Một Tâm hồn Phó thác

Cầu nguyện với thánh Inhã (bài 2)

Chủ đề: Thánh I-nhã cảm nhận cuộc sống viên mãn chỉ có được,
khi có tương quan thiết thân với Thiên Chúa,
ngài tin rằng Thiên Chúa hướng dẫn ngài từng bước:
“như thầy giáo dạy học trò” (Tự thuật, 27)

Nhập nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng soi dẫn, con tín thác nơi Ngài.

Đôi nét về thánh I-nhã

Khi bình phục các vết thương ở Pamplona và trải qua cuộc hoán cải, ngài hứa sẽ hành hương Giêrusalem. Đúng như ngài nói, khi đôi chân của ngài được bình phục hoàn toàn, ngài đã khởi sự hành trình dài. Để từ bỏ con đường cũ, I-nhã mang lấy thân phận của một kẻ ăn xin, hoàn toàn tin rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu đến những nhu cầu của mình. Sau một hành trình dài và nguy hiểm, ngài đã đến Roma.

At Barcelona, Ignatius boards ship on his way to the Holy Land
March 1523

“Nhiều người đã gặp kẻ ấy và nghe kẻ ấy nói không có một đồng xu nào trả tiền lên tầu đi Giêrusalem thì họ đưa ra nhiều lý lẽ cho kẻ ấy hiểu rằng, nếu không có tiền, thì đừng hòng lên tàu đi Giêrusalem được. Tuy nhiên, kẻ ấy xác tín mãnh liệt không do dự chút nào rằng kẻ ấy sẽ tìm được cách đi Giêrusalem. Tám chín ngày sau Lễ Phục Sinh, sau khi được Đức Giáo Hoàng Adrianô VI ban phép lành, kẻ ấy lên đường đi Vênêzia. Kẻ ấy mang theo sáu, bảy đồng tiền vàng, người ta cho kẻ ấy số tiền đó để trả vé tàu đi Giêrusalem. Kẻ ấy bằng lòng lấy vì họ làm kẻ ấy sợ nếu không có tiền thì không đi được. Nhưng sau hai ngày rời khỏi Roma, kẻ ấy thấy rằng mình đã bằng lòng lấy tiền chỉ vì thiếu lòng tin và hết sức hối hận. Kẻ ấy tự hỏi có nên bỏ lại không. Rốt cuộc kẻ ấy phân phát rộng rãi cho những người kẻ ấy gặp, thường là những người nghèo, và phân phát gần hết. Khi gần tới thành phố Vênêzia kẻ ấy chỉ còn vài chục đồng cắc cần cho đêm hôm đó.” (Tự Thuật, số 40).

Thánh I-nhã xác tín mạnh mẽ trong lòng rằng: “Thiên Chúa sẽ lo cho, và không hề nghi ngờ dù người ta đưa ra nhiều lý do và đặt nhiều nghi vấn.” (Tự Thuật, số 42). Và quả thật, người ta quan tâm đến kẻ hành hương thiếu thốn này và đã lo liệu cho ngài đi đến Đất Thánh.

Phán tính: Hãy suy nghĩ, tôi tín thác như thế nào vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho tôi?

Trích lời thánh I-nhã

Trong một lá thư gởi cho người bạn là Isabel Roser, thánh I-nhã khuyên bà ta nên phó thác vào Chúa, cho dù có đau khổ nhưng Thiên Chúa vẫn dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta.

“Trong lá thư thứ 2 bà kể cho tôi về cơn đau dai dẳng mà bà đã trải qua và về những cơn đau dạ dày dữ dội nữa. Quả thực tôi không thể không cảm thông sâu sắc với bà trong những đau khổ của bà, bởi vì tôi cầu mong cho bà được hạnh phúc và thịnh vượng, miễn là điều này giúp bà làm vinh danh Chúa là Chúa chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta suy gẫm, chúng ta thấy rằng những yếu đuối và những thiếu thốn đời này thường do bàn tay Chúa lo liệu để giúp chúng ta nhận biết con người mình tốt hơn và loại bỏ đi chính cái tôi yêu mến các thụ tạo. Hơn nữa, chúng giúp chúng ta tập trung suy nghĩ về sự ngắn ngủi của cuộc đời này, để chuẩn bị cho sự sống khác không bao giờ tàn lụi. Khi tôi nghĩ rằng trong những đau khổ này, Thiên Chúa đến viếng thăm những ai Ngài yêu thương, thì tôi không cảm thấy buồn và đau đớn, vì qua một căn bệnh, tôi nhận thấy rằng: Thiên Chúa hướng dẫn và sắp xếp cuộc đời của tôi nhằm tôn vinh và phục vụ Thiên Chúa.”

Suy gẫm

Cho đến thời điểm ngài bị thương tại Pamplona và năm trên giường bệnh, I-nhã hoàn toàn cậy dựa vào sức mình. Khi ngài đọc và suy niệm về cuộc đời Đức Kitô, niềm tin của ngài được biến đổi. Ngài bắt đầu thấy rằng chân lý ở trong Đức Giêsu, và ngài nhận ra sự thật đã giải thoát ngài (Ga 8, 32). Ngài đi vào một mối tương quan cá vị thiết thân với Thiên Chúa. Tâm hồn ngài tràn đầy niềm hy vọng.

I-nhã dần dần nhận ra rằng Thiên Chúa đã và đang hướng dẫn ngài: “Chúa đối sử với I-nhã như thầy giáo dạy học trò” (Tự thuật, số 27). I-nhã đã học tốt bài học đầu tiên này. Ngài đã học tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, ngài đón nhận sự hiện diện và hướng dẫn của Thiên Chúa trong cuộc sống của ngài.

Hãy đọc lại và suy niệm phần “trích lời thánh I-nhã”. Dành thời gian để lắng nghe thánh I-nhã nói những lời này với bạn. Khi bạn đi qua một đoạn mà bạn được soi sáng một cách đặc biệt, hãy tâm sự về đoạn này với thánh I-nhã. Hãy hỏi ngài và tự hỏi bạn, đoạn đó có ý nghĩa gì? Khi bạn đã kết thúc cuộc đối thoại, hãy viết ra một vài suy nghĩ của bạn.

Đoạn trích Kinh Thánh Cựu ước: Đnl 32, 4-7

4 Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo,
vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay.
Chúa tín thành, không mảy may gian dối,
Người quả là chính trực công minh.
5 Những đứa con mà Chúa đã sinh ra không tì ố
lại lỗi đạo với Người, ôi nòi giống lưu manh tà vạy!
6 Hỡi dân tộc ngu si khờ dại,
ngươi đáp đền ơn ĐỨC CHÚA vậy sao?
Há chính Người chẳng phải cha ngươi,
Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?
7 Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ,
và ngẫm xem từng thế hệ qua rồi.
Cứ hỏi cha ngươi là người sẽ dạy,
thỉnh bậc lão thành, họ sẽ nói cho nghe.

Hãy ngẫm xem câu chuyện đời bạn và lòng thành tín của Thiên Chúa. Ngồi yên lặng. Hít thở sâu. Trấn tĩnh tâm hồn. Hãy liệt kê ít nhất 7 biến cố chính yếu định hình đời sống bạn. Cứ mỗi biến cố hãy viết ra những suy tư của bạn vì biến cố đó là phương tiện hình thành niềm tin và sự phó thác của bạn vào Thiên Chúa như thế nào?

Sau đó viết ra những phản ứng của bạn theo những câu hỏi này: sự can thiệp của Thiên Chúa lộ rõ trong mỗi biến cố như thế nào? Trong mỗi biến cố, điều tốt, sự khôn ngoan và sự trưởng thành đến như thế nào?

  • Hãy trao đổi với Thiên Chúa về kế hoạch mà Thiên Chúa mặc khải cho bạn đang dần dần hé mở như thế nào trong toàn bộ phạm vi đời sống của bạn. Bạn đã hy vọng hơn như thế nào? Bạn cảm thấy Thiên Chúa đang bảo vệ, nâng đỡ và hướng dẫn bạn ra sao?
  • Trong Linh thao, thánh I-nhã khuyên những thao viên tâm sự với Chúa Giêsu: “chính là như một người bạn nói với bạn mình hay như một người đầy tớ nói với chủ mình, khi xin một ơn, khi thú một lỗi, khi tỏ bày việc mình và xin chỉ bảo.” (Linh Thao, số 54 ). Bây giờ Chúa Giêsu đang ở với bạn. Hãy tâm sự với Ngài về những khoảnh khắc trong cuộc đời bạn, bạn cần phó thác hơn, và về những cách thức bạn chối từ sự phó thác nơi Ngài.
  • Suy nghĩ câu chuyện về sự phó thác của thánh I-nhã mà Thiên Chúa ban cho ngài trên hành trình lên Giêrusalem. Bạn đã quan tâm đến nhu cầu của anh chị em nghèo khổ chưa? Có bao giờ bạn chia sẻ những ân huệ mà Thiên Chúa đã quảng đại ban cho bạn? Bạn đã thực hiện những bước cụ thể nào để biểu lộ sự phó thác của bạn vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn và để bạn quan tâm đến người khác?

Lời Chúa: Ep 1, 4-10

4Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. 5Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, 6 để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. 9Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.

Kết nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin củng cố trong con niềm tin và sự phó thác vào Ngài. Như thánh I-nhã, xin cho con khám phá ra Ngài đã hiện diện và hướng dẫn con như thế nào trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của đời sống con. Xin cho con dần nhận ra cách Chúa nói với con trong cuộc sống. Hãy mở lòng con để con biết lắng nghe Lời yêu thương của ngài, để tâm hồn con ngập tràn niềm hy vọng.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *