowledge. Trong khi đó, theo Socrate thì “nhân đức là kiến thức hay sự hiểu hiết – knowledge.”[8] Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được tri thức, chứ không chỉ là những hiểu biết nông cạn dựa trên thành kiến, đặc biệt là những thành kiến không tốt. Hơn nữa, nếu xét ở khía cạnh tri thức luận, sự hiểu biết không chỉ là niềm tin thuần túy, nhưng còn phải được kiểm chứng trong thực tế, bởi niềm tin có thể đúng hoặc sai trong thực tế.[9] Chẳng hạn, đôi khi trong thực tế, chúng ta dễ có suy nghĩ rằng người phương tây sống thoải mái và dễ dãi trong các mối quan hệ tình cảm, nhưng liệu rằng đây có phải là số đông, hay chỉ là lối sống của một thành phần nhỏ. Để biết được điều này, đòi buộc chúng ta cần phải có sự tìm hiểu thật kỹ trong thực tế mới có thể hiểu được sâu sắc và đúng đắn. Tóm lại, những hiểu biết mà ta có được từ thành kiến cần phải được xem xét thận trọng trong thực tế, để giúp chúng ta không bị tri phối quá mạnh bởi nó. Bởi nếu không, nó sẽ làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc và khép kín trong suy nghĩ cũng như lối sống.
Sau cùng, điều quan trọng hơn nữa là kiểm soát những chuyển động bên trong tâm hồn của mình, tìm ra những xu hướng hay cách suy nghĩ dễ khiến mình đi không đúng hướng. Từ đó sẽ giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn và có cái nhìn sâu rộng về cuộc sống.
Lời kết
Qua những tìm hiểu và suy tư ở trên, tôi nhận thấy thành kiến có một vai trò quan trọng trong đời sống. Vì nó cho chúng ta có được sự hiểu biết, cũng như có được cái nhìn phổ quát đối với các vấn đề mà chúng ta tiếp xúc thường ngày, đặc biệt là những vấn đề còn mới mẻ. Bên cạnh đó, cũng cần ý thức để mình không bị lệ thuộc quá nhiều vào những gì có được từ thành kiến. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng, tự nó, thành kiến không tốt hay xấu, nhưng nó tuỳ thuộc vào cách suy nghĩ và hành xử của chúng ta. Do vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo và có óc phê phán, cũng như dấn thân tìm hiểu sâu những gì mình có được từ thành kiến. Chính những điều này sẽ giúp chúng ta hiểu biết về thành kiến một cách đúng đắn hơn, cũng như làm cho thành kiến trở nên ích lợi hơn trong cuộc sống
Phaolô Nguyễn Hồng Như Khuê, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] Xem: Từ những bài học của cha Hưng Phạm, S.J.
[2] Xem: Oxford dictionaries
[3] Theo cha Filepe Gomez, S.J, giáo sư thần học tại đại học Ateneo de Manila, Philippines.
[4] Racism and prejudice, The Australian Psychological Society Limited ABN 23 000 543 788 – September 1997, 12.
[5] Jim McKnight (Author) và Jeanna Sutton là hai nhà tâm lý xã hội (Social Psychology).
[6]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/08/140818_missouri_riot.shtml
[7] Ga 4, 9
[8] Xem: Louis p. Pojman, Who Are We? Theories of Human Nature, New York – Oxford, Oxford University press 2006, tr 35.
[9] Xem: Plato, Meno,câu 97 c.