Nét Đẹp Văn Hóa Vu Lan

Nhân dịp tháng 11, tháng ‘Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời’, Giáo hội Công Giáo cầu nguyện cách đặt biệt cho những người đã khuất, trong đó có người thân là tổ tiên, ông bà, cha mẹ. . . và cả những bạn hữu thân quen. Thói quen tốt lành và tâm tình thánh thiện này nói lên tấm lòng của những người còn đang sống dành cho những người đã khuất. Đây cũng chính là Đạo Hiếu mà con cháu thực hiện cho các bậc Tiền Nhân. Chuyên mục Đối Thoại Tôn Giáo xin giới thiệu một số bài viết chia sẻ của một số thành viên trong ban mục vụ  Đối Thoại Liên Tôn của Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh, và của một số bạn hữu các tôn giáo bạn.

———————————————————-

Nét Đẹp Văn hóa Vu Lan

Vu lan vào Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, từ lâu đời, trong một bộ phận đông đảo người Việt theo đạo Phật, đạo Cao Đài là lễ hội quen thuộc, rất được trân trọng. Có người chỉ quen mùi thịt cá, đến thời điểm này cũng ráng “ép mình” ăn chay trọn tháng Bảy âm lịch, gọi là để báo hiếu ông bà, cha mẹ. Có người bận bịu công việc đời thường, cũng cố thu xếp thời gian để đêm Rằm tháng Bảy đi đến mái chùa hay tới ngôi thánh thất quen thuộc, hiệp cùng bổn đạo sở tại dâng lễ, thành kính cầu siêu cho người thân quá vãng.

Lễ vu lan gắn liền với chữ hiếu. Điều này cho thấy vu lan không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là nét đẹp văn hóa trong truyền thống đạo đức dân tộc.

Nhà sư Ấn Độ Dharmaraksa khi sang Trung Quốc vào đời Tây Tấn và dịch văn bản Ullambana Sutra ra chữ Hán (khoảng năm 266-313 hay 317) đã rất tinh tế khi chuyển âm tiết lam (trong từ ullambana) ra lan. Theo chữ Hán, lan không chỉ là hoa lan mà còn mang ý nghĩa thơm tho, thanh tao, tinh tuyền trong sạch (fragrant, elegant, refined. theo R.H. Mathews, A Chinese-English Dictionary. Shanghai 1931).

Âm tiết ul (trong từ ullambana) được chuyển thành vu, theo chữ Hán có nghĩa là cái chậu, cái bát (basin, bowl). Vì đâu lại dùng nghĩa này?

Phật Thích ca có mười đại đệ tử được xếp vào hàng đệ nhất, đứng đầu là Xá Lợi Phất (trí huệ đệ nhất), kế tiếp là Mục Kiện Liên (thần thông đệ nhất), v.v… Sau khi đắc quả a la hán, ông Mục Kiện Liên dùng mắt thần thông tìm xem hồn mẹ ở đâu thì thấy bà Thanh Đề đang đọa địa ngục, đói khát. Tuy phép lực thần thông, Mục Kiện Liên vẫn không thể cứu mẹ; thậm chí, muốn cho mẹ đói được ăn mà cũng thúc thủ chịu thua. Mục Kiện Liên đành về hỏi Phật. Nhân dịp này Phật thuyết kinh Vu lan (Ullambana Sutra), dạy Mục Kiện Liên vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch dâng bát (vu) cúng dường chư tăng, nhờ sức tập thể của chúng tăng cầu nguyện mới có thể giải thoát mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đấy có lễ vu lan, hội vu lan để phận làm con báo ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Người Trung Quốc còn gọi hội vu lan là hoan hỷ hội, gọi ngày vu lan là hoan hỷ nhật bởi lẽ đây là dịp vui của những người con hiếu thảo và của những linh hồn được cứu rỗi.

Lễ vu lan được tổ chức vào cuối thời kỳ an cư của tăng ni, tức là sau ba tháng mùa mưa (từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy âm lịch). An cư là ba tháng tăng ni không xuất hành, ở tại chùa lo tu học kinh kệ và thực hành thiền định. Theo Japanese-English Buddhist Dictionary (1965), đây là tập quán của tu sĩ Bà La Môn (Ấn Độ Giáo) nhưng được Phật Thích Ca chấp nhận, cho áp dụng trong cộng đồng tăng ni.

Như đã nói ở trên, vu lan là nét đẹp văn hóa đạo đức, phù hợp truyền thống dân tộc. Vu lan góp phần duy trì căn bản đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu, nhắc nhở đạo làm con. Hiểu như vậy để thấy tại sao ở Trung Quốc, dù vu lan là lễ của đạo Phật mà những người theo đạo Khổng, đạo Lão cũng đều chấp nhận. Như Eitel giải thích, bởi vì vu lan hoàn toàn phù hợp truyền thống thờ cúng tổ tiên (theo A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, Đài Bắc 1962).

Châu Âu không có tục thờ cúng tổ tiên. Hiếu với người phương Tây có lẽ cũng không được nâng lên thành đạo. Tuy vậy, ở Mỹ có tập quán chọn hai ngày trong năm để nhớ ơn cha mẹ. Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) nhằm Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm và Ngày Của Cha (Father’s Day) nhằm Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu. Họ bán các thiệp in sẵn để con cái gởi cha mẹ trong hai ngày này. Phải chăng vì đời sống công nghiệp buộc ràng, họ chọn Chủ Nhật để gia đình dễ đoàn tụ? Và với tập quán “Lady first”, ưu tiên cho phụ nữ, họ đã dành ngày lễ của mẹ trước ngày lễ của cha cả năm tuần.

Đạo làm con đối với cha mẹ là cả đời chứ đâu phải đợi đến ngày N tháng T rồi thì mới biết thương tưởng, kính nhớ. Tuy nhiên, nếu đặt ra một ngày lễ chung cho cả nước thì sẽ là một điều rất hay. Việt Nam mấy ngàn năm văn hiến nay đã có các ngày Quốc Tế Phụ Nữ, ngày Nhà Giáo, ngày Thầy Thuốc… thậm chí còn du nhập cả ngày Tình Yêu (Valentine Day)… Nhưng phải chăng đó vẫn chỉ mới là ai nhớ … “Ai”, còn mẹ cha cốt nhục sinh thành dưỡng dục nên ai thì ai kia nào đã có một ngày để nhớ?

Hỏi như vậy để thấy trong lúc Việt Nam chưa có ngày của Mẹ, của Cha thì vu lan là dịp duy nhất để trong một năm con cái biết xếp lại việc đời bề bộn mà nhớ thương, kính dưỡng các bậc sinh thành. Nói thế là cần biết nâng vu lan lên một bậc, đừng hạn hẹp rằng vu lan chỉ để báo hiếu cha mẹ quá vãng. Vu lan cũng nên là dịp để nghĩ đến mẹ cha đang còn sống giữa đời mình, là dịp mà phận làm con sẽ thấy hạnh phúc trọn vẹn khi còn đủ cha đủ mẹ, hay sẽ ngậm ngùi vì thiếu vắng hình bóng từ thân.

Yêu nhau, người ta thường hay chọn hoa hồng. Yêu cha kính mẹ, nên dâng hoa gì? Hay là sẽ dâng lên một cành lan tinh khiết thoảng hương?

Huệ Khải Lê Anh Dũng

Kiểm tra tương tự

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

Lời cuối cùng của thánh Inhaxiô Loyola trước khi qua đời

Giống như bao con người khác, sau một khoảng thời gian sống tại thế và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *