Đọc lại trình thuật của sách Sáng Thế, mường tượng đến cảnh thiên nhiên vừa hùng tráng vừa tuyệt đẹp, hẳn là ai trong chúng ta cũng cảm thấy thích thú. Tìm nơi đâu trên trái đất này một khung cảnh hòa điệu đến thế! Mọi sự đều được Tạo Hóa dựng nên cách tài tình. Rồi Tạo Hóa trao cho tất cả cho con người trông coi và chăm sóc. Thiên Chúa ban cho con người quyền bá chủ trên tất cả để con người sử dụng chúng thế nào tùy thích. Có quyền bá chủ này, cứ ngỡ mọi chuyện đều hoàn bị và cuộc sống của con người cứ thế mà bình thản trôi. Thế nhưng, điều cứ day dứt con người mãi, là tại sao đã trao ban cho con người tự do, Thiên Chúa vẫn còn giới hạn lại một chút. Tại sao Ngài không cho phép mình ăn trái biết thiện ác giữa vườn kia? Không cam chịu điều đó, con người đã cả gan làm điều không được phép và hậu họa cho tính ngang bướng kiêu ngạo của họ là một sự mất mát to lớn đến khôn cùng.
Câu chuyện biểu tượng của Kinh Thánh dường như cũng khơi gợi lên trong chúng ta một thực tại của kiếp con người này: con người chúng ta được dựng lên là những hữu thể tự do, nhưng không phải là một sự tự do tuyệt đối. Ta có thể làm những gì ta muốn, nhưng có những điều ta không được phép làm. Khi đi đường, ta không thể muốn lái xe thế nào tùy thích, nhưng phải tuân theo luật giao thông, chạy đúng phần đường quy định với một tốc độ an toàn. Khi tham gia vào một tổ chức, ta không thể đi sớm về muộn thế nào cũng được, hay làm việc được giao cách tùy hứng, nhưng phải tôn trọng những quy định mà tổ chức đề ra. Khi tham gia một trận bóng, ta không thể muốn chơi thế nào thì chơi, nhưng phải làm theo những gì luật chơi đề ra để có thể có được một cuộc chơi đầy phấn khởi và hữu ích. Ta có tự do, nhưng là tự do trong khuôn khổ, trong một chừng mực nào đó được cho là an toàn, đủ để ta sống tự do của mình, xét như là một thụ tạo.
Cũng như cám dỗ năm xưa xảy đến với những con người đầu tiên trong vườn Địa Đàng, chúng ta vẫn thường có xu hướng muốn có một sự tự do tuyệt đối. Ta thấy khó chịu khi phải tuân theo luật. Ta không thích ai đó áp đặt điều gì trên ta. Ngay từ khi còn bé, những lần bố mẹ cấm cản ta điều này, không cho ta làm điều kia, ta đều cảm thấy hậm hực và cho rằng bố mẹ không thương ta, ghét bỏ ta. Ta đâu biết rằng những cấm cản ấy là vì lo cho ta, vì sợ ta sa ngã, gặp hiểm nguy rồi đánh mất chính mình. Sống trong Giáo Hội, ta được tưới gội bằng ân sủng từng giây từng phút, nhưng cảm thức yêu mến Giáo Hội chẳng bao nhiêu, còn lại chỉ là những trách móc, than phiền. Tại sao Giáo Hội khắt khe quá, sao cứ bắt phải thế này thế nọ, sao cứ luật này luật kia? Bạn bè của ta ở ngoài kia có tuân thủ gì đâu, vẫn nhà cao cửa rộng, vẫn ung dung sung sướng đấy thôi. Nghĩ thế, ta đâm ra chê trách rồi tự buông mình, sẵn sàng đưa tay hái trái cấm để tìm đến một sự tự do theo kiểu cách của ta.
Có những luật lệ làm hư hại phẩm giá và nhân cách con người. Những kiểu luật này đã bị Đức Giêsu mạnh mẽ lên án. Nhưng cũng có những luật lệ góp phần làm cho con người trở nên tốt hơn. Ta không thể có một sự tự do tuyệt đối là bởi vì chúng ta không phải là Đấng Tuyệt Đối. Ta được Người ban cho một tự do, nhưng không phải là kiểu tự do phóng túng, thích làm gì thì làm. Cố gắng đi tìm một kiểu tự do như thế chỉ là một kiểu ngông nghênh, vỗ ngực với Chúa và tranh quyền tạo hóa với Người. Chúa không cho phép ta làm điều này điều kia, cũng hệt như bố mẹ tập cho con cái mình sống theo nền nếp, không được đi chơi khuya, không được nghịch với lửa… Tất cả cũng chỉ vì một lòng yêu và mong muốn cho ta được an toàn, hạnh phúc. Trí óc ta nhỏ hẹp quá, đã không hiểu được nỗi lòng này, còn đan tâm căm ghét, rồi tìm cách lươn lẹo, luồng lách, cốt chỉ để thỏa mãn cho những ý muốn sống phóng túng, thoải mái, theo sở nguyện riêng của ta.
Luật lệ có thể làm ta khó chịu, nhưng nó chính là bức tường bảo vệ ta khỏi những hiểm nguy đang rình rập ta bên ngoài. Ta có thể làm bất cứ điều gì mình thích, nhưng chỉ nên ở trong một khuôn khổ nhất định mà thôi. Có những điều ta không nên thử, dù chỉ một lần, vì nó có thể làm nguy hại cho cả cuộc đời ta và lắm khi ta không thể sửa chữa được nữa. Điều này đòi hỏi ta phải có một niềm tin lớn vào Chúa, vào Giáo Hội, vào cha mẹ, vào các bậc khôn ngoan và từng trải. Đừng tỏ ra là mình giỏi, mình tài, mình biết nhiều hơn các bậc tiền bối. Và cũng đừng làm cho họ phải đau lòng vì sự ngang bướng và luồng lách, dối trá của chúng ta.
Có một con cá nhỏ kia, được nuôi trong một bể cá nhỏ. Từ trong bể cá, nó nhìn ra ngoài, thấy có bao nhiêu điều tuyệt vời. Nó muốn được ra ngoài. Nó nghĩ là chắc ở ngoài sẽ vui và thoải mái hơn. Nó gặp một con cá lớn tuổi và hỏi: “Tại sao mình cứ phải ở trong cái bể nhỏ xíu này? Tại sao mình không ra ngoài kia để bơi đến nhiều chỗ hơn, có nhiều cái để chơi hơn?” Con cá lớn tuổi trả lời: “Con à, chúng ta chỉ có thể tung tăng bên trong cái hồ này thôi. Ra ngoài, chúng ta sẽ chết đấy!” Nhưng con cá nhỏ không tin vì nó thấy có biết bao loài sống ngoài kia có chết gì đâu. Thế rồi, bất chấp lời khuyên can, con cá nhỏ cố gắng hết sức để phóng mình ra khỏi thành bể. Sau nhiều lần cố gắng, nó cũng thành công. Phút ban đầu, nó hớn hở lắm vì thấy được nhiều điều mà khi ở trong bể, nó không được thấy. Nó còn quay lại chê cười con cá già là ngớ ngẩn và không khôn lanh bằng nó. Niềm vui chưa kịp dứt, nó bắt đầu cảm thấy khó thở, cả người cứng đơ lại, không thể bơi được nữa. Nó không hiểu vì sao. Nó chợt nhớ lại lời căn dặn của con cá lớn tuổi khi trước. Trước khi cảm thấy đuối sức, nó cố gắng đưa mắt nhìn lại bể. Tiếc nuối! Nó thấy con cá lớn đang nhìn nó. Buồn rười rượi!
Các bạn thân mến, có bao giờ các bạn thấy mình giống như con cá nhỏ này không?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ