Ngài đã yêu chúng ta trước

 

Lm. Giuse Nguyễn Công Ðoan S.J.

“Tình yêu của Chúa là như thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng Ngài đã yêu chúng ta trước và đã gởi Con của Ngai đến làm của lễ xá tội cho chúng ta…” (1 Gio 4,10).

Thế đấy bạn ạ. Tình Yêu của Ngài là Tình yêu nguồn mạch, tình yêu làm cho đối thể được hiện hữu và tồn tại.

Ngài yêu ta nên ta mới có mặt trên đời để đón nhận tình yêu ấy.

Ngài yêu ta nên mới đeo đuổi ta đến nỗi gởi con của Ngài đến làm lễ xá tội mà cho ta được quay mặt lại với Ngài sau khi ta đã quay lưng.

Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta là Ðức Kitô, khi chúng ta là kẻ tội lỗi, đã chết vì chúng ta (x.Rom 5,8).

Ðiều kỳ diệu nhất là Ngài không muốn chiếm hữu chúng ta như một đồ vật, nhưng cho chúng ta tự do đón nhận hay từ chối. Cả bằng chứng lớn nhất Ngài đưa ra cũng chỉ mang tính mời gọi: “Ai tin vào Người Con ấy thì sẽ được sống…”

Ngài chấp nhận chơi ú à và cút bắt với chúng ta để chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài và tự mở lòng, mở tay mà đón Ngài, sà vào lòng Ngài.

Và Ngài mời gọi chúng ta phải yêu như Ngài đã yêu.

“Nếu các con yêu mến những ai yêu mến các con, thì có đáng công trạng gì đâu… hãy hoàn thiện như Cha các con trên trời” (Mt 5,46-48). Muốn hoàn thiện như Cha trên trời thì “tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, các con hãy làm cho người ta trước đi!” (Mt 7,13). Ðó là cách giải thích chính xác và đầy đủ nhất giới răn “yêu người như chính mình”. Nếu lấy mình làm thước đo, thì phải đo cho người trước, mình muốn người ta làm cho mình cái gì thì hãy làm cho người ta trước đi, không phải để rồi người ta làm lại cho mình đâu, nhưng để nên giống Cha, nên hoàn thiện như Cha trên trời thôi. “Cha đã yêu thương Thầy thế nào, Thầy đã thương các con như vậy. Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy”.

Bắt chước Ngài ở điểm này thật khó, bởi vì nó ngược với tính tự nhiên, tính tự kỷ trung tâm của ta: muốn mình là cái rốn của trái đất, mọi người, mọi sự phải vừa ý mình, nếu không thì không chấp nhận. Yêu người yêu mình, người vừa ý mình, vừa mắt mình… còn không thế thì ghét, thì chê, thì xa lánh.

Chúa Giêsu đã đến với những người, mà người đời xa lánh, ruồng bỏ: những người phong cùi, những người bị xếp hạng là tội lỗi, những người nghèo… và sự hiện diện của Ngài thay đổi họ, làm cho họ được sạch, tha tội cho họ, chia sẻ nỗi cùng khổ của họ, an ủi họ, loan tin mừng cho họ. “Ngài đã nên nghèo hèn để chúng ta được giàu sang”.

Bắt chước Ngài điều này khó ở bước đầu, vì nó trái với tính tự nhiên của ta, khó ở bước sau, khi ta đã nếm mùi vong ân, sự hất hủi. Chính Chúa Giêsu đã trải qua nỗi đau ấy: Ngài cảm thấy mình là “cung đàn lạc điệu”, giống như đám trẻ không ăn cánh với nhau khi nô đùa trên công viên, thổi sáo điệu vui thì không chịu nhảy, xướng điệu buồn thì không chịu khóc. Nếu chúng ta sống như Ngài đã sống và yêu như Ngài đã yêu thì thế nào chúng ta cũng phải nếm thân phận “cung đàn lạc điệu”, vì “không giống ai”.

Từ ngàn xưa vẫn như thế bạn ơi. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Người chính trực là cái gai trước mắt kẻ gian ác (Kng 2,12-20).

Thế giới hôm nay và xã hội này cần thứ tình yêu đi trước ấy để thoát khỏi chiến tranh hủy diệt và khỏi sự tan rã. Khi người ta cố nén cái tôi xuống bằng cách không cho nó đất sống thì nó bùng lên để độc chiếm tất cả. Mỗi người chỉ còn lo cho mình, cho gia đình mình trước đã, còn xã hội, đất nước thì để người khác lo, bởi vì họ thấy chẳng ai thiết thực lo cho họ và gia đình họ. Báo chí hằng ngày nêu đầy những chuyện “cha chung không ai khóc”. Sự thờ ơ với số phận người bên cạnh, với tương lai của dân tộc đã tới mức báo động. Ðau thương, nghèo đói quá nhiều, những con tim khối óc và những bàn tay để săn sóc, chữa chạy thì quá ít.

Cuộc sống buồn, đau, khổ, quá nhiều
Tâm hồn, thể xác biết bao nhiêu
Trăm mắt, nghìn tay không chữa hết
Vạn nỗi sầu thương đủ trăm chiều.

Yêu mến từng con người

Ðặc tính thứ hai của tình yêu như Ngài đã yêu, là yêu từng con người nhỏ bé nhất, hèn kém nhất. Ngài không yêu thương loài người một cách chung chung, nhưng là từng con người. Thông điệp đầu tiên của Ðức Gioan Phaolô II mang tên “Ðấng cứu chuộc con người” nhấn mạnh điều này.

Chúa Giêsu trân trọng từng con người nhỏ bé và dạy môn đệ chớ coi thường một ai. Chúa tự đồng hóa với mỗi con người nhỏ bé nhất: “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người nhỏ bé nhất này là làm cho Ta vậy” – và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người nhỏ bé nhất này là các người không làm cho Ta vậy” (Mt 25,40-45). “Ai đón tiếp một người nhỏ bé như thế này nhân danh Ta là tiếp nhận Ta đấy” (Mt 18,5-10).

Trên đường Chúa đi, Chúa đã chẳng làm ngơ trước một con người nào đang đau khổ: kẻ phong cùi mà mọi người xa lánh, kẻ mù bị mọi người khinh chê, người mẹ giá khóc thương con một, người cha có đứa con động kinh, viên sĩ quan có người đầy tớ thân tín bị bệnh… Ngài âu yếm như mẹ hiền cúi xuống từng đứa con mà săn sóc ân cần chắt chiu.

Ngày nay, người ta hay nói đến đồng bào, đến dân tộc, nhưng người ta lại ít khi nhận thức được rằng dân tộc, đồng bào không phải là cái gì trừu tượng vu vơ, mà là những con người máu đỏ da vàng đang chen chúc bên nhau trên mảnh đất quê hương hình chữ S này. Người ta sẵn sàng hy sinh vì đất nước nhưng lại khó nhường nhịn yêu thương người đồng bào bằng xương bằng thịt đang sống bên mình. Người ta vỗ ngực là người phục vụ nhân dân, nhưng nhiều khi quên rằng nhân dân là con người đang đau khổ, đang đói, đang khóc trước mặt mình, đang cần được mình giúp đỡ. Mỗi lần đọc kinh Mười Ðiều Răn, ta nhắc lại hai điều: “trước kính mến một Ðức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy”, nhưng ta lại quên rằng, người mà ta phải yêu như mình ta vậy lại chính là con người bằng xương bằng thịt đang đứng bên ta, đang chen lấn ta ở cửa hàng, ở quầy vé, thậm chí đang làm phiền ta, đang thù ghét ta…

Yêu mến thiết thực

Yêu mến từng con người chỉ thành sự thực khi yêu mến một cách thiết thực. Chúa Giêsu đã yêu mến tất cả và mỗi người Ngài gặp một cách thiết thực. Ngài chẳng để họ về không mỗi khi họ tiếp nhận Ngài. Người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, người mẹ mất con được lại con, người chị mất em đuợc lại em, thậm chí đám cưới đang lúng túng vì thiếu rượu cũng được Ngài cho rượu tràn trề. Ngài quan tâm cả tới nỗi mệt nhọc của môn đệ và đưa họ đi nghỉ dưỡng sức, Ngài quan tâm cả tới những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Tình yêu của Ngài thiết thực như một người mẹ hiền săn sóc con cái. Trong chuyện kể về ngày phán xét, Ngài kể ra những điều thiết thực: cho ăn, cho uống, cho mặc, thăm viếng…

Các tông đồ cũng nhắc người ta những điều thiết thực ấy và bác bỏ thứ yêu thương bằng lời nói đầu môi chóp lưỡi (1 Gio 3,16-18). Ðể có thể đi tới chỗ hiến mạng sống mình vì anh em, trước tiên phải tập từ những cái nho nhỏ: quan tâm tới và chia sẻ những cái nhỏ bé hằng ngày với lòng mong muốn anh em mình được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui vì niềm vui của người khác, buồn nỗi buồn của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Hiến mạng sống là biến cố cuối cùng, hành động cuối cùng, nó chỉ có thể xảy ra khi người ta đã biết cho đi từng giây phút, từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời an ủi… Thánh Maximilien Kolbe đã trải qua tất cả quá trình ấy cho tới hành động cuối cùng, nên hành động cuối cùng của ngài cũng tự phát và nhẹ nhàng, giản dị như là nhường một miếng ăn, một ngụm nước vậy thôi, không cần lý luận, đấu tranh nội tâm… bởi vì ngài đã sẵn sàng như thế từ lâu, giống như một kiếm sĩ tài ba xuất chiêu cuối cùng của mình cũng nhẹ nhàng như chiêu mở đầu.

Chỉ khi ta đã biết yêu quí người khác một cách đích thân và thiết thực, biết quí và trân trọng mạng sống và hạnh phúc của người khác, mong cho họ được sống dồi dào hơn, được hạnh phúc hơn, và thực hiện lời Chúa dạy: “Ðiều mình muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta trước đi!”, lúc đó ta mới có thể đặt mạng sống và hạnh phúc của người khác trên mạng sống và hạnh phúc của mình, và sẵn sàng theo Chúa Giêsu đến bằng chứng lớn nhất của tình yêu.

Khi ta biết yêu như thế, thì ta cũng sẽ biết quí trọng vạn vật, sẽ có thể gọi là anh mặt trời, chị hằng nga, và muôn loài sinh vật đều là “anh em”, đều chung hưởng sự tốt đẹp và đáng yêu của chính Thiên Chúa. Ta sẽ gặp thấy Thiên Chúa trong mọi sự.

Yêu thương và Thánh Thần

Khi ta yêu mến từng con người một cách thiết thực như thế, ta sẽ hiểu được những đặc tính hoặc thái độ của bác ái mà thánh Phaolô kể trong 1 Cor 13,4-7. Tất cả là tiếp nhận và trân trọng một con người và tự coi mình là kẻ phải phục vụ con người ấy như Chúa Giêsu, Ðấng “đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. “Người lớn nhất trong các con phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,41-45).

Khi ta cư xử như thế ta là kẻ phục vụ, tất nhiên ta phải rộng lượng, mau mắn giúp đỡ, khiêm tốn lịch thiệp, không nổi giận, không chấp nhất điều gì: tin tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả. Ðó là những tính cách của một tiếp viên mà bất cứ cơ sở giao dịch nào cũng muốn có được. Nếu có lần nào bạn đã gặp một tiếp viên hàng không, du lịch, phòng giao dịch của các công ty lớn ở các nước văn minh, bạn sẽ hiểu được người môn đệ của Chúa bao giờ cũng phải như thế và ví ai cũng phải như thế, bởi vì bạn là tiếp viên của Chúa, bạn phải đón nhận mọi người thế nào để họ hài lòng về Chúa của bạn, có cảm tình với Chúa của bạn, và như cảm thấy được chính Chúa tiếp vậy, cũng như người tiếp viên giỏi làm cho khách hàng có cảm tình với công ty của mình…

Nhưng nếu bạn tò mò đối chiếu đoạn 1 Cor 13 trên đây với Gal 5,19-24 thì bạn lại khám phá được một điều thú vị nữa, đó là những tính cách của Ðức Ái lại chính là hoa trái của Thánh Thần. Vậy thì lòng yêu thương, đức ái trong ta là một tác động, một ơn của Thánh Thần. Thánh Thần giúp ta giết chết những tính cách của con người xác thịt luôn trái ngược với đức ái, và giúp ta sống theo tình yêu xuất phát từ trái tim Thiên Chúa. Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Cha với Con, và cũng là Tình Yêu nối kết ta với Cha và Con, làm cho ta gọi Thiên Chúa là Cha và sống làm con Thiên Chúa (Rm 8), đồng thời làm cho ta nhận ra người khác là anh em và sống như người anh em của mọi người, như Chúa Giêsu đã đến trần gian để làm người anh em của mọi người (coi Heb 2,10-18).

Ðiều này dẫn ta đến một đặc tính khác trong tình bác ái: chia sẻ chứ không ban phát. “Tất cả chúng con là anh em với nhau”. Chỉ có Cha trên trời là Ðấng ban phát cho mọi loài và mọi người, bởi vì Ngài là nguồn mạch mọi sự tốt lành, còn chúng ta là con cái, tất cả những gì ta có đều là nhận được: “Anh có gì mà không phải là do nhận được không?” Tính chất riêng của Cha là cho, của con là nhận. Nếu tất cả cùng nhận của Cha thì chỉ có thể chia sẻ lại cho nhau chứ không phải là phân phát.

Chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã muốn nên anh em với chúng ta và chia sẻ cho chúng ta những gì Ngài đã nhận của Cha: Mọi sự của Cha là của Con, mọi sự của Con là của Cha”. Ngài đến chung với chúng ta thân phận con người để chia sẻ cho chúng ta phận Con Thiên Chúa của Ngài: “Phàm là con cái thì cùng chung huyết nhục, nên Ngài cũng chung phần huyết nhục với chúng ta”. Thậm chí Ngài đã thông phần chịu thử thách như chúng ta để có thể cứu giúp những kẻ bị thử thách (Dt 2,10-18).

Thái độ chia sẻ tự nó bao hàm sự tôn trọng: tôn trọng anh em vì cùng nhau đứng trước mặt Cha như con cái; tôn trọng những gì mình có, vì là của Cha ban cho; đồng thời cũng bao hàm sự quảng đại nữa, bởi vì không phải là của riêng mình mà là của Cha trao, cũng không phải cho người xa lạ, mà là chia cho anh em chung một Cha.

Kiểm tra tương tự

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

GIÊSU, TẤM BÁNH HẰNG SỐNG | Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên B

Trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu xác định căn tính và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *