Sức tàn phá của “cơn hồng thủy covid” đến nay thật khủng khiếp. Người ta nhìn vào báo cáo với những con số lây nhiễm và tử vong đến lo âu nghẹt thở. Con virus chỉ có thể gọi tên chứ không thể sờ chạm đang phô bày sức hủy diệt cái hữu hình nơi thân phận con người. Từ một tiếp xúc nhẹ, sự biến dịch nơi cái hữu hình nhanh chóng trở thành một thực tại bất động và tan biến. Nghĩ mà phù vân hết nẻo đường trần!
Trong chốn chông chênh ấy, đang “tự thức” con người trỗi dậy với hoàn cảnh khắc nghiệt này. Sức mạnh của sự sinh tồn là một ân ban. Nó không thể ngủ vùi trong khoảng tối của thái độ dửng dưng. Sự bừng tỉnh của nó tiềm ẩn nơi tinh thần và niềm xác tín vào một thế giới cao diệu thiêng liêng. Lúc này, dù thuộc bất cứ tâm thức tôn giáo hay chỉ thực hành tín ngưỡng tự nhiên, ai cũng có thái độ khiêm cung và trân trọng giây phút trở về với cõi thâm sâu nhất của lòng mình. Những ngày dịch giặc này, chúng ta cảm nhận thái độ ấy nơi mọi người một cách chính thực nhất.
Người ta bừng tỉnh giới hạn của con người trong mọi chiều kích của cuộc sống. Người ta bừng tỉnh sự thiếu vắng tình thương sẽ vùi lấp đi giá trị của phẩm giá người. Người ta bừng tỉnh mối tương giao giữa vũ trụ và con người cần phải được xây dựng lại theo đúng nghĩa của nó. Người ta bừng tỉnh thế giới vật chất và tâm linh phải thuộc về nhau. Người ta bừng tỉnh thân xác và linh hồn là một thể thống nhất không thể tách rời. Người ta bừng tỉnh sự tồn tại trên trần gian là giới hạn, niềm tin vào một cuộc sống vĩnh hằng bên kia bờ trần gian là có thực. Và sau tất cả, người ta bừng tỉnh Thiên Chúa là căn nguyên cho mọi sự thiện hảo mà con người phải quy về chính Ngài.
Sống qua ngày chờ qua đời là một thái độ dai dẳng đánh mất niềm hy vọng. Người ta ăn uống ngủ nghỉ, chơi đùa hay làm việc với một tâm thức “nông cạn” đến hững hờ vô tâm. Lúc này đây, cơn dịch bệnh như là cơ hội bừng tỉnh thái độ trân trọng cuộc sống và gợi thức hành động cho một mục đích cụ thể.
Xã hội nào cũng muôn nẻo kiếp người. Kẻ giỏi giang giàu có, người chức quyền danh vọng, phận khố rách áo ôm. Cơn dịch bệnh đang giúp định xác lại giá trị của con người. Sang hèn cũng chỉ là cái ảo của trần ai. Kẻ giàu sang có thể rất hèn và kẻ nghèo hèn có thể rất sang. Tất cả sẽ lộ ra và chẳng hơn thua gì. Tình thương là thước đo sự sang hèn. Phẩm giá người mới đáng để trân trọng.
Tiếng khóc của vũ trụ vạn vật âm thâm quá. Sự tàn phá thiên nhiên đau đến mức vạn hữu không thể bật khóc thành tiếng. Con người từng ngày đang phá hủy chính mình bởi đánh mất sự cân bằng sinh thái. Tiếng kêu của vũ trụ trong cơn dịch bệnh quá là tha thiết. Chúng ta tỉnh ngộ ra rằng, sức khỏe của thiên nhiên là sức khỏe của con người.
Hãy dâng trả tất cả những gì tốt đẹp cho Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn thiện và hoàn mỹ. Tất cả trong trời đất được Ngài dựng nên, và cũng mang thuộc tính của Ngài. Bởi thế, dấu vết ấy bao hàm trong bất cứ thực tại nào. Xã hội hiện đại đánh mất chiều kích tâm linh trong các thực tại trần thế bởi những nền văn hóa hưởng thụ, thực dụng và tục hóa. Cơn đại dịch tự thức chúng ta sự tồn tại của thế giới linh thiêng này trong cuộc đời và trong mọi thực tại. Sự thực hữu mang tính hữu hình và vô hình ấy phải thuộc về nhau trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
Con người là một thể thống nhất xác hồn. Phẩm giá người không thể quan niệm khác ngoài sự kết hợp huyền nhiệm mang tính ngôi vị này. Khoa học nhiều lúc can thiệp quá sâu vào thân xác mà bỏ quên vẻ đẹp của hồn thiêng. Y khoa và phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm cho cái hình hài thay đổi nhưng chẳng thể can thiệp vào bản chất của con người. Người ta “hững mũi” khi có những vẻ đẹp bên ngoài. Dịch Covid điều chỉnh thái độ “kiêu hãnh” trong sự phá đổ mối tương quan giữa thân xác và linh hồn.
Đau thương tột cùng của thời đại dịch là sự chết tràn lan. Người ta chết đã đau thương, nhưng chết trong cô đơn lại càng thương đau. Ra đi trong cảnh có người thân mà thiếu vắng sự hiện diện, đưa tiễn một đoạn đường cuối cuộc đời. Chết thời đại dịch cho chúng ta ngộ ra thân phận con người trên cõi trần mỏng manh dễ vỡ. Thời đại dịch, đứng trước cái chết, vấn nạn về niềm xác tín vào sự sống đời sau có lẽ đã được trả lời cho nhiều người. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời trong Đức Giêsu Kitô, thức tỉnh tâm hồn nhiều người làm một cuộc hoán cải riêng tư với Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã chết theo quan niệm của Nietzsche, có lẽ chính trong lúc dịch bệnh này đã làm cho nhiều người nghĩ đến. Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại bệnh này? Ít nhất người ta cũng nghĩ đến Thiên Chúa trong lúc gặp khó khăn, đó cũng là sự bừng tỉnh rồi. Thời hiện đại, người ta quên mất Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Sự vô cảm về thế giới Thiên Linh có lẽ hết thuốc chữa. Thời dịch bệnh, Thiên Chúa ở xa trong niềm tin đã chết nơi mỗi người chúng ta. Sao chúng ta không thấy tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi những chia sẻ, yêu thương và giúp nhau vượt qua cơn dịch mà mọi người trao cho nhau. Tình người chưa bao giờ gắn kết và yêu thương như trong thời đại dịch. Ai cũng cầu mong cho cơn dịch qua đi, ai cũng sẵn sàng chạnh lòng trước sự đau thương của anh chị em đang ở trong tâm dịch. Bao nhiêu bác sĩ y tá, tình nguyện viên, bao nhiêu tu sĩ lên đường vì mong đem yêu thương chữa lành những bệnh nhân. Bấy nhiêu ấy cũng đủ để chúng ta nhận ra Chúa, và bàn tay Ngài vẫn luôn nâng đỡ chúng ta.
“Tâm Sự Của Con Tim” như là sự bừng tỉnh của bạn Maria Nguyễn Oanh trên trang facebook cá nhân của mình là kinh nghiệm để kết thúc cho những suy gẫm này. Con tim của bạn ấy tâm sự rằng: “Cảm ơn bạn những người đã tiên phong trong những công việc thiện nguyện, chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân đang nhiễm bệnh hay tại các khu cách ly. Cảm ơn bạn đã giúp tôi được tiêm vaccine và tạ ơn Chúa về những triệu chứng sau khi tiêm vaccine giúp tôi như được thông phần vào những đau khổ của nhân loại nhiều hơn. Cám ơn bạn đã ngày đêm không mệt mỏi nhưng đầy nhiệt huyết để hết mình dấn thân phục vụ trên những chuyến xe cấp cứu, mỗi ngày tôi được nghe, giúp tôi biết nhắc nhớ bản thân hơn trong việc cầu nguyện, hy sinh và thông phần vào nỗi đau của nhân loại, đã và đang phải oằn mình trước sự bùng phát của cơn đại dịch ngày hôm nay, để trái tim tôi cũng biết hướng về tha nhân nhiều hơn. Cám ơn những hy sinh, lời nguyện cầu thầm lặng của bạn dành cho tôi, cho Giáo Hội và cho Thế Giới. Cảm ơn Chúa vì tất cả qua những nghĩa cử cao đẹp, nơi trái tim của mỗi người để con biết Chúa yêu thương chúng con thật nhiều. Tôi muốn nói với bạn rằng: Cảm ơn bạn với tất cả lòng biết ơn và sự trân quý! Niềm vui của tôi là được nhìn thấy các bạn luôi tươi vui và bình an, biết nhận ra được những giá trị sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho từng người. Thiên Chúa yêu các bạn và Ngài hằng chạnh lòng xót thương.”
Phan Hiếu
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)