Nay anh mai tôi

Mid adult man with flowers and candles visiting graves at the cemetery.

 

Chiều dần buông nơi miền quê nghèo xa xôi hẻo lánh. Những chiếc lá cuối cùng trên cành cây đang lơ lửng trước ngọn gió, chờ ngày lìa cành về cội. Từng tia nắng ấm cuối ngày cũng ngậm ngùi  ẩn mình dưới chân núi. Khí trời trở nên se lạnh, đan xen những cơn mưa phùn bất chợt, làm cho mỗi người không ngừng khắc khoải về cõi nhân sinh. Giữa khung cảnh đó, từng đoàn người lặng lẽ tiến bước về nghĩa trang để viếng mộ những người thân đã ra đi. Những câu kinh, tiếng hát được cất lên phá vỡ  bầu khí tĩnh lặng vốn có; những hương thơm của nén nhang hoà vào mùi thơm vài bông hoa xua đi tiết trời se lạnh; và những ánh sáng của bao cây nến thắp lên niềm hy vọng cho những người con sống hay đã qua đời….

Tôi theo dòng người vội vã, lê thê từng bước tiến ra nghĩa trang. Tôi lướt qua từng ngôi mộ nhỏ, thấy những di ảnh đang dần phai mờ theo dòng thời gian. Trên những di ảnh đó, tôi thấy có những cái tên xa lạ đến thân quen, những người trẻ đến người già, người nam đến nữa nữ, và cả những người giàu cũng như người nghèo. Tất cả ai cũng nằm xuống nơi mảnh đất đáng sợ và bình yên này. Phải chăng, cái chết luôn bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt ai. Như một vĩ nhân đã từng nói: Con người sinh ra là hành trình đi về cái chết.

Ngẫm! Mới đây thôi, bao nhiêu người thân thương của tôi còn ngồi ăn, ngồi uống, ngồi nói chuyện vui vẻ nay lại khuất bóng đi xa; mới hôm qua, người anh người chị của tôi còn chia sẻ với tôi những lý tưởng sống, những hoài bão tương lai mà bây giờ đôi mắt đã nhắm lại, giọng nói đã lịm tắt và trái tim đã ngừng đập; và cũng chỉ hôm nay thôi, người bạn thân thiết của tôi, người mà tôi luôn chia sẻ mọi chuyện vui buồn với nhau, nay lại bỏ tôi một mình….Tất cả còn lại cái tên và di ảnh nhỏ được khắc ghi trên bia đá, đặt lên trên nấm mộ nhỏ giữa mảnh đất dành cho bao người chết.

Ôi! sự sống của con người thật mong manh. Mong manh đến nỗi chỉ cơn gió thoảng qua cũng đã lấy đi sự sống của biết bao người. Lời Thánh vịnh (103, 13-14) cũng đã diễn tả sự sống con người rằng: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình”. Biết là mong manh, biết là lo sợ, biết là phù vân và biết mình sẽ chết, ấy vậy, mà tâm lý chung con người ít ai quan tâm hay lưu tâm trước sự trước, trừ khi đối diện ở ngưỡng cửa “thập tử nhất sinh”.

Thật vậy, mọi sự nơi trần gian chỉ là phù vân. Thử hỏi, khi chết con người có mang theo được tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe cộ…, đi theo mình không? Dù giàu hay nghèo, gia sản chung của mỗi người sau khi chết chỉ là ba tấc đất, chiếc áo quan và bia mộ nhỏ thôi. Như lời thánh vịnh đã diễn tả: “Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv 49, 12). Vì thế, nơi cuộc sống nơi trần gian, thay vì trang điểm cuộc sống của mình bằng những “danh-lợi-vọng”, thì mỗi người hãy điểm trang nơi tâm hồn của mình ngang qua cung cách sống ” sống với – sống vì- sống cho”.

Người Estonia có câu ngạn ngữ rất hay rằng:”Cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”. Điều đó như đã nói trên, cái chết không loại trừ một ai. Bởi có sinh ắt có tử, một quy luật tất yếu của cuộc đời. Đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, không ai có thể nối dài sự sống của mình thêm một giây. Cũng vậy, không một ai chết rồi có thể sống lại trên mặt đất này nữa, ngoại trừ “Đấng” biểu lộ quyền năng của Ngài. Đồng quan điểm đó, triết gia Heraclitus cũng đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Điều đó như muốn nói, mọi khoảnh khắc đều qua đi và không thể trở lại được.

Vậy, nơi cuộc sống tại thế của tôi, tôi phải làm gì để khi Thiên Chúa gọi tôi, tôi luôn tỉnh thức và sẵn sàng để đáp lại tiếng gọi?

Sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Chuyện kể về thánh Đaminh Savio rằng: Trong lúc 3 đứa trẻ đang chơi ngoài sân. Cha thánh Donbosco tiến lại và hỏi ba đứa trẻ: Nếu ngày hôm nay Chúa gọi các con về, các con sẽ làm gì? Đứa trẻ thứ nhất bảo, con sẽ về nói với bố mẹ và người thân của con là con yêu họ rất nhiều; đứa trẻ thứ 2 thì nói, con sẽ đi tạm biệt tất cả những người con yêu quý; còn thánh Đaminh Savio thì nói, con sẽ tiếp tục chơi. Một câu trả lời rất đáng để mỗi người suy ngẫm? Bởi chính thánh nhân đã sống trọn giây phút thực tại ngang qua việc chu toàn bổn phận của mình. Vì thế, nơi tâm hồn thánh nhân luôn sẵn sàng và tỉnh thức để đáp lại lời gọi của Thiên Chúa.

Sống với, sống vì và sống cho. Một triết gia đã từng nói: “Con người là hữu thể có tương quan, nhờ tương quan mà con người có thể duy trì được sự sống”. Con người sống trên mặt đất này đều có sự liên kết cách mật thiết với nhau. Không ai lớn lên và phát triển nếu chỉ com cụm trong nội vi của bản thân, nhưng đó là sự tương trợ và bổ túc cho nhau để giúp nhau lớn lên. Vì thế, ngang qua bậc sống của mình, mỗi người phải không ngừng biểu lộ lòng thương cảm đối với tha nhân ngang qua chứng ta yêu thương. Nhờ yêu thương, mỗi người biết sống quảng đại, bao dung, tha thứ và biết mang gánh nặng cho nhau.

Bên cạnh đó, tình liên đới phải được xây dựng trên nền tảng là tình yêu. Tình yêu là chất xúc tác giúp con người nối kết và xây dựng bầu khí hoà hợp thương yêu nhau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã nhấn mạnh về sự tồn tại của tình yêu như sau: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.”  Với những ca từ đó, cố nhạc sĩ muốn gợi lên trong tiềm thức của con người về tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống trần gian. Tình yêu làm cho con người sống tốt đẹp giây phút thực tại, mở ra cho con người cánh cửa tương lai và gợi lên niềm hy vọng vào một cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Nay anh mai tôi! Xin hãy nhớ và cầu nguyện cho tôi. Và nếu tôi được về với Đấng tôi hằng khao khát, tôi sẽ nhớ và cầu nguyện cho anh! Xin đừng lãng quên tôi, hỡi những người đang còn sống.

Gioan

 

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …